Nếu tôi là luật sư phía Trung Quốc?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

23-4-2020

Các thảo luận về tính pháp lý của Diplomatic Note 1958 không phải mới. Các anh chị bên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông bàn chuyện này từ tận 2010. Nhiều thầy cô mình biết như thầy Hữu Phước, thầy Hoàng Việt của Đại học Luật TPHCM và cô Trang từ Đại học KHXHNV TPHCM cũng có rất nhiều bài viết về việc Trung Quốc sử dụng công hàm nói trên.

Dưới đây là một số phản biện đứng trên phương diện Trung Quốc về công hàm để làm mới lại các thảo luận liên quan.

1. “Công hàm không đề cập trực tiếp đến việc từ bỏ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa” (Lập luận phổ biến nhất về công hàm).

Các loại văn bản ngoại giao ngắn như diplomatic notes, joint communiques đã được Tòa án Công lý Quốc tế ICJ bằng án lệ và các học giả quốc tế thừa nhận là có thể hình thành nên nghĩa vụ quốc tế dành cho một quốc gia. Trao đổi những văn bản này vì vậy có ý nghĩa rất lớn, không phải chỗ để chơi trò đánh lận con đen “trí khôn của ta đây”.

Anh có quyền im lặng trước Tuyên bố của Trung Quốc, nhưng khi anh đã gửi công hàm đồng ý thì hoặc là đồng ý toàn phần, hoặc là phải ghi nhận rõ mình bảo lưu (reservation) hay phản đối (protest) phần nào của tuyên bố.

Tuyên bố của Trung Quốc có đề cập cụ thể và minh thị việc xác lập hải phận của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đồng ý mà không thể hiện rõ bất kỳ lập trường nào khác tức là chúng ta chấp nhận toàn bộ các yêu sách.

Có tranh chấp, phía Trung Quốc chỉ cần dựa vào tập quán giải thích công ước quốc tế (General Rule of Intepretation) với các thành tố về good faith, ordinary meaning và context of purposes thì chắc chắn không thể cãi lại họ.

2/ “Việt Nam Cộng hòa (VNCH – Chính quyền miền Nam Việt Nam) có chủ quyền lãnh thổ đối với HS – TS tại thời điểm năm 1958. Tuyên bố của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (VNDCCH – Miền Bắc Việt Nam) vì vậy không có hiệu lực với HS – TS” (Lập luận khá phổ biến từ năm 2016, đã được Chính phủ Việt Nam đương nhiệm áp dụng – xem thêm ở ảnh góc phải).

Ảnh: internet

Lập luận này dựa trên nguyên tắc pháp lý latin “ultra vires”: Chúng tôi không thể thực hiện hành vi vượt quá thẩm quyền pháp lý của mình. Nhiều người vịn vào điểm này cho rằng chúng ta cứ thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của VNCH là xong.

Trước tiên, có thừa nhận VNCH hay không thì họ vẫn là một quốc gia từng tồn tại theo đúng Công pháp Quốc tế. Đừng quên rằng cả hai bên vĩ tuyến đều không được cho gia nhập vào Liên Hiệp Quốc đến mãi năm 1977. Chúng ta không có cơ sở pháp lý hay đạo đức nào để phán xét về tính chính danh của họ.

Thêm vào đó, không hiểu tại sao lại có sự nhập nhằng giữa công nhận tình trạng lãnh thổ (recognition of territorial situation) với kiểm soát hiệu quả (effective control).

Một quốc gia không nhất thiết phải kiểm soát hiệu quả một vùng lãnh thổ để có thẩm quyền công nhận các tuyên bố chủ quyền liên quan đến nó. Hai phạm trù này không liên quan gì đến nhau.

So sánh dễ hiểu: Việt Nam có kiểm soát, quản lý Đài Loan hay không? Không. Chúng ta hiện nay có chính thức thừa nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc đại lục hay không? Xin thưa là có.

Nói thẳng ra, việc VNDCCH không quản lý HS – TS vào năm 1958 không ảnh hưởng đến trách nhiệm của VNDCCH trong việc tuân thủ các nghĩa vụ được chính mình thừa nhận trong công hàm nói trên.

***

Đây chỉ là hai phản biện dành cho các lập luận phổ biến nhất liên quan đến Công hàm 1958. Các thầy cô, anh chị nào có lập luận khác thì vui lòng để lại phía dưới em xin được phép tổng hợp thêm.

P.S: Cá nhân người viết nghĩ rằng việc đọc lại, suy ngẫm lập luận có thể có từ phía Trung Quốc là cách tốt nhất để chúng ta chuẩn bị cho các tranh cãi tương lai với Trung Quốc. Bài viết hiển nhiên không có mục tiêu mục tiêu ủng hộ cho các tuyên bố chủ quyền của quốc gia này trên Biển Đông.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. “Tuyên bố của Trung Quốc có đề cập cụ thể và minh thị việc xác lập hải phận của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đồng ý mà không thể hiện rõ bất kỳ lập trường nào khác tức là chúng ta chấp nhận toàn bộ các yêu sách.”.
    -Vậy là quá rõ, qua công hàm 1958, VNDCCH “tán thành” TQ có chủ quyền HS-TS.
    “việc VNDCCH không quản lý HS – TS vào năm 1958 không ảnh hưởng đến trách nhiệm của VNDCCH trong việc tuân thủ các nghĩa vụ được chính mình thừa nhận trong công hàm nói trên.”
    -Cũng qua công hàm 1958, VNDCCH tự khước từ quyền chủ quyền của mình đối với HS-TS nên ko có chủ quyền đối với HS-TS. CHXHCNVN là kế thừa VNDCCH nên cũng ko có chủ quyền đối với HS-TS.
    -“VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia chưa hoàn tất”. Trong đó VNDCCH đã tự khước từ quyền chủ quyền của mình đối với HS-TS. Còn lại VNCH là kế thừa các triều đại phong kiến nên đủ cơ sở pháp lý nhận kế thừa các hồ sơ, tư liệu, bản đồ…lịch sử về HS-TS; Hiệp định Genève 1954 giao toàn bộ phần lãnh hải phía nam vĩ tuyến 17 của VN cho VNCH quản lý trong đó có HS-TS; Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng đã ra “Sắc-Lệnh số 174-NV ngày 13 tháng bảy năm 1961 đặt quần-đảo Hoàng-sa thuộc tỉnh Quảng-nam…”. Vậy VNCH có đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền HS-TS thuộc VNCH nhưng VNCH đã bị “giết chết” vào năm 1975 rồi. Trong thời gian TQ chiếm đóng HS & tuyên bố chủ quyền HS-TS, ng chủ HS-TS là VNCH có đủ chính danh pháp lý đi kiện TQ nhưng “đã chết” nên khi đến hết thời hạn khởi hiện, mặc nhiên HS-TS thuộc TQ.

  2. Việt cộng cứ ný luận vòng vo tam quốc mãi cũng chẳng thể giải quyết được việc gì. Cách tốt nhất là cứ ra trước tòa án quốc tế thành khẩn khai báo, bảo rằng ở thời điểm tháng 9 năm 1958 Việt cộng bị Chu Ân Lai ép phải viết công hàm công nhận những tuyên bố của chúng trước Liên Hiệp Quốc mà không hề biết trong công hàm đó chứa đựng mưu toan cưỡng đoạt hai quần đảo Hoàng và Trường Sa của Việt Nam. Việt cộng vì quá tin vào tinh thần quốc tế vô sản và tình đồng chí các nước anh em, và nhất là vì không biết tên gọi cho hai quần đảo của Việt Nam bằng tiếng Tàu nên đã vô tư viết công hàm ủng hộ chúng. Hy vọng với lời khai báo trung thực này tòa án quốc tế sẽ công minh xét xử và sẽ buộc Tàu cộng trả chủ quyền Hoàng và Trường Sa lại cho Việt Nam.

    • 1 nguyên tắc cơ bản của luật hình là: Sự không hiểu biết không bảo vệ cho khỏi miễn tội
      (ignorance does not protect against punishment) – và nó cũng áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực luật khác như dân sự, hành chính. Còn sự không hiểu biết – mà ở đây không biết TQ gọi Trường Sa, Hoàng Sa thế nào, rồi quá tin, thậm chí bị ép buộc … đều vô lý – sẽ chả có quan tòa nào chấp nhận, vì ngay cả nội dung ép buộc có 1 chút lí thì anh sau đó phải tố cáo TQ ra thế giới, chứ bây giờ mới nói sẽ bị coi là chống chế, lí sự cùn!

      • Xin lưu ý, đây không phải là một vi phạm mang tính hình sự mà là một vụ kiện dân sự. Trong các vụ kiện dân sự việc nạn nhân vì không biết nên bị lừa đảo là chuyện như cơm bữa. Cái khó cho nạn nhân là việc đứng trước công chúng công khai cho mọi người thấy cái ngu của mình. Việt cộng đang ở thế bí đó đó!

  3. Và tôi chỉ là dân thường Việt Nam sẽ đáp trả dựa vào Hiến pháp Việt Nam 1946 và nói Công hàm của ông Phạm Văn Đồng, là Thủ tướng lúc đó may ra chỉ có giá gì nói cho hay hay „ngoại giao giữa 2 Đảng“ chứ không có giá trị pháp lý – tực tế là VI HIẾN nếu căn cứ vào các Điều sau của HP 1946:
    „Điều thứ 22
    Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
    Điều thứ 23
    Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.
    Điều thứ 49
    Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà:
    a) Thay mặt cho nước.
    h) Ký hiệp ước với các nước.
    Trong khí đó Hiến pháp chỉ quy định
    Trong khi quyền hạn của Chính phủ tại Điều 52 không có điểm nào cho quyền Thủ tướng ký hiệp ước hay công hàm công nhận chủ quyền cho ai cả:
    „Điều thứ 52
    Quyền hạn của Chính phủ:
    a) Thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện.
    b) Đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện.
    c) Đề nghị những dự án sắc luật ra trước Ban thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt.
    d) Bãi bỏ những mệnh lệnh và nghị quyết của cơ quan cấp dưới, nếu cần.
    đ) Bổ nhiệm hoặc cách chức các nhân viên trong các cơ quan hành chính hoặc chuyên môn.
    e) Thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước.
    g) Lập dự án ngân sách hàng năm.“

    • Xin được viết tóm tắt ngắn gọn: Hiến pháp Việt Nam 1946 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1946-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36134.aspx nếu căn cứ Điều 52 không có 1 câu chữ nào giao quyền chính phủ (TT) được quyền ký kết hiệp ước (nếu tạm coi Công hàm 1958 của PVĐ như 1 hiệp ước) với nước ngoài mà quyền đó duy nhất Chủ tịch có quyền: „Điều thứ 49: Quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà: … h) Ký hiệp ước với các nước.“ và sau đó phải do Quốc hội chuẩn y: Điều thứ 23 „Nghị viện nhân dân … chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.“. Tóm lại bất kỳ công dân nào hưởng lợi của Trung Quốc đề có quyền công nhận những điều có lợi nhất cho Trung Quốc: ví dụ tôi công nhận toàn bộ nước Việt nam nay là 1 tỉnh của Trung Quốc …Tuy nhiên một khi người tuyên bố về 1 điều gì đó mà mình lại không có thẩm quyền thì những lời nói đó chỉ được coi là nói ra cho vui không hơn không kém và tôi tin chắc rằng khi nó đã VI HIẾN VÀ VÔ GIÁ TRỊ Ở VIỆT NAM thì với Thế giới và quan tòa quốc tế cũng không có giá trị nếu Việt Nam sau này kiện TQ ra Tòa!

Comments are closed.