Có nên tiếp tục “Sinh sản thẩm phán cận huyết”

Huy Đức

15-6-2020

Sau phát biểu của Phó Chánh án TAND TC Nguyễn Trí Tuệ, nghe thêm ý kiến của Phó Chánh án Toà cấp cao tại TPHCM Phạm Hồng Phong, tự hỏi, sao lên đến những vị trí cao vậy mà các vị ấy vẫn phát ngôn rất vô chính trị. Không rõ, hai ông tòa này có nằm trong số 1.116 thẩm phán mà “ngành đã ‘vơ vét’, tận dụng… và bổ nhiệm thêm” từ “các thẩm phán chưa đạt yêu cầu” như Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện nói trước Quốc hội năm 2006.

Một lần ghé một thẩm phán về hưu ở Thủ Đức, ông kể, năm rồi tình cờ gặp lại người thư ký cũ, hỏi làm gì thì cậu ấy bảo đang là Phó Chánh án TANDTC. “Hậu sinh khả úy” là bình thường, nhưng rất ít người trong ngành biết anh ấy đã ngồi xử những vụ án nào trong khi quá nhiều người biết anh ấy có mặt với tư cách “rót rượu” ở những đám giỗ nào ở nhà những người đồng hương quyền lực.

Chúng ta không nên kỳ thị những người lúc trẻ không có điều kiện học hành, sau phấn đấu vươn lên. Nhưng nếu chỉ “tận dụng lực lượng đã có” trong Ngành; tận dụng những thư ký thậm chí lái xe… lấy mấy cái bằng tại chức, tận tụy với xếp rồi lên thì đội ngũ thẩm phán ấy chỉ là những sản phẩm của “sinh sản cận huyết”.

Thật trớ trêu khi nhiều năm gần đây, các vị thẩm phán về hưu, một thời mũ cao áo dài, mắng xa xả luật sư, lại rụt rè đi học lấy chứng chỉ rồi đâm đơn xin làm luật sư. Muốn cải cách tư pháp cần phải có rất nhiều điều kiện nhưng trước mắt phải đảo lại cái quy trình ngược này.

Một người chỉ nên được bổ nhiệm thẩm phán các tòa cấp huyện (hoặc tòa sơ thẩm nếu TA tổ chức theo cấp xét xử) khi đã có ít nhất 10 năm làm luật sư tố tụng, có tên tuổi và không bị tai tiếng. Sau ít nhất 5 năm làm thẩm phán ở tòa này, nếu được giới luật gia (trong và ngoài ngành) tín nhiệm có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán ở tòa tỉnh hoặc tòa phúc thẩm.

Lịch sử từng là sinh viên luật xuất sắc được các tòa mời về làm thư ký nên là điểm cộng cho các ứng cử viên; tuy nhiên, thư ký, lái xe của tòa không thể cứ lặng lặng núp áo thụng đỏ rồi lên mà nếu muốn trở thành thẩm phán, họ phải ra ngoài làm luật sư một thời gian đã.

Theo quy trình này, một người chỉ có thể trở thành thẩm phán tối cao khi đã ở độ tuổi trên dưới 50. Nếu giữ chức suốt đời có thể có rủi ro thì nhiệm kỳ của thẩm phán nên là không dưới 10 năm và các vị nếu có sức khỏe và danh tiếng (liêm chính) có thể ngồi tòa tới năm 70 tuổi. Không nên đẩy những thẩm phán tốt về hưu ở tuổi 60 rồi phải đi làm luật sư hay những thẩm phán xấu về đi… chạy án.

Chính sách đãi ngộ đối với thẩm phán sẽ phải cải thiện tuy thu nhập minh bạch có thể không bằng luật sư nhưng tôi tin là không thiếu những luật sư sẵn sàng nhận làm quan tòa chỉ vì yêu công lý.

“Sinh sản cận huyết” với chủng loài nào cũng chỉ có thể bắt đầu một tiến trình thoái hóa. “Sinh sản cận huyết” đối với đội ngũ thẩm phán không chỉ tạo ra những ông tòa ăn nói “phi chính trí” như Trí Tuệ, Hồng Phong… Các phán quyết của họ không những đầy rủi ro oan sai mà càng ngày càng xói mòn niềm tin của người dân vào công lý.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thẩm phán Đức năm 2019 theo điều tra của Viện nghiên cứu dư luận Civey (Berlin) có uy tín cao ở xã hội Đức: 45,6 % dân Đức tín nhiệm cao đến rất cao vào tư pháp (Tòa án). Và người Việt ở Đức chắc cũng chung quan điểm này (Cảnh sát Đức và y tá bác sỹ cũng được dân Đức tín nhiệm cao). Lí do tín nhiệm ví dụ xã hội Đức có thể nói không bao giờ nghe câu thẩm phán này nhận hối lộ, thẩm phán kia đòi đút lót … Tín nhiệm nữa là họ thực sự là những người có năng lực trong các chuyên gia luật: muốn học đại học luật thì ít nhất từ học sinh đạt kết quả khá trở lên và ở trường ĐH luật họ sẽ chọn các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất làm thẩm phán – dưới đó có thể làm công tố viên. Và ở họ làm thư ký tòa là nghạch đào tạo hệ tương đương trung cấp ở Việt Nam chứ sinh viên thực tập không đi qua khâu thư ký như Việt nam. Và khi người có năng lực ngồi ghế thẩm phán và không vướng mắc chuyện tiền bạc như Việt nam và xã hội luôn phê phán kịp thời những yếu kém của nghành này như còn để tồn đọng các bản án, chậm giải quyết …, chứ không tô hồng các kiểu như Việt nam nên dễ hiểu thuốc đắng sẽ làm họ dã tật, và tiến bộ lên. Còn Việt Nam Tòa án đào tạo riêng cho nghành mình (Học Viện TA), việc bổ nhiệm thì chả hiểu theo tiêu chí nào và nhiều cái không giống ai (từ thư ký, nghành công an cũng thành thẩm phán – điều không thể có ở Đức…); hiến định sự độc lập còn yếu (thẩm phán Đức xử án không có cấp trên trước, khi xử và sau khi xử – Việt Nam chỉ độc lập khi xét xử), bổ nhiệm có thời hạn – trong khi Đức bổ nhiệm vô thời hạn; bổ nhiệm, bãi miễn do cấp ủy, chính quyền – trong khi Đức bổ nhiệm theo tiêu chí chung, bãi miễn do Hội đồng thẩm phán quyết định … Tóm lại rất nhiều điều quyết định nên uy tín hay ngược lại của thẩm phán ở Việt Nam và nước ngoài.

Comments are closed.