4-7-2020
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2: Minh báo của Kim Dung và cuộc tập kích của Lưu Tiến Đồ. Phần 3: Đấm vỡ mồm báo chí
Lưu Tiến Đồ không phải là trường hợp duy nhất nhà báo hoặc ngành báo chí, xuất bản bị tấn công bằng bạo lực.
Một báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) ghi nhận 2013 là năm gia tăng các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cánh nhà báo.
TẨM QUẤT TRẦN BÌNH, THỊ UY LÊ TRÍ ANH
Trong năm này, Trần Bình (陳平), chủ báo Dương Quang (iSun, 陽光), đã bị tẩm quất trên phố một thời gian sau khi tạp chí này cho đăng hình ảnh dân Tây Tạng tự thiêu phản kháng.
Trần Bình là nhân vật có lai lịch phức tạp. Sinh năm 1955 tại Thượng Hải trong một gia đình “giàu truyền thống cách mạng”, với cha mẹ là những đảng viên Cộng sản trung kiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học quân sự, Trần Bình được giáo dục kỹ càng về lý tưởng cách mạng. Thế rồi Cách mạng Văn hóa nổ ra, cha Trần Bình trong một lần công tác Liên Xô bị gán tội phản quốc và bị cấm trở về nhà. Suốt 30 năm sau đó, ông đã không được gặp vợ con, nhưng đã kịp để lại cho Trần Bình một kho sách đồ sộ. Có lẽ nhờ đó mà Trần Bình đã học hành thành tài, trở thành một chuyên gia kinh tế trẻ tuổi và tài ba.
Năm 1984, họ Trần dự Hội nghị Mạc Can Sơn ở Chiết Giang, sự kiện mang tính bước ngoặt của thời kỳ cải cách kinh tế của Trung Quốc. Có vẻ tại sự kiện ở miền đồi núi gắn liền với huyền tích về cặp vợ chồng rèn kiếm Can Tương – Mạc Tà này, Trần Bình đã giác ngộ lý tưởng mới.
Tới năm 1989 khi xảy ra biến cố Thiên An Môn và sau khi sang Liên Xô thăm cha, Trần Bình bèn rời xa đảng Cộng sản, dần từ bỏ công việc trong cơ quan nhà nước để hướng ra các hoạt động kinh doanh quốc tế. Năm 1997, thời điểm Anh chuyển giao Hong Kong về với Trung Quốc, Trần Bình sang Hong Kong định cư.
Có gốc rễ từ đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng cũng có huyết hải thâm thù với đảng Cộng sản, Trần Bình tỏ ra không kiêng dè gì, có dịp phang được bèn phang ngay.
Thế nên khi Trần Bình bị hai gã trai trẻ nện một trận nhừ tử bên ngoài trung tâm Tân Hoa Phong ở Trại Loan, người ta liền chĩa mũi nghi ngờ về phía Bắc Kinh. Nhất là trước đó ít lâu tờ báo Dương Quang của Trần tiên sinh đã cho đăng tải hình ảnh tự thiêu ở Tây Tạng.
Báo Apple Daily (Bình Quả Nhật Báo) của tỉ phí Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英) là một mối đau đầu khác của Bắc Kinh, do lập trường chống Cộng và ủng hộ dân chủ của ông chủ Lê.
Thế rồi vào ngày 19 tháng 6 năm 2013, một chiếc xe (ăn trộm) ủi thẳng vào cổng tư dinh của tỉ phú Lê Trí Anh trên đường Kadoorie thuộc khu dân cư Hà Vấn Điền. Trước khi rời đi, những kẻ tấn công không quên để lại một thanh mã tấu và một cái rìu để dằn mặt.
Tới ngày 30 tháng 6, một nhân viên của Apple Daily đang chở báo đi phát ở khu Hồng Khám thì bị hai gã đàn ông lạ mặt khống chế. Toàn bộ 26.000 tờ báo bị đốt sạch.
Xen giữa hai vụ trên, một nhà báo của tờ Sharp Daily (Sảng Báo), cũng thuộc tập đoàn Next Media (Next Digital) của ông chủ Lê Trí Anh, đã bị đánh trọng thương ở ngay khu Trung Hoàn.
Chỉ tính riêng năm 2013, có tới 18 vụ nhà báo Hong Kong bị tấn công khi đang tác nghiệp tại đại lục nhưng nhà đương cục không điều tra, theo thống kê của Hội Ký giả Hong Kong.
Đến năm 2014 xảy ra biểu tình Dù vàng thì có tới hơn 30 vụ nhà báo bị tẩn nhưng không có thủ phạm nào bị bắt và truy tố.
Nói về việc dính đòn, có lẽ Lê Trí Anh và tập đoàn Next Media đứng thứ hai thì không ai dám đứng thứ nhất. Vào tháng 1 năm 2015, cả nhà riêng lẫn trụ sợ của Next Media đều bị tấn công bằng bom xăng.
Báo cáo 29 trang “Nhà báo giữa hai làn đạn: Báo giới Hong Kong đối mặt với bức hại và tự kiểm duyệt nghiêm trọng” (Journalists caught between two fires: Hong Kong media faces serious harassment and self-censorship) do Hội Ký giả Hong Kong thực hiện vào năm 2015 cho thấy một bức tranh xám xịt.
Các vụ việc bị tấn công khi đi đưa tin biểu tình thì nhiều vô kể, đặc biệt là trong các đợt biểu tình năm 2019, 2020.
VAI TRÒ CỦA BẮC KINH
Hôm trước mình hỏi về khả năng Bắc Kinh đứng đằng sau các vụ bạo lực nhằm vào nhà báo, với tất cả sự cẩn trọng, giáo sư Keith Richburg ở Trung tâm Báo chí và Truyền thông Đại học Hong Kong nói rằng có thể không có một mệnh lệnh trực tiếp từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rất có khả năng các nhóm thân Bắc Kinh là thủ phạm.
Có một số điểm mấu chốt bổ trợ cho mối hoài nghi nhằm vào Bắc Kinh: Thứ nhất, các vụ việc này thường được điều tra không đến nơi đến chốn, thủ phạm thực sự không bị vạch mặt; Thứ hai, các nhà báo và tòa báo chống chính quyền trung ương có vẻ dễ bị tẩn hơn các nhà báo và tòa báo thân Bắc Kinh.
Nhưng nếu như các vụ việc trên còn nhiều điều mờ ảo, thì có một vụ mà bóng dáng Bắc Kinh hiện ra lồ lộ. Đấy là vụ bắt cóc năm người liên quan đến Đồng La Loan Thư Điếm – aka nhà sách Vịnh Đồng La – vào năm 2015.
Năm người – gồm Lữ Ba (呂波), Quế Miên Hải (桂民海), Lâm Vinh Cơ (林榮基), Trương Chí Bình (張志平) và Lý Ba (李波) – bị bắt cóc ở vào các thời điểm và địa điểm khác nhau. Trong đó, Lý Ba bị bắt cóc ở Hong Kong, ba người bị bắt cóc ở đại lục, còn Quế Miên Hải bị bắt cóc ở tận Thái Lan.
Ban đầu những người này đều biến mất một cách bí ẩn, mãi một thời gian sau thì chính quyền đại lục mới thông báo họ phạm pháp tại đại lục.
Ngày 28 tháng 2 năm 2016, Đài Truyền hình Phượng Hoàng ở Quảng Đông phát cảnh Lữ Ba, Lâm Vinh Cơ và Trương Chí Bình thú tội là đang móc nối để tuồn sách cấm vào đại lục. Mấy người còn lại cũng bị bắt ký vào các bản khai nhận tội.
Nguồn cơn của vụ này được cho là có liên quan đến việc Đồng La Loan Thư Điếm phát hành các cuốn sách phanh phui bê bối của giới lãnh đạo trung ương tại Bắc Kinh.
Về sau, Lâm Vinh Cơ được về Hong Kong mà theo họ Lâm là với điều kiện ông ta phải lấy đĩa lưu trữ danh sách người mua sách. Tuy nhiên, một khi về đến Hong Kong, ta sẽ thấy họ lên tiếng tố cáo chuyện bị bắt, bị còng tay và bị ép buộc nhận tội tại đại lục. Đến năm 2019, khi dự luật dẫn độ rục rịch được thông qua tại Hong Kong (sau đó bị phản đối quá nên phải dẹp), Lâm sợ rằng một khi luật này được ban hành thì ông ta sẽ bị dẫn độ sang Trung Quốc, bèn trốn qua Đài Loan.
Tại Đài Loan, Lâm mở một nhà sách mang tên Đồng La Loan Thư Điếm để viết tiếp câu chuyện tự do xuất bản. Bà Thái Anh Văn, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, đã đến thăm như một cử chỉ biểu trưng cho sự ủng hộ của bà đối với tự do ngôn luận và chống lại sự đàn áp của Trung Quốc.
Quế Miên Hải, một người có quốc tịch Thụy Điển, thì tiếp tục ngồi tù tại đại lục và trong thời gian ngồi tù, ông ta được trao một số giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng Voltaire do Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao năm 2018 (giải năm 2020 trao cho Nhà xuất bản Tự do).
Năm 2019, Hội Văn bút Thụy Điển trao giải thưởng Tucholsky cho họ Quế và vụ này thậm chí gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Thụy Điển. Cớ sự là bà Bộ trưởng Văn hóa Thụy Điển Amanda Lind tới dự và trao giải cho họ Quế (vắng mặt do đang ngồi tù tại Trung Quốc) khiến Bắc Kinh nổi giận, liệt bà Lind vào danh sách “không chào đón” (persona non grata).
Vụ Đồng La Loan Thư Điếm không liên quan tới báo chí, nhưng mình móc vào vì đang rảnh, với lại tự do xuất bản và tự do báo chí cũng bà con gần gũi và là một phần của tự do biểu đạt.
(Còn tiếp)