Sự dữ dằn thời cuộc

Mai Quốc Ấn

10-5-2020

Một trong những đặc trưng rõ ràng khi tiếp xúc với dân oan “dám” đi khiếu kiện, là họ rất… dữ dằn. Càng oan lâu, càng kiện dài, thì mức độ dữ dằn càng lớn. Một năng lượng phẫn uất rất luôn chực chờ dâng trào và dễ cảm nhận.

Cả sự cảnh giác nữa!

Án oan hay thu hồi nhà cửa đất đai với giá rẻ mạt rồi phải mua hoặc nhìn mảnh đất ấy tăng giá theo chiều thẳng đứng hỏi sao không phẫn uất? Những trận cưỡng chế trên mảnh đất tổ tiên để lại hay bản thân khai phá với bao mồ hôi, nước mắt, hỏi sao không phẫn uất? Những ngày mòn mỏi đợi công lý, chốn công môn chứng kiến bao sự vô cảm, trải nghiệm lắm cảnh trái ngang, hỏi sao không phẫn uất?

Bị trả hồ sơ, bị gài ký tá vì không biết luật (thậm chí không biết chữ), bị xua đuổi, bị đánh, bị bán đứng, bị lợi dụng, bị bỏ rơi,… khiến những thân phận khốn khổ ấy trở nên đầy cảnh giác. Họ, có người thậm chí tha hoá, đến mức mới nghe lời hứa tăng giá đền bù, nghe lời rỉ tai sẽ giải quyết vụ việc mà từng bán đứng luật sư, nhà báo hay cá nhân nào đó đã/đang ủng hộ mình…

Quyền lực có tính tha hóa và sự tác động của quyền lực tha hóa đối với đối tượng mà nó tác động trực tiếp mang tên nạn nhân, thì nạn nhân cũng bị tha hóa. Chứ nào đâu chỉ những cá nhân quyền lực đang tha hoá nhung nhúc.

Sự dữ dằn bị đẩy lên mức cao hơn khi nạn nhân sẵn sàng lột đồ khoả thân phản đối một quyết định cưỡng chế trái đạo. Cao hơn nữa là tự huỷ hoại sinh mệnh, với một chai xăng, chẳng hạn. Cao hơn cả điều đó, là những tiếng súng…. Chứ nào đâu chỉ những quan nhân tiêu xài xa xỉ ngân khố và đưa ra các quyết định làm lợi cho gian thương.

Những vấn đề mang tính ẩn ức sâu của công dân nói chung và dân oan nói riêng tại một quốc gia mà bằng chứng bị bỏ qua để… mua thứ tương tự, để nhận diện ngoài chợ đến nay chưa có một nghiên cứu xã hội học sâu rộng nào cả. Nhưng cái gốc của mọi vấn đề như vậy không thể phủ định được: Sự bất cập của thể chế.

Nghệ thuật cai trị dân chúng của kẻ cai trị nói chung gói gọn trong chữ phục tùng. Tin tưởng để phục tùng, hoặc sợ hãi mà phục tùng. Tất cả nằm gọn trong thể chế với tất cả những quy phạm của nó, nơi mà nhân viên công quyền được làm những gì luật cho phép. Nếu luật có chỗ cho các công sai được lạm quyền bao nhiêu càng là thể hiện thế chế tồi bấy nhiêu, hoặc ngược lại.

Nếu bất công xã hội diễn ra thì mỗi công dân đều có dự phần trong ấy, tuỳ tính chất và mức độ. Công lý cho mọi người được hiểu theo nghĩa mà mỗi người mong muốn tiếp nhận, sẽ chưa bao giờ là công lý thuần khái niệm ban đầu. Bản thân công lý là một quá trình khách quan để đạt được kết quả khách quan. Nên nếu có những công dân trở nên dữ dằn vì công lý khách quan theo nghĩa tiêu cực đã tác động đến họ như vậy, thì đó là hệ lụy không thể tránh khỏi của một thể chế không chịu thay đổi hoặc chậm chạp thay đổi so với yêu cầu của thời cuộc.

Nếu ai từng xem bộ phim Công lý báo thù sẽ hiểu rõ sự dữ dằn thời cuộc đáng sợ ra sao. Clyde Shelton đang sống hạnh phúc cùng gia đình với vợ và cô con gái nhỏ đáng yêu thì hai kẻ cướp đã tấn công gia đình anh, Clyde may mắn sống sót. Pháp luật đã bất lực vì không có bằng chứng cụ thể để buộc tội hai tên tội phạm Darby và Ames. Công tố viên Nick đã chọn cách thỏa hiệp với tên Darby mong hắn khai chống lại Ames để hắn có một mức án phạt nhẹ nhất – 5 năm tù giam. Clyde vô cùng phẫn nộ vì chính Darby mới là kẻ sát hại vợ con anh. Từ đó anh nuôi chí phục thù, phá mọi lỗ hổng mà luật pháp không thể che kín. Clyde đã sắp xếp một kế hoạch trả thù hoàn hảo…

Một kế hoạch trả thù hoàn hảo chắc chắn sẽ dẫn đến một kết cục tàn khốc!

Nên trên cao quyền lực kia, hay đang trong tay có đầy công cụ trấn áp, cũng nên nhớ rằng nếu những quyết định đã khiến các cá nhân công dân trở nên dữ dằn thời cuộc càng đông lên nhanh bao nhiêu, thù sâu bấy nhiêu; thì ngày nào đó cuộc “đòi nợ” của những thân phận ấy cũng tương xứng bấy nhiêu.

Xưa nay, chưa ai thoát khỏi Nhân-Quả! Và Nhân-Quả chẳng hề vô hình đâu. Nó đã bắt đầu từ lâu chứ không chỉ cái ngày mà đám đông thấy một người mẹ giơ tay hướng về trời xanh mong cứu mạng con mình.

Giơ tay về phía trời xanh có nghĩa công dân dữ dằn thời cuộc đã không còn tin vào chốn công môn. Đó sẽ là bi kịch của xã hội nói chung hay cá nhân quyền lực/ nhóm quyền lực đã tạo ra thời cuộc ấy nói riêng.

Ngày mà lò xo xã hội bung ra sau nhiều năm kìm nén. Thật không dám nghĩ tới…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Phải chăng vì không dám nghĩ tơi nên các bác sĩ phu hà lụi chỉ muốn đảng thay đổi???

  2. Đây không phải cái lò xo mà ông Phúc tặng cho nền kinh tế SG, nơi phải phục dịch cho bộ máy ngốn tiền Hà Nội: TP.HCM là “lò xo nén” đủ rồi, đã đến lúc “bung” ngay, nhưng cái lò xo phẫn uất này bung phá như thế nào nói như anh Ấn: Thật không dám nghĩ tới…
    Không dám nghĩ tới…,

Comments are closed.