Dân Mỹ đang quan tâm điều gì?

Nhã Duy

11-5-2020

Những năm đầu chiến tranh Việt Nam, chưa quen địa hình cùng chiến thuật du kích của Việt Cộng, lính Mỹ tổn thất khá nhiều tính theo tỉ lệ thương vong với địch quân.

Trận đánh tại thung lũng Ia Drand cách Pleiku khoảng 60 cây số hướng Tây Nam vào cuối năm 1965 được xem là một trận đánh lớn và quan trọng đầu tiên giữa quân Mỹ và Bắc Việt dưới quyền tư lệnh của tướng William Westmoreland tại chiến trường Nam Việt Nam. Theo báo cáo từ phía Mỹ, tổn thất Cộng quân so với lính Mỹ là 10 trên 1 trong trận này.

Khi Thượng Nghị Sĩ Fritz Hollings của South Corolina đến Sài Gòn sau trận đánh này và nghe tướng Westmoreland trình bày chiến thuật sử dụng pháo binh và không quân để yểm trợ, tiêu hao sinh lực địch với chiến thắng “địch chết mười, quân ta chết một”, TNS Hollings nóng nảy nói thẳng vào mặt Westmoreland rằng, “Dân Mỹ cóc quan tâm về con số mười, họ chỉ quan tâm con số một“. Đó là sự thật tàn nhẫn nhưng tất nhiên của chiến tranh. Ken Burns có đưa thước phim tài liệu này vào phim “The Vietnam War”.

Đây có lẽ cũng là thái độ và tâm lý của dân Mỹ trong dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Họ không quan tâm nhiều đến việc Trung Cộng giấu dịch hay chết bao nhiêu. Họ chẳng cần biết chính phủ các nước khác đã phản ứng “thua kém” nước Mỹ ra sao. Họ “cóc care” chuyện nội các Mỹ “chống dịch thành công” thế nào, theo như lời Donald Trump cùng ban bệ của ông đang hô hào hay trấn an công luận trong các cuộc họp báo. Điều họ quan tâm là, rủi ro chính họ cùng người thân bị lây nhiễm thế nào, là cơ hội được xét nghiệm và chữa trị ra sao, là số dân Mỹ bị lây nhiễm và chết vì virus corona là bao nhiêu.

Đáng tiếc là nước Mỹ không chỉ đang dẫn đầu thế giới về số người lây nhiễm và tử vong mà còn gieo rắc nỗi ám ảnh về chết chóc xảy ra hàng ngày cho người dân. Những con số lạnh lùng, tàn nhẫn cứ tăng thêm mỗi ngày. Con số dự đoán về số người chết cứ được chính phủ nâng thêm sau vài tuần. Ai dám đoán chắc mình hay người thân sẽ không cộng thêm một con số thống kê lạnh lùng nói trên?

Mọi dịch bệnh luôn bắt đầu từ bệnh nhân số một. Con số một ngàn hay một triệu tùy theo cách đối phó, chống trả của các quốc gia. Nhưng Trump và nội các đã thất bại khi đưa nó lên cột mốc một triệu. Và có lẽ con số hai triệu chỉ là thời gian của những tuần, tháng tới. Điều này đồng nghĩa với số người chết cũng sẽ tăng theo.

Dịch bệnh không phải lỗi chính phủ. Dịch bệnh không phải lỗi của người dân Mỹ. Nó cũng không phải do cơ quan hay giới hữu trách y tế. Nhưng chính thái độ coi thường, tạo cảm giác an toàn giả tạo mà TT Trump và nội các cùng giới chính khách, truyền thông đồng minh của ông tạo ra từ những tuần đầu tiên cho đến cả hiện nay, đã đưa nước Mỹ vào một tình thế mà lẽ ra đã có thể được kiểm soát hiệu quả hơn, cũng như tổn thất sinh mạng lẫn kinh tế không nặng nề như đang xảy ra.

Xem việc chống dịch là “thành công”, kêu gọi và tạo áp lực lên các tiểu bang mở cửa, Trump và thuộc cấp của mình đang tiếp tục tạo ra cảm giác an toàn giả tạo cho người dân về dịch bệnh. Đó là lý do tại sao xảy ra những cuộc biểu tình hay tụ tập đông người trong đó nhiều người vẫn xem thường nguy cơ lây nhiễm cùng các biện pháp phòng ngừa theo giới y tế đã khuyến cáo.

Nước Mỹ không thể đóng cửa lâu dài, nền kinh tế cần phải tái hoạt động. Nhưng vấn đề không phải là một, hai, ba hay bốn tuần, bất kể diễn tiến dịch bệnh ra sao, mà là một kế hoạch mở cửa như thế nào để bảo đảm sự an toàn cao nhất cho người dân.

Hãy nhìn xem việc chống dịch ngay tại tòa Bạch Ốc. Với việc xét nghiệm liên tục, các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để bảo vệ những người đứng đầu chính phủ, nhưng rồi các nhân viên thân cận tổng thống, phó tổng thống… cũng bị lây nhiễm và nhiều quan chức y tế cao cấp của nội các đang phải tự cách ly.

Có một ổ dịch virus corona ngay chính tại tòa Bạch Ốc hiện nay. Cố vấn kinh tế Kevin Hassett của Trump đã phải thú nhận trên CBS rằng, “thật đáng sợ khi đi làm“. Nếu tòa Bạch Ốc chưa bảo vệ được cho chính nhân viên của họ, làm sao những người đứng đầu nước Mỹ có thể bảo vệ hiệu quả cho người dân Mỹ?

Lỗi là Trung Cộng, là Mexico, là WHO, là Bush, là Obama… hay bất cứ ai và điều gì như Donald Trump và Bạch Ốc đang đổ lỗi, người dân Mỹ không quan tâm. Trung Cộng chết nhiều nhưng khai ít, che giấu dịch bịnh, dân Mỹ cũng chẳng quan tâm lắm. Điều họ quan tâm là chính họ và gia đình họ có được an toàn, kinh tế gia đình họ có khôi phục lại sau dịch bịnh hay không. Mối quan tâm chính đáng này mới là điều quan trọng.

Bình Luận từ Facebook