17/17

Đặng Sơn

11-5-2020

“Bản án là nơi những con người bằng xương bằng thịt theo đuổi niềm tin về công lý của chính bản thân mình. Bản án là nơi các quan điểm, cách tiếp cận, cách diễn đạt và các học thuyết chính trị – pháp lý được đưa vào thực tiễn; với động lực lý giải những hành vi được “giả định” là đã diễn ra thông qua hệ thống bằng chứng được thu thập một cách quy chuẩn, hợp pháp.

Các ý kiến bình luận của thẩm phán về những vấn đề nói trên có thể đại diện của lương tri, có thể là động lực của sự phát triển triết học pháp lý tại một quốc gia, có thể là nguồn của những thảo luận mới trong cộng đồng luật học, có thể là cây cầu dẫn công chúng đến tương lai.

Không có những ý kiến bình luận, những phản biện đi kèm, các phán quyết như cái cây không chịu mọc rễ. Chúng muốn tồn tại trong đất nhưng lại từ chối ăn sâu vào đời sống bằng những diễn giải hợp lý hay bằng cạnh tranh trí tuệ sòng phẳng.

Tôi từng lắc đầu ngao ngán khi đọc và bình luận nhiều bản án hình sự dài chưa tới 20 trang của các Tòa Cấp cao Việt Nam, với 15 trang nội dung chép thẳng lại từ biên bản điều tra (được xem như “sự thật khách quan”) và đúng hai trang ý kiến của thẩm phán với khuynh hướng kết luận “đúng người, đúng tội”. Tôi thường tự trấn an mình rằng đây chỉ là bản chất của các tòa cấp thấp trong hệ thống dân luật mà thôi.

Nhưng Tòa Tối cao thì sao?

Cour de Cassation (Tòa phá án) hay Conseil d’État (Hội đồng Nhà nước) của Cộng hòa Pháp, quốc gia dân luật điển hình, có thể cho thấy sự phóng khoáng của những tòa tối cao thật sự trong các thảo luận và phản biện pháp lý liên quan đến các vụ án cụ thể, từ đó định hình nền tư pháp. Vậy nên ở một mức độ nào đó, Tòa Tối cao của một quốc gia cần tận dụng những thời khắc nhất định để khẳng định vai trò của mình đối với đời sống pháp luật quốc dân.

Chiều ngày 8 tháng 5 năm 2020, phiên giám đốc thẩm của vụ án làm chấn động giới luật học và thu hút sự chú ý của hàng triệu độc giả Việt Nam đưa ra quyết định gần như cuối cùng.

Vậy nên, tôi đã sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả mà tòa có thể đưa ra. Tuy nhiên, tôi khao khát kết quả đó sẽ đi kèm với những bình luận (opinions) sắc sảo, đanh thép của các thẩm phán, mở ra những con đường mới, những thảo luận mới cho khoa học pháp lý Việt Nam.

Điều đó đã không xảy ra.

Quyết định cuối cùng được đi đến bằng cách bỏ phiếu. Toàn văn quyết định giám đốc thẩm không có gì khác ngoài viện dẫn các điều luật “chay” và những lập luận cũn cỡn. Quan điểm phản biện bên trong nội bộ Tòa Tối cao lại càng không thể tồn tại với tỷ lệ 17/17 thẩm phán đồng ý bác kháng nghị. Nói cách khác, các thẩm phán chỉ phán xét mà không cho công chúng và giới luật học biết lý do tại sao họ lại phán xét như vậy.

Chỉ nhìn vào một vài “kết luận” của các thẩm phán thôi cũng có thể thấy hàng loạt những thảo luận pháp lý đang bị bỏ mặc.

Thế nào là “…có sai sót nghiêm trọng tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”? Và thế nào là “bản chất vụ án”?

Bản chất vụ án lại càng không thể được dựng nên dựa vào lời khai của bị can, bị cáo. Nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung đã tồn tại trong pháp luật hình sự Việt Nam được vài thập kỷ. Và việc xây dựng “bản chất vụ án” dựa theo lời khai tạo quá nhiều kẽ hở cho lạm quyền, mớm cung và bạo lực.

Những thảo luận chuyên sâu hơn cho câu khẳng định giản đơn “…có sai sót nghiêm trọng tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án” hoàn toàn có thể làm khuynh đảo các nguyên tắc hình sự nền tảng của nền tư pháp hình sự Việt Nam. Và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao lại từ bỏ cơ hội có một không hai này để cho quốc dân thấy năng lực thật sự của mình.

Câu khẩu hiệu “đúng người, đúng tội” mà các thẩm phán nói đi nói lại vẫn còn văng vẳng trong tai tôi. Nhưng vì sao họ cho rằng bản án tử hình của Hồ Duy Hải là “đúng người, đúng tội” thì họ không nói. Trong khi, đáng lẽ ra, đó mới là công việc chính của họ.”

_____

Trên là trích lời luật sư Nguyễn Quốc Tấn Trung. Luật sư vẫn còn lịch sự lắm. Còn kiến trúc sư thì nghĩ thế này:

1-Hội đồng thẩm phán là những kẻ không chỉ thiếu năng lực mà còn vô lại và vô liêm sỉ! Họ không có năng lực viết ra 1 bản án bằng lập luận và lý lẽ thuyết phục, chỉ có khả năng dùng sự vô lại và vô liêm sỉ để đàn áp công lý!

2-Chúng leo lên hạng top của hệ thống bởi cái hệ thống đó không cần người có năng lực. Nó chỉ cần những kẻ vô lại và vô liêm sỉ!

3-Chúng sẽ tiếp tục bảo vệ cái hệ thống vô lại và vô liêm sỉ đó bằng chính sự bầy đàn mọi rợ 17/17!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây