22-4-2020
James Pearson, trưởng đại diện Reuters ở Việt Nam, dẫn lời hai nguồn tin cho biết, máy chủ của Facebook đặt ở Viettel và VNPT đã bị tắt trong vòng 7 tuần, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4 năm nay. Các máy chủ này chỉ được mở lại sau khi Facebook đồng ý tăng cường kiểm duyệt các nội dung “chống chính phủ”.
Theo VietnamNet, khi người dân than phiền vào Facebook chập chờn, VNPT và Viettel đã giải thích như sau:
Trước những phàn nàn của người dùng Internet, mới đây một số nhà mạng lớn trong nước đã lên tiếng để trấn an người dùng.
Chia sẻ trên fanpage của mình, nhà mạng VNPT đưa ra lời giải thích, hiện tượng đường truyền Facebook không ổn định là do vấn đề kết nối tới máy chủ quốc tế. Đây cũng là cách lý giải được đưa ra bởi nhà mạng Viettel.
Cả VNPT và Viettel đều cho biết đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị đối tác liên quan để kiểm tra nhằm khác phục triệt để. Trên fanpage của mình, hai đơn vị này cũng ngỏ lời mong người sử dụng thông cảm.
Tại sao Facebook lại đặt máy chủ ở Việt Nam? Tôi không rõ thiết kế của Facebook, nhưng để tối ưu tốc độ phục vụ người dùng các công ty sẽ muốn đặt máy chủ càng gần người dùng càng tốt. Cách tốt nhất là thuê chỗ ở trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các máy chủ này thường sẽ không có chứa dữ liệu riêng tư của người dùng, mà chỉ chứa những nội dung mà ai cũng xem được. Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hồng Kông.
Nếu thông tin Reuters đưa là chính xác, việc Facebook đồng ý kiểm duyệt đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận mà Mark Zuckerberg đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu ở Georgetown University hồi tháng 10/2019. Tôi hi vọng Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ sẽ sớm có phiên điều trần về việc này.
Việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu Facebook phải kiểm duyệt nội dung “chống chính phủ” mà không thể tự làm, chứng tỏ Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể tự ý xóa nội dung hay truy cập dữ liệu người dùng Facebook để xác định ai đã gửi bài gì, rồi dùng “các biện pháp nghiệp vụ” để ngăn chặn họ. Đây có thể xem là một tin vui cho những ai vẫn đang còn kỳ vọng về một môi trường Internet tự do cho Việt Nam.
Tin Việt Nam tắt máy chủ của Facebook để tăng cường kiểm duyệt sẽ làm lu mờ hình ảnh một Việt Nam đang rất đẹp giữa đại dịch COVID-19. Quyết định này cho thấy rõ bản chất của Luật An ninh mạng. Luật này yêu cầu các công ty Internet quốc tế phải đặt máy chủ và dữ liệu người dùng ở Việt Nam và bây giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao những người tạo ra luật này muốn như vậy.
Kể từ đây về sau, có công ty Internet quốc tế nào còn muốn đầu tư lâu dài hay mở văn phòng ở Việt Nam? Máy tính tắt thì thôi, chứ có công ty nào muốn nhân viên của mình trở thành con tin. Tôi đã từng hỏi chính sách của Việt Nam như thế nào để rồi chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà Facebook vẫn không muốn vào Việt Nam? Hôm nay chúng ta đã có câu trả lời.
Nếu các công ty Internet quốc tế không mở văn phòng, không đầu tư, xây dựng hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ người Việt Nam tốt hơn, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại này của người dân? Bao nhiêu người đang kiếm sống nhờ vào Facebook. Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hi vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam. Không ai ngu đến nỗi đầu tư vài trăm triệu USD để rồi người khác muốn tắt là tắt. Thiếu một hạ tầng điện toán đám mây hiện đại sẽ khiến những nghị quyết 4.0 mãi vẫn còn nguyên giá trị.
Vai trò của Facebook ở Việt Nam không chỉ là nơi người ta gặp gỡ, trao đổi, kinh doanh, mua bán mà còn là nơi người dân tìm kiếm tự do và bình đẳng. Người Mỹ có thành ngữ “san phẳng sân chơi” (level the playing field), ý nói muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Bình đẳng ở đây không có nghĩa là bình đẳng đầu ra, tức là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu theo chủ nghĩa cộng sản duy lý nhã kỳ, mà cũng không có nghĩa là bình đẳng đầu vào, vì không có cách nào khiến người sinh ra ở Chắc Cà Đao cũng có nhiều cơ hội như người sinh ra ở Sài Gòn. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về luật chơi.
Luật chơi ở Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn câu vè mà ai cũng đã từng nghe:
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Đứng chót trí tuệ
Bao nhiêu bất công, oan trái, trì trệ của xã hội có thể truy ra nguồn gốc từ luật chơi oái ăm này. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam. Ở đâu và thời nào thì người có tiền, có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ, nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các thể chế để ngăn chặn, phát hiện và xử lý bọn chơi ăn gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập. Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự kiểm soát của các đảng phái chính trị đối lập. Họ sẽ có những tờ báo độc lập, những tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát chính quyền và tất cả những ai muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu tất cả những thể chế như vậy, thành ra người Việt chưa bao giờ có một sân chơi bình đẳng.
Mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet và Facebook (và YouTube) du nhập vào Việt Nam. Lần đầu tiên trong vài chục năm qua, người Việt Nam có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Ai có tài năng hay ý kiến mới, người đó có sân khấu và vài chục triệu khán giả. Nói không ngoa, đây là thay đổi tích cực nhất về tự do dân chủ, công bằng xã hội ở Việt Nam kể từ ngày đổi mới. Tắt máy chủ Facebook là cách nhanh nhất triệt tiêu những thay đổi tích cực này.
Rõ ràng một quyết định gây nhiều thiệt hại như vầy phải được Chính phủ Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi hi vọng Chính phủ sẽ công bố lợi ích vĩ đại của việc tắt máy chủ Facebook và giải thích tại sao người dân Việt Nam phải chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế và tự do cá nhân để Chính phủ kiểm duyệt các nội dung “chống chính phủ” trên Facebook. Người dân hết sức quan tâm đến sức khỏe tâm thần của lãnh đạo, nếu biết lãnh đạo không thích ăn chửi, tôi tin họ sẽ không chửi thẳng nữa đâu, mà sẽ chuyển qua chửi đổng. Lợi cả đôi đường, dân vẫn được chửi để giải tỏa, lãnh đạo vẫn được quyền nghĩ “chắc nó chừa mình ra”. Ít nhất là cho đến hết Đại hội Đảng.
Khi Luật An ninh mạng còn là bản thảo, tôi đã dự đoán Facebook sẽ không bị chặn hẳn nhưng sẽ bị làm chậm, nhưng thú thật từ lúc nghe tin này đến giờ tôi vẫn còn choáng váng, vì không ngờ cá mập ở Biển Đông lại làm việc cho Chính phủ Việt Nam. Trump có Space Force thì Việt Nam cũng ngạo nghễ có kém gì với Shark Force. Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm duyệt Facebook, hi vọng Chính phủ sẽ điều động đội quân cá mập này ra cắn bớt tàu chiến và dàn khoan của nước lạ đang ra vô Biển Đông như cái chợ.
Các bài viết của anh Thái về công nghệ đều xuất sắc, trong đó rạch ròi chính, tà. Quả thật ông Việt Cộng đã hết thuốc chữa, vừa ngu vừa ác tham mà lãnh đạo thì dân không có cám mà ăn