Trân Văn
1-4-2020
COVID-19 tạo ra một trận chiến mà quân đội Mỹ chưa bao giờ trải qua: Phải tham chiến cả ở ngoài lẫn trên lãnh thổ Mỹ! Trong cuộc chiến ấy, nhiều quân nhân Mỹ bị buộc “án binh bất động” với hy vọng, nhờ vậy sẽ giành được chiến thắng.
Thứ tư tuần trước (25 tháng 3), ông Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ra lệnh cho toàn bộ quân nhân, nhân viên dân sự đang thường trú tại các căn cứ quân sự bên ngoài nước Mỹ, cũng như thân nhân của họ ngưng dịch chuyển thêm 60 ngày nữa để vừa bảo toàn lực lượng, vừa bảo đảm yếu tố sẵn sàng chiến đấu trên phạm vi toàn cầu (1) – nhiệm vụ mà vì thế họ đến và đang cư trú ở nhiều căn cứ quân sự nằm rải rác trên toàn thế giới. Đó là chuyện bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
***
Quân đội Mỹ (cả Hải, Lục, Không quân, Tuần duyên) có ba lực lượng: Hiện dịch (Active duty – phục vụ quân đội toàn thời gian), Dự bị (Reserve) và Địa phương quân (National guard). Hoạt động của quân đội Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ thường thuộc phạm vi trách nhiệm của các đơn vị của lực lượng hiện dịch. Thỉnh thoảng quân nhân thuộc hai lực lượng dự bị và địa phương quân mới được điều động để tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ Mỹ (tham chiến tại các chiến trường hoặc tham gia các cuộc tập trận).
Khi trong nước xảy ra thiên tai, thảm họa,… cần trợ giúp về nhân lực, Thống đốc các tiểu bang có thể điều động Địa phương quân. Rất hiếm khi Mỹ dùng lực lượng dự bị và hiện dịch vào các hoạt động trên lãnh thổ Mỹ, bởi trách nhiệm chính của những lực lượng này là phải luôn luôn sẵn sàng chống trả những kẻ thù từ bên ngoài cũng như những đối thủ xâm hại các quyền lợi của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Điều động cùng lúc cả Địa phương quân, Dự bị, Hiện dịch “ra trận” ngay trên lãnh thổ Mỹ hình như chưa từng có!
Lần này, COVID-19 đã tạo ra tình huống chưa từng có ấy. Gần như tất cả các tiểu bang đã điều động Địa phương quân vào cuộc. Vì nhu cầu về nhân lực, phương tiện càng lúc càng lớn nên Dự bị, Hiện dịch cũng đã được lệnh ra trận – mặt trận ở ngay trong lòng nước Mỹ. Giữa tuần trước, Công binh của Lục quân bắt đầu điều động các đơn vị Công binh thuộc lực lượng Hiện dịch đến nhiều tiểu bang, thành phố để dựng các bệnh viện dã chiến – loại việc mà họ thường chỉ thực hiện ở những nơi bên ngoài xứ sở của mình.
Thành phố New York giờ đã là mặt trận mà Công binh chiến đấu (Combat engineer – chuyên dọn dẹp, mở đường cho các đơn vị tác chiến tiến lên phía trước hay xây dựng các công trình thiên về phòng thủ) thuộc lực lượng Hiện dịch tham chiến. Trách nhiệm của họ là biến Trung tâm Triển lãm Javits, diện tích 840 ngàn square feet, thành nơi tiếp nhận chừng 3.000 bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Trung tướng Todd Semonite, Tư lệnh Công binh của lục quân Mỹ cũng đã điều động một số đơn vị, biến các sân vận động ở Seattle (bang Washington), Sacramento (California) thành những bệnh viện dã chiến. Ông cho biết, lực lượng này sẽ dựng hoặc chuyển đổi để tạo ra chừng 114 bệnh viện dã chiến như vậy trên toàn lãnh thổ Mỹ. Tin rằng chừng đó chưa đủ, ông nói thêm, công binh đã sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công năng của bất kỳ trung tâm hội nghị, ký túc xá nào thành bệnh viện dã chiến (2).
Không chỉ có Lục quân và chẳng riêng Công binh, Hải quân, Không quân, Tuần duyên của cả ba lực lượng Hiện dịch, Dự bị, Địa phương quân đã ra trận. Hai Quân y hạm của Hải quân đã chia nhau đến thành phố New York, bang New York (USNS Comfort) và Los Angeles, bang California (USNS Mercy). Trong khi Công binh hối hả thiết lập các bệnh viện dã chiến, Không quân vận chuyển Tiểu đoàn Quân y 531, thuộc Sư đoàn Dù 101 từ căn cứ Campbell ở bang Kentucky đến thành phố New York.
Đơn vị chuyên vận hành quân y viện tiền phương ở nhiều chiến trường này, nay vận hành bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Triển lãm Javits, cùng với các chiến cụ là những thiết bị y khoa chuyên dụng mà chính phủ đã trang bị cho họ (3).
***
Trừ những người được huấn luyện và phải thường xuyên rèn luyện để trở thành chiến binh thực thụ (Infantryman), tùy thuộc vào khả năng và sở thích, ngoài kỹ năng chiến đấu căn bản, những quân nhân Mỹ khác được huấn luyện và rèn luyện theo từng loại việc chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu vốn hết sức đa dạng của quân đội (Military occupational specialty – thường được gọi tắt là MOS). Những loại việc ấy thường có nhiều điểm tương đồng với một số công việc dân sự (4).
Chẳng hạn trong Lục quân, cùng là công binh nhưng có những người được đào tạo để chỉ chuyên lắp đặt hệ thống điện bên trong công trình (MOS 12R – Interior Electrician), hay chuyên lắp đặt hệ thống dẫn nguồn điện bên ngoài (MOS 12Q – Power Line Distribution Specialist), hoặc có những người được đào tạo để chỉ chuyên lắp đặt hệ thống thoát nước thải (MOS 12K – Plumber), có những người được đào tạo để trở thành lính cứu hỏa chuyên nghiệp (MOS 12M – Firefighter), thợ lặn chuyên nghiệp (MOS 12D – Diver),…
Tương tự, cùng phục vụ quân y nhưng ngoài những người được đào tạo để trở thành cứu thương trên chiến trường (MOS 68W – Combat Medic Specialist), còn có những người được đào tạo để làm y tá tổng quát (MOS 68C – Practical Nursing Specialist), trợ tá phòng mổ (MOS 68D – Operating Room Specialist), trợ tá phòng thí nghiệm (MOS 68K – Medical Laboratory Specialist), trợ tá nha sĩ (MOS 68E – Dental Specialist), trợ tá phòng ngừa dịch bệnh (MOS 68S – Preventive Medicine Specialist),…
Trong bối cảnh như hiện nay, khi nhiều người Mỹ lo thắt tim vì Mỹ thiếu cả nhân lực lẫn nhiều loại thiết bị để đối phó với COVID – 19, quân đội Mỹ bao gồm cả hải, lục, không quân, tuần duyên trở thành một nguồn bổ sung từ nhân lực đến thiết bị. Ngoài các lực lượng Hiện dịch, Dự bị, Địa phương quân, còn một lực lượng khác là những quân nhân tuy đã rời quân ngũ nhưng đã từng được huấn luyện và rèn luyện trong quân đội ít nhất tám năm (thời hạn tối thiểu khi tình nguyện phục vụ quân đội).
Cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng điều động các quân nhân thuộc lực lượng dự bị trình diện. Hi vọng về nguồn nhân lực trong cuộc chiến với COVID – 19 được gửi cả vào những người đã rời khỏi quân ngũ, kể cả những cựu quân nhân đã phục vụ quân đội đủ 20 năm và được nghỉ hưu (5).
Tin mới nhất, riêng Lục quân đã gửi email cho 800.000 cựu quân nhân thuộc nhiều lực lượng khác nhau mà kiến thức, kinh nghiệm họ tích lũy khi phục vụ quân đội trong một số MOS giờ trở thành hi vọng bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. Chỉ trong năm ngày có 17.000 người cho biết họ sẵn sàng khoác lại áo lính (6).
***
Hy vọng về nguồn nhân lực từ quân đội Mỹ chắc chắn không chỉ đặt ở những quân nhân và cựu quân nhân thuộc những MOS liên quan tới quân y. Người ta tin rằng, những quân nhân và cựu quân nhân thuộc nhiều nhóm ngành khác như Quân cụ (thiết bị chiếu sáng, máy phát điện,…), Quân nhu (phân phát thực phẩm, quần áo,…), Quân vận (điều vận, vận chuyển,…), Quân cảnh,… cũng sẽ được điều động khi cần để lấp đầy nhũng chỗ trống do COVID-19 tạo ra.
Cho dù Mỹ đang trong một cuộc chiến kỳ lạ và nhìn việc điều động quân đội có thể thấy rõ hơn sự kỳ lạ đó nhưng không ai mong Mỹ sẽ đến tình cảnh phải điều động thêm nhiều quân nhân, kêu gọi các cựu quân nhân của nhiều nhóm ngành khác tiếp ứng thêm! Cuộc chiến đã và đang diễn ra tại Mỹ không có bom rơi, không có đạn nổ nhưng tổn thất nhân mạng, tổn thương kinh tế, xáo trộn xã hội thì tuy đã hết sức trầm trọng song vẫn hết sức khó lường.
Chú thích
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_United_States_Army_careers
Một chuyện của quân đội Hoa Kỳ liên quan tới Việt Nam là vụ thủy thủ đoàn hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt nhiễm virus corona. Mặc dù lần cập cảng gần nhất của tàu là tại Đà Nẵng, cho tới nay các giới chức Hoa Kỳ không hề có một luận điệu nào “đổ lỗi” do người Việt khiến binh sĩ của họ bị mắc dịch! Hải Quân Hoa Kỳ thì nói đang điều tra và không phải điều gì cũng sẽ được công bố cho báo chí. Có giới chức còn biện bạch cho quyết định cập cảng rằng dịch bệnh ở Việt Nam chỉ có 16 ca và chủ yếu xung quanh Hà Nội chứ không có dấu hiệu lây lan ở miền Trung.
Các lệnh từ Ngũ Giác Đài đưa ra cũng rất ư là chuyên nghiệp: mọi tàu của Hải Quân phải giới hạn số chuyến cập cảng, sao cho không được cập cảng nhiều hơn một lần mỗi 14 ngày. Lý do: để khỏi gieo rắc dịch bệnh khắp các quốc gia ven biển!
Phía Việt Nam thì, đương nhiên, im lìm như không có chuyện gì xảy ra! Vì nếu có, cũng chẳng ai biết, và nếu biết, chưa chắc đã dám nhận. Nhưng câu hỏi mà người Việt vẫn nên đặt ra là dịch bệnh có xuất hiện ở Đà Nẵng rồi hay chưa? Giới hữu trách y tế ở Đà Nẵng có những kết quả xét nghiệm virus corona nào và đã báo cáo ra sao? v.v. Đây không phải là chuyện cần che giấu vì sợ mất cơ hội để “ngạo nghễ”, mà đây là vấn đề y tế cộng đồng. Nếu giới hữu trách của Việt Nam chưa xét nghiệm đủ và không thăm dò gì được tình hình ở địa phương, thì vụ bùng phát trên một chiếc tàu hải quân nước ngoài vừa ghé qua đó chính là dấu hiệu cảnh tỉnh để họ bắt đầu làm việc.