TS Nguyễn Thị Hải Yến, CHLB Đức
1-4-2020
1. Virus Corona SARS-CoV-2
1.1- Hình thái: Dưới kính hiển vi điện tử truyền dẫn, virus Corona có dạng hình cầu với đường kính từ 60 đến 140 nanomet (nm). Trên bề mặt có các gai kích thước từ 9 đến 12 nm (Hình 1).
1.2- Bộ mã di truyền:
Là một sợi đơn ssRNA có tính phân cực dương với 29.903 nucleotides [1] (bộ mã di truyền của con người có tới 3.200.000 nucleotides [2]). Virus được tách chiết từ dịch phế quản của bệnh nhân (là công nhân tại chợ hải sản Vũ Hán) nhập viện ngày 26 tháng 12 năm 2019 tại bệnh viện Vũ Hán. Với phương pháp Phylogenetic tree (cây phát sinh gene), các nhà khoa học thấy rằng c1 tới 89,1% số lượng các loại nucleotides của SARS-CoV-2 giống với nucleotides của các virus corona gâz bệnh SARS, virus mà trước đây đã tìm thấy ở các lài rơi [3]. Tuy nhiên, theo số liệu chia sẻ từ các quốc gia khác nhau cho thấy cũng có sự khác nhau nhẹ về số lượng nucleotides giữa các virus SARS-CoV-2 từ các nhóm bệnh nhân khác nhau [4].
Ở hai đầu đầu 5’(trái) và 3’ (phải) (Hình 2) của mạch ssRNA là 2 đoạn 265 và 229 nucleotides tương ứng, hai đoạn ở hai đầu này không thực hiện việc giải mã các amino acids để tổng hợp chuỗi protein. Cũng như các virus corona khác, SARS-CoV-2 cũng có đoạn gene kép đầu tiên ORF1ab trên đầu 5’chiếm khoảng 67% chiều dài chuỗi ssRNA, đoạn gene kép này có khả năng sinh tổng hợp 16 loại protein không có cấu trúc [5].
Trong khi đó những ORF ở đầu 3’ điều khiển sinh tổng hợp 4 các protein có cấu trúc đó là S, M, E và N và 8 accessory protein (protein làm nhiệm vụ hỗ trợ các protein khác trong quá trình tạo hình thể cũng như khả năng gắn kết) 3a, 3b, p6, 7a, 7b, 8b, 9b,and orf14 [5]. ORF1ab-Polyprotein có 7096 amino acids, S (Spikes) Gycoprotein có 1273 amin acids, E (Envelope) protein có 75 amino acids, M (Membran – glycoprotein) có 222 amino acids, N (Nucleocapsid-phosphoprotein, bao bọc chuỗi RNA) có 419 amino acids (Hình 1 và Hình 2), và 5 protein khác là ORF3a, ORF6, ORF7a, ORF8 und ORF10 có từ 39 đến 274 amino acids [1] [6].
ORF1ab có chức năng điều khiển kích hoạt gene tương ứng 1a và 1b sinh tổng hợp 16 loại protein không cấu trúc. S protein chịu trách nhiệm gắn vào tế bào vật chủ. S protein có 2 miền S1 và S2. Trong đó S1 chịu trách nhiệm gắn kết lên bề mặt tế bào vật chủ, còn S2 làm nhiệm vụ hòa tan màng tế bào vật chủ để phóng thích bộ mã di truyền của virus vào trong nội chất của tế bào vật chủ. E protein được cho là đảm nhận chính việc sinh tổng hợp số lượng của virus [1] [5].
Ở khía cạnh cấu trúc amin acids, SARS-CoV-2 tương đối giống với các virus gây hội chứng suy hô hấp khác (SARS-CoV). Tuy nhiên, có một số khác biệt. Ví dụ, protein 8a có ở SARS-CoV, nhưng không xuất hiện ở SARS-CoV-2; protein 8b có 84 amino acids ở SARS-CoV nhưng lại có tới 121 amino acids ở SARS-CoV-2. Trong khi đó protein 3b ở SARS-CoV có tới 154 amino acids, nhưng ở SARS-CoV-2 chỉ có 22 amino acids.
So sánh chuỗi amin acids của SARS-CoV và SARS-CoV-2 các nhà khoa học tìm thấy 380 amino acids được thay thế. Không có sự thay thế amino acids ở các protein không cấu trúc nsp7, nsp13, các protein cấu trúc M, E và các protein accessory p6 và 8b. Nhưng có tới 102 và 61 amin acids được thay thế lần lượt ở 2 protein không cấu trúc nsp3 và nsp2. Và có tới 27 amino acids được thay thế in protein cấu trúc S (nhắc lại là: protein S đóng đảm nhận vai trò gắn kết virus vào tế bào vật chủ).
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chưa lý giải được vì sao lại có sự thay thế các amino acids này. Cũng như việc họ đã không tìm thấy sự thay thế amino acids ở nơi gắn kết trực tiếp vào tế bào vật chủ, nhưng họ lại tìm thấy 6 điểm đột biến trên miền có nhiệm vụ gắn kết với tế bào vật chủ [5]. Các nhà khoa học đặt giả thiết là có thể sự thay thế các amino acids này ở SARS-CoV-2 chính là nguyên nhân mà khả năng gây dịch bệnh của SARS-CoV-2 khác nhiều so với SARS-CoV trước đây.
1.3 Khả năng đột biến (muatation) của SARS-CoV-2
Từ cuối tháng 12 năm 2019 đến ngày 18 tháng 3 năm 2020 đã có 2434 mẫu giải trình tự các nucleotids bộ mã di truyền của SARS-CoV-2 được chia sẻ từ hầu hết các quốc gia có bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 lên trang dữ liệu gisaid với sự tài trợ của các chính phủ Mỹ, Đức, Singapore và các nhà tài trợ tư nhân [7]. Các nhà khoa học đã xây dựng phylogeny (1 dạng cây phả hệ) để xác định sự khác nhau về các chủng SARS-CoV-2 theo từng vùng miền.
Hình 3 cho thấy, mặc dù co sự xen trộn kiểu gene của virus ở các vùng lãnh thổ, nhưng vẫn cho thấy có sự khác nhau về cấu trúc di truyền của virus theo thời gian dịch bệnh. Các virus phân tách ở các bệnh nhân khu vực châu Âu (màu xanh chuối) và châu Mỹ (màu đỏ) xuất phát từ 2 nhánh khác nhau của virus có nguồn gốc từ Trung Quốc và châu Á (màu xanh đậm). Cũng từ số liệu chia sẻ này, các nhà khoa học cho ra được một bản đồ mẫu virus tách từ bệnh nhân nào có đột biến và vị trí đột biến trên gene…
Dựa vào sự chia sẻ về bộ mã di truyền của SARS-CoV-2 này, các nhà khoa học đã chọn ra 558 bộ mã di truyền của SARS-CoV-2 đã giải mã hoàn chỉnh để phân tích khả năng đột biến của virus SARS-CoV-2. Hình 4, cho thấy một số nucleotides ở vị trí cụ thể có tần suất đột biến cao.
Trong đó số liệu ở Bảng 1 và Bảng 2 thì cho thấy cụ thể nucleotide nào đột biến thành nucleotids nào. Có 15 nucelotides có tần số đột biến từ thấp nhất là 33 và cao nhất là 183 lần. Sự đột biến của mỗi nucleotides (cột 1 Bảng 1: SNP Mutation) đã gây nên sự đột biến về protein tương ứng (Cột 2 Bảng 1: Protein mutation).
Ví dụ ở vị trí 241 nucleotide Cytosin (C) đã đột biến thành nucleotide Thymin (T). Ở Bảng 2, các nhà khoa học còn cho thấy, đột biến không chỉ xảy ra đơn lẻ từng nucleotide như ở Bảng 1, mà còn có sự đồng đột biến (hợp tác) giữa các nucleotide. Và hậu duệ xuất hiện. Ví dụ, đồng đột biến ở vị trí 241 C đột biến thành T, vị trí 3037 C đột biến thành T, vị trí 28144 A (Adenosin) đột biến thành G (Guanin) và vị trí 28144 T đột biến thành C, để sinh tổng hợp 2 loại protein đột biến là S protein và RNA Pol.
Và xuất hiện ở hậu duệ 82. Đồng đột biến 241C>T, 3037C>T, 23403A>G thường thấy ở các mẫu virus từ bệnh nhân khu vực châu Âu. Hơn nữa chuỗi đồng đột biến này còn mở rộng thành đồng đột biến 241C>T, 3037C>T, 14408C>T, 23403A>G. Đột biến này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến protein RNA Pol (nsp8), RNA primase (nsp12) và S protein. Những đột biến này phần lớn tìm thấy từ mẫu virus bệnh nhân của châu Âu.
Các nhà khoa học giả thiết rằng, có thể các đột biến này liên quan đến tình trạng bệnh dịch trầm trọng ở Ý cũng như châu Âu [6]. Tuy nhiên, với sự hạn chế số liệu chia (số liệu chủ yếu từ các nước châu Âu và Mỹ), nên các nhà khoa học cũng cho rằng có thể chưa có sự tuyệt đối để khẳng định những đột biến từng nucleotides hay đồng đột biến này chỉ xảy ra ở Châu Âu hay Mỹ, nơi có đủ thiết bị để giải mã chính xác cũng như số lượng bộ mã di truyền của virus trên số lượng bệnh nhân.
Việc phát hiện ra các kiểu gen liên quan đến các cụm truyền nhiễm và địa lý cho thấy rằng, tiếp cận phân tích và phát hiện khả năng đột biến của các nucleotide là rất quan trọng cho việc theo dõi dịch bệnh theo vùng và phát hiện nhanh các kiểu gene khác nhau của virus này cũng hữu ích cho công tác và phương pháp dịch tễ học (tìm ra vaccine)[8].
Bảng 1 và 2: Các vị trí và các nucleotids đột biến ở SARS-CoV-2 so với SARS-CoV 2003.
2.- Sự lây lan của SARS-CoV-2 về mặt địa lý
Cho đến hiện tại, nguồn gốc virus gây đại dịch viêm phổi SARS-CoV-2 từ Vũ Hán (một thành phố năng động và phát triển, được người dân Trung Quốc mặc định như là một Chicago của Trung Quốc) xuất hiện từ cuối tháng 11 năm 2019 đã phát tán khắp nơi trên hành tinh này. Thế giới gần như bất động mọi mặt.
Các điểm nóng dịch bệnh đều là các nền kinh tế lớn và năng động và những nơi du lịch phát triển. Mỹ (ổ dịch lớn nhất là New York), châu Âu (ổ dịch là thủ phủ phía Bắc của Ý), thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, Bang Bayern, Badden Württemberg và bang Nordrhein-Westfalen, thủ đô và vùng phụ cận của Pháp, Áo, Thụy sỹ.
Tại sao Ý, cụ thể là vùng Bombardy nơi đầu tiên hứng chịu sự lây lan SARS-CoV-2 từ Vũ Hán, Trung Quốc?
– “Nhân thời địa lợi”, những tuần cuối của tháng 2 hàng năm là khoảng thời gian fasching của rất nhiều nơi ở châu Âu. Milan, thủ phủ về thiết kế thời trang đã có kế hoạch tổ chức tuần lễ thời trang. Khoảng thời gian đó cũng chính là thời điểm vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở TQ và VN. Trung Quốc công xưởng gia công của thế giới và sản xuất hàng giả. Các nhà mốt cũng như các chủ xưởng sản xuất hàng may mặc (trong đó có không ít từ Vũ Hán) sẽ không bỏ lỡ dịp này để tham gia cũng như “học hỏi” các mẫu thiết kế của các trùm thời trang ở Milan.
– Chính phủ TQ đã che giấu dịch bệnh, rồi “nàng thơ” Milan “vô tư” đón nhận đội vi binh từ Vũ Hán.
– Ý cũng là nước có lẽ đứng đầu thế giới về các địa điểm du lịch nổi tiếng. Một tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đang “lên đời” hiện nay đang là đội quân du lịch đông đảo của thế giới.
Tại sao lại là Pháp?
– Pháp cũng là điểm du lịch hấp dẫn, không một ai đến châu Âu mà không thăm Paris
Tại sao lại là Tây Ban Nha?
– Tây Ban Nha, một vùng địa Trung Hải vô cùng trong sạch, nơi có một khoảng cách rất sát lục địa đen nhưng lại quá cách biệt về mọi mặt. Điểm dừng đó trong chuyến châu Âu là điều nhất định của hầu hết các du khách và các công cán từ Trung Quốc.
Tại sao là Đức? Đức, đất nước bị san phẳng gần hết sau chiến tranh thế giới. Di sản không còn nhiều.
– Nước Đức cũng như nhiều nước khác ở châu Âu bị một năm nắng ấm nên “đói tuyết”.
– Vùng phía Bắc của Ý là nơi có tuyết và là nơi nổi tiếng dịch vụ trượt tuyết và đi bộ leo núi.
– Học sinh ở bang Bayern của Đức được nghỉ 1 tuần (cuối tháng 2) vào tuần lễ hội facshing.
– Rất nhiều gia đình đã cùng con cái đến vùng phía Bắc của Ý để trượt tuyết và đi bộ leo núi.
Virus Vũ Hán SARS-CoV-2 từ Vũ Hán đã tham gia tuần thời trang Milan và từng bước phát tán ra khu vực châu Âu. Đó là lời giải thích vì sao dịch đến chậm hơn ở các nước khác so với Ý (Hình 5).
Việc không giới hạn đi lại trong khối Schengen cũng như việc tuân thủ hiến pháp của các chính phủ phương Tây (quyền tự do đi lại của công dân) là cơ hội để virus lây lan.
Thế nhưng tại sao dịch ở Việt Nam lại không trầm trọng như ở Ý, mặc dù VN mở cửa biên giới, cho hàng ngàn lao động TQ quay lại làm việc?
– Nhiều người cho rằng do nền nhiệt độ ở Việt Nam cao.
– Những người lao động TQ ở VN đa số là tầng lớp dân nghèo từ Các vùng nông thôn của TQ. Họ cũng về TQ trong dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng ổ dịch ở TQ lại là thành phố Vũ Hán. Nơi tầng lớp giàu có hơn, những người giàu có hơn ở tâm dịch đã mang virus sang Milan.
Một số ổ dịch khác như ở Hàn Quốc, Malaisia, Iran đều có liên quan đến việc tụ tập lễ giáo.
3.- Vi sao SARS-CoV-2 lại khủng khiếp hơn nhiều so với SARS-CoV 1 (SARS-2003)?
3.1. Về khía cạnh virus học:
Như đã trình bày ở phần 1, hiện nay các nhà khoa học cũng chỉ mởi đặt ra các nghi vấn do sự đột biến gene của SARS-CoV-2. Mọi cái còn cần phải nghiên cứu và thực nghiệm để tìm ra loại protein nào và cơ chế hoạt động của nó trong quá trình xâm nhiễm và phá hủy tế bào phổi.
3.2. Về khía cạnh con người:
Tại Trung Quốc: Do thể chế chính trị đã làm bóp méo sự thật của dịch từ khi nó mới bắt đầu.
Tại châu Âu:
– Các chính phủ ở châu Âu cũng như các nhà dịch tễ và bệnh học ở châu Âu đã rơi vào thế chủ quan khi kết quả giải mã bộ gene của SARS-CoV-2 cho kết quả rất tương đồng với bộ gene của SARS-CoV-1 (SARS-2003). Và thực tế, SARS-2003 xảy ra ở phạm vi chủ yếu là Trung Quốc/ Hồng Kông. Hay tương tự, MERS, dịch suy hô hấp cũng do một chủng corona xảy ra ở Trung Đông sau SARS-2003.
– Nhiều người dân châu Âu vẫn cho rằng, dịch cúm mùa thường gây chết nhiều người hơn SARS.
– Các nhà miễn dịch học của thế giới đã có thể ngây ngô tin vào số liệu số ca nhiễm bệnh theo thời gian/ ca nhiễm từ Trung Quốc (<4% trong khi đó SARS-2003 là 10% và MERS là 37%) [10], nên ngay từ đầu cho rằng, hệ số R0 tỷ lệ lây lan của SARS-CoV-2 chỉ khoảng 2,5.
– Khi dịch bùng phát trầm trọng ở TQ, chính phủ Ý vẫn tự tin phản bác kế hoạch hạn chế khách du lịch từ TQ và Ý bằng kế hoạch thay thế là lắp đặt máy đo thân nhiệt ở tất cả các cổng nhập cảnh ở sân bay.
– Biện pháp “giữ khoảng cách/ Social distance” và lệnh phong tỏa (hạn chế đi ra ngoài) cũng như đóng cửa các dịch vụ giải trí… ở các nước châu Âu tương đối trễ. Tại Ý các biện pháp này mới chỉ được áp dụng vào trung tuần tháng 3.
Tại Ý:
Tại Tây Ban Nha:
Tại Đức:
Hình 5: Số ca nhiễm mới và số ca tử vong theo ngày ở Ý, Tây Ban Nha và Đức [9]
4.- Điều gì khác biệt ở Đức?
– Dịch bệnh ở Đức đến chậm hơn ở Ý, người Đức đã theo dõi và học tập cũng như rút ra kinh nghiệm từ Ý (khi dịch bệnh có biểu hiện khó khăn hơn ở Ý, các thông tin phòng trách dịch đã được phổ biến, ngaz tại bệnh viện nơi tác giả làm biện pháp này được nâng lên cấp độ cao, dưới sự hướng dẫn và yêu cầu từ Viện vệ sinh dịch tễ Robert Koch).
– Điều kiện hạ tầng và nhân lực y tế ở Đức đứng hàng đầu thế giới (điều này nhiều báo đài đã đề cập). Chính phủ cam kết cung cấp 15.000 Euro cho mỗi ca/ giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt). Hàng năm nhân viên làm trong bệnh viện đều được kêu gọi tiêm phòng cúm.
– Chủ trương của hệ thống y tế Đức là không được phép để bệnh viện rơi và trạng thái quá tải. Bình thường nếu ai bị bệnh sẽ phải đến khám tại phòng mạch bác sỹ (mỗi người Đức sẽ có một bác sỹ của mình (Hausarzt) (các bác sỹ tại các phòng khám sẽ được mọi người đánh giá online). Bệnh viện chỉ chấp nhận nhập viện nếu có yêu cầu của bác sỹ tại phòng mạch. Trong khi dịch bệnh, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không đến phòng khám, mà chỉ được bác sỹ tư vấn qua điện thoại. Bác sỹ sẽ gọi điện theo dõi, nếu tình hình bệnh nhân không đỡ, triệu chứng rõ ràng hơn, lúc đó bác sỹ sẽ yêu cầu bệnh nhân gọi đến văn phòng quản lý sức khỏe của thành phố (Gesundheitsamt). Lúc này, văn phòng quản lý sức khỏe sẽ điều phồi để bác sỹ chuyên khoa đến khám. Dựa vào tình trạng của bệnh nhân, bác sỹ chuyên khoa sẽ quyết định bệnh nhân cần phải nhập viện hay chỉ cách ly và “điều trị” tại nhà. Vì thế, có một số bạn du học sinh Việt Nam, không hiều rõ hệ thống y tế tại Đức nên cho rằng chính phủ Đức bỏ mặc người bệnh hoặc người Đức coi thường dịch bệnh [11].
– Ở Đức cũng như phần lớn các nước châu Âu, bắt buộc mọi người sinh sống, học tập làm việc tại Đức đều phải mua bảo hiểm. Khi bị bệnh nằm viện, chi phí khám và viện phí bảo hiểm chi trả. Những người không có bảo hiểm tại Đức sẽ không được tiếp nhận dịch vụ y tế kề cả bệnh viện lẫn phòng khám tư (trừ khi mình có hợp đồng và đóng tiền trước). Để tránh quá tải bệnh viện, nhất là lúc dịch bệnh này, trường hợp nhiễm bệnh như bệnh nhân 17 và 32 từ Anh về sẽ chỉ được khám tư vấn và tự cách ly, cho dù cả 2 nhân vật này đều thừa tiền trả dịch vụ. Chính ví thế đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn đã phải thuê phi cơ chở con gái nhiễm SARS-CoV-2 về VN để hưởng dịch vụ công của người dân VN.
– Nước Đức có một nguyên thủ có trí tuệ, trách nhiệm và có khả năng điều phối tham vấn ý kiến của các nhà khoa học và chuyên môn một cách nhịp nhàng. Nếu nguyên thủ quốc gia ra thông cáo nào thì ngay lập tức các nhà chuyên môn và các chuyên gia cũng sẽ lên truyền hình để cung cấp các thông tin khoa học củng cố cho những quyết sách cũng như giải đáp thắc mắc của mọi người. Thủ tướng Đức trước khi đưa ra các biện pháp cách ly đã phải lên truyền hình xin lỗi người dân vì các biện pháp này đã phần nào vi phạm quyển con người.
– Nước Đức không phải là “cường quốc toán học” nhưng các nhà dịch tễ học và các nhà xác suất thống kê đã đưa ra lời giải cực kỳ chính xác trong việc xác định tình trạng bệnh dịch, từ đó các nhà hoạch định chính sách ra quyết sách kịp thời. Việc xác định đúng thời điểm dịch, đã giúp bên giáo dục quyết định cho học sinh nghỉ học tránh dịch chuẩn (trung tuần tháng 3). Mà không cần phải nhấp nhấp, nâng lên đặt xuống.
– Xã hội Đức không có mô hình nhiều thế hệ sống chung trong một nhà (điều này rất khác với Ý). Chính vì thế, giảm rủi ro qua tiếp xúc rất nhiều đối với những người già. Hàng năm người già từ 60 trở lên thường được tiêm miễn phí phòng ngừa cúm. Có lẽ đây cũng là một trong những lý giải số ca tử vong ở Đức thấp.
– Một điều quan trọng, người Đức thuộc dạng tuân thủ pháp luật. Điềm tĩnh trước dịch bệnh và nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp giảm lây lan.
– Thay vì kêu gọi người dân đóng góp tiền mặt và vật chất để giúp chính phủ chống dịch, nước Đức và các nước dân chủ khác đều tung ra các gói viện trợ cho người dân và các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch. Thậm chí, những gia đình, bố mẹ phải nghỉ làm để trông con (do nghỉ học vì dịch) sẽ được bồi thường.
– Truyền thông Đức không ca tụng Berlin là nhân đạo khi chính phủ phải gấp rút thảo luận tìm cách đưa công dân Đức từ nước ngoài về khi việc hạn chế đi lại được áp dụng hầu hết ở các nước. Bởi đó là trách nhiệm của chính quyền. Thủ tướng Đức vẫn phải làm việc dù phải cách ly 14 ngày do tiếp xúc làm việc với bác sỹ đang ủ bệnh, vẫn không được truyền thông Đức tung hô “sự hy sinh cao cả”. Số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 ở Đức không nhiều như các nước khác ở châu Âu và thế giới, nhưng truyền thông Đức không “ngạo nghễ” la làng rằng nước Đức “vĩ đại”, nước Đức “đáng tự hào”, hay “hộ chiếu Đức quyền lực”.
– Một nước Đức có nền công nghiệp tri thức cao. Hầu hết các sản phẩm hóa sinh dược phục vụ nghiên cứu y học đều do các các công ty của Pháp, Đức và Mỹ cung cấp.
– Hiện Đức và Pháp đang triển khai khoanh vùng để làm test xác định kháng thể (antibdy/antikörper) cho mục đích phân loại tình trạng sức khỏe nhóm người nào không nhiễm, nhóm nào nhiễm mà không biểu hiện bệnh, nhóm nào nhiễm mà phục hồi nhanh. Để giúp các nhà chính sách sẽ nới lỏng các biện pháp cách ly với từng nhóm người cụ thể, để đảm bảo phần nào tiếp tục các hoạt động kinh tế.
– Các nhà khoa học và các hãng sản xuất thuốc/vaccine của Đức cũng như các nước phát triển đang chạy đua với dịch bệnh để phát triển và sản xuất vaccine.
– Nhìn biểu đồ số ca nhiễm mới và số ca tử vong hàng ngày ở Đức và các nước châu Âu.
5.- Các vấn đề của Việt Nam
– Cho đến nay ngày 01 tháng 04 năm 2020, Việt Nam có 212 người nhiễm virus SARS-CoV-2 (Vũ Hán) và chưa có người tử vong [12]. Mặ dù gần đây Hà Nội đã thường xuyên cập nhật trên báo chí về số ca mới nhiễm. Nhưng con số này vẫn chưa thể làm yên lòng hay lạc quan đối với những người chịu khó tư duy. Bởi mức độ sát thực hơn về số ca nhiễm mới được phát hiện phụ thuộc vào hai yếu tố căn bản đó là số test thực hiện và chất lượng của test được sử dụng. Ngày đầu tiên Hà Nội thí điểm test mở rộng cho thấy trong 735 người được test phát hiện 3 người nhiễm SARS-CoV-2. Nếu kéo dài và mở rộng test thì có thể ước tính con số người nhiễm sẽ là bao nhiêu.
– Nếu tỷ lệ nhiễm của Việt Nam thấp và chậm như thế, tại sao Hà Nội lại áp dụng các biện pháp dập dịch “phiên bản Vũ Hán” ngay từ những ngày đầu năm mới sau Tết Nguyên Đán? Hàng ngàn người bị đưa vào khu cách ly vừa gây tốn kém vừa làm hoảng loạn.
– Phải chăng các chuyên gia dịch tễ học và các chuyên gia về xác suất thống kê của Việt Nam không có khả năng hoặc Hà Nội đã không coi trọng tri thức trong việc dự đoán tình hình diễn biến dịch bệnh. Dẫn đến tình trạng “đá bóng cho nhau” trong việc quyết định thời điểm và thời gian cho học sinh nghỉ học tránh dịch cũng như thời điểm quay lại trường. Cũng như việc “kế hoạch công bố dập dịch thành công” (trước khi bệnh nhân số 17 xuất hiện). Lỗ hổng của một thể chế chính trị không tri thức đã làm cho người dân càng thêm ngơ ngác và hoảng loạn không còn biết tin vào đâu trước những quyết định bất nhất của những người nắm quyền. Nước Mỹ của Trump bên kia bán cầu, với một tổng thống không coi trọng tri thức làm cho chính vị tổng thống này trở thành sự mỉa mai và lên án của người dân vì những lời bất nhất và khả năng “như gà mắc tóc” đối với dịch bệnh. Khuôn mặt vừa khổ sở của TS Anthony Fauci khi đứng cạnh Trump trên truyền hình, cũng như việc phải nai lưng ra đính chính lại nhưng thông tin bất nhất của Trump.
– Không hiểu Hà Nội dựa vào cơ sở nào để đưa ra biện pháp “không tụ tập trên 10 hoặc 20 người”. Trước khi Thủ tướng Đức công bố các biện pháp “giữ khoảng cách/Social distance” để hạn chế lây nhiễm, Viện Robert Koch đã phải chạy mô hình để đưa ra được khảng cách tối thiểu là 1,5 m nơi công cộng và yêu cầu không quá 2 người nếu thuộc 1 gia đình.
– Người đứng đầu chính quyền Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung ngay từ những ngày đầu dịch bệnh đã mạnh miệng trên truyền thông là cố gắng để không có ca nhiễm ở Hà Nội. Thế nhưng bệnh Viện Bạch Mai, một bệnh viện “đầu đàn” trong hệ thống y tế VN đã ngã gục và trở thành ổ dịch. Với tình trạng quá tải của các bệnh viện ở Việt Nam thì liệu người dân có bất an về sự “toang” của hệ thống y tế Việt Nam nếu dịch bệnh xảy ra như ở TQ hay châu Âu?
– “Truyền thông bẩn”: Một số chính khách và truyền thông của TQ bị thế giới lên án khi muốn bóp méo nguồn gốc dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, cũng như thực tế dịch bệnh tại TQ. Tại Việt Nam, chắc sẽ không ít nhiều người sẽ nhận ra “sự bẩn” của truyền thông Việt Nam. Vừa có một bài báo đưa tin rằng Việt Nam rất thành công và là quốc gia tốt nhất có khả năng chữa trị bệnh viêm phổi, nhiều Việt Kiều và người châu Âu muốn sang Việt Nam lánh nạn. Có đôi nam nữ châu Âu năn nỉ được lên chuyến bay sang Việt Nam để chạy dịch ở đất nước của họ, nhưng Vietnam Airlines đã nhất định không cho lên [13]. Nhưng cũng chính những hình ảnh của họ cho thấy sân bay châu Âu vắng tanh hành khách, hoặc nữ Việt Kiều phản ứng khi không đồng ý vào trại cách ly, đã lột trần sự không trung thực trong truyền thông của một số nhà báo bẩn và cơ quan quản lý truyền thông của Việt Nam.
Kết: Nước Đức chưa đến mức bấn loạn trước dịch bệnh mục tiêu hạn chế tối đa số người chết, không quá tải bệnh viện để chạy đua tìm thuốc phòng chống. Nhưng chính phủ Đức cũng như người dân Đức cũng vẫn căng như dây đàn theo dõi và thực hiện nghiêm khắc các biện pháp giảm thiểu lây lan.
Số ca nhiễm mới vẫn đang tăng nhiều. Hiện các nhà khoa học chưa hiểu rõ cơ chế nào để SARS-CoV-2 lại ảnh hưởng vượt xa SARS-Cov 2003. Nhưng tôi tin, với một quốc gia pháp quyền, một thể chế dân chủ, một chính phủ biết lắng nghe và sử dụng trí thức, Đức và các nước dân chủ khác sẽ vượt qua được nạn dịch này.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, lời khuyên hữu hiệu nhất là hãy bình tĩnh đọc và tìm hiểu các nguồn thông tin đáng tin cậy về dịch bệnh và tự bảo vệ mình bằng cách tránh tiếp xúc tối đa có thể cho đến khi dịch bệnh thực sự lắng xuống. Hãy bảo vệ và giúp cho những nhóm dân cư dễ rủi ro như dân nghèo và người cao tuổi.
______
Nguồn tham khảo:
[1] https://de.wikipedia.org/wiki/SARS-CoV-2
[2] https://www.sciencedirect.com/topics/immunology-and-microbiology/virus-genome
[3] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/32015508
[4] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/
[5] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S193131282030072X
[6] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC421683/
[7] https://www.gisaid.org/epiflu-applications/next-hcov-19-app/
[8] https://arxiv.org/pdf/2003.10965.pdf
[9] https://www.worldometers.info/coronavirus/country/
[10] https://www.ijidonline.com/article/S1201-9712(20)30123-5/fulltext
[11] https://zingnews.vn/o-day-khong-ai-mang-khau-trang-ho-con-nem-bat-lua-vao-nguoi-deo-post1055421.html
Trích: “Các nhà khoa học giả thiết rằng, có thể các đột biến này liên quan đến tình trạng bệnh dịch trầm trọng ở Ý cũng như châu Âu [6]. Tuy nhiên, với sự hạn chế số liệu chia (số liệu chủ yếu từ các nước châu Âu và Mỹ), nên các nhà khoa học cũng cho rằng có thể chưa có sự tuyệt đối để khẳng định những đột biến từng nucleotides hay đồng đột biến này chỉ xảy ra ở Châu Âu hay Mỹ, nơi có đủ thiết bị để giải mã chính xác cũng như số lượng bộ mã di truyền của virus trên số lượng bệnh nhân.”
Giới khoa học trên thế giới vẫn đang hết sức nhức nhối trước tình trạng mù thông tin và bất hợp tác từ Trung Quốc. Nhiều người cho rằng chỉ có thể xác định con virus có đột biến ở Ý hay không nếu họ có mẫu virus của bệnh nhân ở Vũ Hán. Trung Quốc không cho giới khoa học đến Vũ Hán ngay từ đầu vì lý do gì?
Đến nay cũng chưa ai tin nổi con số tử vong do Bắc Kinh đưa ra. Số lây nhiễm thì chắc chắn là không như mọi nước(!) vì người Trung Quốc đã thay đổi cách đếm số trường hợp lây nhiễm hai ba lần từ đầu cơn dịch. Mới nhất, họ quyết định đếm luôn những trường hợp dương tính nhưng không có triệu chứng. Điều này có nghĩa là trong một giai đoạn (vài tuần trở lên), họ chỉ kể những người có triệu chứng ở trong số lây nhiễm — một cách thống kê và nhìn nhận vấn đề ẩn chứa tai họa khôn lường!
-Cám ơn TS Nguyễn Thị Hải Yến về bài viết tuyệt vời với nhiều thông tin bổ ích; giải thích rõ ràng, cụ thể về dịch bệnh.
Nỗi sợ bệnh tật, chết chóc bao trùm khắp thế giới, khắp EU. Vựợt qua mọi nỗi sợ khác, như sợ thất nghiệp, sợ suy thoái kinh tế, sợ làn sóng người tỵ nạn…
Có lẽ nhờ Covid-19, dân EU tin vào Nhà nước nhiều hơn.
Tin vào các biện pháp nghiêm ngặt, có khi độc đoán của nhà nước, còn nếu ai không tin nó chưa đủ nghiêm ngặt, cứ việc tự mình cách ly nghiêm ngặt hơn.
(Chưa bao giờ tỷ lệ điện gíó, mặt trời của nước Đức cao đến 52% như đầu năm nay, vì có nhiều nắng gió, vì các công xưởng giảm hoạt động… )
Cám ơn tác giả qua bài viết này đã cung cấp cho người đọc kiến thức về virus
với những khám phá rất chi tiết,dù chỉ thích hợp với giới y học.
Bài giúp tôi giải đáp được nhiều thắc mắc, xin cám ơn tác giả.