Vẫn thương rau đắng sau hè

Đặng Đình Mạnh

5-4-2020

Đói! Chưa từng có một dân tộc nào đã thoát được nạn đói trong lịch sử sinh tồn của họ cả. Cái thái lai thịnh vượng ngày nay đều có nguồn gốc từ cơn bĩ cực đói khát thuở hồng hoang của tổ tiên bất kỳ dân tộc nào đã từng hiện diện trên thế giới này.

Đói! Điều đó đã hằn đậm, đã in sâu vào tiềm thức của tổ tiên rồi di chứng lại cho con cháu. Từ bài học lịch sử, để sinh tồn, thì tổ tiên đã rút ra giải pháp “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (Trữ thực phẩm phòng khi đói, trữ y phục phòng khi rét) cho con cháu.

Tùy từng dân tộc, cái đói đã trở thành “gien lặn”, ẩn sâu trong bộ nhớ, trong tiềm thức đến mức dân tộc đó ngỡ như mình chưa từng biết đói là gì. Nhưng thực tế, nó vẫn còn nguyên đó và trỗi dậy khi nguy cơ đói lại tái xuất đe dọa. Bên cạnh đó, cũng có những dân tộc kém may mắn hơn, cái đói lại chỉ mới là ký ức của ngày hôm qua, chẳng dễ gì quên ngay.

Người Việt đã là một trong những dân tộc kém may mắn như vậy! Gần lắm, nếu tính từ thế kỷ trước, thì thế hệ cha mẹ chúng ta đã từng trải qua nạn đói khủng khiếp vào năm Ất Dậu (năm 1945) làm tử vong đến hơn hai triệu đồng bào. Ở miền Bắc, nhiều làng xã chết 50-80% nhân khẩu. Nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai. Làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có hơn 1.000 nhân khẩu thì chết đói mất 956 người. Thôn Thạch Lỗi (nay là thôn Quang Minh), xã Thạch Lỗi, Mê Linh, Vĩnh Phúc, gần như chết đói cả thôn.

Gần hơn và nhẹ nhàng hơn, là vào những năm cuối thập kỷ 70. Mà từ đó, đã để lại trong văn nói người Việt câu thành ngữ: “Cái mặt mất sổ gạo!”. Và đằng sau nó, là cả một giai đoạn khó khăn cùng cực của đất nước ngay sau những ngày chấm dứt cuộc chiến tương tàn.

Điển tích của câu thành ngữ đến từ cái thời mà nhiều gia đình miền Nam bỗng nhiên thấy có nhiều cuốn sổ, tem, phiếu kỳ dị trong ngôi nhà mình. “Sổ mua lương thực”, “Sổ mua nhu yếu phẩm”, “Sổ mua thịt”, “Sổ mua chất đốt”, “Sổ mua phụ tùng xe đạp”, “Sổ lãnh hàng”… Để khi nghe thông báo “Gạo về!”, là cả khu phố nháo nhác ôm cuốn “Sổ mua lương thực” cùng cái bao tải chạy thục mạng đến xếp hàng rồng rắn chờ mua như chờ ban phát.

Theo đó, lương thực, mỗi người được cấp mua 7 – 9 kg/tháng. Nếu lương thực được mua là gạo, thì đa phần là gạo mốc, phải nhờ thuê chà trắng cho… sạch. Hoặc đầy trong đấy là sạn, thóc, hạt cỏ may… Có gạo đã là đặc ân, vì nhiều khi không phải là gạo, mà là bo bo, bột mì, khoai, sắn… Hoặc vài thứ trong đó sẽ phải “chung sống” với nhau trong một nồi “cơm độn”. Tuy là “cơm độn”, nhưng nhiều gia đình vẫn phải ăn lường chứ không được ăn cho no.

Các thứ ấy vẫn là may mắn, vì có nhiều gia đình bị đẩy đi vùng kinh tế mới. Đến nơi, không có phương tiện sống, cùng đường, họ lại lộn trở về sống bám tại các đô thị đang rã nát từng ngày. Họ mất hộ khẩu, mất luôn cả những cuốn sổ, tem, phiếu đầy quyền lực. Cho nên, mất sổ gạo là mất cái quyền mua các thứ chất bột kém phẩm chất, không đủ lượng để cố lấp cho cái bụng suốt ngày sôi sùng sục réo ăn vì đói. Như thế, hẳn chúng ta đã hình dung ra khuôn mặt “mất sổ gạo”.

Như 1 + 1 = 2 vậy. Cái đói chết người năm Ất Dậu và cái đói khốn khổ của những năm cuối thập kỷ 70 đã là những ký ức không thể nào quên, hằn đậm trong ký ức người Việt trong nước hoặc kể cả đã tha phương ra nước ngoài.

Thế cho nên, ở thời điểm tháng 01/2020, ngay khi trước nguy cơ bùng phát cơn dịch Corona từ Trung Quốc lan ra thế giới, khi đọc những dòng tin người Việt sống ở phương Tây, hoặc các nước phát triển ở Châu Á vội vã đi thu gom thực phẩm, vật dụng thì lẽ ra, chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên. Vì lẽ, “gien lặn” về cái đói được tạo từ thuở hồng hoang dân tộc, ký ức về nạn đói chết người năm Ất Dậu và cả nạn đói đến mờ mắt vào những năm cuối thập kỷ 70 đang tràn ùa về nhắc nhớ người Việt, đang thôi thúc họ đi mua thực phẩm dự trữ như một sự thôi thúc để sinh tồn. Ý nghĩ sinh tồn “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” chính là ở những thời khắc như thế này, lấn át cả lý trí hiểu biết của xã hội đương thời.

Dòng tin từ bên ngoài lũy tre làng không dừng lại ở người Việt. Mà sau đó, đến lượt người phương Tây cũng bắt đầu đến siêu thị vơ vét các thứ để dự trữ!

Giải thích thế nào về những hiện tượng đó với họ, những dân tộc có đến hàng bao thế hệ đã được “thưởng thức” cuộc sống thịnh vượng? Nếu không phải lại là những “gien lặn” từ những thời khắc đói khát của tổ tiên họ để lại, đang thôi thúc họ thực hiện hành vi dự trữ các thứ cần thiết để sinh tồn?

Thế nên, tất cả những hành vi vì mục đích sinh tồn ấy không khởi nguồn từ lý trí, từ sự hiểu biết xã hội, mà từ sự thúc đẩy mơ hồ của ký ức tổ tiên, từ trong tiềm thức dân tộc mà thành của người Việt… nếu chưa đẹp, thì cũng nên cần có cái nhìn độ lượng, bao dung. Chứ không đáng để chê cười, bỉ bôi khi nhân danh văn minh, hiện đại.

Tôi yêu ông Bắc Sơn, người nhạc sĩ đặt tựa mộc mạc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” khi viết những lời tình tự quê hương:

“… Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ

Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương

Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao

Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau…”

Vâng, nếu có ly hương xa đến đâu, và nếu có văn minh, hiện đại đến mức nào đi nữa, thì khi viết, khi nói về người Việt mình, xin nhẹ nhàng “Cũng ngọt ngào một lời cho nhau”. Vì họ không có lỗi khi cha ông, tổ tiên đã từng phải trải qua những thời khắc đói khát đến chết người và sự sống sót, chỉ là may mắn…

Bình Luận từ Facebook