Thanh Nhã
11-6-2020
Ngày 12.6, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tiến hành mở phiên tòa giám đốc thẩm xem xét lại nội dung bản án sơ thẩm (TAND TP Đồng Xoài) và phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước đối với ông Lương Hữu Phước.
Như Báo Sạch đã thông tin, ông Phước bị kết án 3 năm tù giam vì tội vi phạm các quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, cho rằng mình bị oan, ông Phước nhảy lầu tại trụ sở tòa án tự tử.
Trước khi chết, ông Phước để lại những lời đầy cay đắng, ông hy vọng, cái chết của mình sẽ làm thức tỉnh nền tư pháp Bình Phước.
Bản án đã được kháng nghị rất nhanh sau buổi họp báo của TAND tỉnh Bình Phước vì chưa giải quyết được các mâu thuẫn của vụ án. Mặc dù, đại diện Toà án và Ban Tuyên giáo của Bình Phước tuyên bố bản án được tuyên một cách “đúng quy trình pháp luật”, và ông Bí thư Bình Phước gọi cái chết của ông Phước là “đáng tiếc”.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, việc minh oan cho ông Phước được thực hiện bất cứ lúc nào, kể cả sau khi ông Phước đã chết. Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm thuộc về Chánh án tòa án tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Như vậy, dư luận nhen lên hy vọng công lý sẽ tìm đến đúng nơi, an ủi hương linh ông Phước bằng một bản án “thức tỉnh”. Và như vậy, nếu muốn chứng minh bản án của TAND tỉnh Bình Phước là công tâm, ông Phước không bị oan thì TAND Cấp cao phải giải quyết bằng hết những điểm còn bỏ ngỏ của vụ án.
Trường hợp ngược lại, ông Phước thực sự mang nỗi oan khiên qua bên kia thế giới thì lúc này một chế định khác của luật được áp dụng là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Theo đó, khoản 8 Điều 3 luật này bắt buộc người thi hành công vụ phải hoàn trả lại khoản tiền sau khi ngân sách đã bồi thường cho ông Phước. Đó là một ràng buộc hợp lý gắn trách nhiệm của hội đồng xét xử về nghĩa vụ tài chính thay vì sử dụng thuế của nhân dân. Mặt khác, những người thi hành công vụ còn chịu các trách nhiệm khác về công chức với việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm…
Đây là một điều tiến bộ của pháp luật. Tuy nhiên, trớ trêu là ông Phước – người bị thiệt hại vật chất, tinh thần do quan hệ nhân quả giữa cái chết oan và hành vi vi phạm pháp luật của của người thi hành công vụ phải có đơn. Hoặc người thừa kế của ông Phước có đơn yêu cầu bồi thường…
Công lý cho ông Phước không phải oan hay không oan. Công lý cho ông Phước phải là một bản án công tâm, khách quan và giải quyết rốt ráo mọi mâu thuẫn trong các tình tiết của vụ án!
Kể từ khi hàng loạt bị án tử hình được minh oan, dư luận có quyền yêu cầu tòa án các cấp thực hiện nghiêm cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ chính trị.
Chừng nào chưa có bản án công tâm và văn minh, khi có còn những cái chết thức tỉnh lương tri!