Luật an ninh quốc gia Hồng Kông

Nguyễn Quang A

8-7-2020

Lợi dụng thời cơ thế giới bận rộn chống Covid-19 xuất xứ từ Vũ Hán, và cũng vì Covid-19 mà phong trào biểu tình Hồng Kông khó được tổ chức, ngày 22-6-2020 Quốc hội Trung quốc đã thông qua một nghị quyết cho phép Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông nếu Lập pháp Hồng Kông (Legco) không luật hoá Điều 23 của Luật Cơ bản (Hiến pháp) càng sớm càng tốt.

Tất nhiên Legco không thể luật hoá Điều 23 nhanh được vì suốt 23 năm nó đã không luật hoá nổi. Và ngày 30-6 Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội Trung quốc đã nhất trí thông qua dự luật, được Tập Cận Bình ký thành luật cùng ngày và có hiệu lực ngay vài giờ sau từ 1-7-2020.

Luật Cơ bản Hồng Kông do Quốc hội Trung quốc thông qua năm 1990 có hiệu lực từ 1-7-1997 (ngày Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc), được soạn theo tinh thần Tuyên bố chung Anh-Trung do các Thủ tướng Triệu Tử Dương và Margaret Thacher ký ngày 19-12-1994 có hiệu lực từ 27-5-1985.

Luật Cơ bản trao cho Legco luật hoá quy định về an ninh quốc gia của Điều 23 (cấm hành động làm phản, ly khai, xúi giục nổi loạn, lật đổ, ăn cắp các bí mật nhà nước, cấm các tổ chức chính trị nước ngoài tiến hành hoạt động chính trị, cấm các tổ chức chính trị Hồng Kông thiết lập quan hệ với các tổ chức chính trị nước ngoài). Nhưng do sự phản đối của nhân dân Lego đã không luật hoá được. Nổi bật nhất là cuộc biểu tình 1-7-2003 của nửa triệu người. Phong trào dân sự 2003 đã THÀNH CÔNG chống lại dự luật an ninh quốc gia của Legco.

Xã hội dân sự Hồng Kông đã THÀNH CÔNG trong năm 2012 chống lại chính sách giáo dục đạo đức và dân tộc. Nổi bật nhất là sự tham gia và lãnh đạo của giới trẻ, nhất là Hoàng Chí Phong mới 15 tuổi, và việc sử dụng mạng xã hội.

Rồi đến phong trào đòi quyền bầu cử phổ quát năm 2014, được giới học giả chủ trương “Chiếm Trung tâm với Tình yêu và Hoà bình- OCLP” được lên kế hoạch tỉ mỉ nhưng đã bị giới trẻ (do Hoàng Chí Phong lãnh đạo) qua mặt với hàng ngàn học sinh chiếm giữ trung tâm thật sự. Chính quyền đầu tiên đàn áp, giới trẻ dùng dù (ô) che chắn, từ đó mới có tên gọi phong trào dù vàng (UM). Chính quyền câu giờ để phong trào xẹp đi và đã KHÔNG ĐẠT được kết quả nào.

Phong trào chống lại dự luật dẫn độ từ tháng Ba 2019 đến cuối năm đã hết sức rầm rộ. Ngày 16-8 chính quyền buộc phải rút dự luật dẫn độ, trong bầu cử cấp quận lực lượng dân chủ đã thắng lớn tức là phong trào đã THÀNH CÔNG vượt đòi hỏi ban đầu. Lẽ ra nên tuyên bố thắng lợi để chuẩn bị cho phong trào tiếp. Đáng tiếc nó đã tục sang đầu 2020 và thậm chí chấp nhận bạo lực gia tăng và sự leo thang đòi hỏi, cả đòi Hồng Kông độc lập.

Đó là bối cảnh của sự ra đời của Luật an ninh quốc gia có hiệu lực 1-7-2020. Cần nghiên cứu chu đáo mới có thể đánh giá được tác động của Luật này với Hồng Kông, Đài Loan, Khu vực và thế giới. Vài nhận xét sơ bộ:

– Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm thoả thuận quốc tế, đã huỷ chính sách “một nước hai chế độ” của nó và nhân danh an ninh quốc gia để đàn áp thẳng tay nhân dân Hồng Kông, đe doạ Đài Loan và nhất là siết chặt sự đàn áp nhân dân Trung quốc mà vụ bắt Gs. Hứa Chương Nhuận vài ngày nay chỉ là một trong vô vàn dấu hiệu. Chính sách đó đã bắt đầu từ khi ĐCSTQ hạ bệ Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương và đàn áp thẳng tay vụ Thiên An Môn 4-6-1989.

– ĐCSTQ đã rất sợ phong trào Hồng Kông tác động đến Đại lục.

– Phong trào Hồng Kông trước mắt chắc sẽ lắng xuống và chắc sẽ phải rút ra nhiều bài học tuyệt vời về tổ chức và chiến thuật, nhưng chắc cũng nên rút ra các bài học chiến lược (về đặt mục tiêu, định giai đoạn, xét kỹ tương quan lực lượng, liên kết phong trào Hồng Kông và Đại lục, phương thức,…).

Học các bài học của Hồng Kông (bài học THÀNH CÔNG, hay để THAM KHẢO chứ không phải sao chép; và cả bài học dở để TRÁNH) là bổ ích cho phong trào xã hội dân sự Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook