Thảo Ngọc
12-5-2020
Phải chăng toàn bộ 17 vị trong Hội đồng thẩm phán tại phiên tòa Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải không hiểu biết pháp luật?
Sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm (từ ngày 6/5-8/5), Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải, không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao đối với các nội dung trong vụ án Hồ Duy Hải.
HĐTP cho rằng: Quyết định kháng nghị của Viện KSND Tối cao là trái luật, vì kháng nghị diễn ra trong khi Quyết định số 639/QĐ-CTN, ngày 17/5/2012, của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực (1).
Chẳng lẽ ông Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và 16 vị Thẩm phán kia không biết hoặc cố tình không biết, hay họ chỉ là những con robot làm theo lệnh của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình?
Tại Khoản 2, Điều 379, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định như sau: “Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ” (2).
Điều đó có nghĩa là: Lúc người bị kết án (mà ở đây là Hồ Duy Hải) đang ngồi chờ ngày thi hành bản án, hoặc đang trên đường đi tới pháp trường để thi hành án, nếu Viện trưởng VKSNDTC phát hiện được những sai sót trong quá trình tố tụng và xử án, thì VKSNDTC có quyền kháng nghị.
Thậm chí kể cả khi người bị kết án đã chết thì VKSNDTC vẫn có quyền kháng nghị để minh oan cho họ.
Các vị trong HĐTP TANDTC hãy vểnh tai lên mà nghe các chuyên gia giảng giải nhé.
Ông Nguyễn Quang Lộc, cựu Thẩm phán, cựu Chánh Văn phòng TANDTC phân tích về phiên tòa Giám đốc thẩm xử vụ Hồ Duy Hải như sau: “Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng, kháng nghị của VKSNDTC trái pháp luật nên không được chấp nhận. Vậy kháng nghị đó trái pháp luật nào? Kháng nghị khi mà Quyết định số 639/QĐ- CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật? Luật nào quy định? Không có quy định nào về vấn đề này trong BLTTHS.
Về cái được gọi là ‘sai sót trong tố tụng hình sự của vụ án này’, phải nói thẳng đó là những vi phạm nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vậy các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong vụ án có làm thay đổi nội dung, bản chất của vụ án không?
Khi mà các cái gọi là chứng cứ được thu thập trái pháp luật, lại được sử dụng như là chứng cứ buộc tội thì đó là vi phạm pháp luật. Vì thế nó làm thay đổi bản chất của vụ án” (3).
TS Vũ Thị Phương Lan – Giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội nói: Một bản án chưa thể hiện công lý. “Vấn đề được HĐXX TANDTC nêu ra là kháng nghị của VKSNDTC không đúng quy định của pháp luật vì Chủ tịch nước đã có Quyết định 639/2012 bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Hàm ý ở đây là khi Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm án tử hình thì VKSNDTC không được quyền kháng nghị.
Tôi cho rằng không thể đem Quyết định của CTN để quy chiếu tính hợp pháp của quyết định kháng nghị của VKSNDTC bởi vì chức năng của hai cơ quan này là khác nhau và nội dung của hai văn bản đề cập tới những khía cạnh khác nhau cho dù là về cùng một vụ việc. CTN là nguyên thủ quốc gia chứ không phải cơ quan tố tụng. Hiến pháp, pháp luật trao cho CTN quyền ân giảm đối với tội phạm chứ không phải khẳng định một người có tội hay không. Quyết định không ân giảm của CTN không có nghĩa là lời khẳng định quyết định buộc tội tử hình của tòa án là đúng.
VKSNDTC thực hiện quyền kháng nghị của mình theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và Bộ luật tố tụng hình sự. Quyền kháng nghị có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào đối với các bản án của tòa án mà VKS cho là sai, có thể là sai về tố tụng hoặc áp dụng pháp luật nội dung. Ở đây cơ sở pháp lý của kháng nghị của VKSNDTC là Hiến pháp và các luật liên quan và VKSNDTC hoàn toàn có quyền kháng nghị ngay cả khi CTN đã có quyết định bác đơn ân giảm án tử hình” (4).
Luật sư-Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa rồi có những chi tiết và lập luận không đủ sức thuyết phục và có thể để lại một tiền lệ không phù hợp với nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’ mà BLTTHS đã quy định. Do đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội cần giám sát tối cao vụ án này. Tôi đồng tình với đề nghị này”. Theo đó ông cho rằng Bản chất của vụ án không thể tồn tại ngoài chứng cứ, Quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao không sai về thủ tục, Cấp giám đốc thẩm ra phán quyết bằng cách giơ tay là không khách quan vì tạo áp lực cho các thẩm phán (5).
Phó ban Dân nguyện của UBTV Quốc hộ, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng đã chỉ ra sự không vô tư và định kiến tư pháp khi ông Nguyễn Hòa Bình từng làm viện trưởng đã không kháng nghị. Giờ ông Bình là chánh án Tối cao lại ngồi ghế chủ tọa thì điều lo ngại sự không vô tư đã xảy ra!
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Biểu quyết 100% của 17 vị Hội đồng thẩm phán không còn tính độc lập trong xét xử mà là của cấp dưới với thủ trưởng- chánh án (6)
Điểu hết sức nguy hại cho nền tư pháp nước nhà, khi mà những vị thẩm phán này là những kẻ “mũ cao áo rộng”, ngồi ngất ngưởng ở vị trí cao nhất của những phiên tòa để xét xử người khác. Khi họ là những kẻ hướng dẫn bằng việc viết sách hoặc giảng dạy ở các trường luật, nhằm đào tạo ra những người cầm cân nảy mực thi hành công lý, phán xét con người.
Vẫn biết rằng các vị Thẩm phán hiện nay tại Việt Nam chưa phải là những người giỏi nhất, hiểu biết luật nhất, nhưng rất nhiều người trong số họ là những kẻ tha hóa, thiếu đạo đức, không phải tiến thân bằng cái đầu, bằng trí tuệ, mà tiến thân bằng đầu gối, giỏi nịnh bợ. Chính vì vậy mà sản phẩm tồi tệ của họ là hàng loạt vụ án oan sai, thiếu công minh chính trực, thiếu công bằng, gây căm phẫn trong nhân dân và dư luận xã hội.
Tuyên ngôn Quyền Con Người của Cách mạng Pháp năm 1789 có đoạn: “Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền của Con Người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con Người”.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao cả HĐTP 17 vị, trong đó hầu hết là Giáo sư-Tiến sĩ luật, người thấp nhất là Thạc sĩ luật, đại diện cao nhất và có thể nói là tinh hoa của ngành tòa án Việt Nam hiện nay mà có nhận thức ẩu trĩ và ngây thơ như vậy?
Có người đã ví 17 vị trong HĐTP là 17 tay đao phủ, là 17 con kền kền, quả không oan. Bàn tay của 17 vị quan tòa này đã nhuộm máu người vô tội.
Nếu xét thấy mình không đủ tư cách làm quan tòa công tâm, công chính và lương thiện thì mong các vị hãy cởi áo quan, trở về làm người tử tế cũng chưa muộn.
Nếu vì những đông cơ thấp hèn mà dám cố tình giết oan một mạng người, thì các vị muôn đời sẽ sống trong sự phỉ nhổ và nguyền rủa của nhân dân.
Dù các vị là người đại diện cho cán cân công lý, thì công lý không thuộc về những kẻ vô đạo đức và vô lương tâm như các vị.
Chừng nào còn chế độ độc đảng độc tài, không có toà án độc lập thì những đau khổ chung thân của gần trăm triệu dân đen Việt Nam vẫn còn mãi mãi.
Chú thích:
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx
(3) https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/2296080090694949
(4) https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/2296263740676584
(5) https://plo.vn/phap-luat/mot-so-ban-khoan-xung-quanh-vu-an-ho-duy-hai-911845.html
(6) https://www.facebook.com/trinhbaphuong.trinhba