Các cơ sở y tế sẽ phải tự may khẩu trang đến bao giờ?

Võ Xuân Sơn

12-2-2020

Khẩu trang nhà làm: Nên hay không?

Thú thực là tôi cũng đã có kế hoạch tự làm khẩu trang. Và tôi đã chia sẻ với nhân viên. Mục tiêu tự làm khẩu trang là để duy trì hoạt động của phòng khám, mà vẫn có thể phòng ngừa dịch bệnh.

Nhưng đó là chuyện “cực chẳng đã”, giống như có lần tôi đã chia sẻ gần đây, rằng nếu phải trở lại giai đoạn 30 năm về trước, tôi sẽ vẫn áp dụng những biện pháp điều trị bệnh theo kinh nghiệm. Việc tự làm khẩu trang một cách thủ công, bởi những người không chuyên, chỉ mang tính chữa cháy, và nhất thời, không thể là cách làm cần khuyến khích.

Và, chắc chắn là hiệu quả phòng dịch trong bệnh viện, trong cơ sở y tế, của các loại khẩu trang “nhà làm” sẽ luôn là một dấu hỏi lớn. Việc làm này gợi nhớ đến việc các bệnh viện tổ chức học võ để phòng ngừa bạo hành y tế. Có vẻ như nhân viên y tế Việt nam có truyền thống tự bảo vệ.

Việc cần làm của nhân viên y tế trong mùa dịch là áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong các cơ sở y tế, nơi có nguy cơ lây lan rất cao so với bất cứ khu vực nào trong cộng đồng. Để nhân viên y tế có thể làm tốt công việc của mình, thì các cơ quan chức năng phải cung cấp cho họ đầy đủ vật tư, trang thiết bị, cùng với phương tiện bảo hộ cho những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm trước dịch bệnh.

Việc cung cấp đủ khẩu trang, một mặt hàng rất đơn giản trong công tác chống dịch, là nhiệm vụ của nhà nước, của chính quyền. Nhà nước này, chính quyền này đã không làm tốt việc của mình, khi để thị trường không có khẩu trang cung cấp cho các cơ sở y tế, trong khi đó lại có một lượng lớn khẩu trang được xuất sang Trung quốc.

Thông tin trên báo chí, và tôi trực tiếp có được, thì hầu hết các cơ sở sản xuất khẩu trang tại TP HCM đang hoạt động hết công suất. làm cả ban ngày và ban đêm. Tức là lượng khẩu trang sản xuất ra tăng gấp 5, 6 lần ngày thường trước đây. Vậy mà một cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Từ Dũ lại phải tự may khẩu trang.

Việc EXSON, một đơn vị y tế qui mô nhỏ, lại là cơ sở tư nhân, thiếu khẩu trang cũng đã thể hiện sự yếu kém của chính quyền. Còn Từ Dũ, một bệnh viện đầu ngành của khu vực, thuộc hàng lớn, ít nhất là lớn nhất phía Nam về chuyên khoa sản, mà phải tự may khẩu trang. Nếu tôi là Bí thư thành ủy, hay Chủ tịch UBND TP HCM, tôi sẽ cảm thấy có lỗi, và rất xấu hổ, vì sự thiếu trách nhiệm hoặc bất lực của bản thân.

Ngoài thông tin trong 5 ngày xuất đi 35 tấn khẩu trang (ước tính khoảng 7 triệu cái), chỉ qua đường hàng không và một cửa khẩu duy nhất là Tân Sơn Nhất mà báo chí chính thống đăng tải, trên mạng còn lưu truyền hình ảnh những thùng khẩu trang chất đầy dưới hầm một chung cư.

Số khẩu trang này được cho là do thương lái Trung quốc gom hàng, đẩy giá lên cao (từ giá ban đầu 1 triệu đồng 1 thùng, hiện lên tới 20 triệu đồng 1 thùng 2.500 cái khẩu trang). Thông tin gom hàng đầu cơ là thông tin chưa được kiểm chứng. Nhưng dù thông tin đó có đúng hay không thì rất khó để lí giải khác đi, khi sự khan hiếm khẩu trang diễn ra rất quyết liệt, trong khi các nhà máy sản xuất hết công suất.

Tôi xin nói thêm về vụ xuất khẩu khẩu trang qua cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Một số bạn cho rằng, đây là những hợp đồng có từ trước. Cũng có thể. Nhưng nếu đúng như vậy thì tôi rất phục các nhà kinh doanh Trung quốc, họ đã dự đoán được dịch từ rất lâu, và dự đoán được từ rất lâu là giá khẩu trang sẽ lên rất cao để chuyển bằng đường hàng không, mà lại từ Tân Sơn Nhất, nơi chi phí cao do xa nhất.

Rất có thể những bài báo về số lượng khẩu trang xuất khẩu sẽ không còn được đăng, nhưng con số thực của xuất khẩu thì không biết là bao nhiêu. Từ khi việc xuất khẩu 35 tấn khẩu trang đến nay đã 1 tuần. 1 tuần qua, có bao nhiêu khẩu trang được xuất qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Nội bài, Cam ranh, Đà nẵng, Vân Đồn… và hàng loạt các cửa khẩu ở biên giới, chính thức và không chính thức?

Và, các cơ sở y tế sẽ phải tự may khẩu trang đến bao giờ? Điều đó phụ thuộc vào lòng tự trọng, và khả năng, trình độ của các quan chức đảng và nhà nước.

Ảnh chụp bài báo Phụ Nữ TPHCM
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Để nhân viên y tế có thể làm tốt công việc của mình, thì các cơ quan chức năng phải cung cấp cho họ đầy đủ vật tư, trang thiết bị, cùng với phương tiện bảo hộ cho những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm trước dịch bệnh.”
    “Nhà nước này, chính quyền này đã không làm tốt việc của mình, khi để thị trường không có khẩu trang cung cấp cho các cơ sở y tế, trong khi đó lại có một lượng lớn khẩu trang được xuất sang Trung quốc.”
    “Còn Từ Dũ, một bệnh viện đầu ngành của khu vực, thuộc hàng lớn, ít nhất là lớn nhất phía Nam về chuyên khoa sản, mà phải tự may khẩu trang.”
    -Điểm qua tin tức báo chí:
    *Tại Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trong 02 ngày 26-27/9/2017 tại Cần Thơ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải đa năng để tận dụng thời cơ, thích ứng kịp thời. Câu nói nổi tiếng “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” hoàn toàn phù hợp với chúng ta”. (câu nói này để “khích tướng” hay hết cách rồi đẩy cây)
    *Ngày 18/6/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ ban hành năm 2017, về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần biến thách thức biến đổi khí hậu thành cơ hội”. (câu nói này để “khích tướng” hay hết cách rồi đẩy cây)
    -Bệnh viện Từ Dũ tự may khẩu trang là đã làm đúng theo ý Thủ tướng “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”; “biến thách thức…thành cơ hội”. Bác Võ Xuân Sơn cũng mau mau tự làm khẩu trang theo như Bệnh viện Từ Dũ “để duy trì hoạt động của phòng khám, mà vẫn có thể phòng ngừa dịch bệnh.”, do dự đoán dứt dịch bệnh cũng phải hết tháng 03/2020.

    P/s: Y bác sĩ, điều dưỡng,…là những chiến sĩ chống dịch, chiến tranh mà thiếu chiến sĩ làm cuộc chiến vỡ trận như TP.Vũ Hán sẽ rất khổ cho dân Việt lắm thay.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây