Thu Hà
10-4-2020
Ngày 8/4/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội VN họp phiên bất thường, để xem xét, đồng ý với Chính phủ triển khai gói cứu trợ an sinh xã hội khẩn cấp.
Chiều 9/4/2020, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Các nhóm được ưu tiên hưởng như sau:
1. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: Được hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/người/tháng.
2. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, do doanh nghiệp gặp khó bởi dịch COVID-19: Được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng /người/tháng.
3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/ năm tạm ngừng kinh doanh: Hỗ trợ 1 triệu đồng/ hộ/ tháng.
4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; lao động bị mất việc: được hỗ trợ 1 triệu đồng/ người/ tháng.
5. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019: được hỗ trợ 250 ngàn đồng/ khẩu/ tháng.
Bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh trong phiên họp hôm 8/4 rằng “không để gói cứu trợ bị trục lợi”.
Trả lời với báo chí, Bộ trưởng, Chánh văn phòng Phủ thủ tướng cho biết: “Quan điểm của Thủ tướng là gói hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Gói hỗ trợ đến tận tay người dân, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, không để xảy ra tình trạng tham nhũng hay thất thoát“.
Lý thuyết là như vậy, liệu đi vào thực hiện, có trọn vẹn như thế không? Gói 62.000 tỷ này, cùng với đồng ý duyệt chi 350 tỷ của Chính phủ cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn; liệu có bị trục lợi, “ăn chặn” khi đến với dân hay không?
***
Từ nhiều năm qua, đã xảy ra hàng trăm vụ “ăn chặn” tiền hàng cứu trợ, xoá đói giảm nghèo; tiền hỗ trợ thiên tai, bão lũ… bởi các cán bộ, đảng viên có chức có quyền, lãnh đạo địa phương. Chúng ăn chặn tiền của cả những người yếu thế, rất thiệt thòi trong xã hội; những người bị bệnh tâm thần, người già yếu không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật…
Chúng tước đi cơ hội được sống của bệnh nhân, của người khốn cùng. Chúng ăn cướp cả những quà tặng, tiền bạc và thuốc men viện trợ của các kiều bào hải ngoại gởi về, cũng như của các mạnh thường quân trong nước dành cho người già neo đơn, trẻ tàn tật, người bị bệnh nan y.
Tháng 9/2019, cả nước rùng mình, khi ngay thủ đô Hà Nội, bọn bất lương đã làm việc phi đạo đức, “ăn” cả quà tặng, thực phẩm dành cho những trẻ tật nguyền tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ở Ba Vì.
Ngày 31/10/2019, Cơ quan An ninh điều tra, CA Thanh Hóa đã khởi tố 3 Trưởng khoa bác sĩ gồm: Vi Du Lịch, Phan Văn Giỏi và Đinh Thu Hồng, đã lợi dụng việc kê đơn thuốc vật tư, y tế để cắt bớt thuốc, vật tư y tế của các bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, sau đó cho nhân viên mang bán ra ngoài để trục lợi.
Trong đó, bà Đinh Thu Hồng là vợ của giám đốc bệnh viện Trịnh Văn Anh. Tiền kiếm được từ số thuốc “chôm” đi bán lên đến 1,5 tỉ đồng, được các đối tượng chia nhau.
Cũng trong tháng 12/2019, Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can đối với Lê Quang Sỹ (sinh năm 1958), Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sỹ cùng kế toán, thủ quỹ “xà xẻo” tiền quỹ; sổ sách chi tiền nộp ngân hàng nhưng không nộp; thu tiền của các cơ quan, đơn vị ủng hộ nhưng không nhập quỹ để tăng nguồn thu mà sử dụng vào mục đích cá nhân với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
***
Còn nhớ cơn bão Chanchu xảy ra hồi tháng 5/2006, gây hậu quả nặng nề cho ngư dân miền Trung. Rất nhiều cá nhân và tổ chức bỏ tiền ra để giúp giải quyết hậu quả sau cơn bão, tiền hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quyên góp, ủng hộ nạn nhân bão Chanchu, đã bị “xà xẻo”.
Từ chính quyền Đà Nẵng, tới Quảng Nam, Quảng Ngãi… chính quyền tỉnh thì ăn chặn theo cấp tỉnh, huyện, xã thì ăn chặn theo cấp huyện, xã. Có những nơi, số tiền “nằm im” không được chi đồng nào, để rồi sau đó các quan lớn, nhỏ chia nhau.
Tiền không chi ra, đồng nghĩa với việc nạn nhân và gia đình họ sẽ “nhận cứu trợ” trên giấy, trong khi người dân oằn mình, rên xiết trước cảnh tai ương, đã phải khóc hết nước mắt với bọn “cẩu quan” này!
Giải thích việc số tiền “khủng” tồn đọng, được giữ lại, một số lãnh đạo địa phương cho rằng, “sẽ làm đường nông thôn, chuyển đổi ngành nghề, đào tạo và dạy học cho con em ngư dân...” Thật chung chung, vô thưởng vô phạt, để hợp thức hóa số tiền mà chúng cướp của dân.
***
Năm 2016, Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển, gây vụ khủng hoảng biển chưa từng thấy, làm cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung. Người dân cả nước phẫn nộ và giận dữ vì Formoma xả chất độc, hủy hoại môi trường biển.
Trước sự biểu tình, xuống đường rầm rộ của người dân trên cả nước, buộc Formosa phải xin lỗi và bồi thường số tiền 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. Rất nhiều người dân miền Trung đã không nhận được, hoặc nhận được rất ít số tiền bồi thường, thay vào đó, tiền rơi vào túi của các quan tham địa phương.
Chính phủ không có sự giám sát số tiền được chi trả như thế nào, mà chỉ nói chung chung, rằng “Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc bồi thường cho dân“. Giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững… Và chỉ có thế!
Bất chấp lệnh Chính phủ, các ông “vua con” ở địa phương chỉ làm theo cách của mình. Trong khi chính quyền địa phương tuyên bố đã chi “hoàn tất” tiền đền bù cho dân, nhưng nhiều người dân vẫn không nhận được. Sự bất bình ngày càng gia tăng và các khiếu nại, kêu cứu của dân đều rơi vào vô vọng.
Mỗi khi quê hương rơi vào thiên tai, dịch hoạ, các quan chức lại rung đùi, sung sướng: Phen này “trúng to”, tiền “chùa” cứ thế mà vơ vét. Bởi lẽ, ăn trên máu và nước mắt, sống ký sinh trên những thân phận dân nghèo, những số phận bọt bèo, là nghề của bọn chúng.
Tiền “xà xẻo”, cướp được, chúng xây biệt thự, thu tóm đất vàng, đưa con đi du học và mua nhà ở nước ngoài. Chúng sống như đế vương, mà không sợ gì cả, bởi chúng không phải trả giá cho việc làm của chúng.
Những quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc các tài sản bất minh, Quốc hội đã không thông qua trong Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, tại kỳ họp thứ 6, ngày 20/11/2018, vì… không đủ quá bán đồng ý! Trong khi Công ước của Liên Hợp Quốc thì tài sản bất minh phải bị tịch thu hoặc khởi tố hình sự.
Và số tiền 62.000 tỉ đồng chuẩn bị hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, sẽ có bao nhiêu phần trăm trong số đó đến tay người dân nghèo hay phần lớn rơi vào túi các quan tham?
Tôi hy vọng gói cứu trợ đến tận tay người cần cứu,
chỉ sợ nó bị chận bởi lòng tham không đáy, ngoài các quan tham mà chúng ta đã từng nghe và biết, phía dân thường cũng vậy …vài ngày qua không ít tin về những nơi phát quà… có nhiều người không đói cũng xếp hàng để dành phần.
Riêng nói về hộ kinh doanh cá thể , tôi thấy phải xem lại cụ thể vì nơi tôi ở có quán cafe đóng cửa trước rước người cửa hông và chủ quán không hề mang khẩu trang và không chỉ bán cafe mà khách có thể chụm đầu lại nhậu hay tổ chức ăn uống chung , uống rượu quậy phá đến 1 g đêm , công an đã đến làm việc và tôi nghe chủ quán mời khách vô cửa hông nếu không công an thấy thì phiền?
Chủ quán cafe bán lèo tèo ngày 2, 3 ly nay có lệnh giữ khoảng cách xã hội thế là khách từ đường lớn vô đường hẻm , quán cafe TT bỗng chốc nhờ con COrona mà phát tài! quán tập trung chủ yếu dân chơi games tụ tập đôi khi chơi bài tiến lên , bàn đề chủ quán ghi đề rồi bắn qua cho thằng khác, chủ quán cũng là chủ nhà trọ, liệu trường hợp này có được hưởng tiền từ gói cứu trợ ?
Nếu CP cứ đổ đồng như thế này thì rất phí vì tiền không thực sự đến tay người cần.
-“Chống dịch như chống giặc”, ai tham nhũng nguồn lực đất nc dành cho phòng chống dịch phải xem như là tội ăn cắp quân nhu, quân lương trong chống giặc. Đem ra xử bắn luôn làm gương, răn đe.