7-3-2020
Một không khí hoảng loạn khi thông tin bệnh nhân nhiễm Wuhan coronavirus thứ 17 của Việt nam được công bố. Mặc dù là đêm, nhưng facebook tràn ngập các stt xung quanh các thông tin liên quan đến bệnh nhân thứ 17 của Việt nam.
Thực ra thì đây là diễn biến tất yếu, không có gì phải hoảng loạn cả. Mặc dù chúng ta đã cố gắng cách li, nhưng trên thực tế, những người không khai báo, những người thuộc diện phải cách li nhưng không chịu cách li, những người trốn khỏi vùng cách li… không phải là ít. Vấn đề chỉ là thời gian, khi nào thì chúng ta phát hiện ra những bệnh nhân tiếp theo mà thôi.
Vấn đề quan trọng là ngăn ngừa sự lây lan ở trong nước. Hạn chế tập trung đông người là biện pháp đầu tiên chúng ta có thể làm, trong đó, TPHCM đã đúng khi kiến nghị cho học sinh nghỉ học. Vấn đề tiếp theo là mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ cho mình và bảo vệ cho cộng đồng.
Xem VTC truyền hình trực tiếp họp báo về vụ bệnh nhân thứ 17, với hàng loạt phóng viên có mặt, khoảng cách tiếp xúc rất gần, nhưng gần như hầu hết các phóng viên đều không mang khẩu trang.
Có thể sẽ có người viện dẫn điều này điều nọ, cho rằng mang khẩu trang không hạn chế khả năng nhiễm bệnh cho mình, nên không cần mang. Cũng có thể có người viện dẫn, việc thiếu khẩu trang y tế cho nhân viên y tế để không mang khẩu trang. Nhưng các bạn cần ý thức, rằng các bạn mang khẩu trang ở nơi đông người cũng là để ngăn ngừa cho người khác.
Đồng thời, có ai dám khẳng định là khẩu trang không có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm trực tiếp miệng qua miệng, miệng qua mũi khi tiếp xúc gần hay không? Khoảng 2 tuần nay, không khí phòng bệnh ở Việt nam có vẻ đang giảm. Mọi người bắt đầu tập trung đông, và số người mang khẩu trang ở những nơi đông người ngày càng ít.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, thậm chí trên máy bay, có nhiều người không mang khẩu trang và nói chuyện rất say sưa. Trong đó có nhiều người nói tiếng Nhật, tiếng Hàn, hoặc cả tiếng gì nghe giống tiếng Pháp, không biết có phải tiếng Ý hay không.
Tôi không dám khuyến cáo điều gì, vì có thể những khuyến cáo của tôi không phù hợp với quan điểm của Bộ Y tế cũng như của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan tại Phòng khám EXSON, là cơ sở của tôi mà tôi có quyền áp dụng những biện pháp mà mình cho là đúng.
Chúng tôi vẫn áp dụng biện pháp đo thân nhiệt để sàng lọc người bị sốt. Theo quan điểm y khoa là không tin ai cả, nên ngay cả tôi, và bất cứ nhân viên nào, khi vô phòng khám đều phải được đo thân nhiệt. Mặc dù vậy, cũng với tinh thần không tin ai cả, chúng tôi mặc nhiên coi tất cả mọi người đến khám bệnh, và cả nhân viên, đều có thể là nguồn lây nhiễm. Nên chúng tôi yêu cầu tất cả mọi người đều phải mang khẩu trang và rửa tay.
Một việc nữa là làm sạch bề mặt. Ban đầu, chúng tôi áp dụng việc tẩy trùng bề mặt mỗi giờ ở khu vực có bệnh nhân. Tuy nhiên, gần đây, do lượng bệnh nhân đông hơn, chúng tôi tiến hành tẩy trùng bề mặt với mật độ dày đặc hơn, sau chỉ 2 hay tối đa là 3 bệnh nhân khám mà thôi. Tất cả các bề mặt mà nhân viên và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân có thể tiếp xúc trực tiếp, như bàn phím, con chuột máy tính, tay vịn ghế, thành ghế, tường (nơi bệnh nhân có thể vịn vào), tay nắm cửa và khu vực bề mặt cửa, nơi bệnh nhân và thân nhân có thể vịn tay, đều được tẩy trùng liên tục.
Trong thời gian đó thì bác sĩ cũng phải rửa tay lại một lần nữa, dù sau mỗi lần chạm vào bệnh nhân đều phải rửa tay. Khi các vật dụng được tẩy trùng, thì bàn tay của bác sĩ cũng phải được tẩy trùng khi tiếp xúc trở lại với chúng. Tính ra mỗi buổi khám bệnh, tôi phải rửa tay với xà bông khoảng 15 đến 20 lần.
Ngoài khu vực phòng khám bệnh thì khu vực ghế ngồi chờ của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân cũng được khử trùng thường xuyên.
Hãy chuẩn bị cho việc số người nhiễm Wuhan coronavirus ở Việt nam tăng thêm. Ngay cả khi không có ca tăng thêm được xác nhận và công bố, thì hãy coi bất cứ người nào mà chúng ta không biết rõ lịch sử dịch tễ của họ, là nguồn lây nhiễm cho chúng ta, và áp dụng mọi biện pháp để tránh bị nhiễm những giọt bắn ra, hoặc vương vãi ra từ họ.
Và, đừng vội lạc quan quá, tin tưởng quá mức, để rồi hoảng loạn khi có một biến cố ngoài mong muốn.
Đúng là BS nhìn đâu cũng thấy toàn virus
Tôi không tin người viết là Bác sĩ thực tâm dù đó là thực Tài.
WHO và CDC.gov ( Hoa Kỳ ) chỉ khuyến cáo đeo khẩu trang đối với nhân viên Y tế và bịnh nhân/người nghi nhiễm.
(CDC does not recommend that people who are well wear a facemask to protect themselves from respiratory illnesses, including COVID-19. You should only wear a mask if a healthcare professional recommends it. A facemask should be used by people who have COVID-19 and are showing symptoms. This is to protect others from the risk of getting infected. The use of facemasks also is crucial for health workers and other people who are taking care of someone infected with COVID-19 in close settings (at home or in a health care facility).
Tất nhiên, ở phòng khám thì người đi khám bịnh nên đeo khẩu trang do: đây là nơi tụ hội của người bịnh ( vd.: ho Lao, thương hàn , cúm … ) trong khi bản thân đang bịnh một thứ gì đó (có thể lây lan cho người khác cũng như tự thân hệ miễn dịch đã yếu đi ).
Bác sĩ à, đừng làm mọi người thêm Hoảng loạn bằng bài viết khuyến cáo đeo khẩu trang và tiếp thị sự cẩn thận của phòng khám của bạn.
Ít nhất ( nếu có 1 chút lương tâm ) : nếu “phải rao giảng ” việc đeo khẩu trang thì Vui lòng khuyến cáo đeo mắt kính để bảo hộ cho đôi Mắt.