Bộ Tài chính cài “Hai chốt an toàn”, bị Tổng cục Hải quan “Vô hiệu hóa”!

Mai Bá Kiếm

17-4-2020

Ngày 10/4/2020, Bộ Tài chính ra Công văn 4355/BTC-QLG với mục đích “rõ như ban ngày”:

“Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước – DTNN) đã đấu thầu và số lượng trúng thầu là 170.000 tấn gạo/190.000 tấn gạo kế hoạch năm 2020. Nhưng đến nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã được phê duyệt và thông báo kết quả trúng thầu, nhưng đã có văn bản từ chối hoặc không đến ký hợp (HĐ) theo quy định với số lượng gạo là 160.300 tấn.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thực hiện xuất khẩu gạo (XKG) với những DN đã trúng thầu với những Cục DTNN khu vực và phải ký HĐ, giao gạo xong cho các Cục DTNN khu vực và cũng chỉ được thực hiện XKG sau ngày 15/6/2020”.

Thông báo 4355 đã “gài hai chốt an toàn”:

Chốt thứ nhất: “với những DN đã ký HĐ và giao gạo xong cho các Cục DTNN khu vực”.

Chốt thứ hai: “cũng chỉ được thực hiện XKG sau ngày 15/6/2020” (không phải sau ngày giao gạo xong cho Cục DTNN khu vực).

Bộ Tài chính “giả bộ căn dặn kỹ” Thủ tướng Chính phủ như vậy, nhưng không chỉ thị cấp thuộc quyền là Tổng cục Hải quan – nơi kiểm soát “hai chốt an toàn” đó!

Hậu quả đã bôi nhọ “bản chất nhà nước pháp quyền”: Có 4 doanh nghiệp đã “xù” HĐ cung cấp gạo dự trữ quốc gia và hiên ngang XKG “giữa ban đêm” (từ 0g – 3g ngày Chủ nhật 12/4/2020).

Nếu Tổng Cục Hải quan kiểm soát “chốt thứ hai”: “cũng chỉ được thực hiện XKG sau ngày 15/6/2020”, thì đêm 12/4 sẽ không có DN “xù” hoặc “không xù” cung ứng gạo DTNN được thông quan XKG!

Văn bản “rõ như ban ngày” được “thực hiện giữa ban đêm”, bóng tối sẽ đồng lõa tội lỗi!

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định, từ 1/7/2020 (ngày có hiệu lực), người nào (hoặc người đại diện hợp pháp DN) chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh.

Thế mà, những DN “không hoàn thành nghĩa vụ cung cấp gạo DTNN”, lại được “đặc quyền XKG”, trong khi quota rất hạn hẹp: 400.000 tấn cho tháng 4/2020?

Nếu Thủ tướng không kỷ luật “cấp tham mưu” là Bộ Tài chính và “cấp thực hiện” là Tổng cục Hải quan trong vụ “rõ như ban ngày, làm lúc nửa đêm”, thì Chính phủ kiến tạo sẽ bị mang tiếng không quản lý nổi hạt gạo!

P/S: Vinafood 1 trúng thầu 4.500 tấn, chưa ký hợp đồng, nhưng lại được đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.

Công ty TNHH Phát Tài không giao 17.940 tấn gạo dự trữ, nhưng cũng đăng ký 5 tờ khai XKG hơn 13.000 tấn.

Công ty CP Vĩnh Tường và Công ty CP XNK Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục DTNN khu vực, cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Võ Tòng Xuân cho biết điều ông lo ngại kịch bản xin – cho quota xuất khẩu gạo như trước đây đã lại xảy khi hải quan âm thầm mở tờ khai lúc nửa đêm khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Ông Xuân nói: “Theo tôi, việc điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam là một vấn đề lớn cần được Chính phủ thiết kế rõ ràng như cách điều hành của Thái Lan. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tìm khách hàng mua gạo, chịu giá rõ ràng, mới mua gạo và được phòng kiểm phẩm của Bộ Thương mại kiểm tra đóng dấu xác nhận đúng chất lượng mới được cho xuất khẩu. Không có vấn đề gạo dỏm, gạo giả nào được xuất khẩu chui qua khâu kiểm tra này. Chính phủ nên nhúng tay để thiết lập hệ thống điều hành lưu thông gạo và các nông sản uy tín quan trọng của nước ta càng sớm càng tốt”.

Cầu mong Chính phủ kiến tạo quản lý được hột gạo cho nông dân nhờ! A Di Đà Phật!

Công văn của Bộ Tài chính ngày 10/4/2020. Ảnh: internet
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Giọt nước làm tràn ly, không còn kiên nhẫn chờ chữa sai rút kinh nghiệm…các DN nên kiện TCHQ ra toà án kinh tế do làm trái văn bản 4355/QLG Của Bộ TC buộc đền bù thiệt hại chi phí lưu kho bãi, huỷ hợp đồng…

  2. Dân gian thường có câu nói hài rằng: ” Trên bảo, dưới không nghe”..Rất hài.. Nhưng hóa ra lại rất thật. Ít nhất là cho Bộ Tài Chính.

Comments are closed.