Bước qua đêm tối

Đoàn Kiên Giang

17-6-2020

Vụ án Bưu điện Cầu Voi với nhiều sai sót tố tụng và án tử cho Hồ Duy Hải không chỉ tước bỏ quyền quý giá và thiêng liêng nhất của bị án: Quyền được sống. Bởi, 13 năm đằng đẵng đã qua, gia đình Hải cũng phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, tủi nghẹn. Phía trước họ đã luôn là ngõ cụt, là chân tường, là bóng tối.

Họ đã rất khó khăn, buồn tủi khi đối diện, tương tác với bà con xóm giềng, bạn bè, đồng nghiệp. Họ đã rất khó khăn để có được, giữ được và phát triển được nghề nghiệp, để mưu sinh, để đóng góp nhiều cho xã hội như họ có thể, họ mong muốn.

Mẹ Hải, bà Nguyễn Thị Loan gần như đã gác lại mọi hoạt động làm việc, vui sống, chỉ tập trung duy nhất một việc là đi khắp nẻo quỳ gối kêu oan cho con trai. 13 năm, bà từ một phụ nữ trung niên mặn mà nhân hậu, thành một bà già bạc trắng mái đầu, khô khốc dáng hình, chai lỳ xúc cảm.

Lời kêu oan thảm thiết của con trai và tháng ngày rong ruổi kêu oan đã lấy mất của bà cảm xúc của một con người bình thường, chứ đừng nói là của người đàn bà sớm một mình đi biển.

Dì ruột của Hải, em gái ruột của Hải cũng sớm chịu sự đứt gãy công việc họ yêu thích, đứt gãy cả mối quan hệ gia đình, những yêu đương, che chở, bù đắp. Họ không còn được sống, được mơ ước, được khao khát, được yếu mềm… như bao người bình thường khác. Kể cả một bữa cơm sum vầy.

Tội nhất là đám trẻ. Hải bị bắt đi khi chúng chưa ra đời. Chúng không biết mặt Hải. Hải cũng không hề biết mình đã có các cháu. Đó là cam kết họ phải thực hiện khi còn bị cách ngăn bởi song sắt nhà tù. Đám trẻ sẽ lớn lên thế nào, có bị kỳ thị, bị xa lánh,… bởi các mối quan hệ trong tương lai? Tôi không biết. Gia đình họ cũng không.

Bọn trẻ được người lớn chỉ dạy rằng cậu của chúng – Hồ Duy Hải bị oan, và sẽ được về nhà.

Hôm có tiếng loa văng vẳng từ bên kia cánh đồng nói tới kháng nghị của VKSND Tối cao, với họ, như một ánh sao bỗng được thắp lên giữa đêm đen tuyệt vọng vậy.

Bình Luận từ Facebook