19-3-2020
“Khủng hoảng”, “suy thoái”, “phá sản”,… là những thuật ngữ được nhắc đến ngày càng nhiều bởi giới đầu tư và phương tiện thông tin xã hội. Tương tự như 12 năm trước, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn, nhưng lần này xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Các chính sách điều hành vĩ mô không giúp chữa trị được suy thoái lần này. Tuy nhiên, những chính sách tốt lại có thể giảm thiểu được tác động tiêu cực, đặc biệt chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.
Bối cảnh kinh tế sau 12 cũng có nhiều khác biệt. Dưới đây là một vài điểm trong số những khác biệt đó.
1. Tiết kiệm và đầu tư
Giai đoạn 5 năm trước đợt khủng hoảng 2007-2008, tỷ lệ đầu tư (capital formation)/GDP là vào khoảng 36% trong khi tiết kiệm trong nước (Domestic Saving)/GDP chỉ khoảng 28% mỗi năm. Tức là, tiết kiệm thiếu hụt khoảng 8% GDP để tài trợ cho đầu tư. Hay nói cách khác, trong thời kì này nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nhà nước, vay nợ rất nhiều để đầu tư. Kì vọng vào WTO cũng khiến đầu tư của khu vực tư nhân tăng nhanh. Vay nợ nhiều để đầu tư cũng dẫn đến nhập siêu cao. Hàng loạt các dự án đầu tư công lớn được thực hiện trong giai đoạn này và nhiều dự án sau đó đã phá sản.
Trong giai đoạn 5 năm gần đây, tiết kiệm trong nước và đầu tư là khá cân bằng (26-27% GDP). Đầu tư chỉ cao hơn tiết kiệm trong nước chưa đến 1% GDP. Nhờ đó, cán cân thương mại gần đây cũng cân bằng và thậm chí là có thặng dư. Chúng ta cũng không nhìn thấy những đợt vay nợ quốc tế để tài trợ cho các dự án đầu tư khổng lồ của các doanh nghiệp nhà nước.
2. Tiền tệ và lạm phát
Trước khủng hoảng 2007-2008, tăng trưởng cung tiền luôn ở mức xấp xỉ 30%/năm, có những năm thậm chí còn lên tới gần 50% như 2007. Hậu quả là các thị trường tài sản (bất động sản và chứng khoán) ở trạng thái bong bóng giá. Giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng tăng nhanh. Tỷ lệ lạm phát xấp xỉ 10% mỗi năm. Đặc biệt năm 2008 lạm phát lên tới trên 23%, nhưng con số thực sự có lẽ còn cao hơn nhiều. Sai lầm của gói kích thích kinh tế trong những năm 2009 – 2010 tiếp tục tục đẩy lạm phát một lần nữa lên gần 30% trong năm 2011.
5 năm gần đây, cung tiền đã tăng chậm lại rất nhiều (mặc dù vẫn khá cao), xấp xỉ khoảng 15%/năm. Tăng trưởng cung tiền chậm lại cùng với giá cả thế giới ở mức thấp đã giúp tỷ lệ lạm phát trong nước chưa năm nào vượt mức 4%.
Giá nguyên nhiên liệu thế giới giảm mạnh hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi để giữ lạm phát trong nước ở mức thấp trong thời gian tới.
3. Lãi suất và tỷ giá
Trong thời kỳ khủng hoảng 2007-2008 và những năm sau đó, lạm phát phi mã đã đẩy lãi suất có lúc lên trên 20%. Đây mới là thứ vũ khí giết doanh nghiệp hàng loạt một cách nhanh chóng chứ không phải khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nợ xấu tăng nhanh đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng.
Tỷ giá còn bi đát hơn, đồng nội tệ liên tục bị mất giá vượt xa những cam kết của nhà điều hành. Dự trữ ngoại hối mỏng. Đã có thời kì mỗi khi Thống đốc đưa ra một cam kết nào đó thì phố Hà Trung lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi người dân đổ xô đến đó mua đô-la.
Những năm 2011 – 2013, kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục thì Việt Nam lại vật lộn với cuộc chiến chống lạm phát bất chấp giá cả thế giới giảm mạnh. Lãi suất cao khiến doanh nghiệp ngừng đầu tư. Nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn khiến chính phủ không còn nguồn lực để can thiệp vào nền kinh tế. Phải mất vài năm sau nền kinh tế mới ổn định trở lại.
Những năm gần đây, lãi suất chưa hẳn thấp nhưng đã ở mức tương đối chấp nhận được. Tỷ giá ổn định đến mức mà chỉ thay đổi 20-30 đồng/1 đôla trong một tuần cũng khiến nhiều nhà báo phải giật tít “tỷ giá bật tăng mạnh” để câu view. Dự trữ ngoại hối hiện đủ lớn cho những can thiệp cần thiết.
Sức khỏe hệ thống ngân hàng cũng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước, hướng tới chuẩn Basel II.
4. Kinh nghiệm điều hành chính sách
Kinh nghiệm điều hành của chính phủ hiện tại rõ ràng cải thiện rất nhiều so với khủng hoảng lần trước. 12 năm trước đây các nhà điều hành thậm chí còn lạ lẫm với những khái niệm “trung hòa tiền tệ”, “lấn át đầu tư”, “bộ ba bất khả thi”,… thì nay các phản ứng chính sách đã mang tính kĩ trị hơn nhiều. Mục tiêu của chính sách tiền tệ hiện nay không hẳn là kích thích tổng cầu, mà hướng nhiều hơn tới việc giải quyết thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp họ sống sót được qua giai đoạn khó khăn. Việc giãn nợ, giảm nợ, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp là việc của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, chứ chính phủ không bơm tiền tài trợ cho chi phí đó. Chính sách tài khóa cũng đang hướng tới điều này, thông qua việc giảm thuế, miễn thuế phí, gia hạn nộp thuế, hoãn đóng BHXH, v.v.
Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, nhưng một khi lạm phát và lãi suất được giữ ở mức thấp, tỷ giá được giữ ổn định, đầu tư công không tát nước theo mưa, và môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, một lớp doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện, và nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Còn không, chúng ta sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, nền kinh tế sẽ chìm trong suy thoái.
(Tỷ trọng cổ phiếu – tiền mặt của tôi đã tăng lên 30:70)
PS. Dưới đây là ý kiến của tôi về chính sách hiện nay.
_____
VNFinance: PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Đầu tư công là cứu tinh của nền kinh tế lúc này’
Xuân Hải
18-3-2020
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô – Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng trong bối cảnh tổng chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm sút do dịch bệnh, vai trò của đầu tư công trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để cứu vãn nền kinh tế khỏi suy thoái.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái cắt giảm lãi suất điều hành và hạ trần lãi suất huy động. Đây được xem là một phần trong kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm ứng phó với sự suy giảm của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.
Để hiểu sâu hơn về bước đi của Ngân hàng Nhà nước nói riêng, Chính phủ nói chung trong việc cắt giảm lãi suất, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh:
– Ông đánh giá như thế nào về việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Việc cắt giảm lãi suất là một cách Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng thương mại, cụ thể là giảm chi phí vốn ngắn hạn cho các ngân hàng này. Từ đó các ngân hàng thương mại có thêm không gian để giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, động thái của Ngân hàng Nhà nước cũng có tác động tâm lý tích cực tới thị trường.
– Theo ông, tác động của việc cắt giảm lãi suất có mạnh không và liệu đây có phải là một tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng?
Tôi nghĩ tác động của việc cắt giảm lãi suất không mạnh vì mức lãi suất cắt giảm rất thấp. Nhưng trong điều kiện hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thể hạ lãi suất nhiều được, càng không thể hạ một cách mạnh tay như Mỹ (xuống 0%) vì đặc điểm kinh tế của Việt Nam khác.
Do vậy, việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nên được xem là một phần của chính sách tiền tệ để giảm chi phí vốn ngắn hạn cho ngân hàng thương mại chứ chưa hẳn đã là chính sách tiền tệ mở rộng. Mở rộng tiền tệ, trong bối cảnh Việt Nam, cần phải nhìn thêm vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép đối với các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, dù cắt giảm lãi suất ở mức độ nào, thì chính sách tiền tệ dưới tác động của dịch bệnh cũng có tác động nhỏ tới tổng cầu của nền kinh tế, nó chỉ có tác động làm giảm chi phí vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp.
– Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ trần lãi suất ở mức rất thấp (0,25 điểm %) và chỉ hạ ở kỳ hạn dưới 6 tháng?
Tôi cho rằng đây là kĩ thuật điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Việc cắt giảm nhỏ giọt có thể được hiểu là Ngân hàng Nhà nước muốn để dành dư địa chính sách cho những can thiệp nếu cần trong tương lai. Và việc chỉ điều chỉnh lãi suất ngắn hạn thiên về hướng hỗ trợ thanh khoản và chi phí vốn ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại, để từ đó họ có thể giảm giá vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh lãi suất dài hạn thường khó khăn hơn bởi lãi suất dài hạn còn phụ thuộc vào lạm phát. Nếu ép lãi suất tiền gửi dài hạn xuống thấp trong bối cảnh lạm phát cao thì rất có thể các ngân hàng thương mại sẽ không hút được vốn dài hạn, tiền sẽ chảy ra thị trường tài sản vào tạo ra các bong bóng giá.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ trần với lãi suất kỳ hạn ngắn, còn kỳ hạn dài không thể ép được.
Mặt khác, cũng có thể nói việc Ngân hàng Nhà nước chỉ tác động tới lãi suất ngắn hạn, trong khi thả nổi lãi suất dài hạn, chính là cách giúp các ngân hàng thương mại huy động được nhiều vốn dài hạn hơn. Hiện nay trong các ngân hàng thương mại, tình trạng mất cân đối giữa huy động ngắn hạn – cho vay trung/dài hạn rất lớn. Nhiều ngân hàng thương mại đang gặp khó trong việc đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung/dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Cách tốt nhất để giúp các ngân hàng thương mại này là để họ tự quyết lãi suất dài hạn và làm lãi suất ngắn hạn kém hấp dẫn đi.
Việc này là tốt và về cơ bản, can thiệp hành chính chỉ nên dừng ở lãi suất ngắn hạn thôi.
– Việc cắt giảm lãi suất và yêu cầu các ngân hàng giãn nợ, cơ cấu nợ… thực chất là đang hi sinh lợi ích của các ngân hàng để “cứu” doanh nghiệp. Ông nghĩ mức độ hi sinh của các ngân hàng đến đâu?
Ngân hàng phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh này, vì doanh nghiệp có sống được thì ngân hàng mới sống được, doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng chết theo.
Mặt khác, trong mấy năm qua, ngành ngân hàng đã báo lãi rất lớn rồi, vì vậy đến lúc có khó khăn các ngân hàng nên và cần chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, giúp họ tồn tại qua được dịch bệnh.
Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện vai trò hỗ trợ của mình đối với các ngân hàng thương mại thông qua việc hạ lãi suất điều hành, hỗ trợ thanh khoản, hoặc xem xét tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp.
Việc các ngân hàng phải hi sinh bao nhiêu để “cứu” doanh nghiệp thì khó nói, nhưng ngay cả xác định năm nay không có lãi thì các ngân hàng cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp thôi.
– Dịch bệnh đã khiến tổng cầu bị suy giảm mạnh, ông có nghĩ việc cắt giảm lãi suất sẽ kích thích được tổng cầu không?
Có thể nói sự khó khăn của nền kinh tế hiện nay do yếu tố tự nhiên (dịch bệnh) nhiều hơn là do các yếu tố kinh tế. Vì vậy, các biện pháp cắt giảm lãi suất hay kích thích tổng cầu của khu vực tư nhân không có nhiều tác dụng. Người dân hạn chế ra đường, hạn chế chi tiêu thì có kích thích mấy nữa họ cũng không làm.
Tuy nhiên, mục tiêu của chính sách tiền tệ hiện nay không hẳn là kích thích tổng cầu mà hướng nhiều hơn tới việc giải quyết thanh khoản cho doanh nghiệp, giúp họ sống sót được qua thời gian khó khăn này. Chúng ta thấy chính sách tài khóa cũng đang hướng tới điều này, như giảm thuế, miễn thuế phí, gia hạn nộp thuế, hoãn đóng BHXH … Tôi cho đây là mục tiêu rất đúng.
– Vậy tổng cầu năm nay phải nhìn vào đâu?
Nếu muốn gia tăng tổng cầu trong thời điểm này thì phải dùng chính sách chi tiêu chính phủ, đầu tư công. Thực tế cho thấy Chính phủ cũng đang có nhiều hành động phù hợp, tiêu biểu là thúc đẩy các dự án đấu tư công đã được phê duyệt, thậm chí là chuyển những dự án BOT sang đầu tư công để có thể thực hiện nhanh.
Nói cho đúng thì việc thúc đẩy đầu tư công cũng không phải đợi khi xuất hiện dịch Covid-19 mới có. Ngay từ đầu năm, nhận thấy kinh tế năm trước giảm tốc, Chính phủ đã có những định hướng thúc đẩy đầu tư công năm nay rồi.
– Đầu tư công sẽ là cứu tinh?
Đúng vậy, đầu tư công sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Một mặt, đầu tư công giải quyết đúng nhu cầu của nền kinh tế là phải xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt khác việc đầu tư công thực hiện đúng thời điểm nền kinh tế đang cần. Tuy nhiên, đầu tư công phải đúng mục đích và chỉ nên giới hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Đặc biệt là phải có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc sau này.
Trong lúc cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và dân cư đang giảm sút do dịch bệnh, nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Việc này sẽ tạo ra thu nhập cho nền kinh tế, kéo chi tiêu của nền kinh tế lên.
– Qua phân tích của ông, có thể thấy các giải pháp của Chính phủ hiện đang tỏ ra đúng đắn?
Tôi thấy các bước đi của Chính phủ đúng hướng và có liều lượng vừa phải, chưa có gì thái quá. Đơn cử như việc điều chỉnh lãi suất vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước, họ nói việc giãn nợ, giảm nợ cho doanh nghiệp là việc của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp chứ Chính phủ không bơm tiền tài trợ cho chi phí đó, tôi thấy như vậy là phù hợp…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Từ PPP sang đầu tư công? (vốn ngân sách), đừng đổ tội cho con cúm. Cao tốc Bắc Nam cũng đàu tư công? BOT hết thời, hết cháo rồi sao? Đầu tư và ăn chia, bài này không bao giờ cũ.