1-5-2020
Tôi không nghĩ đã có dân tộc nào trên thế giới mở đầu trang sử của mình bằng một cuộc phân ly. Nhưng rủi thay, dân tộc ta đã có một trang sử khởi đầu như vậy. Đọc sử, chúng ta hãnh diện tự tôn về dòng giống con rồng cháu tiên. Điều đó, làm chúng ta quên bẵng đi ý nghĩa câu chuyện mẹ Âu Cơ đem 50 con lên núi, cha Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển để bắt đầu một phân ly tiên khởi như định mệnh dân tộc.
Ngẫm xem, dân tộc này đã trải qua bao nhiêu cuộc phân ly kể từ ngày ấy? Ngày nay, lúc này, xứ sở thống nhất về lãnh thổ, nhưng cuộc phân ly từ lòng người vẫn cứ còn nguyên đó với nhiều sắc màu, vượt trội nhất với đỏ và vàng.
Cũng lạ, như một định mệnh trớ trêu, trong lá cờ đỏ lại có ánh vàng, trong lá cờ vàng lại có sắc đỏ, trong mình có ta, trong ta có mình, ta với mình đều là người Việt, mình với ta đều là đồng bào, ta với mình đều vỗ ngực yêu nước, nhưng mình với ta không đứng chung trong một sắc cờ! Và nếu cần phải chiến đấu với ngoại xâm, liệu ta với mình có đứng chung trong một chiến hào?
Tôi mơ hồ về câu trả lời, nhưng tôi sẽ chắc chắn hơn với câu trả lời “Có”, chỉ khi mà “ta” với “mình” đã có sự hòa hợp, hòa giải với nhau!
Vâng, sự hòa giải đấy là nan đề xứ sở, là giấc mơ 45 năm chưa trọn!
Đối diện với mỗi vấn đề, tôi vẫn thường hướng sự suy nghĩ của mình bắt đầu từ quá khứ để biết các bài học của lịch sử… Nhưng với vấn đề hòa giải, tôi muốn chúng ta bắt đầu câu chuyện từ nước Đức.
Không phải về một nước Đức phát xít của Hitler đã từng làm nhân loại kinh sợ, mà về một nước Đức thống nhất đã từng làm nhân loại phải ngã mũ kính phục từ sau sự kiện bức tường Berlin bị phá bỏ năm 1989. Chính là nước Đức mà khiến chúng ta, đã không thể đặt vô số câu hỏi tại sao khi đối chiếu với những vấn đề của đất nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao họ không đặt ra vấn đề buộc những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ phải đi học tập cải tạo như đất nước ta? Nhưng chúng ta phải nhận thấy rằng, nhờ đó, nước Đức đã không mất đi nguồn nhân lực chất xám cực lớn và quý báu từ một nửa quốc gia còn lại, xã hội không bị xáo trộn và cũng không phải đau đáu về việc phải hòa giải với các cựu thù hàng mấy thế hệ, mà nay tất cả đang là những đồng nghiệp với nhau, cùng kề vai sát cánh phụng sự trong chính quyền nước Đức, vì quyền lợi dân tộc Đức.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không hiểu tại sao người dân Đông Đức cũ đã không chọn con đường đào thoát, tỵ nạn ra nước ngoài như người dân đất nước ta! Và chúng ta cũng nhận thấy rằng, nhờ đó, hàng triệu người dân nước Đức đã không phải phiêu lưu đánh đố số phận của mình trên những chiếc ghe nhỏ giữa đại dương, với vô vàn bất trắc: bão tố, sóng biển, cá mập, hải tặc, tù đày và kể cả điều xấu nhất là cái chết trước khi đến được bến bờ mong muốn. Hơn cả thế, người dân Đức không phải đối diện với sự mất mát và nước Đức cũng không phải đối diện với sự ly tán hiện hữu dai dẳng trong lòng người dân nước mình.
Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao và như thế nào mà họ lại có thể chấp nhận một người vốn xuất thân từ một đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Đức thuộc Đông Đức cũ, nhưng chỉ 15 năm sau khi thống nhất, thì người này đã có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên và trẻ nhất đắc cử vào chức vụ Thủ tướng đầy quyền lực của nước Đức thống nhất? Bà Angela Merkel! Bạn có nghĩ rằng, nếu người phụ nữ tài trí kiệt xuất này sống ở đất nước chúng ta, Bà có thể đã có một tương lai rất khác, khi mà đất nước chúng ta sau ngày thống nhất vẫn còn nguyên đó sự dè dặt trước những người có lý lịch không tương thích với chính quyền và trong quá khứ đã từng có chính kiến rất khác biệt với chính quyền.
Không chỉ câu chuyện từ nước Đức, mà những câu chuyện về sự hòa giải, hòa hợp từ Nam Phi, Miến Điện, thậm chí từ quốc gia Cao Miên láng giềng cũng đều là bài học hữu dụng.
Tại sao và tại sao? Trả lời được những thắc mắc đó, chúng ta có thể trả lời cho con cháu đời sau biết lý do tại sao ông cha của chúng hiện nay phải kêu gọi hòa giải mối bất hòa có từ những thập kỷ năm mươi và một lần nữa vào thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, giữa những người Việt có chung giòng máu Lạc Hồng, sinh từ cùng một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ?
Giữa thập kỷ năm mươi, năm 1954, không phải là một quốc gia bại trận như nước Đức. Trái lại, xứ sở chúng ta vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách là một quốc gia chiến thắng. Nhưng phần thưởng cho người chiến thắng không vinh quang như chúng ta thường nghĩ, thường thấy, mà cũng lại là sự phân ly như nước Đức bại trận!?
Giữa thập kỷ bảy mươi, năm 1975, sau cuộc chiến khốc liệt dai dẳng kéo dài hằng hai thập kỷ, trả giá bằng sinh mệnh của nhiều triệu đồng bào, cuối cùng xứ sở của chúng ta cũng có được thống nhất dưới bánh xích xe tăng nghiến trên đường phố Sài Gòn. Nhưng kể từ ngày ấy cho đến nay đã là 45 năm, xứ sở thống nhất, nhưng lòng người dân nước ta chưa bao giờ thống nhất! Vẫn vẹn nguyên sự phân ly như những ngày nội chiến tương tàn!
Sự phân ly lòng người đau đớn lắm, nó làm thân thể người mẹ Việt xanh xao yếu ớt, như vết thương mãi rỉ máu, chẳng bao giờ biết liền sẹo…
Ngẫm lại, quả là chúng ta đã từng có một Diên Hồng chói lọi trong lịch sử đoàn kết dân tộc vào thời Trần, nhưng suốt bốn ngàn năm lịch sử cho đến nay, hình như chúng ta cũng chỉ có mỗi trang sử lẻ loi ấy?! Thỉnh thoảng, tinh thần Diên Hồng ấy lại chớp lóe trong những thời khắc vận nước lâm vào cơn nguy khốn cùng cực, khi cơn nguy khốn đã qua, thì tinh thần Diên Hồng cũng chóng tan như làn sương sớm mai!
Chúng ta phải tự hỏi: Đã có thể chìa bàn tay hòa giải với các cựu thù ngoại nhân như Pháp, Nhật, Mỹ! Nhưng chìa bàn tay hòa giải với chính đồng bào mình sao lại khó quá?
Hòa giải, giấc mơ 45 năm chưa trọn. Có thể, sau 100 năm kể từ thời điểm 1975, khi những con người đã từng là đạo diễn, diễn viên và khán giả của câu chuyện phân ly lòng người khuất bóng, thì có thể con cháu của họ sẽ ngồi lại với nhau để viết nên trang sử mới của dân tộc, trang sử không còn bóng dáng của sự phân ly trong lòng người Việt! Trang sử không còn sự phân ly như định mệnh dân tộc của tiền nhân để lại.
Như cô Tấm mong có ông Bụt, tôi mong dân tộc tôi có một phép mầu.
Điều kiện đi đến hòa giải trước tiên phải chân thành, tử tế, biết mình. Bao lâu người cs vẫn vỗ ngực tự cao tự đại, vẫn dối trá, vẫn hèn với giặc ác với dân thì chưa thể nói đến hòa giải được.
Chính nạn nhân của đảng cs cũng chẳng muốn hòa giải với loại lật lọng, lừa dối như vậy. Đơn giản vì họ không muốn bị lừa mãi.
Trong đảng với nhau thì họ giành ăn, thanh toán, đầu độc nhau. Ngoài đảng thì chỉ toàn khẩu hiệu, rồi cướp của dân đủ thứ.
Công an 1 tay cầm súng dí vào đầu dân, còn tay kia đưa ra với họ nói “thôi hòa giải”. Ai tin được cái kiểu hòa giải đểu cáng đó.
Để hòa giải, trước tiên người cs phải tự lột xác, phải dứt khoát “ói” ra tất cả những gì họ đã nói, đã làm hại người dân, phải chân thành muốn trở về cuộc sống lương thiện. Có như thế thì những nạn nhân của cs mới dám đưa tay ra bắt.
Nhưng tôi e rằng, điều này khó xảy ra. Nếu đảng cs tự lột xác có nghĩa là họ tự sát, nên họ phải tiếp tục bám vào dối trá và khủng bố để tiếp tục nắm quyền lực và cướp của dân.
Vậy điều cần phải làm là người dân ý thức quyền của mình, vận dụng trong tầm tay như trao đổi với người thân bạn bè, Internet, Facebook, Tweet, vv… lật tẩy những tuyên truyền dối trá của việt cộng, làm cho mọi người và thế giới thấy rõ bộ mặt thật của vc. Đến khi thời cơ chín muồi, hàng triệu người dân, trong đó cũng có cả đảng viện cs đứng lên giải thể cái đảng cs dối trá và độc ác này.
Khi xóa sổ được đảng cs thì hòa giải tự động sẽ đến.
Cơn Đại Hồng thủy từ vụ tai tiếng Thủy Môn (WaterGate) khiến Thủ đô Sài Gòn sụp đổ !
****************************************************
Đại Hồng thủy tràn từ Thủy Môn:
Vườn Hồng – Bạch Cung chắc vỡ Hồn !
Tổng thống đương nhiệm cuốn theo bão lốc
Miền Nam cũng động đất dưới chân không
Cố vấn Tổng thống Mỹ thành quyết đoán
Ván cờ địa chính trị cao thế là xong
Thực dụng trở cờ phản bội nói không
Đồng minh một thời thân thiết nhất
Sa chân cuốn theo cơn hải triều hồng
Sài Gòn điệu ru buồn Giáng Sinh Trắng
Lưu vong Vùng Vịnh – Cầu Kim Môn
Thấm thoát sắp gần Nửa Thế kỷ
Nội chiến tương tàn cốt nhục long đong
Lồng trong bối cảnh Thời Chiến tranh Lạnh
Hoà giải Dân tộc thù hận vẫn chưa xong
Bao giờ Sài Gòn nhỏ đoàn tụ Sài Gòn Lớn
Mùa Xuân Dân chủ vĩnh cửu bên Biển Đông
TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
Trong bài, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhiều lần viết “chúng ta không rõ tại sao” trước những chuyện có vẻ đã trở nên rất rõ ràng. Hy vọng đây chỉ là do cách hành văn, và chủ ý của tác giả là lôi cuốn những người đọc vẫn còn “không rõ tại sao” cùng ông bước vào những câu hỏi quan trọng ấy. Nhưng một trong những câu hỏi “tại sao” ấy đến nay có câu trả lời khá ly kỳ.
Trích: “Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao họ không đặt ra vấn đề buộc những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ phải đi học tập cải tạo như đất nước ta?”
Xét thái độ của nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh hiện nay, thì sự khác biệt về tư tưởng và chính kiến là một thứ… bệnh truyền nhiễm! Và các trại cải tạo (ở Tân Cương, đối với hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ) chính là biện pháp… cách ly để cho người “nhiễm bệnh” bài trừ được các tư tưởng “độc hại” mà họ đang có trong đầu.
Cách nhìn của nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam từ năm 1975 trở đi có thể khác đôi chút về tiểu tiết, nhưng kết quả thì y như vậy: một xã hội trống vắng tư tưởng.
“Nước Đức, sau ngày thống nhất, chúng ta không rõ tại sao họ không đặt ra vấn đề buộc những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ phải đi học tập cải tạo như đất nước ta?”
Không thể so sánh việc thống nhất của nước Đức với thống nhất của VN.
Sự thống nhất của nước Đức là do ý nguyện của Nhân dân CHDC Đức.
Trước khi thống nhất dân CHDC Đức đã đòi được quyền làm người!
Dân Đông Đức đã có quyền đa đảng, có bầu cử tự do để có Quốc hội mới của CHDC Đức, thực sự là của dân.
Quốc hội ấy, đại diện cho cả “những người cộng tác với chính quyền Đông Đức cũ”, đã biểu quyết để CHDC Đức sáp nhập vào CHLB Đức! Vậy làm sao bắt những người đó đi học tập cải tạo được?
Sự tái thống nhất của nước Đức, khác hẳn với sự “thống nhất” bắng độc tài, “thống nhất” bằng bom đạn của VN!
(Còn độc tài thống trị, không thể có hòa hợp hòa giải giữa cầm quyền với người dân.
Bí thơ Thành HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chứng kiến cảnh thống nhất nứớc Đức khi ông đang ở CHDC Đức. Có thể vì thế mà nay càng măc cảm, sau 45 năm VN thống nhất, ông Nhân vẫn thấy mình bị dân Nam coi là kẻ cai trị đến từ miền Bắc, bằng cái câu nổi tiếng… “Tôi tuy nói tiếng Bắc nhưng tôi là người Nam, không gạt bà con đâu”!
Cả cái Đảng của ông không gạt – chỉ ăn cướp, và lừa bịp!)
Vì bản chất bất chính của chế độ cộng sản nên những hành động gây nên hận thù, chĩa rẽ dân tộc sau khi chiếm được miền nam Việt Nam là điều không thể tránh được. Điều đáng tiếc là 45 năm sau, những mối hận thù của người cộng sản với chế độ miền nam vẫn còn cao ngất trời. Những chuyện như thế này không bao giờ có thể xảy ra ở những chính thể có nhân và chính nghĩa, điển hình là nước Mỹ sau nội chiến và nước Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ.
Định mệnh nào xui khiến mà dân tộc Việt Nam lại phải sống kiếp phân ly chia rẽ như vậy và cho đến bao giờ?
Có lẽ, ai đó và làm thế nào để cấu được cái chủ nghĩa Mac Lê ra khỏi cơ thể Việt Nam thì mới có hòa giải. Còn kiên định Mac Lê, nước còn tàn dân còn mạt.