3-7-2020
Là một người nghiên cứu về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, tôi thấy rằng dự án này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nhà ở đây và rủi ro cho các vùng đệm xung quanh. Vì vậy, những cơ quan chức năng cần có quá trình đánh giá lại và cân nhắc thấu đáo về chi phí, lợi ích và tác động môi trường của dự án.
Các nguy cơ của dự án tác động đến môi trường đã được mô tả trong thư kiến nghị ở link kèm theo. Tôi chỉ mô tả thêm một vài rủi ro mà với góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực này có thể dễ dàng nhận thấy:
– Dự án sẽ chặn dòng thoát lũ? Điều này có khả năng xảy ra vì khi xây lấn biển nhà đầu tư phải nâng cao code nền chống ngập lụt. Việc nâng cao code nền gần bờ biển khiến nước ở bên trong thành phố không thoát được. Trong điều kiện bình thường các dòng sông có thể đảm nhiệm được nhưng trong điều kiện có siêu bão và lũ lớn thì trung tâm hành chính và kinh tế của TP HCM khó thoát được ngập. Các nhà thủy lợi học có thể đưa ra phản biện, rằng các đường thoát nước của TP HCM đi ra các hướng khác chứ không nối với Cần Giờ. Thưa đúng! Nhưng kịch bản thoát lũ này chưa tính đến điều kiện siêu bão kèm hoàn lưu bão lâu ngày.
– Dự án có nguy cơ bị ngập: Hoàn toàn có khả năng! Theo kịch bản nước biển dâng do bộ Tài Nguyên và Môi Trường công bố năm 2016, khu vực Cần Giờ có nguy cơ ngập bởi nước biển dâng từ khoảng các năm 2050-2070. Kịch bản này chưa tính đến nguy cơ đất bị lún và siêu bão. Như vậy, nếu tự đặt mình vào vị trí của người mua nhà, tôi sẽ không đầu tư vào đây bởi rủi ro thì nhãn tiền trong khi bảo hiểm rủi ro về nhà ở liên quan đến nước biển dâng thì chưa có. Tôi không muốn cái cảnh lội bì bõm trong khu đô thị hạng sang mỗi dịp triều cường.
Còn các anh chị em, các bạn, mọi người đều có góc nhìn riêng và quyền ra quyết định.
Nếu thấy việc này là đáng phải xem xét lại, vui lòng lên tiếng trong kiến nghị ở link đính kèm ở đây.