Đâu là vấn đề nghiêm trọng nhất của nền tư pháp hình sự hiện nay?

Ngô Ngọc Trai

21-5-2020

Hiện nay mỗi năm trên cả nước xảy ra mấy chục nghìn vụ án hình sự với hàng trăm nghìn bị can bị xử lý mỗi năm. Con số lớn cho thấy tình trạng phạm tội trong xã hội đang là rất nghiêm trọng.

Vấn đề đặt ra là làm sao các vụ án đó phải đảm bảo được công lý. Tức là phải làm sao để việc xử lý các vụ án giúp tạo ra được môi trường an toàn, đem lại bình yên cho nhân dân. Chứ đừng để tồn tại những bất cập trong việc xử lý các vụ án phạm lại là nguyên nhân góp phần gây thêm lên tình trạng bạo lực và tội phạm trong xã hội.

Ở một diễn biến khác, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên đã đưa vào sử dụng hai từ Công lý mà trước đó không có. Theo đó nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự ngoài mục tiêu cũ như không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì có thêm mục tiêu mới bảo vệ Công lý.

Vậy tại sao đến lúc này lại phải thêm vào mục tiêu bảo vệ Công lý? Trước đó đặt mục tiêu không bỏ lọt, không làm oan vẫn chưa đủ hay sao?

Có thể hiểu là nếu mục tiêu chỉ là xử lý đúng người đúng tội thì vẫn có khả năng người ta bất chấp phương thức thủ đoạn để xử lý mà theo đó không có công lý. Ví như quá trình điều tra xảy ra tình lạm dụng bắt bớ, giam giữ kéo dài, bức ép buộc phải khai báo và và đời sống đầy đọa trong môi trường giam giữ.

Tất cả những yếu tố này khiến con người bị hủy hoại nhân cách, làm mất niềm tin vào sự nghiêm chính của pháp luật và cơ quan công quyền. Trong khi đó, đừng quên rằng hầu hết các tội phạm sau khi mãn hạn tù họ lại trở về với đầy đủ quyền công dân.

Vậy với kinh nghiệm đã trải qua và ký ức lưu giữ liệu họ có còn tín nhiệm vào nền tư pháp? Hay họ đã trở lên táo tợn liều lĩnh, mỉa mai khinh rẻ những giá trị trật tự xã hội công quyền?

Trong khi cả nước mỗi năm có hàng trăm nghìn người vướng vào vòng tố tụng hình sự, việc họ còn hay mất niềm tin vào nền tư pháp công chính là rất quan trọng để giữ trật tự xã hội và kiến tạo môi trường pháp lý an toàn.

Đằng sau hàng trăm nghìn con người đó lại có hàng trăm nghìn gia đình và người thân, họ sẽ kể lại cho nhau nghe những câu chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm.

Vậy liệu những câu chuyện và kinh nghiệm của họ sẽ vun đúc hay hủy hoại sự nghiêm chính của nền tư pháp?

Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào phân tích đánh giá về mối liên quan giữa tình trạng lạm dụng xem nhẹ nhân phẩm trong vòng tố tụng hình sự và tình trạng tội phạm. Tuy vậy có thể nhận định là giữa chúng có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Thực tế lâu nay, vì chỉ coi trọng xử lý tội phạm cho nên đã xảy ra tình trạng xem nhẹ quyền công dân làm mất đi giá trị công lý, gián tiếp gây thêm lên tình trạng bạo lực và tội phạm.

Bộ luật tố tụng hình sự đã bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ Công lý, và để thực hiện được mục tiêu này luật cũng đã tiếp thu đưa vào một số chế định mới như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa.

Những chế định mới này là nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm quyền và bạo hành khiến cho việc xử lý tội phạm tuy đúng người đúng tôi nhưng vẫn không có công lý như đã nói ở trên. Nhưng hiện tại những chế định mới này vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện một cách yếu kém. Những chế định mới sẽ giúp bảo vệ nhân phẩm con người trong suốt quá trình điều tra xử lý tội phạm.

Và xét cho cùng thì việc điều tra xử lý tội phạm cũng chỉ là phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu hướng đến là bảo vệ các quyền công dân. Cho nên phương tiện không được chống lại mục tiêu hướng đến. Việc điều tra xử lý tội phạm phải tuân theo những chuẩn mực giá trị không được đi ngược lại mục tiêu bảo vệ dân quyền.

Những chế định mới về quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa sẽ giúp ngăn chặn cái dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra đó là môi trường giam giữ đầy đọa bức ép buộc phải khai báo.

Bởi vì ‘cái điều dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra’ đó, nó làm tiêu ma luôn mục đích ý nghĩa của hoạt động xử lý tội phạm là bảo vệ dân quyền.  Và nó gây ra hệ lụy xấu cho xã hội, vì hãy thử hình dung xem cái cơ chế tư pháp kiểu đó sẽ cung cấp cho xã hội các công dân kiểu gì, hay làm tha hóa họ?

Cho nên đứng trước nhu cầu về tạo lập niềm tin công lý xã hội hiện nay cần nhận ra đâu là vấn đề quan trọng nhất. Đó là những gì diễn ra âm thầm trong hàng chục nghìn vụ án hình sự bình thường mỗi năm với hàng trăm nghìn nghi can hình sự.

Và hãy liên hệ những bất cập đó với tình trạng tái phạm tội, tình trạng trộm cướp và mất an ninh trật tự trong cuộc sống hiện nay. Từ đó đặt ra nhu cầu cấp bách phải cải cách sửa đổi hệ thống tư pháp.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở các nước pháp quyền có truyền thống ở Châu Âu khi 1 người bắt đầu bị tạm giữ thì cũng đã hưởng ngay những quyền cơ bản thông thường mà các quốc gia đó tuân thủ Công ước quốc tế về quyền con người (Xem tại Công ước có rất nhiều quyền). Tóm lại có quyền gọi cho luật sư. Khi là nghi phạm bị lấy lời khai (lấy cung) nghi phạm thì cảnh sát hướng dẫn cho nghi phạm: Quý vị có quyền trình bầy, có quyền không cần trình bầy về điều đổ tội, nhưng phải trình bầy, khai về thân nhân (tên tuổi, ngày sinh …), có quyền thuê người bào chữa, có quyền đưa ra các bằng chứng (ví dụ nhân chứng, chứng cứ …). Thực tế ở xứ họ cũng chẳng cần ghi âm, chụp hình những cũng chẳng nhân viên nào bạo gan dám đánh nghi phạm, vì đơn giản nếu có đánh hay chỉ cần dọa nạt gây đau đớn và nghi phạm đó tố cáo hành vi đó thì nhân viên phạm pháp đi tù mọt gông. Điều quan trọng nhất là khi nghi phạm tố cáo nhân viên đánh người thì không như Việt Nam là người bị đánh khai có đánh, thậm chí có vết hằn nhưng nhân viên vi phạm chối thì xem ra hòa cả làng, do cơ quan điều tra coi như không có nhân chứng!? Đây là nhận thức (cố ý bảo vệ nhau) cực kỳ sai lầm ở Việt Nam, vì khi đó người bị đánh chính là nhân chứng và nhân viên bị tố cáo chính là nghi phạm 1 vụ hình sự và không thể coi nhân chứng và là nạn nhân ngang hàng 50:50 trong 1 vụ hình sự, vì nghi phạm được quyền nói dối và nhân chứng chỉ có quyền và nghĩa vụ nói ra sự thật. Khi lời khai tố cáo lo-gik và đáng tin cậy (dù của 1 kẻ giết người) thì đó chính là lời buộc tội có cơ sở đối với nghi phạm là nhân viên lấy cung … đã đánh đập người bị tạm giữ tạm giam và cơ quan pháp luật ở nhà nước pháp quyền bắt buộc và tự động phải xử lý nghiêm khắc.

  2. Người ta bảo, lý tưởng nhất, là khi Pháp luật cũng chính là Công lý.
    Đạt được điều đó, hoặc là phải có ý chí, hoặc là phải có khả năng, có đủ điều kiên.

    Ở VN không thể có Công lý.
    Vì Đảng độc tài CSVN không muốn và tự nó không đủ khả năng, tư cách để mang đến cho người dân Công lý! Tư cách của ĐCSVN là tư cách của một đảng cướp, cướp quyền làm chủ đất nước của nhân dân VN.
    Nhà nước VN không phải “nhà nước pháp quyền, mà là nhà nước công an trị của Đảng độc tài.
    “Luật pháp” nào được “nhà nước” đem ra để hành quyết dân Đồng Tâm? Luật Rừng!
    VN không có nền tư pháp độc lập.
    Người dân oan VN không chỉ nhìn thấy bị xử án bất công, mà còn thấy cả xã hội bất công, thối nát từ trên xuống dưới. Không thể chỉ “cải cách” nền tư pháp mà có thể giải quyết “vấn đề nghiêm trọng” như tác giả nêu trong bài.

Leave a Reply to Góp ý Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây