14-4-2020
Hiện nhân dân và doanh nghiệp rất quan tâm về hiệu lực Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “cách ly xã hội” nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 sau ngày 15/4/2020. Được biết Chính phủ đang thu thập ý kiến các ban ngành, các giới về việc này, nên với tư cách một công dân, tôi có mấy ý kiến, đề nghị như sau:
1/ Ghi nhận Chỉ thị 16 đã góp phần ngăn chặn bùng nổ dịch bệnh Covid-19 tại Việt nam.
2/ Tuy nhiên Chỉ thị 16 chưa được ban hành theo đúng pháp luật và có nhiều nội dung không rõ ràng, nên nhiều địa phương đã thực hiện tuỳ tiện, bất cập, trái luật. Nên nếu những biện pháp nêu trong Chỉ thị này tiếp tục được áp dụng, cần phải điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật và rõ ràng.
3/ Thực tế đại đa số các địa phương không có ca nhiễm Covid-19 (từ trước đến nay) hoặc không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng từ 1/4/2020 đến nay. Tuy nhiên còn Hà Nội và Hà Nam vẫn còn có nhiều ca nhiễm cộng động, mà theo đánh giá (và truy xét) có thể phát sinh từ ổ dịch Bạch Mai. Do bệnh nhân 262 (mới công bố ngày 13/4/2020) làm cho Samsung ở Bắc Ninh, nên không loại trừ địa phương này trong thời gian tới phát hiên thêm những ca nhiễm trong cộng đồng. Do đó, nếu thực hiện giãn cách xã hội (không phải là cách ly xã hội) sau ngày 15/4/2020 cần tuỳ thuộc vào từng địa phương, không nhất thiết địa phương nào cũng thực hiện như nhau.
4/ Do thực hiện giãn cách xã hội, nên phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh (có đăng ký lẫn không đăng ký), lao động tự do không tiếp tục hoạt động kinh doanh làm việc, thu nhập không có. Cho dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng chưa chắc các khoản hỗ trợ đó đến với họ hoặc đến kịp thời, hoặc không bù đắp được những chi phí sống tối thiểu cho họ. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho họ được kinh doanh làm việc, đặc biệt ở những địa phương không còn ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 1/4/2020 đến nay là biện pháp cần làm, để tránh “bần cùng hoá” những người khó khăn đó, tránh những hậu quả “cực đoan”, có thể gây bất ổn về trật tự, xã hội.
5/ Vì vậy, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có văn bản mới thay thế Chỉ thị 16 và phù hợp với pháp luật, theo đó cần có những nội dung như sau:
a/ Yêu cầu Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch đưa ra ngay các khuyến cáo về phòng chống dịch Covid-19 cho các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân áp dụng, thực hiện.
b/ Các địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có phát hiện ca nhiễm Covid 19 từ 1/4/2020 được phép áp dụng các quy định theo Luật Phòng Chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007 và nghị định 101/2010 để hạn chế tập trung đông người. Và tạm đình chỉ một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, cũng như những biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo, trong thời gian từ nay đến hết kỳ nghĩ lễ 30/4 và 1/5 hoặc sớm hơn, nhưng có biện pháp để những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và người lao động tự do có cơ hội duy trì kinh doanh, việc làm. Phải hạn chế, kiếm soát các hoạt động vận chuyển công cộng ra, vào và trong các địa phương này. Không hạn chế người dân hoạt động thể dục ngoài trời nhưng người dân vẫn đảm bảo khoảng cách với người khác (không sống cùng hộ) ít nhất 2m và đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.
c/ Các địa phương khác không có nhiễm Covid-19 từ ngày 1/4/2020 được áp dụng các khuyến cáo của Bộ Y tế, nhưng không được phép cản trở các hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động, được phép hạn chế, kiểm soát các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng đi từ các địa phương nêu tại điểm b trả khách tại địa phương mình.
d/ Các bộ ngành, địa phương phải tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khẩu trang và các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, áp dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình, đặc biệt các công nghệ do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, nhất là trong phòng chống Covid-19.