Ai thắng ai trong thảm kịch Đồng Tâm?

Gellert Nguyễn

31-1-2020

Thảm sát Mậu Thân tại Huế là một vết nhơ trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Không lý giải nào có thể thuyết phục cho ký ức kinh hoàng của các gia đình nạn nhân khi hơn 5000 người dân vô tội chết oan uổng.

Lịch sử sang trang, mọi người cùng nhau tự an ủi là định mệnh đã an bài và hy vọng thảm sát tương tự sẽ không bao giờ tái diễn. Nhưng lịch sử tái diễn. Biến động đổ máu lại xảy ra tại Đồng Tâm, một ngôi làng nhỏ với 8000 người dân sống hiền hoà bên những mảnh ruộng thân yêu khi đang nô nức đón Xuân Canh Tý.

Trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền Hà Nội huy động 3.000 cảnh sát cơ động đến làng Đồng Tâm, bắn chết ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, tại nhà riêng và bắt đi hơn 30 người dân Đồng Tâm. Sau đó, chính quyền truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất cho ba cảnh sát bị thiệt mạng vì bất cẩn té xuống giếng. Một chiến thắng cao cả với phương tiện thích hợp? Thảm sát hay chiến thằng? Đó là vấn đề ở đây.

Nội dung tranh chấp là dân Đồng Tâm phản đối chính quyền chiếm đất nông nghiệp gồm có 59ha tại Đồng Sênh, nghĩa là thuộc về dân sự mà mọi phe liên quan phải tuân thủ quyết định của toà án. Khi chưa có án lệnh về các phương tiện cưỡng chế thì không ai có quyền khởi động, mà đặc biệt nhất là từ lúc 4 giờ sáng.

Còn cá nhân ông Lê Đình Kình hoàn toàn vô tội. Trước phút lâm chung, không ai truy tố ông về tội hình sự hay khai trừ Đảng. Trước mắt cảnh sát cơ động hay dân chúng, ông là một lão thành cách mạng được tin yêu, có 58 năm tuổi đảng, từng là bí thư đảng ủy và hy vọng vào giải pháp đối thoại ôn hoà. Có chứng từ pháp lý để xác định rằng đất ở Đồng Sênh là đất nông nghiệp, dĩ nhiên, ông Kình có quyền lưu giữ và trình bày trước toà án và công luận, một nhân quyền không thể tranh cãi.

Nhưng thay vì tham gia tranh tụng tại toà án để chung quyết vấn đề, chính quyền đơn phương dùng bạo lực tịch thu hết chứng cứ mà ông Kình đang cất giữ, bắt hết nhóm Đồng thuận Đồng Tâm và tiêu diệt ông Kình. Tại sao? Tổ quốc có lâm nguy như bãi Tư Chính đang bị xâm hại không mà dùng chuyên chính vô sản biểu dương? Không. Đồng Tâm không có tầm vóc của bãi Tư Chính.

Thời thế đổi thay, chính quyền không sử dụng khái niệm đấu tranh giai cấp lỗi thời: “Vô sản đoàn kết lại để tiêu diệt bọn bóc lột”. Không ai nhắc tới bạo lực chuyên chính sau ngày Đổi Mới. Khi lãnh đạo toàn diện, Đảng trở thành chủ nhân ông bóc lột công khai, khi nhân danh Hiến pháp và nhà nước pháp quyền. Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp. Một chuyện mâu thuẫn với Đảng là không có luật chi phối Đảng, nhưng Đảng có quyền không tôn trọng luật, mà còn bắt buộc dân chúng phải tuân theo.

Một khái niệm vô nghĩa trong Hiến pháp là “Đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý”. Sử dụng nguyên tắc này tùy tiện cũng là một phương tiện phát tài cho những phe nhóm quyền lực và quyền lợi trong đảng. Do đó, chính quyền phải ra sức để thu tóm quyền lợi kinh tế. Trong trường hợp tại Đồng Tâm, đó chính là tập đoàn Viettel, con cưng của Bộ Quốc Phòng.

Cốt lõi của vấn đề Đồng Tâm nằm trong khái niệm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động ngoài khuôn khổ vận hảnh của nền kinh tế thị trường vì do các nhóm lợi ích theo xã hội chủ nghĩa định hướng. Không bị luật kinh tế chi phối, tham nhũng nảy sinh là tất yếu và chiếm dụng đất đai để khai thác là một thí dụ điển hình. Đây chính là trường hợp Đồng Tâm gặp phải.

Vai trò của cảnh sát cơ động trong tranh chấp? Hiến pháp quy định là lực lượng vũ trang phải trung thành và bảo vệ tổ quốc, nhân dân, chính quyền và đảng. Tuy nhiên, trong trường hợp Đồng Tâm, quyền lợi của nông dân bị tổn thương trầm trọng đang chờ phân xử trong khi lực lượng vũ trang lo bảo vệ quyền lợi các phe nhóm trong đảng và thẳng tay sát hại dân Đồng Tâm. Biện pháp đẫm máu này đi ngược lại với nguyên tắc của xã hội Đông phương là “Quan nhất thời, Dân vạn đại”, nó vẫn còn giá trị trong lòng người Việt.

Việc hy sinh của ba chiến sỹ là cần phát huy học tập hay là một trò hề không đoạn kết? Bộ Công an liên tục trình bày khác nhau các kịch bản về cái chết của họ. Thoạt đầu, Bộ nói rằng ba cảnh sát chết vì bị dân ném lựu đạn, đâm bằng dao phóng và rơi xuống hầm chông rồi bị thiêu chết ở Đồng Sêng (cách thôn Hoành, xã Đồng Tâm khoảng 3km). Sau đó, Bộ lại cho rằng, họ chết khi truy đuổi dân và bị rơi xuống giếng trời tại nhà ông Kình ở thôn Hoành, rồi bị dân thiêu chết.

Khi Bộ xác nhận trước công luận là “công an rất bối rối” vì phải thi hành “lệnh trên” nên mới có nhiều sơ hở, mà sơ hở nhất là khi cho ba sĩ quan chết ngoài đồng Sênh phải về chết giữa làng Hoành. Vì không có hình ảnh nào về cái chết để làm bằng chứng, nên dân chúng còn chờ nhiều lý giải ngộ nghĩnh khác. Suy đoán chung của công luận cho rằng, tai nạn xảy ra ngoài kịch bản không thể chấp nhận được và không có gì cao cả để cần học tập. Sự thay đổi nội dung vụng về của phía công an không thuyết phục được ai.

Còn cái chết thương tâm của ông Kình, khi không phải là chiến thắng thì chỉ còn lại kết luận là thảm sát. Hình ảnh cho thấy là cảnh sát đột kích vào tận nhà bắn vỡ tim, nát óc ông ngay trên gường ngủ rồi mang xác đi, tự tiện mổ bụng không theo thủ tục pháp y. Khi gọi vợ con ông nhận xác, còn bắt ký giấy xác nhận ông chết ở đồng Sênh, cách nơi ông bị giết chết ba cây số. Thảm sát được ngụy trang bằng dối trá còn đặt ra nhiều nghi vấn.

Nhưng sự thật phơi bài với nhiều bằng chứng khác được tìm thấy có tính thuyết phục cao hơn. Đó là việc bà Kình tìm ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu của ông Kình, nhà cửa bị lục tung và bản đồ đất dán trên tường bị xé bỏ. Công an bê mất đi cái hòm gỗ có để bản đồ, hồ sơ giấy tờ đất đai, không còn một bằng chứng nào có thề trình bày trước toà án và công lụận. Tóm lại, đây là một cuộc đột kích và thảm sát tại chỗ để cướp chứng cứ, không có cơ sở luật pháp.

Sau cuộc thảm sát tại Đồng Tâm, chính quyền và nhân dân, ai thắng ai? Cả hai đều đại bại. Ngay trong thời bình, chính quyền gây thảm sát và dối trá truớc các thành phần cốt cán có niềm tin tuyệt đối vào Đảng và cả với gia đình nạn nhân của lực lượng cảnh sát cơ động. Còn dân chúng đại bại và một chuyện đã có từ 1975, nhưng lần này là đau xót nhất. Lý do hiển nhiên là bà con Đồng Tâm có một niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và giải pháp đối thoại.

Vi phạm luật quốc tế trong vụ Trịnh Xuân Thanh đầu thú và vi phạm luật đất đai trong vụ ông Kình là hai vết nhơ không thể gội rửa cho lịch sử đất nước. Nếu chính quyền và dân chúng đều đại bại thì ai là kẻ chiến thắng? Một nghịch lý tiếp diễn cho chúng ta. Tại sao chính quyền thất bại lại còn tiếp tục cầm quyền và nhân dân thất bại lại tiếp tục cam chịu số phận?

Nghĩ gỉ và làm gì là một vấn đề cho tất cả nhưng người ưu tư đến vận mệnh của đất nuớc. Không phải chỉ tại Berlin, mà công an hải ngoại có thể đến khắp mọi nơi trên thế giới. Cảnh sát cơ động trong nước còn nhanh hơn, vì có thể có mặt tại bất cứ nơi nào để sẵn sàng chiến đấu chống lại nhân dân. Phan Thiết và Đồng Tâm là hai thí dụ điển hình.

Tất cả chúng ta sẽ là ông Kình trong thời kỳ mới. Đảng viên trung kiên như ông Kình mà Đảng còn đối xử như vậy, thì với người dân trên cả nước đều có thể xảy ra tương tự. Dân oan ở Mai Xuân Thưỏng, Thủ Thiêm hay Lộc Hưng và các nơi khác hãy học tập kinh nghiệm Đồng Tâm để chuẩn bị tinh thần.

Chiến thắng cuối cùng cho toàn dân như thế nào vẫn chưa được định hình nhưng ý thức và hy vọng về sức mạnh của dân tộc là một khởi điểm của tư duy.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. CƯỚP
    Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  3. Học giả: Bùi Chí Vinh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
    Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
    Giúp nhà Lê mã đáo công thành

    Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
    Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
    Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
    Giết đời cha, con, cháu cho đành

    Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
    Công thần thua một lũ hư danh
    Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
    Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
    Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
    Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh

    Hai con án chết đầy oan khốc
    Một cháu chung thân xử rành rành
    Tam tộc một đời đi theo Đảng
    Tưởng thời phong kiến mới lưu manh

    Không ngờ thế kỷ 21
    Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
    Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
    Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Quả báo ngày nay đến rất nhanh…

    Nguồn Mạng.

  4. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng.

  5. @ Nguyễn Nguyễn

    Bạn chưa có thói quen lể độ và tương kính trong đối thoại, đó là một điều đáng tiếc trong một xã hội văn minh tiến bộ. Cụ Kình ra đi là một mất mát chung. Có thể bạn khác quan điểm, điều này không quan trọng, nhưng tỏ ra tôn trọng nguời quá cố là một truyền thống cao đẹp của người Việt. Bạn nên ý thức điều này Hình như diển đàn Báo TD là không thích hợp cho bạn, các phản ứng trong cộng đồng đã cho bạn thấy rồi. Nếu cảm thấy lạc lõng, bạn nên tìm đến Lisa Phạm để trao đổi, bạn sẽ biết phản ứng như thế nào dành cho người thô tục.

  6. Vấn đề còn lại cho bà con Đồng Tâm là ai sẽ tiếp tục lãnh đạo cho nhóm Đồng Thuận, người kế nhiệm có đủ khả năng, uy tín và đức độ để nối tiếp con đường đấu tranh bằng đối thoại mà cụ Kình vạch ra hay không?. Còn quá sớm để trả lời vì nièm đau mất mát cho gia đình và bà con còn đó nên không thề cho là dân Đồng Tâm đại bại. Tác giả có thể suy đoán không chính xác, bi quan có lẽ là do nhìn trong toàn cảnh.

    Vấn đề là chưa ai biết phản ứng của chính quyền trong thời gian sắp tới ra sao, cũng còn cần theo dỏi nhiều yếu tố khác. Sau trường hợp bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, chính quyền bất chấp hậu quả, lại vi phạm trong vụ Trương Duy Nhất. Dĩ nhiên tàm vóc và hệ lụy trong bang giao Việt-Thái khác với Viêt- Đức. Nhưng có thể suy luận chung là các biện pháp vô đạo đức và vô luật pháp sẽ còn xảy ra trong nhiều hình thức khác nhau. Vì bản chất gian trá và bạo lực của chính quyền không thay đổi nên chíung ta khó suy đoán, nhưng chắc một điều là bất hạnh cho dân tộc còn kéo dài, đó là một niểm đau chung.

  7. Tất cả đều thua
    Đảng csvn đã hiện nguyên hình là giặc cướp trước toàn thể nhân dân ( do nhờ internet)
    Quân đội đã hiện nguyên hình là bọn cướp của dân của đất nc. Mấy chữ quân đội nhân dân trở thành quân đội của đảng cướp
    Công an hiện nguyên hình là bọn đao phủ của dân. Công an của đảng cướp
    Trí thức gần triệu người đã hiện nguyên hình bọn hèn nhát, ham hố danh lợi
    Nhân dân hai từ mỹ miều đã hiện nguyên hình là nô lệ
    Duy chỉ có bọn bành trướng phương bắc và Tập hán là thắng toàn diện

Comments are closed.