8-4-2020
Trong vai trò là một thám tử Sơ lốc cốc, vụ việc một luật sư đồng nghiệp không may bị rơi từ tầng 14 của một chung cư xuống nền của khu giếng trời dẫn tới tử vong theo suy luận của thám tử tôi, nguyên nhân xảy ra có thể là:
1. Nhảy lầu tự tử
Tự tử tạm thời cũng được chia thành 02 loại: tự bản thân mong muốn tự tử và bị ép đến đường cùng phải tự tử.
+ Tự bản thân mong muốn tự tử: Theo tâm lý chung, người có ý định tự tử thường có sự dồn nén tâm lý trong một thời gian dài dẫn đến quẫn bách mà tự tử. Ít người tự tử mà không để lại thư tuyệt mệnh hoặc liên hệ tâm sự hay gửi thông điệp với người thân thiết trước khi thực hiện hành vi kết thúc sự sống của mình. Hơn thế nữa, nơi tự tử thường được chọn là nhà mình, nơi làm việc hoặc nơi vắng người chứ ít ai chọn cách đến nhà người khác để tự tử (ngoại trừ các cặp đôi yêu đương, ghen tuông nhau muốn tự tử cho người kia “sáng mắt” thì mới chọn cách đó).
Trong trường hợp này, theo như tường trình của vợ ông T (nạn nhân) thì tâm lý ông trong giai đoạn trước khi chết không có gì bất thường, ngay cả thời điểm trước khi tới nhà ông D để bàn công chuyện. Như vậy, khả năng tự tử theo ý muốn của chính mình của nạn nhân xảy ra trong một thời điểm bột phát sau buổi nói chuyện tại đây là rất thấp.
+ Bị dồn ép tới mức phải tự tử: Khả năng này là có thể xảy ra nếu có một trong các hoặc đồng thời các điều kiện sau:
Khả năng ông T phát hiện ra một hoặc một số sai phạm nào đó của một hoặc một số người nào đó dẫn đến việc họ dùng sự an toàn của vợ con, gia đình hoặc người thân khác để ép buộc ông phải lựa chọn hoặc là đổi mạng sống của bản thân hoặc chọn gia đình; có thể áp lực này đã có từ trước nhưng ông đã không dám tâm sự với ai hoặc trình báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Một giả thuyết khác, trong quá trình công tác, có thể ông T đã mắc một số sai phạm/sai sót/sơ hở lớn nhưng đồng thời ông cũng phát hiện ra sai phạm của một hoặc một số người khác; những người kia sợ rằng ông T có thể sử dụng những chứng cứ này như một nước cờ quan trọng trong việc xác lập vị thế của mình nơi làm việc trong tương lai nên họ tìm cách ép ông tới đường cùng, phải đổi mạng để những điều không tốt của mình bị tiết lộ – giả thuyết này có thể có nhưng khả năng xảy ra rất nhỏ.
Loại trừ khả năng tự tử do ý thức chủ quan của mình ra, các khả năng còn lại, nếu xảy ra, sẽ có người sẽ bị khởi tố bị can với các tội danh khác nhau.
2. Say rượu, trượt chân té (ngã)
Ai uống rượu rồi cũng có lúc say, dù tửu lượng lớn hay nhỏ. 8 người uống 3 chai rượu mạnh và 12 lon bia thì không phải là ít. Tuy nhiên, để trượt ngã và rơi xuống lan can cao khoảng 1,2m thì chuyện đó không dễ với bất kỳ ai.
Để trượt ngã để rơi khỏi lan can này, cần phải có ít nhất đồng thời các điều kiện sau:
+ Hành lang, nơi sát lan can phải có nước hoặc trơn trượt và (hoặc) lan can cũng trơn trượt.
+ Chiều cao từ gót chân tới phần cuối cùng của đùi phải hoặc chấm bụng phải cao hơn hoặc bằng với chiều cao của lan can.
Khi đó, tính phương án tối ưu nhất có thể ngã xuống là ông T đứng thẳng, người sát vào lan can, tay vịn vào lan can trơn trượt, vì phần phía trên của cơ thể (tính từ đỉnh lan can) có trọng lượng lớn hơn nên sức nặng đã kéo phần còn lại rơi xuống.
Các tình huống ngã xuống khác ngoại trừ tình huống này đều không thể rơi xuống khu vực ngoài phạm vi lan can mà chỉ ngã xuống sàn hành lang hoặc đập đầu, mặt vào thành lan can mà thôi.
Thực tế là chiều cao ông T không quá cao (chắc tầm 1,7m) người tương đối mỏng cơm thì đứng thẳng cũng gập người vào thành lan can, hai tay vẫy xuống phía ngoài lan can cũng khó lòng mà đủ trọng lượng và trọng lực cần thiết để kéo cả phần còn lại của cơ thể rơi ra ngoài lan can được. Hơn thế nữa, nếu ông T có thực sự đi về nhà nhưng không mang giày dép, không mang điện thoại thì chỉ có thể là đã say mềm rồi; mà đã say mềm thì khả năng đứng thẳng để mà ngã xuống như phân tích ở phần trên là rất khó xảy ra.
Vậy nên, tôi không đánh giá cao khả năng tự té ngã.
3. Có tác động của người khác dẫn tới té (ngã)
Khả năng này có khả năng xảy ra cao hơn hai khả năng 1 và 2. Không muốn tự nhảy xuống, có trượt chân cũng khó rơi được xuống thì chỉ có khả năng là giằng co với người khác hoặc bị người khác đẩy thì mới rơi xuống được.
Với lời khai của vợ nạn nhân, lời khai của em ruột ông T và thực tế diễn ra sau khi ông T chết cho thấy mối quan hệ không suôn sẻ giữa ông với một số người thuộc ban lãnh đạo của Trường đại học nơi ông công tác là có thực, vì trong lễ viếng tối 07/4/2020 tại nhà riêng ông T, không có mặt bất kỳ thành viên nào trong ban tang lễ do trường này có mặt cùng gia đình (theo lời của một người bạn là luật sư đồng nghiệp của ông T). Uẩn khúc này có thể được lý giải bằng việc gia đình không thích hoặc là họ đang được đi triệu tập đi lấy lời khai hay nhiều nguyên nhân khác nhưng rõ ràng nó vẫn là một dấu hỏi lớn.
Việc giằng co vô tình dẫn tới việc ngã ra ngoài lan can là khó xảy ra và nó được giải thích như tình huống nêu ra ở phần 2 (nếu cãi cọ, giằng co do tranh cãi thì khả năng ngã xuống sàn hành lang chiếm trên 90%, khả năng ngã ra ngoài lan can gần như không có).
Khả năng cố tình đẩy ngã xuống sẽ cao hơn. Khi ông D (chủ nhà) đi ra ngoài, trong nhà chỉ còn ông D và một người nữa tên Tr. Nếu họ có tranh cãi với nhau thì cũng không cần phải ra ngoài vì đóng cửa lại là không ai biết rồi. Chỉ còn lại khả năng là nếu người còn lại muốn “xử lý” ông T thì chỉ có cách là dụ ông ra hành lang nói chuyện, hút thuốc hoặc hóng gió cho bớt say rượu để sau đó về nhà. Khi đã đứng ôm lan can, trong người có men rượu và không đề phòng thì một cái nhấc hai chân sau lên là mọi việc coi như đã kết thúc.
Tuy nhiên, nếu phương án này xảy ra thì chắc chắn sẽ phải có sự nghiên cứu, tính toán và lựa chọn địa điểm một cách rất khoa học, kỹ lưỡng thì mới có thể thành công được. Liệu phương án này có thể xảy ra không nếu như không có sự giúp sức ở một giai đoạn nào đó của chủ nhà? Tiếc rằng chung cư này chỉ có camera ở thang máy mà không có ở phía hành lang nên việc thu thập chứng cứ sẽ khó khăn hơn rất nhiều (Cơ quan điều tra phải khắc phục lỗ hổng này bằng các nghiệp vụ khác nếu họ điều tra theo hướng này).
Tuy nhiên, có một thực tế là ngay khi đi tới đây, ông T đã có ý đề phòng rồi thì liệu ông có tự nguyện, dễ dàng đi ra nơi có khả năng nguy hiểm cho mình với một người mà ông đánh giá là nguy hiểm với ông (theo lời của vợ ông) hay không? Đó là một lý do khiến tôi văn khoăn và đưa ra phương án thứ 4 dưới đây.
4. Bị đánh ngất, làm cho ngất/chết trước khi ném xuống
Đây là phương án mà tôi chưa nghĩ tới khi viết nhưng vì 3 phương án tôi nghĩ có thể xảy ra phía trên đều không đủ thuyết phục bản thân mình. Khả năng này nếu xảy ra thì cũng khó có thể chỉ một người thực hiện được. Cần kiểm tra lại vùng đầu, gáy nạn nhân xem có vết thương kín nào hay không và cơ chế hình thành viết thương ấy (nếu có) để phân biệt vết thương này được gây nên do vật gì, thời điểm nào để không lẫn lộn hai thời điểm hình thành trước khi rơi xuống và trong, sau khi rơi xuống. Nếu vết thương kín dưới da hoặc vùng đầu kín không cạo hết tóc sẽ khó nhận biết được khi nó được gây nên bởi vật tày; khi nghi ngờ, giám định pháp y có thể sử dụng các hoá chất trong y học thì nó mới hiển thị lên hết vùng ngoài da. Bên cạnh đó, cần xem xét các ven tay chân xem có vết kim tiêm nào không vì chỉ cần một mũi kim tiêm thuốc mê vào người đang lơ mơ thì muốn làm gì với họ cũng được. Việc thử máu của nạn nhân cũng là một cách để kiểm tra.
Cũng như suy luận theo khả năng thứ 2 của tình huống trong mục 3, nghĩa là nạn nhân đã bị người khác cố ý đẩy xuống/ném xuống thì ai sẽ thực hiện, ông Tr, ông D hay cả hai ông này, hay cả những người còn lại? Hoặc là một người khác nào đó không thuộc nhóm những người này? Tôi không phân tích nguyên nhân tại sao ông T phải chết vì nó đã được nhắc tới nhiều lần rồi mà chỉ nói tới khả năng ai đã làm việc này. Thứ tự sắp xếp sẽ là ông Tr; cả ông Tr và ông D; tất cả những người có mặt; người khác…
Khả năng xảy ra cao là ông Tr thực hiện có sự giúp sức của ông D. Có thể ân oán lớn nhất là giữa ông Tr và nạn nhân. Có thể T bị chết hoặc ngất trước khi ông D được thống nhất cho rời khỏi hiện trường sau đó quay lại để tạo chứng cứ ngoại phạm nếu sự việc không được giải quyết một cách êm thấm…
Điều lấn cấn nhất của tôi trong tình huống này là nếu xảy ra tình huống có sự sắp đặt như vậy, nghĩa là người (những người) thực hiện hành vi có thời gian để nhét điện thoại vào túi nạn nhân cũng như đi giày cho họ trước khi ném xuống, tại sao họ không làm? Bên cạnh đó, sao không chọn địa điểm khác an toàn hơn để thực hiện hành vi này: tại vì nạn nhân quá cẩn trọng, đề phòng nên không thể tới nơi khác được hay nơi nguy hiểm nhất sẽ là nơi an toàn nhất vì nơi đó họ có thời gian để chuẩn bị và có thời gian để xoá dấu vết, tạo hiện trường giả…?
Chưa có cách lý giải nào thực sự thuyết phục tôi nhưng với cảm quan nghề nghiệp, sự đa nghi cùng trí tưởng tượng của một người hay viết đoạn kết truyện trinh thám, tôi cho rằng khả năng thứ 4 là dễ xảy ra nhất và cơ quan điều tra nên lưu tâm phương án này đồng thời cẩn trọng trong việc tìm kiếm, lưu giữ các dấu vết tại hiện trường, tránh bị thất lạc hoặc mất dấu vì để càng lâu, tính nguyên vẹn của hiện trường càng dễ bị xoá mờ khiến vụ án bị rơi vào ngõ cụt…
Thời sinh viên tôi hay tham gia viết đoạn kết cho truyện trinh thám trong chuyên mục Sơ lốc cốc của Báo Pháp luật TP.HCM; không được giải vàng lần nào nhưng tôi có nhận được giải bạc. Đây là một suy đoán của tôi trong con mắt của một thám tử, không phải mọi thứ đều đúng nhưng nó có thể là một cơ sở để cơ quan điều tra cũng như các luật sư đồng nghiệp bảo vệ cho nạn nhân tham khảo. Việc viết ra của tôi không nhằm khơi thêm sự tò mò cho mọi người, cũng không có ý khơi lại nỗi đau cho người thân của đồng nghiệp vắn số, mà chỉ mong sự thật vụ án sớm được phơi bày. Mọi người có đồng tình hay phản đối cũng xin hãy hành xử, phản ứng một cách nhân văn.
Tôi đoán vụ này rồi cũng…thông qua như vụ ông Lê Hải An bởi một “quốc hội”
thứ cấp gồm những tên cướp trong nội bộ câu kết với nhau mà thôi !