Chuyện về Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản (Phần 1)

Nguyễn Thông

16-6-2020

Mới mấy hôm trước, trên báo chí tivi đài phát thanh mậu dịch ồn lên phát biểu của ông Phùng Hữu Phú. Ông này tôi biết sơ sơ, hơn tôi mấy tuổi, hồi chúng tôi nhập học khoa văn trường Tổng hợp Hà Nội năm 1972, thì ông đã là giáo viên khoa sử kế bên.

Thỉnh thoảng nhìn thấy anh giáo trẻ khoa sử đi trong sân trường khu Mễ Trì, dưới gốc nhãn, đường ven hố bom ra nhà ăn. Trông cũng có nét rắn rỏi phương phi dù khi ấy đa phần thầy cô giáo và sinh viên đều xanh xao gầy guộc. Có lần còn thấy ông chơi trong đội bóng chuyền của khoa sử, anh Trị đen (khóa 15 sử) bảo trình độ khoa học của anh giáo trẻ ấy cũng tương đương khả năng đánh bóng chuyền. Khoa sử là nơi cung cấp cho bộ máy cai trị khá nhiều quan chức cấp cao, cỡ ủy viên trung ương có khi đếm mỏi mồm, mà ông Phú chỉ là một trong đám đông đó. Bên văn ít hơn, nhưng lại có nhà vua hiện tại, vốn là sinh viên khóa 8. Quý hồ tinh, bất quý hồ đa, hì hì.

Giá như người khác nói, chả ai hơi đâu để ý. Nhưng đây là ông Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên trung ương, đương kim Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương. Ổng thừa nhận “quá trình lên chủ nghĩa xã hội dài bao lâu, có mấy chặng đường… vẫn là vấn đề rất vướng, chưa được làm rõ, lâu nay chưa xác định được”. Ối cha mẹ ôi, suốt từ năm 1930, lui tí nữa thì năm 1945, lui thêm tí nữa từ 1954, lại lùi tí nữa từ năm 1975, các vị bao thế hệ cộng sản, cứ miệt mài thúc ép dân tộc, nhân dân, đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng bây giờ lại bảo chưa biết nó dài thế nào, bao lâu mới tới, thế có bỏ mẹ không. Đời người chỉ sống một lần, thế các vị định dùng bao nhiêu thế hệ để lót đường tiến tới cái bánh vẽ ấy, hở?

Thà cứ nói toẹt như nhà vua khoa văn khóa 8, rằng chả biết trăm năm nữa đã tới chưa (ai muốn biết vua nói câu này lúc nào, xin tra khảo đồng chí Gu gồ). Khổ, không biết cái thứ chủ nghĩa xã hội ấy nó đầu cua tai nheo thế nào mà cứ hùng hục đâm đầu vào, kiên định tiến lên, đi theo, đến chịu các ngài. Chủ nghĩa xã hội còn mờ mịt như vậy, thì chủ nghĩa cộng sản phải xa lắc tít tắp trời mây, giống như đường chân trời vậy, cứ tưởng tới nơi nhưng hóa ra nó vẫn đang lấp ló đằng xa tít.

Hồi các thể chế chính trị trên thế giới còn chia làm hai phe kình địch, lứa 5X chúng tôi ở miền Bắc luôn được nghe từ đài báo nhà nước, từ cán bộ tuyên truyền rằng chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại, còn chủ nghĩa tư bản đang tự đào mồ chôn, bên bờ huyệt, đang giãy chết. Cứ nghe mãi những điều ấy rồi cũng thành niềm tin mặc dù chẳng biết chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản mặt mũi ngang dọc như thế nào. Cái mùa xuân mà họ nói thì quá xa xôi, chưa biết bao giờ mới theo chim én về, còn tư bản khi nào chết cũng chả biết. Mọi thứ đều rất mơ hồ, chỉ có nghèo đói, chiến tranh, xung đột là có thực, phải chứng kiến hằng ngày.

Phải thừa nhận người cộng sản, dù ở Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam, rất giỏi tuyên truyền. Họ nắm được quyền lực, độc quyền quyền lực, rất mạnh tay thực hiện chuyên chính vô sản, huy động hết tất cả cung bậc của bộ máy tuyên truyền, lại cộng thêm mị dân siêu hạng, nên có những thứ họ tưởng tượng ra tuy chỉ là bánh vẽ nhưng phần đông dân chúng cũng tin là thực. Dường như bất cứ điều gì họ chủ trương, nêu ra, họ (người cộng sản) đều cho là chân lý. Chẳng hạn họ luôn đề cao chủ nghĩa duy vật, chống lại mọi quan điểm duy tâm; đề cao tập thể, chống tôn phò cá nhân… nhưng trên thực tế thì ngược lại. Chính họ duy tâm siêu hạng, tôn thờ cá nhân, sùng bái cá nhân siêu hạng.

Trước hết, có thể thấy rõ sự kiêu ngạo cộng sản lộ rõ ở những từ ngữ, khẩu hiệu mà họ thường dùng. Hằng ngày luôn bắt gặp trên sách báo, trong những bản tin đài phát thanh, trên cửa miệng của cán bộ tuyên truyền, trên những bức tường khắp vùng thành thị lẫn nông thôn những từ: muôn năm, mãi mãi, vô địch, đời đời bền vững, sống mãi, bách chiến bách thắng, bất diệt…, tất cả đều hàm chứa sự duy ý chí, phản lại quy luật cuộc sống.

Đi đâu cũng gặp những câu khẩu hiệu dạng: Chủ nghĩa Mác-Lê nin bách chiến cách thắng vô địch muôn năm, đảng lao động VN quang vinh muôn năm (giờ đây câu này gần như hiện diện 100% trên sân khấu tại các hội trường cơ quan đơn vị, chỉ khác tí ti là thay chữ lao động bằng chữ cộng sản), đảng là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng, chủ tịch… sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, tình hữu nghị Việt-Xô (Việt-Trung) đời đời bền vững, tinh thần cách mạng tháng Tám bất diệt…

Hồi mấy chục năm trước, tôi ra Bắc vào Nam đi xe lửa qua chỗ nhà máy xi măng Bỉm Sơn (do Liên Xô giúp xây dựng) thấy trên nóc nhà máy câu khẩu hiệu đúc bằng bê tông to vật vã “Tình hữu nghị Việt – Xô đời đời bền vững”, sau nó mất đi lúc nào không biết. Là người duy vật, lẽ ra họ phải hiểu hơn ai hết, rằng chẳng có cái gì tồn tại mãi mãi, vững bền muôn thuở, chẳng có gì hoàn hảo không tì vết. Mặt trời còn có lỗ đen, ngọc họ Hòa còn bị mẻ, nói chi con người, xã hội loài người. Thế nhưng họ cứ thích nói ngược.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngày xưa bọn nắm được quyền hành tự nhận (bịa chuyện) mình là con trời (thiên tử).

    Người dân tuy đa số ngu ngơ (thậm chí là mê tín), không biết “trời” là đấng nào, nhưng cũng biết “vua” cũng chỉ là “người“, cũng có nhu cầu “tứ khoái” như bất cứ con người nào khác. “Vua” bèn cho bọn nịnh thần (trí thức khoa bảng) bịa ra chuyện “vua” là đấng “thế thiên hành đạo“.

    Ngày nay, ĐCSVN thay khái niệm “đạo” bằng “xã hội chủ nghĩa“.

    Thay khái niệm “con trời” bằng “điều 4 hiến pháp“.

    Nguyễn Phú Trọng gần đây cũng cho nịnh thần viết báo hoặc tuyên bố NPT “thế thiên hành đạo“, NPT làm TBT là “hạnh phúc của dân tộc“,…

Comments are closed.