Không nên phân biệt và cần phải phân biệt

Nguyễn Thọ

1-2-2020

Má tôi ở trong một phố nhỏ, yên tĩnh của Sài Gòn mới mở rộng về phía Nam. Nhà bên trái là gia đình một thương gia trẻ, người Nam chánh hiệu. Nhà bên phải gồm chồng Bắc, vợ Huế. Trước mặt là hai biệt thự nhỏ của hai gia đình người Bắc. Họ lớn tuổi rồi nên cuối tuần hay bật nhạc miền Bắc thời 1960-1970 ra nghe. Từ “Bài ca hy vọng” đến “Tình ca Tây Bắc” khiến tôi đôi lúc cũng bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ. Bên cạnh đó là căn nhà rất hiện đại của một anh đạo diễn thành đạt, vẫn làm phim cho HTV. Anh chị đúng là người Sài Gòn với phong cách trước 75.

Mỗi lần về, tôi đều ghé thăm tất cả. Mọi người đều quý mến Má, vốn là người Nam tập kết ra Bắc rồi gần đây lại quay về Nam. Má bảo đôi khi có vấn đề gì mà cô Nương Osin không giải quyết được, cô vẫn sang nhờ họ. Hàng xóm tối lửa tắt đèn, bất kể Trung, Nam Kỳ, Bắc 54 hay Bắc 75.

Tôi ở Köln, chung sống với đồng bào tứ xứ. Ngày tôi mới đến đây năm 1991, người ta còn phân biệt Kiều và Cộng. Cộng là bất cứ những ai mới từ Việt Nam sang hay ở Đông Đức chạy qua. Kiều là tất cả những “Thuyền Nhân”sang Tây Đức từ những năm 80 và các du học sinh đi học từ Sài Gòn trước 1975. Khi tôi làm ăn thành đạt, lập công ty điện tử, có mấy bác Kiều nghi tôi là Việt Cộng, được trong nước bơm tiền sang để lập công ty.

Kệ, tôi chơi với cả hai bên và nhờ vậy mà đôi khi cũng được mọi người tin cậy “xui” đứng ra tổ chức lễ, tết các kiểu.

Giờ thì ở Köln, cái ranh giới Kiều-Cộng cũng dần bị xóa nhòa. Thủ lĩnh của các bác Kiều có thể coi là ông Đốc Tờ Minh, người Bắc di cư vào Nam năm 54. Ông sang Đức học từ những năm 60. Sinh viên Sài Gòn sang đây đầu 1970 hay được ông Đốc Minh giúp đỡ. Ông Đốc giờ đây chơi thân với ông Quý là bộ đội miền Bắc vào Nam đánh nhau, rồi sang Đông Đức làm thợ khách. Đông Đức tan rã, ông Quý mở cửa hàng Cơm-Phở ở Köln, bán chạy như “Phở tươi”. Đốc Tờ Minh lúc nào thích nhậu, toàn rủ tụi tôi, gồm cả Bắc Trung Nam đến quán ông Quý.

Dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ chúng ta chỉ khác nhau ở chỗ: Bố mẹ, ông bà mình vào Nam từ 200 năm trước, từ 65 năm trước, hay mới đây mà thôi. Chẳng có lý do gì để chửi “Đù má thằng Bắc kỳ cà chớn” hay “Tiên sư bọn Nam Kỳ vô ơn”.

Nhưng cũng phải công nhận là giữa người Nam, người Bắc, giữa người được hưởng thụ văn hóa Sài Gòn trước 1975 và người sống trong chế độ Công-Nông miền Bắc vẫn có những khác biệt về văn hóa về cách sống. Thiên nhiên ưu đãi đã khiến cuộc sống của người Nam phóng khoáng hơn người Bắc. Sự giao lưu với các cộng đồng Chăm-Pa, Khmer, Gia-va, Thái, Ấn Độ, Hoa đã tạo ra sự cởi mở của người Nam. Sự có mặt sớm của người Pháp, kế theo là Mỹ đã hiện đại hóa nhanh chóng xã hội miền Nam.

Người Đông Đức và Tây Đức hay người Mỹ ở các bang miền Nam và bang miền Bắc cũng có những khác biệt.

Sự khác biệt này là do lịch sử tạo ra, chứ không phải là bản sắc riêng của “hai dân tộc”.

Đã là đồ “lịch sử để lại” thì chớ cà khịa với nó, hãy sống với nó. Chửi nhau Kỳ nọ Kỳ kia, Bò nọ Bò kia chỉ thêm rắc rối, thâm thù mãi. Nghe đâu virus Corona sẽ không phân biệt bò nào và kỳ nào. Thế mà khi trên mạng xuất hiện hình ảnh cô gái Sài Gòn tặng khẩu trang miễn phí, đã có ông khen văn hóa Sài Gòn, chê dân Bắc kỳ. Chê đến mức lại thấy có ảnh Hà Nội cũng tặng khẩu trang. Kiểu gì cũng lại có thằng chê dân Bắc Kỳ bắt chước.

Các chiến sỹ đấu tranh cho nền “Tam Kỳ Phân Lập” quên mất rằng, điều đó đã “Tiệt nhiên định tại thiên thư”: Trụ cao nhất chỉ để cho người Bắc có lý luận, các trụ còn lại nhường cho các miền kia.

Khổ thật.

Thôi, nói chuyện “Lịch sử” cho đỡ stress.

Hồi làm việc ở VTV chúng tôi hay phải học chính trị. Trên bục cứ thao thao: “Lịch sử đã chon chúng ta làm điểm tựa, vì vậy chúng ta phải hy sinh…”, “Tiến lên CNXH là một tất yếu của lịch sử…” v.v… Cả bọn ngồi dưới nhìn nhau gật gà, gật gù.

Trong phòng Kỹ thuật có anh Ngũ, dân xứ Nghệ. Anh ta cả ngày không nói một lời, nhưng thỉnh thoảng phán những câu búa bổ. Bữa đó anh Ngũ ngồi gần tôi, nghe đến “Lịch sử giao phó cho chúng ta…” liền phán một câu:

– Thế thì đánh bỏ mẹ thằng lịch sử đi!

Cả bọn phía dưới cười rúc rích, ông phía trên không hiểu gì cả. (Ở đây có nhiều người nhớ câu nói của anh Ngũ)

Có những dấu ấn do lịch sử tạo ra, đó là thực tế đáng tôn trọng, nhưng không đáng lợi dụng. Có những vai trò lịch sử mà ta vơ vào để biện minh cho ý chí của mình, đó là ngụy thực tế.

Phải không anh Ngũ?

Người Sài Gòn tặng khẩu trang. Nguồn: Tuổi Trẻ
Người Hà Nội cũng tặng khẩu trang. Photo Courtesy
Quán Cơm-Phở ở Köln, nơi Bắc Kỳ, Nam Kỳ cùng nhậu.
Bình Luận từ Facebook