Võ Ngọc Ánh
20-6-2020
Bức tượng Lenin bằng đồng, cao gần 5m, đặt cạnh vỉa hè, trên bệ không tương xứng, tại một ngã năm đông đúc ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ.
Bức tượng thuộc tài sản cá nhân, được mua về từ Slovakia sau cuộc cách mạng Nhung. Nó trở thành điểm nhấn của khu phố, nhưng cũng không ngừng gây tranh cãi trong lòng nước Mỹ.
Tượng to, đặt không trang trọng
Trước mặt tôi là bức tượng Lenin cao 16 feet (gần 5m), nặng 7 tấn, bằng chất liệu đồng. Hình dáng tượng lãnh tụ cộng sản này đầu đội mũ, đang đi về phía trước một cách mạnh mẽ. Hai bàn tay của tượng bị sơn đỏ. Vài chỗ trên thân tượng bị vẽ bậy.
Bức tượng lãnh tụ Cộng Sản thế giới được đặt cạnh vỉa hè tại góc đường Fremont Pl N và đường N 36th St, phía trước một nhà hàng. Bệ tượng được làm một cách đơn giản với bê tông xù xì giống vỉa hè. Phía đường Fremont Pl N có ba bậc tam cấp, phía đường N 36th St ngang bằng với vỉa hè. Điều này cho người xem cảm nhận, nó được đặt một cách thiếu trang trọng, không giống như một tượng đài.
Một tấm bảng nhỏ đặt bên cạnh với nhiều thông tin liên quan đến bức tượng. Và cả những tờ thông tin giới thiệu về khu Fremont.
Tôi chưa bao giờ đứng trước bức tượng Lenin to như vậy. Đây là tượng toàn thân Lenin được đặt tại một ngã năm nhộn nhịp với nhiều của hiệu kinh doanh ở khu Fremont. Cách trung tâm thành phố Seattle, tiểu bang Washington chừng 6.5 km.
Tượng Lenin này do nhà điêu khắc Emil Venkov, người Bulgaria sáng tác. Nó được hoàn thành vào năm 1988, và đặt tại Poprad, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Thành phố nay thuộc về Slovakia.
Theo thông tin giới thiệu, kinh phí cho việc làm tượng vào thời điểm đó là 334 ngàn Koruna Tiệp Khắc (tương đương 14.000 đô la Mỹ vào thời điểm hiện tại).
Sau cuộc cách mạng Nhung xảy ra ở Tiệp Khắc vào năm 1989, bức tượng Lenin, lãnh tụ Cộng Sản được đưa vào bãi phế liệu.
Năm 1993, tượng Lenin trên được Lewis E. Carpenter mua với giá 13 ngàn đô la Mỹ (tương đương 20 ngàn đô la Mỹ vào năm 2019). Lewis là cư dân ở thành phố Issaquah, bang Washington. Issaquah, một thành phố nhỏ, yên bình, cư dân khá giả cách Seattle gần 30 km. Tượng về đến Mỹ vào tháng 8 cùng năm, kinh phí cho cả việc vận chuyển khoảng 40 ngàn đô la vào thời điểm đó.
Lewis mua tượng để nhìn thấy một phần lịch sử và và lưu giữ giá trị của cách sáng tạo nghệ thuật bị chính trị chi phối. Lewis có dự tính sử dụng tượng Lenin này để thu hút khách cho nhà hàng dân tộc Slovak mà anh muốn mở ở thành phố quê nhà – Issaquah.
Tuy nhiên, Lewis chết do tai nạn giao thông vào đầu năm 1994, nên kế hoạch không được thực hiện, đã đẩy số phận tượng Lenin tiếp tục vào sự chia rẽ, tranh cãi như chính Chủ Nghĩa Xã Hội do lãnh tụ này sáng lập.
Tượng gây tranh cãi
Sau cái chết của Lewis người dân ở thành phố Issaquah từ chối việc trưng bày bức tượng Lenin. Gia đình của Lewis định bán tượng cho một xưởng đúc nghệ thuật ở Fremont để nấu chảy làm thành những bức tượng khác. Nhưng việc ‘hóa kiếp’ cho bức tượng lãnh tụ Cộng Sản đã không xảy ra.
Perter Bevis một nghệ nhân đúc đồng nghệ thuật tại Fremon cùng gia đình Lewis đã làm việc với khu thương mại để đặt bức tượng lãnh tụ phong trào Cộng Sản thế giới tại Fremont, cạnh một khu chợ trời vào năm 1995. Một năm sau tượng được di dời về vị trí hiện tại, cách nơi ban đầu khoảng 150 m.
Việc đặt tượng Lenin tại Fremont gây tranh cãi cho chính cư dân địa phương. Người xem tượng như một điểm nhấn để thu hút khách đến xem, mua sắm, nhưng cũng có người coi nó như cách duy trì tội ác. Số khác lại xem nó như chiến tích chiến thắng của xã hội dân chủ với chế độ độc tài, toàn trị.
Nhiều tờ báo cũ đưa tin, Noel năm 2004, một ngôi sao đỏ, to, theo phong cách Xô Viết với đèn nhấp nháy được trang trí trên đầu tượng. Việc hai bàn tay của tượng Lenin luôn được sơn màu đỏ như muốn nói đây là một nhân vật gây ra tội ác cho nhân loại.
Tháng 8 năm 2017, một nhóm nhỏ khoảng 10-12 người, được cho là ủng hộ Donald Trump đã biểu tình trước bức tượng yêu cầu loại bỏ.
Đầu năm 2019, một nhóm dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa của tiểu bang Washington cũng trình một dự luật để có thể gỡ bỏ tượng lãnh tụ Cộng Sản này.
Edward Bernard Patrick Murray, thị trưởng thành phố Seattle, giai đoạn 2014 – 2017 cũng mong muốn loại bỏ tượng Lenin này. Tuy nhiên, do tượng thuộc sở hữu tư nhân và cũng không phải một tượng đài nên đến nay chính quyền vẫn phải để bức tượng tồn tại và nó còn tiếp tục gây tranh cãi.
Mỹ khó can thiệp vào sở hữu tư nhân, Việt Nam chính quyền quyết định
Không chỉ tượng Lenin mà tượng của các tướng lĩnh phe Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ 1861 – 1865 trong nhiều năm qua cũng bị các phong trào gây sức ép phải dỡ bỏ trên khắp nước Mỹ. Điều này xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Đã có một số tượng trên đất công, chính quyền phải dỡ bỏ sau các kiến nghị của công chúng.
Tại nghĩa trang Lake View, ở Seattle có đài tưởng niệm cựu chiến binh Liên minh miền Nam, được lập năm 1926 cũng được yêu cầu dỡ bỏ nhiều lần. Yêu cầu mới nhất xảy ra khi các vụ biểu tình sau cái chết của George Floyd. Nhưng do nghĩa trang đang thuộc sở hữu tư nhân nên chính quyền không thể thực hiện theo yêu cầu một bộ phận cư dân.
Việc các bức tượng, đài tưởng niệm ở Mỹ thuộc về sở hữu tư nhân, trên đất tư nhân thì chính quyền không thể dỡ bỏ trước việc gây sức ép của các nhóm tranh đấu. Trừ khi có vi phạm về qui định xây dựng.
Điều này hoàn toàn khác với ở Việt Nam, khi tượng, đài tưởng niệm đều do chính quyền đầu tư, xây dựng, quản lý. Do đó, tượng đài về con người, trận đánh, chiến thắng của lực lượng cộng sản chiếm gần như tuyệt đối. Trừ một số tượng anh hùng dân tộc thời phong kiến được dựng từ trước ngày 30/4/1975 vẫn được phép tồn tại, số khác đã bị giật đổ hết.
Theo pháp luật Việt Nam, việc dựng tượng, tượng đài có liên quan đến các nhân vật lịch sử, chính trị, cả tượng thờ tôn giáo đều phải được phép của chính quyền, do chính quyền quyết định.
Điều này được quy định tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP và yêu cầu khác về mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng nếu chính quyền muốn làm khó. Chẳng hạn như, năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đã yêu cầu ông Tống Hồ Phương phải gỡ bỏ bức tượng danh tướng Trần Hưng Đạo, cao 1,6 m, được dựng trong vườn nhà ông.
Riêng các tượng thờ tôn giáo được áp dụng một cách linh hoạt không cứng nhắc theo quy định của pháp luật.
Câu chuyện về tượng Lenin ở Mỹ và các nơi khác cho thấy việc dựng tượng, giữ tượng và hạ tượng luôn xảy ra trong chiều dài lịch sử và thay đổi theo cách người ta đánh giá những nhân vật trong quá khứ, bất kể họ là ai.
Nước Mỹ mà ! Chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Chỉ một bức tượng nhà dộc tài CS.mà không giải quyết dứt điểm được là vì
có thế lực hay người nào đó lạm dụng quyền “tự do ngôn luận”?