4-7-2020
“Không tốt nghiệp cấp 3 vẫn có thể làm ứng viên Phó chủ tịch Tài chính VFF” – Đây là dòng tít trên một tờ báo điện tử có uy tín.
Tôi xin không bình luận gì về thông tin ở bài báo này, bởi lẽ từ nhiều năm nay, tôi là thằng chưa bao giờ coi trọng bằng cấp. Và tôi không tin là những người có “lắm bằng cấp” lại là người thực tài.
Xin kể lại câu chuyện cũ. Năm 1998, anh Hữu Ước, giao cho tôi tuyển 3 phóng viên về báo An ninh Thế giới. Tôi cho đăng quảng cáo tuyển dụng. Cũng ghi rõ phải tốt nghiệp Đại học, phải biết tiếng Anh bằng B…
Có 70 người xin đăng ký dự tuyển. Đọc hồ sơ, thấy ai cũng “tài cao, học rộng”, có người còn trên cả Đại học, có người 2 bằng đại học.
Anh Ước thì bảo: “Mày tổ chức thi tuyển thế nào, kệ mày. Sau này nó không biết viết, tao kỷ luật mày…”
Tôi nghĩ ra trò thi tuyển không giống ai. Hôm đầu tiên, tôi phát cho mối người 2 tờ giấy A4 và bảo: “Mỗi người viết một đơn xin việc ở báo ANTG”. Kết quả là: 40 người không biết viết đơn. Họ còn không biết gọi cho đúng chức danh một lãnh đạo cơ quan báo chí. Tổng biên tập báo thì gọi là “Kinh gửi ông Giám đốc báo An ninh thế giới”.
Còn lại 30 người… Tôi lại phát cho mỗi người 4 tờ giấy A4 và ngồi viết tại chỗ, nội dung là: “Thích viết gì thì viết. Cứ bịa ra mà viết một bài báo”…
Kết quả: 20 người để giấy trắng, hoặc chuồn luôn…
Và sau khi thi vòng thứ 3 thì lấy được 3 người.
Từ thực tế đó, sau này, khi tuyển dụng phóng viên, không bao giờ tôi hỏi bằng cấp và tôi chỉ quan tâm đến “Viết được hay không”…
Anh Hữu Ước cũng rất hay là không bao giờ hỏi “thằng này tốt nghiệp trường nào”. Và khi tôi đưa hồ sơ tuyển dụng để anh ký duyệt, anh cũng chả thèm xem kỹ. Chỉ hỏi đọc một câu: “Nó viết được không”? “Dạ, được anh ạ…”. “Tao ký, mày chịu nhé. Nó ngu thì mày chết!” Rồi anh ký ngay.
Có những phóng viên loại “CCCCC” (Con cháu các cụ cả), tốt nghiệp trường báo chí, khi đưa về tòa soạn, đều phải dạy lại từ đầu… dạy từng ly, từng tý, thậm chí dạy cả cách chừa lề trang giấy khi viết…
Và tôi nghiệm ra rằng, kiến thức về nghề của các trường báo chí, dạy cho sinh viên chả có giá trị gì … Cơ bản là sinh viên học cho có, học lấy bằng, và hoàn toàn họ không có năng khiếu. Nghề viết báo là nghề đòi hỏi năng khiếu… Không có khiếu thì muôn đời chỉ là loại phóng viên “Có cũng được, mà thiếu chả sao”.
Xã hội chúng ta đang không tìm ra được người tài bởi chính vì chủ nghĩa bằng cấp, và chủ nghĩa lý lịch… Đặc biệt là ở các cơ quan Nhà nước.
Phát hiện và trọng dụng được người Tài, có lẽ chỉ có được ở các doanh nghiệp Tư nhân… Và tôi tin là với Doanh nghiệp tư nhân, họ cần thực chất hơn là cần cái bằng “đểu”.
Và chúng ta cũng đang sống trong một xã hội giả dối vì chủ nghĩa bằng cấp. Chính cái thứ “chủ nghĩa bằng cấp” này làm nảy sinh ra bao nhiêu tiêu cực, và nguy hiểm hơn nữa là nó tạo ra những loại người bất tài, vô dung, nhưng tiến thân nhờ bằng cấp (dù ai cũng biết bằng “đểu”), và dĩ nhiên là nhờ luồn lọt, cơ hội…
Bài viết rất hay và rất thực tế, nếu cơ quan hà nước mà cũng tuyển dụng người vào làm việc có tính chất thực dụng như vậy, thì ” CCCCC”. Sẽ rụng như sung. Người tài sẽ được trọng dụng. Ngành nội vụ sẽ ko còn phải lo tìm người tài cho đất nước nữa.
Vậy cái năng khiếu nó được hình thành trên nền tảng nào??????
Bài viết quá thực tế ở VN