26-4-2020
Trên địa chỉ phây búc của một người tử tế, kiến thức sâu rộng, vừa có cái tút (status) về thực chất của nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa, kinh tế miền Nam trước ngày 30.4.1975.
Phải công nhận tác giả đã chịu khó mày mò, lục tìm, trích dẫn những tư liệu để khẳng định rằng sự phát triển, giàu có, no đủ của miền Nam trong những năm chiến tranh chỉ là thứ phồn vinh giả tạo, dựa hơi Mỹ, được Mỹ viện trợ, bơm hơi cho. Nó (Mỹ) mà cắt một cái, chết ngay tức tưởi. Nó nuôi chiến tranh chứ nuôi gì dân chúng…
Nói tóm lại, quan điểm của tác giả không khác gì quan điểm của bên thắng cuộc, tức là miền Nam rên xiết trong bộ máy kìm kẹp của Mỹ “ngụy”, nếu đời sống có được thế này thế kia chẳng qua cũng chỉ là phồn vinh giả tạo, kiếp đời bơ thừa sữa cặn. Cắt viện trợ là chết. Cả quan lẫn dân chả làm được thứ gì ra trò, chỉ ăn chơi thì giỏi. Đại loại vậy.
Tôi không dám vào đó ý kiến ý cò bởi thấy những người đồng tình hăng lắm, chả khác chi đám đông sau khi nhà lãnh đạo hô “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã rùng rùng giương rừng cánh tay “Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm”, mình mà xớ rớ, tan xác chẳng chơi. Nhất là đang kỷ niệm tháng 4 rực lửa.
Để củng cố cho quan điểm, tác giả còn nêu những con số mà hai miền được nước ngoài viện trợ, rằng của miền Bắc chỉ gần bằng ¼ miền Nam, đã thế do bên thắng cuộc chủ yếu dùng mua vũ khí, còn chính quyền Sài Gòn trích ra phần đáng kể để “ăn chơi”, nên bắc nghèo, nam giàu, không có gì lạ. Có nhẽ tác giả quên một điều, chính có lần trả lời phỏng vấn, cựu phó thủ tướng Vũ Khoan từng thừa nhận viện trợ của bên ngoài cho hai miền trong thời kỳ chiến tranh chẳng chênh nhau bao nhiêu, cũng ngang ngang nhau.
Là người sống trải suốt thời kỳ lịch sử khốc liệt ấy, sau 1975 một thời gian lại sống ở miền Nam cho tới tận bây giờ, tôi thấy tác giả đã nhầm.
Điều đầu tiên ai cũng biết, suốt 21 năm trời (1954 – 1975), hai miền Nam Bắc dưới 2 chính thể, là 2 quốc gia, cuộc sống khác nhau rất nhiều. Nói thẳng ra là cùng lao vào cuộc nội chiến ý thức hệ nồi da xáo thịt, anh nào cũng cho mình đúng, mình chính nghĩa. Trên thực tế, miền Bắc XHCN cực kỳ nghèo đói, thiếu thốn, kinh tế lạc hậu, sản xuất đình đốn, dân chúng cực khổ đói rách, chết thèm chết nhạt. Nếu có nghe nói miền Bắc đạt đỉnh cao này nọ, phát triển, giàu có, no đủ, vinh quang, tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc… thì cũng xin hiểu rằng đều có cả, nhưng chỉ trong lý luận, đường lối, nghị quyết, văn nghệ, thơ ca.
Bây giờ nhân chứng vật chứng vẫn còn nhiều, tôi chả dám đơn sai, không tin cứ hỏi họ. Nghe riết thứ rao giảng “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, lấy khoa học kỹ thuật làm then chốt…”, ai cũng tưởng CNXH về tới ngõ rồi, ngờ đâu cái bóng ma đường lối ấy nó cứ vật vờ, dẫn nghèo đói thực tới từng nhà từng người.
Vài cái nhà máy từ thời Pháp, thêm vài nhà máy mới xây dựng, nhưng người ta đã vội coi là đỉnh cao muôn trượng, trông bắc trông nam trông cả địa cầu. Nền kinh tế bao cấp tập trung chỉ phân phối cho mỗi người hơn 3 mét vải/năm, cái bát ăn cơm cũng mẻ, chai mắm bán theo định kỳ, que diêm theo quý, cuộn chỉ cũng chia đôi, tấc vải màn vệ sinh cho phụ nữ cũng phân theo bìa sổ. Đó là thực tế của nền kinh tế XHCN ưu việt, có cố che giấu, bưng bít, tô vẽ cũng chẳng được.
Ở miền Nam, cứ cho là kinh tế bị phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ như tác giả (nói trên) đã phân tích đi, tuy nhiên chính quyền và người dân nam không phải thứ ngồi không ăn sẵn như anh ấy chê. Hầu như không có lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nào mà không nhan nhản nhà máy xí nghiệp do chính các nhà tư bản trong nước xây dựng. Chỉ riêng nhà máy dệt thôi, người miền Nam xài vải nội không xuể. Đủ loại vải, chỉ sợ không có tiền mua. Nhà máy đường, bột ngọt, mì ăn liền, đồ hộp, đồ nhựa, giấy, xà bông, xe đạp… không thiếu thứ gì, dư dả cho tiêu dùng.
Tất cả đều do sức sản xuất trong nước chứ không viện trợ ăn sẵn chi cả. Điều dễ chứng minh nhất là sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam năm 1973, cắt tối đa viện trợ, nền kinh tế miền Nam vẫn đứng vững, đời sống về cơ bản vẫn giàu có sung túc, dân chúng vẫn đủ đầy cả cái ăn cái mặc. Tôi chưa từng nghe ai người miền Nam than trước năm 75 không mua được vải, thiếu quần áo mặc. Mua chiếc xe đạp dễ như ta mua chiếc mũ, cái áo pull bây giờ. Vậy nên bảo rằng miền Nam dân Nam sống dựa dẫm vào viện trợ, phồn vinh giả tạo, bơ thừa sữa cặn thì đó là cái nhìn chủ quan, phủ nhận, coi thường, miệt thị những điều tốt đẹp từng tồn tại khách quan trong lịch sử.
Và có nhẽ cũng cần kể thêm ra sự thực lịch sử đau lòng: Sau 30.4.1975, không phải vô cớ mà nẩy sinh câu thành ngữ “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, không phải tự nhiên mà những dòng hàng hóa đủ các thứ, kể từ cái kim sợi chỉ, hộp sữa, gói mì ăn liền, tới mét vải, chiếc khung xe đạp, chiếc xe máy, cái tủ lạnh, cái tivi… kéo như thác lũ ùn ùn ra Bắc. Một nền kinh tế nếu chỉ dựa dẫm vào viện trợ chiến tranh, thiếu thốn thì không thể tạo ra được điều ấy. Nói cho công bằng, nếu miền Bắc giải phóng được cho miền Nam về chính trị (mà phải xem xét lại có cần giải phóng không) thì ngược lại, chính miền Nam đã giải phóng miền Bắc về kinh tế, cho người miền Bắc biết thế nào là giá trị của đời sống vật chất tiêu dùng phục vụ con người.
Và điều cuối cùng, nó (lũ “ngụy quân ngụy quyền” ấy) dù nhận viện trợ của Mỹ vẫn còn biết sẻ ra một phần để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, chứ không như ai đó được đồng nào chỉ sắng sở mua súng đạn, mặc kệ dân chúng sống trong nghèo đói, thiếu thốn, thương khó, lầm than. Tốt đẹp hoặc xấu xa ở đâu chửa biết, hãy cứ coi cái chính thể ấy có vì cuộc sống no đủ hạnh phúc của con người hay không đã.
“…Một người tử tế, kiến thức sâu rộng…” thì không thể có cái nhận định…chết người như vậy. Có trên 4 vấn đề xảy ra:
1- Vị này là quan chức hoặc trí thức “cảo đinh” XHCN, đang nhăm nhe cái ghế nào đó vừa lưng.
2- Vị này có máu me với anh Phạm văn Đồng, coi nhân lực bên thua cuộc là nô lệ.
3- Vị này không bao giờ đọc nghe thông tin ngoài lề.
4- Cái Facebook này có thể không tồn tại.
…………………..
Mà bài trên trang này cũng từ nguồn 1 Facebook.