8-7-2020
Lại nói về Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên. Ông Sơn vừa có cú drift xe Prado (lấy của dự án HIV) nổi tiếng. Cú drift này thì báo chí và mạng xã hội đã nói nhiều rồi, xin không thưa lại.
Nhưng như hôm qua tôi vừa nói, với tư cách một người đàn ông, một người Cộng sản ở vị trí cao nhưng ông Sơn lại rất lắt léo khi nói về người đi cùng: Lúc thì người thân, lúc lại con dâu, khi thì người không quen cho đi nhờ. Tất nhiên chả ai tin một ông Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy lại cho người không quen đi nhờ cả. Người thân thì được. Và cũng dễ hiểu khi ông về nhà và cho con cháu đi nhờ. Có sai nhưng thể tất được.
Thể tất được nếu sau đó là lời xin lỗi. Rằng thì tôi xuề xòa nghĩ con cháu về cùng nhà với mình nên cho đi cùng. Rằng là tôi biết có vi phạm nhưng mà rằng thì là mà…
Một lời xin lỗi của một người đàn ông, một người cha, một người ông. Của một người Cộng sản như cái chức danh ông đang mang. Cái chức danh giúp ông có xe đến tận cửa máy bay ship về nhà riêng.
Nhưng ông chỉ nhớ mỗi cái chức danh mà thôi. Khi gặp báo chí, mở đầu ông nói: Tôi là Phó Bí thư Tỉnh ủy nên tôi có quyền A, B, C.
Đúng mà. Ông có quyền có xe đưa đón. Có quyền đón tận cửa máy bay. Nhưng việc cho con cháu hay người thân hay người không quen ngự trên con xe tỷ bạc của Nhà nước là việc vượt quyền. Tuy nó không tày đình bằng việc Văn phòng Bộ Công Thương điều xe đến cửa máy bay đón “chị và cháu” nhưng cách xử sự của ông lại kém Bộ trưởng quá nhiều.
Bộ trưởng (hay thân cận) đã thảo ra một bức thư xin lỗi. Dù rằng xin lỗi xong thì chiếc xe biển xanh của Bộ Công Thương vẫn đã vào tận cửa máy bay đón “chị và cháu”. Dù rằng xin lỗi xong cũng chả ai đòi “chị và cháu” tiền xăng đưa đón.
Nhưng dù sao lời xin lỗi đó cũng đáng mặt đàn ông và thể hiện phần nào sự cầu thị. Còn ông thì đòi Công an làm rõ động cơ của việc đưa hình ông lên mạng. Nhưng ông quên rằng, cái xe biển xanh đó, xăng để chạy cỗ máy Prado đó, và cả lương dành cho lái xe chở ông đều từ tiền thuế của dân. TIỀN THUẾ CỦA DÂN. Viết thế cho nó nét.
Và khi người dân bị cắt tiền thuế khi mua lít xăng hay đi vào cao tốc, thì họ có quyền giám sát xem tiền thuế của họ được những người như ông tiêu pha như thế nào và ra làm sao.
Đưa việc của ông lên mạng không phải là câu like. Mà đó là Điều 2, Điều 3 của Hiến pháp 2013 đấy.
Có thể ông không đọc luật. Có thể ở Phú Yên thì ông là luật. Nhưng mà cái cách mở đầu câu chuyện “Tôi là Phó Bí thư Tỉnh ủy…” nó cứ sai sai thế nào í. Trong hệ thống này, ông to thì to thật nhưng mới chỉ đứng thứ nhì trong một địa phương. Cả nước có 63 tỉnh thành, chưa kể Bộ, ban, ngành.
Vậy nên, nếu may mắn tiếp tục được tín nhiệm trong Đại hội tới, mong ông suy xét lại. Hãy tập mở đầu câu chuyện bằng cụm từ “Tôi xin lỗi…” khi có lỗi.
Như đã nói ở tút trước, người Việt Nam chả có gì ngoài tính vị tha. Trước ông cũng đã có ông xin lỗi vì xe biển xanh rồi và lại đang không ngừng tỏa sáng.
Phải nhìn vào vết bánh xe của người đi trước chứ. Nhất là khi họ cũng đi biển xanh như mình chứ không phải biển vàng Grab taxi.
“Thứ mà ta học được nhiều nhất là cách xin lỗi và lời cám ơn”. Bọn trẻ hay hát thế.