Giá điện nào cho EVN và cho người tiêu dùng?

Nguyễn Ngọc Chu

12-7-2020

1. MỤC ĐÍCH CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG VÀ EVN?

Sáng ngày 08/7/2020 Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chia sẻ với báo chí về giá điện mới. Theo đó Bộ Công Thương sẽ đưa ra 2 phương án giá điện 5 bậc thang và giá điện 1 giá cùng tồn tại cho khách hàng lựa chọn.

Điều được biết duy nhất, chắc như đinh đóng cột, là Bộ Công Thương cầm đàng chuôi, EVN không bao giờ chịu lỗ, người tiêu dùng phải chấp nhận giá đưa ra. Vấn đề là EVN sẽ lời bao nhiêu mà thôi. Điều này được khẳng định qua các thông tin dưới đây.

“Ngoài phương án 5 bậc, bộ sẽ đưa ra lấy ý kiến về phương án 1 giá để khách hàng lựa chọn, ai không thích bậc thang thì có thể chọn phương án 1 giá. Một giá thì đương nhiên không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng, 1.864,44 đồng/kWh”.

“Cơ sở để xây dựng giá điện một giá, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, là dựa trên giá điện bình quân. Theo đó, không phải tất cả người tiêu dùng sử dụng phương án một giá, mà chỉ số ít người sử dụng nhiều điện sẽ lựa chọn phương án này. Tính bình quân cho toàn xã hội thì phương án một giá sẽ được xây dựng cao hơn giá điện bình quân”.

“Có thể những người sử dụng dưới 300 kWh sẽ vẫn chọn biểu giá bậc thang để tính tiền điện. Thống kê cho hay số lượng khách hàng sử dụng dưới 400 kWh một tháng khoảng 70-80% tổng số lượng khách hàng”.

“Ông Vượng cũng cho rằng phương án nào cũng có mặt được và không được, nên phải tính toán tổng thể đối tượng nào trong xã hội chịu tác động. Chính sách hiện hành vẫn đang tập trung quan tâm tới người có thu nhập thấp, sử dụng điện ít chiếm tới 70-80% (sử dụng dưới 400 kWh/tháng)”.

Như vậy là rõ. Bộ Công Thương sẽ giữ lại giá điện bậc thang cho người tiêu dùng không quá 300 kWh và xây dựng giá điện 1 giá nằm trong khoảng giá điện của bậc 301- 400 kWh.

Hãy nhìn vào 6 mức giá bậc thang hiện nay là:

1.678 đồng (0-50 kWh), 1.734 đồng (51-100 kWh), 2.014 đồng (101-200 kWh), 2.536 đồng (201-300 kWh), 2.834 đồng (301-400 kWh), 2.927 đồng (>401 kWh).

Từ đó để thấy giá bậc thang cho người sử dụng không quá 300 kWh là 2.536 đ/1kWh. Và giá điện 1 giá sẽ nằm trong khoảng ( 2.536 đồng – 2.834 đồng).

2. EVN LÃI BAO NHIÊU?

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tại cuộc họp báo chiều ngày 18/12/2019 thì:

“Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727 đồng/kWh. Trong khi đó, EVN bán ra là 1.731 đồng/kWh.

Như vậy, mỗi kWh điện chỉ lãi được 4 đồng”.

“Cũng theo ông Vượng, năm 2018, EVN lãi 698 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%. Ông Vượng cho rằng tỷ suất lợi nhuận sau thuế như vậy là rất thấp”.

Giá điện bình quân đang bán năm 2020 là 1.864,44 đồng. So với mức bán ra 1.731 đồng thì EVN đang có khoản lợi nhuận rất không nhỏ. Như vậy, một cách tổng quát, EVN có khoản thặng dư mới 133,44 đ/1kWh. Tính thô theo doanh thu điện năm 2018 là 332.284 tỷ thì EVN có thêm khoảng thu nhập khoảng 25.615 tỷ đồng.

Đó là một khoản tiền lớn. Dù có trừ đi các chi phí phát sinh do giá thành tăng và trượt giá thì vẫn còn lại một khoản tiền lãi lớn. Điều đó lý giải tại sao lương lãnh đạo EVN năm 2019 bình quân là 47,173 triệu đồng/người /tháng, và lương bình quân của người lao động ở công ty mẹ ENV lên tới 23,105 triệu đồng/người/tháng – lớn gấp 3 lần thu nhập bình quân của người lao động và gấp gần 8 lần mức lương tối thiểu. Điều đó lý giải tại sao EVN đang đề xuất tăng lương cho lãnh đạo lên 37% đến 64,577 triệu đồng/người/tháng.

Xin hỏi ông Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng rằng:

Nếu Bộ Công Thương không lấy giá trung bình 1.864,44 đồng làm giá điện 1 giá, mà xác định giá điện 1 giá trong khoảng ( 2.536 đồng – 2.834 đồng) để bắt người tiêu dùng sử dụng không quá 300 kWh phải chấp nhận giá điện bậc thang ở mức 2.536 đ/1kWh – thì EVN sẽ có khoản lãi là bao nhiêu?

Phải trả lời ngay đó là con số khổng lồ. Phải nói ngay đó là bất công cho người tiêu dùng.

3. GIÁ ĐIỆN CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG?

Để đảm bảo cho EVN không lỗ, lại đảm bảo cho người tiêu dùng trả tiền thấp nhất, bằng cách đơn giản là sử dụng mô hình toán học để tìm ra lời giải tối ưu cho cả hai phía. Tiếc thay, ở Việt Nam, các tập đoàn nhà nước không chịu ứng dụng các phương pháp tối ưu toán học trong quản lý, trong khi ở các nước công nghiệp phát triển, các mô hình toán học được ứng dụng rộng rãi trong khắp mọi lĩnh vực của đời sống.

Không đi vào chi tiết ở đây, nhưng khẳng định rằng mô hình toán học sẽ cho lời giải giá điện 1 giá nằm trong khoảng (1.727 đồng – 1.864 đồng). Nếu quản lý khoa học, minh bạch, giảm thất thoát thì giá điện 1 giá sẽ còn thấp hơn 1.727 đồng.

4. GIÁ ĐIỆN HỢP LÝ ĐỂ EVN VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG CÙNG CHẤP NHẬN?

Giá điện 1 giá đảm bảo cho EVN còn rất lời, mà người tiêu dùng chấp nhận được chính là giá 1.864 đồng. Như vậy Bộ Công Thương giữ lại 2 mức giá bậc thang: 1.678 đồng (0-50 kWh), 1.734 đồng (51-100 kWh) và chốt giá 1.864 đồng cho toàn bộ mức tiêu dùng khác.

Xin đảm bảo với ông Hoàng Quốc Vượng rằng EVN không thể lỗ với mức giá trên. EVN sẽ còn lời nhiều hơn khi lượng tiêu thụ điện sẽ tăng, vì giá 1.864 đồng sẽ kích thích nhu cầu dùng điện tăng cho toàn bộ các hộ gia đình sử dụng trên 100 kWh. Điều này có thể dễ dàng chứng minh bằng mô hình toán học.

Nếu lãnh đạo EVN kêu lỗ, thì cách tốt nhất đối với Bộ Công Thương là thay lãnh đạo mới cho EVN. Sẽ có người khi nhận vị trí đứng đầu EVN sẽ đảm bảo với lãnh đạo Bộ Công Thương rằng EVN rất lời với giá điện 1.864 đồng.

5. GIÁ ĐIỆN ÁP ĐẶT?

Nếu lãnh đạo Bộ Công Thương chưa đủ sáng suốt để nhìn thấy mức rất lời của EVN ở giá điện 1864 đồng, mà phải chịu sức ép từ các nhân tố khác, thì dưới đây là đề xuất khác.

Giữ lại các giá bậc thang 3 nấc:

1.678 đồng (0-50 kWh), 1.734 đồng (51-100 kWh), 2.014 đồng (101-200 kWh).

Chốt giá điện 1 giá ở mức 2.014 đồng.

Đảm bảo rằng, đây là phương án EVN có lời rất lớn. Nóí theo thuật ngữ gần đây là “quá dày”. Mức độ lời này được chứng minh bằng các tính toán qua mô hình toán học, chứ không phải khẳng định võ biền hồ đồ.

Quyết định giá nào tùy thuộc vào trí tuệ của lãnh đạo Bộ Công Thương, chứ không phụ thuộc vào tính toán của EVN.

6. GIẢI PHÁP TRIỆT ĐỂ?

Các giải pháp trên vẫn là tình thế. Muốn giải quyết triệt để bài toán giá thành điện cần đi theo quy luật thị trường. Trong số đó:

– Xóa bỏ độc quyền trong sản xuất và cung cấp điện.

– Phát triển mạnh mẽ các nguồn điện vĩnh cửu và không ô nhiễm là điện mặt trời, điện gió và điện thủy triều.

– Ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ trong sản xuất, cung ứng, dịch vụ, và quản lý điện.

– Cải cách cơ chế ngành điện.

Điện là “phép màu” của phát triển kinh tế. Bộ Công Thương chiếm 2 trong 3 trụ cột của nền kinh tế quốc gia là Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương mại. Bộ trưởng Bộ Công Thương phải là một người sáng láng. Sáng láng đến mức thừa năng lực để làm Thủ tướng. Bởi vì Bộ Công Thương là động cơ chính của nền kinh tế quốc dân.

Đau xót thay, ông Vũ Huy Hoàng đã tàn phá Bộ Công Thương trong suốt 8 năm 250 ngày (02/8/2007-08/4/2016). Phia trước, bầu trời Bộ Công Thương chưa thấy hửng sáng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “– Phát triển mạnh mẽ các nguồn điện vĩnh cửu và không ô nhiễm là điện mặt trời, điện gió và điện thủy triều.”
    -Chắc chắn rằng, theo năm tháng, giá điện, xăng, dầu tại VN chỉ có tăng lên, ko bao giờ giảm (như giá xăng, dầu trong nc phải giảm là do áp lực khi giá Thế giới giảm; VN giảm giá xăng, dầu thì giảm nhỏ giọt, thay vì giảm 01 lần lại chia làm nhiều lần, để che dấu thủ thuật là giảm 5~6 giá bao giờ cũng thấp hơn khi tăng 2~3 giá). Dân Việt, các doanh nghiệp có điều kiện tài chính nên nhanh chóng lắp điện mặt trời áp mái sd cho sinh hoạt, sau này là pin năng lượng mặt trời sd cho xe điện, rất có lợi là Ông Trời cung cấp năng lượng miễn phí, ko lấy tiền suốt đời.
    -Các bài viết của bác Nguyễn Ngọc Chu dạo này đọc càng hay quá, Bác viết nhiều lại chắc tay, năng lượng viết của Bác nhiều thiệt. Chúc Bác khỏe, viết khỏe.

Comments are closed.