Nghỉ học hay đóng cửa nhà trường?

Tâm Chánh

15-2-2020

Mở cửa các nhà trường, hay tiếp tục chương trình năm học của giáo dục, là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhưng hiện nay người ta lại chỉ trông chờ vào quyết định cho hay không cho học sinh nghỉ học. Đó có thể là một khinh suất.

Đóng cửa nhà trường hàng tháng trời có lẽ chẳng phải là cách chống dịch, càng không phải là giáo dục nếu nhìn giáo dục như một qui trình sản xuất của xã hội.

Cần phải lưu ý rằng công việc giáo dục, được hình dung cụ thể là trang bị tri thức và rèn giũa nhân cách, đang do nhà trường độc canh.

Qui trình “sản xuất” ấy rất phức tạp, được thiết kế theo mô-đun thời gian là chương trình năm học để nhiều nhân tố tham gia cùng thực hiện. Kéo dài tình trạng nghỉ học nhiều hơn một tuần lễ đã là một khó khăn, nhất định có tác động tới việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Huống nữa là việc nghỉ học, theo logic đã được quyết định, lại hoàn toàn bất định. Không ai biết chắc trận dịch kéo dài đến lúc nào. Và, liệu đó có phải là một tai họa bất khả kháng trong năm hay không, khi mà trước mặt là thời gian trời đất thường có bất trắc?

Trong tình trạng độc canh, theo một học trình nhồi nhét, lại được quản lí và vận hành hết sức bao cấp, trình văn minh của thể chế giáo dục còn ở mức thấp cơ khí lắp ráp, nghỉ học một tuần lễ đã có thể diễn ra rối loạn. Nghỉ nhiều hơn phải cân lượng đến việc thủ tiêu kết quả của một năm học.

Đó là chưa kể tình trạng tư duy quản lí của kiểu xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị đang làm phát sinh ở các đô thị một chức năng máy móc khác của nhà trường, kiểu trại tập trung… giữ trẻ. Đóng cửa nhà trường kéo dài là một nhân tố có thể làm đảo lộn các cân bằng thường nhật của đời sống đô thị.

Đang diễn ra tình trạng hoàn toàn đối nghịch, một bộ phận trẻ em được sự hướng dẫn của giáo viên, của nhà trường và sự phối hợp tích cực của phụ huynh, nên vẫn tiếp tục được việc học ở nhà. Tuy nhiên việc tiếp tục ấy có thể chưa phù hợp, nhồi nhét, thậm chí cưỡng bức. Với nhiều gia đình người thân vẫn phải đi làm, việc phối hợp hướng dẫn được giao phó cho người giúp việc. Đây là một thực tế không cẩn thận có thể làm sai lệch các mục tiêu giáo dục.

Còn phần đông, theo quan sát cá nhân, nghỉ học đang chỉ là nghỉ học, thậm chí là gián đoạn giáo dục. Ở nhiều đơn vị dân cư đang ồn ã kiểu phá làng phá xóm của tuổi học trò. Một cái Tết vốn đã lo chơi từ trước giao thừa cỡ nửa tháng, đang được kéo dài thời gian “ăn chơi” cho tuổi nhạy cảm ấy hàng tháng trời. Với phương thức truyền thụ tri thức như hiện nay, học kì một của năm học coi như đã được giũ sổ. Một số gia đình tản cư con em về quê. Nhà quê, có thể còn có môi trường trong lành hơn nhưng đã không còn là một nhà quê thuần khiết như mơ tưởng, nhất là về những biến đổi xã hội.

Cho đến nay, ngành giáo dục chưa có hướng dẫn cụ thể việc đóng cửa nhà trường thì nhà trường, giáo viên, gia đình và các đối tượng liên quan khác phải làm gì nếu muốn duy trì việc học.

Cũng như vậy trong điều kiện hạ tầng kĩ thuật hiện tại, không gian số hoàn toàn có thể đáp ứng dịch chuyển chương trình năm học sang phiên bản số, thiết lập giao thức số của lớp học, trường học… để năm học luôn có thể hoạt động. Trong bất kì tình huống bất trắc nào khiến phải đóng cửa nhà trường, hoạt động giáo dục theo chương trình năm học vẫn có thể được duy trì, nhất là duy trì với tiêu chuẩn tối thiểu là bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi học sinh.

Đó cũng chính là một kiểu năng lực cần phải có của xã hội để thích ứng với những kiểu tai họa bất trắc được cho là sẽ thường xuyên xuất hiện.

Đó cũng là cơ hội để tính toán tới một nền giáo dục khác mà nhà nước thực hiện vai trò đốc học, xây dựng khung học trình, tiêu chuẩn chất lượng, đầu tư, chăm lo phát triển nền tảng sư phạm, hỗ trợ các phụ huynh và cộng đồng nâng cao tri thức và kĩ năng chăm sóc nuôi dạy con cái, làm đối tác tích cực với giáo viên phát triển đa dạng các hình thức thực hiện chương trình năm học, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.

Một trong những kết quả dễ nhận thấy nhất là xã hội được trông thấy một phần quá khứ được quay trở lại. Người học theo đuổi chương trình năm học dù theo lựa chọn cá nhân không đến trường nhưng có thể hoàn tất chương trình học bằng tham dự các cuộc khảo thí nghiêm túc.

Còn việc mở của lại nhà trường lại cần có sự tham gia chủ động của phụ huynh và cả học sinh. Thay vì đoán mò khả năng nhà trường có là một tụ điểm dễ dàng lây nhiễm hay tác phát khả năng lây nhiễm thì phụ huynh và học sinh phải yêu cầu xây dựng bộ tiêu chuẩn rõ ràng để kiểm soát lây nhiễm.

Không cần và không nên coi trường học là chốn đông người tiềm ẩn nguy cơ như cách chúng ta hình dung, về cơ sở vật chất cũng như kiểu vận hành trường học hiện nay. Vì thực tế trẻ em không đến trường nhưng đi lại ở bến xe, bến cảng, tham gia giao thông công cộng, hàng quán, siêu thị… thì trong nhà trường có thể dễ tập trung kiểm soát, xử lí kịp thời hơn.

Đó là chưa tính tới yêu cầu phải nhanh chóng trong một thời gian ngắn, chấm dứt tình trạng nhà trường thiếu vệ sinh, thiếu an toàn phòng chống dịch bệnh. Đây mới là công việc xã hội hoá mà nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt tạo chuyển biến.

Trong thời đại phải thích ứng với nhiều nguy cơ đe dọa an toàn sức khỏe cộng đồng, phải xây dựng nhà trường thành một thiết chế cơ bản thực hiện công tác săn sóc sức khỏe ban đầu và phát triển thể chất.

Thiết chế vệ sinh học đường, tâm lí học đường cần được củng cố và ưu tiên phát triển để hướng dẫn học sinh và phụ huynh về chuyên môn, làm chỗ dựa để các em chủ động thích ứng với các sự cố kiểu như dịch bệnh, tai nạn, thảm họa…

Học sinh là đối tượng tập trung nhất thực hiện giáo dục các biện pháp vệ sinh thân thể, giữ phép vệ sinh cá nhân như một chuẩn mực của lối sống, một loại kĩ năng sống cơ bản.

Trước yêu cầu thích ứng với đời sống dịch bệnh, phụ huynh học sinh cần phối hợp với nhà trường kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch. Cần hỗ trợ để nhà trường thực hiện các biện pháp rửa tay, ăn chín, uống sôi, sử dụng đồ dùng cá nhân, đeo khẩu trang khi cần thiết.

Cần tổ chức lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ các trường học theo dõi các diễn biến nguy cơ cũng như kiên nhẫn hướng dẫn học sinh và phụ huynh đến trường an toàn.

Ngành y tế và giáo dục cần phối hợp để ban hành các qui phạm bảo đảm hạn chế lây nhiễm, xây dựng và cập nhật kịp thời các hướng dẫn chuyên môn kiểu phác đồ điều trị để nhà trường, giáo viên và gia đình phối hợp thực hiện.

Cần xác lập rõ qui phạm trong việc tiến hành xử lí cách li cá nhân cũng như lớp học, thậm chí cả nhà trường trong tình trạng lây nhiễm tác phác nguy hiểm.

Ngay khi cho phép nhập học trở lại, cần giám sát nghiêm túc các trường học không đủ điều kiện phòng tránh lây nhiễm cần được khắc phục. Thậm chí phải kiên quyết không cho các trường học này mở cửa trở lại.

Không có dịch bệnh thì nền giáo dục của nước ta vẫn đang ngọng trước những đòi hỏi của hiện thực phát triển. Đại dịch chỉ là thực tiễn kích hoạt nó bộc lộ.

Mắc dịch có khi là một tiền đề để xã hội đồng tâm, thay vì cải cách giáo dục chỉ ồn ào cách cãi, thì chủ động hoạch định một nền giáo dục khác.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. -Những đề xuất của bác Tâm Chánh phù hợp với 01 nền giáo dục Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng, ko phải với nền giáo dục XHCN hiện nay.
    -Virus corona ko biết CN Mác Lê, ko biết “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH …” nên ko thể dùng lý luận duy ý chí chống lại dịch bệnh dc. Việc đi học lại của các cháu phải dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu sự phát triển lây lan của dịch bệnh rồi phân tích, đánh giá để quyết định ngày đi học lại. Hiện nay, chính TQ cũng ko định đoán dc vào thời điểm nào họ kiểm soát dc dịch bệnh tại nc họ, nữa là VN ta (luôn phụ thuộc vào TQ rất nhiều mặt). Vậy, ngày học sinh đi học lại là ngày TQ tuyên bố với Thế giới đã kiểm soát dc dịch bệnh?
    -VN đã có nhiều trường hợp cả nhà, cả họ kéo đưa xác con cái họ xuống bệnh viện, yêu cầu làm rõ nguyên nhân con cái họ chết & luôn là họ cho do bệnh viện tắc trách trong chữa trị, nên con cái họ chết.
    P/s:
    -Du thuyền Diamond Princess có 3.711 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn, đã bị cách ly từ ngày 4/2/2020 tại cảng Yokohama, Nhật Bản, sau khi một hành khách 80 tuổi từ Hong Kong đi tàu tháng trước dương tính với nCoV. Kể từ ngày 4/2/2020 du thuyền bị cách ly, tính đến ngày 16/2/2020 là 13 ngày, các ca nhiễm nCoV trên tàu lên đến 355 ca, chiếm tỷ lệ 355/3.711 = 9.57%. Nếu giả thiết điều kiện TP.Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1/2020 xem như tương tự trên tàu & lấy số tỷ lệ lây nhiễm 9.57%. Tính từ ngày 23/1/2020, 13 ngày sau là ngày 4/2/2020, số ng bị lây nhiễm tại TP.Vũ Hán ước tính là 6 triệu x 9.57% = 573.969ng. Theo thông báo của TQ, số ng bị lây nhiễm trong ngày 4/2/2020 chỉ có 20.467ng. Quá ít?
    -Sự so sánh trên có thể là khập khiễng, nhưng số liệu TQ công bố cũng cần phải dc WHO gấp rút kiểm chứng lại đúng sai. Công bố số liệu ko chính xác, dẫn đến việc chủ quan trong dự đoán sự phát triển lây lan dịch bệnh cũng bị sai, đưa đến các nc trên Thế giới sai lầm trong việc lập phương án, biện pháp phòng chống dịch bệnh, khiến dịch bệnh lây lan mất kiểm soát. Hãy suy nghĩ trước đến việc, Thế giới sẽ vỡ trận do dịch bệnh virus corona là ko tránh khỏi? Bài học nhãn tiền của TP.Vũ Hán đấy thôi.

  2. Tôi cũng chẳng hiểu cái mớ lí luận lung tung bãi rác của ông Tâm Chánh
    Bao giờ kiểm sỏa đc dịch thì mới tiếp tục hoc, và cũng phải có trình tự cho các chadu từ lớp mẫu giáo đến sinh viên. Cần thiết thì giảm lượng kiến thức năm học. Học theo kiểu dạy của Vn cc này thì càng học càng ngu, càng nghỉ càng nhanh nhạy.
    Hãy cứ để cho các cháu nghỉ để phòng tránh cúm Hán Tàu, và… xả e

Comments are closed.