3-6-2020
Nhân dịch đặc khu chừng như còn tiềm ẩn sẵn sàng bùng phát, xin có đề nghị:
Một là nghiên cứu lại sự thất bại của chủ trương xây dựng đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và hậu quả của nó.
Trong đó, theo tôi, Cap đã mất đi vai trò một thành phố nghỉ dưỡng, để chỉ còn vóc dáng của một chỗ tắm biển khai thác mùa vụ, chặt chém, hậu quả của tác động thay đổi dân cư, làm trôi dạt, biến mất nền nếp một đô thị dịch vụ.
Côn Đảo may mà chưa kịp đụng đến.
Một đặc khu không thể đơn giản hình thành từ ý chí qui hoạch. Nhưng thất bại của nó có thể làm biến mất lợi thế của một đô thị. Đó là cái giá Vũng Tàu đã phải gánh chịu.
Hà Tiên, Phú Quốc sẽ phát triển thế nào nếu lập lại mô hình đó?
Hai là, nghiên cứu tác động chính sách những năm cuối chiến tranh Đông Dương và đệ nhất cộng hoà đến việc hình thành bản sắc đô thị Đà Lạt.
Người Pháp qui hoạch Đà Lạt thành đô thị nghỉ dưỡng, thủ đô mùa hè của Đông Dương, với ý tưởng thành phố thanh niên, thành phố đồi rừng, trước hết cho hoạt động cắm trại, đi phượt của tầng lớp thượng lưu trong quan chức cai trị thuộc địa và quân viễn chinh Pháp, trong chức sắc Nam triều cùng với tầng lớp đại phú hộ Nam kì. Hạ tầng được mở mang bằng tiền vay do ngân sách Đông Dương đảm trách chi trả và đã chi trả hoàn tất trước 1945.
(Hãy tưởng tượng một hạ tầng như Đà Lạt, thời nay sẽ được xây dựng trong bao lâu, tốn kém bao nhiêu ngân sách để lại bao nhiêu năm nợ công và bao nhiêu phòng giam quan chức thoái hoá, biến chất? Có khi với kiểu ăn không từ một thứ gì, vào tay ta 40 năm hình thành Đà Lạt có thể qui hoạch sẵn một nghĩa địa để qui tập số quan lại tham nhũng ăn chính sách, ăn công trình, ăn đất, ăn nhà…).
Chính quyền thực dân đã quyết định di chuyển hệ thống đồn binh từ cao nguyên Lâm Viên lên Đà Lạt với chừng cỡ chưa tới 5.000 quân nhân cung cấp cho Đà Lạt số cư dân thường xuyên đầu tiên. Các trọng thần Nam Triều, đa số kinh qua Chánh văn phòng Nam triều của Bảo Đại phối hợp với các địa phương tuyển mộ dân có tay nghề trồng rau, trồng hoa, nuôi tằm dệt vải, may thêu, đóng giày, làm bếp… lên lập ấp mở làng đảm đương các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho cư dân Đà Lạt. Hoàng Triều cương thổ là sự bàn giao của Pháp cho quốc gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại tiếp tục vai trò một thành phố tự trị.
Chính tổng thống Ngô Đình Diệm có công tạo ra sự chuyển tiếp đặc sắc từ một thành phố của người Pháp, Đà Lạt thành thành phố Việt Nam, trên cái lõi một thành phố đồi rừng dành cho thanh niên.
Tác động chuyển đổi từ một đô thị cắm trại, nghỉ dưỡng thành một thành phố đại học của ông Diệm rất rõ ràng từ việc cải cách đào tạo sĩ quan, biến trường võ bị quốc gia thành nơi đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp bậc đại học theo mô hình West Point và thành lập trường Chính trị kinh doanh Đà Lạt. Cùng với viện đại học Đà Lạt, trường Võ bị quốc gia, trường Chính trị Đà Lạt hình thành ở Đà Lạt một phong thái đặc sắc riêng có.
Một Đà Lạt phủ sắc màu huyền thoại ngay ở đương đại của nó, một thành phố tình nhân, một đô thị trí thức, một thành phố đại học, một thành phố tôn giáo, một thành phố ẩn dật… Tất cả đều hình thành chủ yếu cùng với nền đệ nhất cộng hoà. Nhất là những tính cách còn tồn tại dài lâu ấy của thương hiệu Đà Lạt đều hình thành từ phương thức quản trị mà hiện tình phát triển của thời nay chúng ta tỏ ra khao khát, mô hình chính quyền đô thị và đặc khu mang tính chất tự trị.
Cứ nhìn biến đổi đô thị Đà Lạt xung quanh các trường sĩ quan, trường đại học ở Đà Lạt hiện nay để tiếp tục thấm bài học thực hiện qui hoạch đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Những quán nhậu thịt trâu gợi tới sự khoái khẩu quê nhà, những quán lẩu gà lá é kỉ niệm đồng bằng khu VI, hay một nền tảng dịch vụ chặt chém trên bãi biển Vũng Tàu mang ít nhiều phươnng thức hạch toán XHCN của lớp cư dân dầu khí Nghệ Tĩnh – Ba cu… mà rờn rợn một hậu quả đặc khu mai này cho Vân Phong, Phú Quốc.
Tuy vậy cũng cứ tưởng tượng, một nơi chốn gần như có sẵn tiền đề hình thành một đặc khu phát triển công nghệ, giáo dục, nghệ thuật và văn hoá, một nơi có thể nói là duy nhất không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực, nơi những giá trị châu Âu, giá trị Mỹ gặp gỡ giá trị châu Á, nơi kết tinh văn hoá Pháp gặp gỡ kết tinh văn hoá bản địa, Nhật Bản, Việt Nam, một kết nối mạch lạc Nam triều, Việt Nam cộng hoà, Việt Nam dân chủ cộng hoà…
Đà Lạt, xứng đáng để trở thành một đặc khu như vậy.
Thì cứ mơ thôi.
Mơ thì cứ mơ nhưng đừng bao giờ tin là thật khi những người CS còn lãnh đạo vì họ chỉ tạo cái gì họ cần mà thôi!