Một số vấn đề đặt ra đối với cải cách nền tư pháp

Ngô Ngọc Trai

16-5-2020

1. Triển khai thực hiện việc chuyển các trại giam giữ sang cho Bộ Tư pháp quản lý, bao gồm các trại giam thi hành án phạt tù và trại tạm giam, nhà tạm giữ đối với các bị can, bị cáo đang trong quá trình xử lý hình sự.

Đây là kế hoạch đã được đặt ra từ năm 2005 bởi Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về tầm nhìn cải cách tư pháp đến năm 2020. Tới nay là năm cuối của thời hạn nhưng vẫn chưa làm được.

Có lẽ đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn về quyền lực nhà nước, do muốn nắm vững quyền lực chính trị cho nên đã có sự e ngại không muốn cải cách vấn đề này. Tới nay muốn thực hiện đòi hỏi sẽ phải có quyết tâm chính trị lớn.

Một điểm thuận lợi trong vấn đề này là lâu nay đã được nghiên cứu rồi giờ chỉ việc đem ra thực hiện.

2. Sửa đổi pháp luật quy định chỉ Tòa án mới có quyền ra các lệnh bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Khi đó cơ quan điều tra hay viện công tố muốn bắt giữ thì phải xin lệnh của Tòa án mới được thực hiện.

3. Triển khai lắp đặt đầy đủ các thiết bị ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.

4. Củng cố vị thế vai trò cho luật sư bào chữa, tham gia ngay từ đầu các vụ án hình sự. Những vụ án oan như Hàn Đức Long là do không có luật sư tham gia từ đầu, vụ Hồ Duy Hải có lẽ cũng vậy, mãi về sau mới xuất hiện luật sư.

5. Thực hiện đúng quy định về Quyền trình bày lời khai của bị cáo, ở các nước thì đó là Quyền im lặng. Tạo cơ chế để luật sư bào chữa gặp gỡ giải thích rõ cho bị can hiểu về quyền trình bày lời khai của mình, vì đó là quyền cho nên không bắt buộc phải khai báo, có quyền từ chối trả lời câu hỏi.

Có người sẽ hỏi, ông là luật sư nên chỉ biết nghĩ cho mình, nếu làm như vậy thì gây khó khăn cho hoạt động điều tra, ông không nghĩ cho người khác à, người ta sẽ làm việc ra sao?

Xin thưa như sau: Toàn bộ những vấn đề đó là luật pháp văn minh, bảo hộ con người, pháp luật các nước người ta đều thực hiện rồi, ngay như Trung Quốc là nước tập quyền mà họ cũng đã chuyển trại giam sang cho Bộ Tư pháp giống như hầu hết các nước, Việt Nam chờ đến bao giờ mới áp dụng, mãi lạc loài so với nhân loại tiến bộ hay sao?

Các nước họ quy định như thế thì đâu phải họ trói tay cơ quan điều tra? Không phải vậy, thực chất tất cả những nội dung trên sẽ chỉ đặt ra yêu cầu với cơ quan điều tra là phải thay đổi đường lối nghiệp vụ làm án của mình, phải tiến bộ lên, và từ bỏ những lạc hậu đi.

Lâu nay việc điều tra luôn coi hoạt động lấy cung là khâu điều tra trọng yếu, hầu như tập trung mọi hoạt động vào đó, tập trung mọi thời gian và nhân sự vào việc lấy cung, nhưng đó là cách làm lạc hậu.

Đúng ra việc điều tra phải tập trung vào hiện trường, tìm kiếm nhân chứng vật chứng, nâng cao kiến thức về tâm tính con người, về ngành tội phạm học, để suy nghiệm về hành vi của hung thủ, đoán định động cơ mục đích phạm tội, từ đó xác định phương hướng điều tra và định hình hung thủ.

Ví như vụ Hồ Duy Hải hai cô gái nạn nhân đều bị mất rất nhiều trang sức trên người, cả hai cô đều có vòng cổ tay bằng vàng, nhẫn hoa tai vàng, dây chuyền vàng. Khi cùng ngồi cạnh nhau giải quyết cho khách dịch vụ ở bưu điện thì sẽ đập vào mắt kẻ nào đó làm nảy sinh lòng tham. Đến ngày cuối năm sắp tết do cần tiền nên gây án làm liều, vậy có thể xác định là giết để cướp tài sản chứ động cơ khó thể là hiếp, khó thể có ý định hiếp ở nơi công cộng và có hai người.

Phải tập trung vào tìm kiếm thu thập đầy đủ các dấu vân tay có ở hiện trường, sàng lọc với cơ sở dữ liệu danh chỉ bản để khoanh vùng nghi phạm. Thu thập đầy đủ các mẫu máu của các vệt máu ở hiện trường, các mẫu máu đó có thể của nạn nhân hoặc của hung thủ, đưa đi giám định đối chiếu với những người tình nghi. Thu thập bảo quản những vật dụng có thể là công cụ phương tiện phạm tội như dao, thớt, ghế. Rồi qua các trang thiết bị khoa học hiện đại đưa đi xét nghiệm, từ đó đưa ra chứng cứ vật chất khách quan để xác định thủ phạm.

Cũng nên biết rằng, những vụ án khó xác định dấu vết thủ phạm như vụ Hồ Duy Hải cũng không phải là nhiều trong tổng số án hình sự hàng năm. Hầu hết số vụ phạm tội về trật tự xã hội, đánh chém nhau hay tội phạm kinh tế thì nghi phạm đều được xác định ngay và tài liệu chứng cứ tương đối rõ ràng dễ thu thập, việc còn lại trong các vụ án đó là tổng hợp tài liệu chứng cứ áp vào với các yếu tố cấu thành tội phạm để kết luận.

Cho nên những việc như quyền im lặng, vai trò luật sư bào chữa, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, không phải tự nhiên mà đã có trong luật, nó đã có bởi đó là sự đúng đắn, là văn minh, là nhân quyền. Và hiện nay luật đã có thì chỉ là vượt qua được những ì trệ, lạc hậu, lạm quyền, lười nhác không chịu trau dồi cố gắng để thực hiện cho đúng.

Cũng xin thưa rằng. Việc xây dựng một nền tư pháp công minh tiến bộ bảo hộ con người sẽ đem đến lợi ích cho tất cả các bên, gồm tất cả những người đang có quan điểm khác nhau. Không khí bất an lâu nay tồn tại ở nơi này nơi kia cũng chỉ vì thiếu một khả năng bảo hộ bởi tư pháp, người có tội thì hoảng sợ, người không vi phạm cũng không thể yên tâm.

Một nền tư pháp công minh tiến bộ sẽ giúp cho người mắc lỗi sẽ chỉ phải chịu mức hình phạt tương ứng với mức lỗi mà mình gây ra, thay vì nặng hơn. Và người không vi phạm cũng có thể yên tâm vì nền tư pháp có đủ khả năng nhận ra điều đó, thay vì gây oan.

Nhìn sang bên Hàn Quốc, nền tư pháp của họ đã xử lý cả Tổng thống, mà là Tổng thống đương nhiệm, điều đó cho thấy quyền lực tư pháp của họ lớn đến thế nào. Mà đã không hề có đổ vỡ xáo trộn gì lớn, tất cả chỉ gồm một số tờ giấy, một số điều luật, một số vụ bắt giữ, một số vụ thẩm vấn và phiên tòa.

Nêu tới đây có người sẽ hỏi, vậy thì phải làm như thế nào?

Lâu nay nhiều người đã yêu cầu phải có tư pháp độc lập, nhưng nêu vấn đề như vậy thì lại bế tắc, đảng cầm quyền đang lãnh đạo đâu chịu từ bỏ quyền của mình đối với tư pháp?

Tôi cho rằng chưa cần phải đòi hỏi tư pháp độc lập, mà cần yêu cầu thực hiện một số biện pháp kỹ thuật để tăng tính độc lập tương đối cho các Thẩm phán, để từ đó tạo lập sự công tâm khách quan trong việc làm.

Tức là khi đã trao quyền cho Tòa án như quyền quyết định việc bắt giam giữ, thì để đảm bảo quyết định của tòa là công tâm khách quan, có thể thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Thứ nhất: Tăng lương. Ngành Tòa án có một quyền lớn rất đặc thù, đó là có quyền tuyên án tù, án tử hình, tước đoạt quyền lợi tài sản kinh tế nhiều tỷ đồng, mà đối với con người thì có điều gì giá trị hơn tính mạng và tự do?

Do quyền của Thẩm phán đặc biệt giá trị như vậy, cho nên mức lương không thể ngang bằng với các ngạch hành chính khác, phải nâng lên gấp 4,5 lần hiện nay. Cũng nên nhớ rằng số lượng Thẩm phán và biên chế ngành Tòa án lại không cao. Tổng biên chế ngành tòa án hiện nay chỉ khoảng 17 nghìn, con số quá nhỏ so với các ngành khác.

Mấy tháng trước một vị lãnh đạo tòa án tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, biên chế của ngành tòa án cả nước chỉ khoảng 17 nghìn, nhưng biên chế ngành giáo dục của riêng tỉnh Thanh Hóa đã là khoảng 11 nghìn (vậy thì 63 tỉnh sẽ lớn thế nào). Biên chế ngành tòa án của cả tỉnh thanh hóa khoảng hơn 400, nhưng biên chế công an của riêng thành phố Thanh Hóa đã gần 1000 (vậy thì biên chế của cả tỉnh sẽ lớn bao nhiêu).

Cho nên số lượng biên chế không lớn là một điểm thuận lợi có thể giải quyết việc tăng lương cho Thẩm phán.

Thứ hai: Nâng thời gian nhiệm kỳ của Thẩm phán lên 10 năm, họ sẽ không chịu bị đánh giá kỷ luật về các quyết định tư pháp, mở rộng đối tượng tuyển dụng Thẩm phán cho cả các luật sư.

Thứ ba: Tăng số lượng thành viên Hội đồng xét xử, tăng thêm số lượng hội thẩm nhân dân, hội đồng xét xử có thể lên 9 người như ở Nhật Bản và mở rộng chọn luân phiên trong dân chúng, để tăng tính độc lập trong các phán quyết.

Thứ tư: Trước đây đã có đề án thành lập tòa án khu vực để giảm sự ảnh hưởng của chính quyền cấp huyện đối với các tòa án huyện, nhưng đề án này đã không được thực hiện. Nay nên xem xét lại việc thực hiện.

Trên đây chỉ là một số vấn đề sơ lược, còn nhiều vấn đề khác, mà muốn làm rõ từng vấn đề thì có khi cần phải viết cả một cuốn sách mới được.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. LS Ngô Ngọc Trai có ý kiến „Có lẽ đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn về quyền lực nhà nước, do muốn nắm vững quyền lực chính trị cho nên đã có sự e ngại không muốn cải cách vấn đề này“ khi nói chuyển giao trại giam về Bộ tư pháp (Ở Đức là các Sở tư pháp Bang, chứ không thuộc Bộ). Tôi hiểu giữ trại giam là bao nhiêu quyền lợi trong đó: vật chất, quyền lợi, công việc … nên đơn giản nghành công an không muốn nhả ra, vậy thôi. Và bên cạnh đó thế nghành này quá mạnh so nghành tư pháp nên phải chờ tiếp!
    Việc chỉ có thẩm phán mới có quyền tống giam thì quốc tế họ làm đã từ lâu. Việt Nam với việc cho quyền rộng rãi đối với cơ quan điều tra …, và không có sự giám sát nên bắt người vô tội hay không đáng bắt xảy ra thì là lẽ thường!
    Các nước hỏi cung chả cần camera và ghi âm cũng chả sợ nghi phạm bị đánh đập, do nếu bị đánh đập nghi phạm ở nước họ khai ra hợp lý thì nhân viên đánh người lập tức đi tù mọt gông, còn ở Việt Nam thì đánh người vết tích còn hằn ra đó mà cũng chả ai làm sao, thì có ghi âm hay ghi hình cũng chả giải quyết cơ bản được! Cơ bản là phải tin được vào lời của nạn nhân và phải coi họ là con người bình đẳng!!! Và lời khai nghi phạm (khi đó là công an) không được xem như 50-50, vì nghi phạm có quyền dối trá.
    Còn ở nước nào muốn có luật sư bao giờ cũng được, chỉ có Việt nam làm khác người, thì nay chỉ cần đấu tranh đừng làm khác người mãi, vì như thế muôn đời vi phạm quyền con người!
    Quyền im lặng các nước pháp quyền thì mỗi khi lấy cung nhân viên điều tra PHẢI GIẢI THÍCH RÕ RÀNG quyền này. Còn nếu không giải thích rõ ràng, mà sau này nghi phạm khai ra thì MỌI THÚ NHẬN SẼ VÔ GIÁ TRỊ NẾU NGHI PHẠM NÓI KHÔNG ĐƯỢC HƯỚNG DẪN QUYỀN IM LẶNG. Còn các nước pháp quyền không có ai dở hơi đặt câu hỏi: „nếu làm như vậy thì gây khó khăn cho hoạt động điều tra à?“, vì luật sư chỉ không được phép vi phạm luật pháp (phải hiểu luật pháp theo nghĩa tiến bộ), chứ ở các nước cần toàn tâm, toàn ý phục vụ thân chủ.
    Và nếu LS Trai đã nhìn sang Hàn Quốc thì cũng nhìn ra cả thế giới: Israel, Ý, Đức …, bất kỳ nguyên thủ nào cũng có thể bị bắt giữ nếu phạm pháp đủ mức bắt giữ (trước đó sẽ bị truất quyền bất khả xâm phạm), vì họ THỰC SỰ THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT KHÔNG CẦN CÂU XỬ LÝ KHÔNG CÓ VÙNG CẤM như Việt Nam.
    Tôi không thể đồng ý với ý kiến LS là: „chưa cần phải đòi hỏi tư pháp độc lập“. Yếu kém của Việt nam lĩnh vực này vênh quá lớn so thế giới. YẾu kém đầu tiên là chính từ hiến pháp chỉ xác định độc lập khi xét xử, trong khi toàn thế giới (trừ TQ) là độc lập chung chung (cả trước và sau khi xét xử). Thứ 2 nói chưa đủ mà phải có biện pháp hiến định bảo vệ thẩm phán không cho ai đụng tới: bổ nhiệm, thuyên chuyển. Thứ 3 phải đặt tương dương như hành pháp và lập pháp chứ không thể nâng cao vai trò chung chung mấy chục năm vẫn cứ nâng, chả hiểu nâng kiểu gì Tòa vẫn tương đương Sở ở Tỉnh, phòng ở huyện.

    • Tam quyền phân lập nó hợp lý ở chỗ khi 1 quyền lực lên tiếng thì 2 quyền lực kia im lặng (như trò chơi oẳn tù tì giứa KÉO – BÚA – BAO). Còn khi vai trò tư pháp quá yếu ớt thì có xử chính quyền thua dân thì bản án cũng không thể thực hiện nếu chính quyền đó không muốn thực hiện và dân không có biện pháp đủ mạnh để họ phải thi hành – vì họ không những chỉ là hành pháp – chính quyền, mà chủ tịch còn kiêm phó bí thư đảng bộ địa phương và chánh án bị họ coi như em út thì quyết định của thẩm phán nào „chán sống“ dám xử chủ tịch thua họ coi là cái đinh gì đâu!

  2. – “Toàn bộ những vấn đề đó là luật pháp văn minh, bảo hộ con người, pháp luật các nước người ta đều thực hiện rồi, ngay như Trung Quốc là nước tập quyền mà họ cũng đã chuyển trại giam sang cho Bộ Tư pháp giống như hầu hết các nước, Việt Nam chờ đến bao giờ mới áp dụng, mãi lạc loài so với nhân loại tiến bộ hay sao?”

    Đọc những dòng trên, và đọc cả bài viết, chỉ thấy, VN không cần thiết phải cải cách, phải chuyển trại giam sang sang Bộ Tư pháp. Thuộc Bộ nào cũng thế, vẫn nằm trong cái Trại súc vật.

Comments are closed.