Trân Văn
12-3-2020
Trong vài năm gần đây, các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam rất thích trưng dẫn các sự kiện liên quan đến bang giao quốc tế (ví dụ gần nhất là những tuyên bố, nhận định về sự kiện Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,…) để chứng minh, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng CSVN, “vị thế” Việt Nam trong cộng đồng quốc tế càng ngày càng cao…
Thế thì tại sao càng ngày càng nhiều người Việt cảm thấy bất an, thậm chí bất bình về thực tại, âu lo cho tương lai, cho cả khả năng tự lực, tự cường của quốc gia lẫn cơ hội mưu tìm ấm no, hạnh phúc cho chính mình và thân nhân của mình? Liệu có thể đồng thanh thốt lên: Tự hào quá Việt Nam ơi! – chỉ vì “vị thế” quốc gia càng ngày càng cao và yên tâm với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của “đảng ta”?
Tuy gần như bất đồng về tất cả các khía cạnh liên quan đến quốc gia, dân tộc, song có lẽ sẽ có một điểm mà những cá nhân “kính bác, yêu đảng, trọn đời phấn đấu cho việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam”, nhất trí với những cá nhân bị xếp vào loại “thù địch, phản động” là cách hành xử khi đối diện với thảm họa, với những tình huống khẩn cấp chính là thước đo tâm lực, trí lực của bộ máy quản trị, điều hành.
Vào lúc này – lúc COVID-19 đã trở thành thảm họa, tạo ra tình huống khẩn cấp có quy mô toàn cầu, đặt cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bên cạnh những hệ thống tương ứng của thiên hạ với COVID-19, chính là cơ hội để cảm nhận thế nào là “tài tình, sáng suốt”. Có vài lý do khiến kẻ viết bài này chọn Đài Loan (người Việt vẫn gọi tắt là “Đài”): Đây là lãnh thổ chưa được cộng đồng quốc tế trao tặng tư cách quốc gia và cũng phải trân mình hứng chịu đủ kiểu tác động từ Trung Quốc…
***
Tính đến cuối ngày 12 tháng 3, tại Việt Nam có 39 người nhiễm COVID-19, còn tại Đài Loan có 48 người bị nhiễm loại virus này. Việt Nam chưa có ai thiệt mạng vì COVID-19 còn Đài Loan từng có một người mất mạng hôm 16 tháng 2. Giống như Việt Nam, sau khi COVID-19 lan rộng tại Trung Quốc, Đài Loan bị xếp vào khu vực có nguy cơ cao vì lượng người Đài Loan qua lại Trung Quốc và ngược lại rất đông.
Sau Thái Lan, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan là nơi thứ tư tìm thấy người nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc. Hai ngày sau (23 tháng 1), tới lượt Việt Nam công bố việc phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Khác với Việt Nam (không đóng các cửa khẩu ở biên giới Việt – Trung vì còn phải tham khảo ý kiến của Trung Quốc), sau khi Trung Quốc chính thức xác nhận sự xuất hiện của một loại virus mới gây ra dịch viêm phổi cấp, Đài Loan lập tức khuyến cáo dân chúng không đến Vũ Hán và hạn chế đến Trung Quốc.
Ngày 24 tháng 1, chính quyền Đài Loan ra lệnh cấm xuất cảng khẩu trang để bảo đảm nhu cầu phòng ngừa dịch bệnh cho đến 23 tháng 2. Ngày 7 tháng 2, Đài Loan tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc và kiểm soát visa để buộc tất cả những ai mang các quốc tịch khác nhưng từng nhập cảnh hoặc cư trú tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó, phải cách ly. Ngày 13 tháng 2, chính quyền Đài Loan tuyên bố gia hạn lệnh cấm xuất cảng khẩu trang cho đến cuối tháng 4 (1)…
Tất cả những biện pháp đó làm Trung Quốc nổi giận, chính quyền và đặc biệt là bà Thái Anh Văn – Tổng thống Đài Loan, bị hệ thống truyền thông Trung Quốc chỉ trích kịch liệt, kể cả xác định họ là những kẻ… “bệnh hoạn về nhận thức” (2)…
Bất chấp chỉ trích từ Trung Quốc và bất kể chính quyền các quốc gia hết sức dị ứng với việc kiểm soát, hạn chế nhập cảnh đối với công dân của họ, vì nguy hại cho giao thương, Đài Loan công bố lệnh cấm nhân viên y tế đến Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, “không hoan nghênh” nếu nhân viên y tế đi du lịch ở Nhật, Nam Hàn,… Lý do: Ngoài việc khống chế lây lan còn phải ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu về y tế, giảm thiểu sự hao tổn về nhân lực y tế vì việc thay thế nhân lực y tế là chuyện không dễ dàng (3)!
Đó là đối ngoại, trong đối nội, từ 1 tháng 2, chính quyền Đài Loan tuyên bố trưng dụng toàn bộ khẩu trang, giành quyền phân phối khẩu trang trên toàn lãnh thổ cho Trung tâm Phòng – chống dịch bệnh (CDC). CDC Đài Loan lập tức loan báo cách thức phân phối khẩu trang, tiêu chuẩn mua khẩu trang đối với từng cá nhân, từng nhân viên y tế, từng cơ sở y tế trong mỗi tuần. Một số công ty rượu bia, đường mía được yêu cầu chuyển qua sản xuất cồn sát khuẩn, sản phẩm này cũng được quản lý và phân phối như khẩu trang (4).
Đồng thời CDC Đài Loan yêu cầu chính quyền đầu tư thêm máy móc, gia tăng sản lượng khẩu trang và các trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế trong nước. Trong vòng mười ngày sau khi cấm xuất cảng khẩu trang, từ trung tuần tháng 2, sản lượng khẩu trang ở Đài Loan tăng 3,5 triệu cái mỗi ngày và lượng khẩu trang, trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế tăng gấp đôi. Giá bán khẩu trang trên thị trường giảm 1/3 (5).
Vào thời điểm ấy tại Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bắt đầu hội họp, xem xét kỷ luật những giáo viên tiết lộ chuyện trẻ con phải dùng giấy thay khẩu trang. Nhân viên y tế bắt đầu tự may khẩu trang để dùng vì thiếu khẩu trang hợp cách và đến bây giờ, rất nhiều nhân viên y tế phàn nàn vì phải tự tìm kiếm khẩu trang hợp cách bởi khẩu trang được cấp phát đã bằng vải lại quá mỏng, không an toàn cho chính họ. Không viên chức hữu trách nào nhận ra, nếu nhân viên y tế lâm nạn thì dịch sẽ trở thành đại họa!
Ở Đài Loan, trước viễn cảnh dịch bệnh lan rộng, CDC Đài Loan liên tục đưa ra hàng loạt đề nghị và các đề nghị ấy được toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đài Loan đáp ứng ngay lập tức: Giám sát nghiêm ngặt việc ra vào bệnh viện. Mỗi bệnh nhân phải vào bệnh viện vì bất kỳ bệnh gì chỉ cho phép hai người ra vào thăm hỏi để hạn chế tối đa nguy cơ COVID-19 lây lan rộng hơn (6). Không xuất cảng nhiệt kế, có xuất cảnh cũng chỉ được mang tối đa hai nhiệt kế/người (7)…
Tuy không được công nhận như một “quốc gia độc lập, có chủ quyền” nhưng từ hạ tuần tháng 1, Đài Loan đã khẳng định, bất kỳ người dân và du khách nào đến Đài Loan không chủ động và trung thực khi khai báo về “lịch sử du lịch và lịch sử tiếp xúc có liên quan đến COVID-19”, hay khi đi khám bệnh, không chủ động thông báo về các triệu chứng đáng ngờ sẽ bị phạt từ 10.000 Đài tệ (khoảng 330 USD) đến 150.000 Đài tệ (khoảng 5.000 USD) theo Luật Phòng – chống các bệnh truyền nhiễm của Đài Loan (8).
Từ khi COVID-19 bùng phát thành dịch đến nay, ở Đài Loan không có tình trạng du khách Trung Quốc đã được yêu cầu tự cách ly nhưng tự tiện rời khỏi nơi cư trú, cũng không có tình trạng cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền loay hoay không biết ứng xử thế nào để “ vừa bảo đảm ngoại giao, vừa bảo đảm yêu cầu cách ly, phòng chống dịch hiệu quả” như đã xảy ra tại Đà Nẵng hồi hạ tuần tháng trước khi có 20 du khách Nam Hàn từ ổ dịch Daegu đổ đến (9)…
***
Khi COVID-19 lan rộng tại Trung Quốc, các chuyên gia y tế trên thế giới từng dự đoán và cảnh báo, Đài Loan sẽ sớm trở thành nơi đứng thứ hai về tổng số người nhiễm và tử vong vì virus này, đó là lý do ngay sau đó, một số quốc gia cấm cửa cả dân Trung Quốc lẫn dân Đài Loan. Tuy nhiên trên thực tế, từ 24 tháng 2 đến nay, số ca nhiễm/số ca tử vong gần như không thay đổi (48/1) và không có bất kỳ viên chức hữu trách nào tuyên bố “đã chiến thắng ở bước đầu trong chiến dịch phòng – chống COVID-19” như Việt Nam.
Có thể vì Đài Loan không có viên chức lãnh đạo nào tha thiết với “công nghiệp 4.0”, không bơm rồi lôi ông tướng nào ra khỏi một công ty chỉ chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông của quân đội, đặt ông ta vào vị trí Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TTTT) để thực hiện “công nghiệp 4.0”, thành ra…
…. trong khi Bộ trưởng TTTT Việt Nam đang đôn đốc “toàn ngành TTTT bám sát định hướng chỉ đạo của đảng, nhà nước về phòng, chống dịch bệnh”, yêu cầu toàn ngành và các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam cùng phải xem “công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra”. Mặt khác phải “kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch” (10)…
… thì tại Đài Loan, các cơ quan quản trị về TTTT đã cùng các doanh nghiệp công nghệ của Đài Loan đã lắp đặt thêm hàng loạt máy đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại ở các ga tàu điện nhằm phát giác những hành khách mà thân nhiệt trên 37 độ C, chặn họ lại để kiểm tra thêm ngay lập tức và từ chối cho lên tàu nếu thân nhiệt trên 38 độ C (11).
Không được hướng dẫn bằng những chỉ thị như Chỉ thị 05/CT-BTTTT của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH TƯ, Phó ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN kiêm Bộ trưởng TTTT, cho nên các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của chính quyền Đài Loan đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan, tự ý thực hiện chương trình thử nghiệm cho toàn dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hay chứng nhận công dân điện tử để đặt mua khẩu trang qua Internet từ ngày 12 tháng này.
Chương trình thử nghiệm vừa kể được giải thích là nhằm “cải thiện việc phân phối khẩu trang vốn chưa thực sự đồng đều và tạo điều kiện thuận lợi cho những người không có thời gian xếp hàng mua khẩu trang như nhân viên văn phòng, học sinh,…” khiến chuyện thực thi các qui định nghiêm ngặt về quản lý, phân phối khẩu trang để ngăn ngừa COVID-19 dễ dàng hơn, hiệu quả hơn (12).
***
Sau khi Việt Nam phát giác người thứ 17 nhiễm COVID-19 và số người nhiễm loại virus này tăng dần, ngày 9 tháng 3, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam thông báo, Phiên họp lần thứ 43 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội Việt Nam sẽ không diễn ra vào ngày 10 tháng 3 như dự kiến vì có vấn đề về công tác chuẩn bị (13). Nếu phiên họp ấy không bị hoãn, UBTV Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận về một nghị quyết, một nghị định, tám dự luật liên quan tới nhiều lĩnh vực, hoàn toàn không dính dáng gì đến COVID-19.
Cũng thời điểm này, Quốc hội Đài Loan đã thảo luận xong và công bố kế hoạch hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tất cả những người nghi ngờ bị nhiễm và được yêu cầu phải cách ly, không thể làm việc hay phải xin nghỉ làm việc vì bị kiểm dịch hoặc phải chăm sóc người bị kiểm dịch, bị cách ly đều có quyền yêu cầu hỗ trợ và được chính quyền trợ giúp 1.000 Đài tệ (khoảng 33USD)/ngày. Do thời gian cách ly là 14 ngày, một người bị cách ly có thể được trợ giúp 14.000 Đài tệ (khoảng 462 Mỹ kim). Qui định trợ giúp sẽ được áp dụng từ 15 tháng 1 và thời gian đương sự có quyền yêu cầu trợ giúp lên đến hai năm tính từ ngày bị kiểm dịch hay chấm dứt cách ly (14)…
***
Xét về “vị thế” theo quan điểm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam, rõ ràng Đài Loan chẳng là gì so với Việt Nam, có thể vì vậy, dân chúng Đài Loan không như nhiều người Việt Nam – rất đồng cảm với quan điểm của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta về “vị thế” của “ta” và rất dễ tự hào về những bàn thắng trong một trận cầu, về việc Việt Nam dùng phi cơ đưa vài chục người từ Vũ Hán về nước…
Cho dù bị Trung Quốc cản trở, phải lên tiếng tố cáo với cộng đồng quốc tế, rằng Trung Quốc cố tình giữ những người Đài Loan ở Vũ Hán như “con tin” để kiềm chế cách hành xử của Đài Loan nhưng không có người Đài Loan nào cảm thấy… “ngạo nghễ” khi Đài Loan mang được những người bị kẹt ở Vũ Hán về nhà.
Xét về tổng thế, việc phòng chống dịch của Đài Loan hơn xa chẳng riêng Việt Nam nhưng chưa có người Đài Loan nào làm thơ ca ngợi… Tổng thống và nếu có, chắc chắn Văn phòng Tổng thống cũng chẳng soạn công văn khen ngợi, cám ơn như… Văn phòng Thủ tướng của “ta”. COVID-19 là một cơ hội ngắm “Đài”, nhìn “ta”, ngẫm về “vị thế” và có lẽ nên ngẫm xa hơn, có phải dân ta phải như thế nào thì đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta mới như thế chăng?
Chú thích
(1) https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3875745
(2) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html
(3) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172051
(4) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=171667
(5) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=170290
(6) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458,459,461,462&post=172351
(7) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172770
(8) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=169838
(9) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(11) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=173059
(12) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=173153
(13) http://quochoi.vn/UBTVQH/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=1130
(14) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=173152
Tất cả các còm đều tán thưởng bài này. Mừng cho tác giả
Nhưng cách tán thưởng thì tùy theo cái phông văn hóa của mỗi người.
Riêng nghiemnv còm nhiều lần, lần nào cũng hằn học với đối tượng mà tác giá bài này không hề kết tội.
Thói quên không thể bỏ là mượn mọi cơ hội để lôi kéo mọi người theo ý mình.
Chỉ xin nhắc lại một ý trong bài, không ai dám cãi: Con virus này không phân biệt dư luận viên lề trái hay lề phải. Mỗi bên đông đảo tới hàng ngàn hay vạn. Còn ở đây, cũng có virus giống hệt. Nó gộp Nguyễn Quang Thuấn và Nguyễn Quang A (không phân biệt) để… chửi tuốt.
Nếu nó cãi, tôi đưa chứng cứ bịt miệng.
“Tính đến cuối ngày 12 tháng 3, tại Việt Nam có 39 người nhiễm COVID-19, còn tại Đài Loan có 48 người bị nhiễm loại virus này. Việt Nam chưa có ai thiệt mạng vì COVID-19 còn Đài Loan từng có một người mất mạng hôm 16 tháng 2.”
-Đọc bài viết của bác Trân Văn nhận thấy Chính phủ Đài Loan đúng thực sự là Chính phủ “của dân, do dân, vì dân”. Nhưng thắc mắc là VN ko đóng cửa khẩu với TQ, “Xét về tổng thế, việc phòng chống dịch của Đài Loan hơn xa chẳng riêng Việt Nam” mà ĐL lại nhiễm 48 ng hơn VN chỉ có 39 ng. Sao vậy Ta? Vậy là, khi ng dân biết rõ Chính phủ ko phải “của dân, do dân, vì dân” thì ng dân nhận ra rằng, chính là mình, ko ngoài ai khác, phải tự lo cho bản thân mình, gia đình mình trong phòng chống dịch thôi. Do dân Việt đã thấm nhuần câu “Hãy tự cứu mình trước khi Chính phủ cứu” nên số ng nhiễm tại VN ít hơn ĐL?
Cần phải kể nghịch cảnh về y tế mà Đài Loan gặp phải: Dưới sức ép của Trung Quốc, Đài Loan không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhìn nhận là một quốc gia thành viên. Đây là một sự ngược đãi quái đản khiến WHO bị nhiều tổ chức nhân quyền chỉ trích.
Cũng cần phải kể hai yếu tố khác giúp Đài Loan “tiên hạ thủ” trước cả Trung Quốc:
1) Đài Loan còn giữ nguyên Trung tâm Chỉ huy Y tế Quốc gia NHCC từ thời dịch SARS 2003 với các giới chức dày dạn kinh nghiệm và sách lược hành động cho những trường hợp khẩn cấp quốc gia.
2) Nhân viên y tế Đài Loan đã bắt đầu xét nghiệm ngay tại máy bay những hành khách đến từ Vũ Hán kể từ 31 tháng 12, 2019, khi WHO vừa thông báo về “chứng viêm phổi lạ chưa rõ nguyên nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc”. (Nên nhớ hệ thống y tế Trung Quốc lúc này chẳng hề động đậy!)
Việt Nam chỉ “đi trước” thế giới ở dự định tuyên bố hết dịch sau một tuần. Sự lượng định “sau một tuần” của chuyên gia tài chính kế toán Vũ Đức Đam cho thấy khi một đầu óc không chuyên bị đặt ở đầu ngành y tế, chính phủ có tiềm năng bị hố nặng tới cỡ nào. Có bác nào giải thích giùm tại sao đảng (ta) mãi vẫn chưa đưa một chuyên gia y tế vào chức quyền bộ trưởng y tế thay ông Đam?
Chẳng có đứa nào dại lúc này. Nhảy vào không đớp hít đc, tiền mất tật mang, dễ chui vào lò khi trời chạng vạng sáng. Cứ theo mấy vị Nước Lợ mà làm theo cho nó lành ” CỜ BẠC PHẢI BIẾT AEN NON”
Hay lắm, một bài trả lời đanh thép để đập lại những luận điệu mị dân trong những bài viết “so sánh và tán dương nhất cử nhất động của chính phủ Đông Lào”.
Bài này đúng là cái tát vào mặt bọn tự ái thì cao tự trọng không có, bọn thích thủ dâm kiểu 4000 năm anh hùng nhưng không chịu lớn.