Chạm vào tội ác

Khải Đơn

14-1-2020

Ảnh: internet

Một ông thợ mỏ đi vòng vòng trong làng, hỏi tất cả quan chức và cán bộ, vì sao khi bán lại mỏ cho công ty, chính quyền hứa sẽ chia lợi tức lại cho cả làng, nhưng bán xong rồi thì chỉ có anh quan chức mua được Audi và đi máy bay riêng về thăm làng còn dân làng không ai được gì hết. Đi hỏi một vòng từ trưởng thôn, giám đốc nhà máy, kế toán trưởng của mỏ, tới cuối cùng… ông đi ra tận sân bay gặp vị quan chức trong ngày đón mừng quan mua máy bay riêng về thăm quê để hỏi: Tại sao không chia lợi tức bán khu mỏ cho cả làng?

Ông bị đánh tơi tả tại sân bay, bị dẫm vào đầu và bảo hãy im miệng đi.

Một ngày sau đó, ông cầm một khẩu shotgun cũ trong kho, đến gặp tất cả các nhân vật trên, giết kế toán trưởng tại nhà, giết trưởng thôn tại chùa, giết luôn vị quan chức trong chiếc audi mới cứng. Và ông leo lên xe bò đi về phía hoàng hôn.

Cảnh tượng kinh dị trên nằm trong bộ phim mang tên “A touch of sin” – một bộ phim Trung Quốc giành giải Kịch bản hay nhất ở Cannes 2013. Nhưng ghê rợn ở chỗ, bộ phim không làm từ nội dung do đạo diễn tưởng tượng ra, mà nó kể 4 câu chuyện thật xảy ra ở Trung Quốc. Vào những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, những con người yếu thế và hiền lành đã chọn hành động hoàn toàn bất ngờ.

Trong phim còn có hành trình hóa thành kẻ giết người của ba nhân vật khác, xuất thân cũng bình thường không kém anh thợ mỏ: một cô tiếp tân tiệm massage, một cậu bé đi làm công nhân khu công nghiệp và một anh thợ vùng quê xa phiêu bạt từ chỗ này đến chỗ khác kiếm sống.

Thông thường, người dân thường chấp nhận họ là thân phận thấp cổ bé họng, chịu nhục và chịu hèn, chịu tất cả mọi thứ, miễn là họ có thể đủ sức mưu sinh, sinh tồn. Nhưng một xã hội không có xương sống niềm tin vào luật pháp, không có thiết chế bảo vệ những nhóm người yếu thế, đẩy người yếu thế vào tình trạng bị vây bọc bởi nhiều yếu tố thúc ép họ tới đường cùng, thì nó đủ khả năng đẩy bất cứ cá nhân lương thiện nào vào hành động vũ lực không thể ngờ đến nhất.

Sự thiếu vắng điều lương thiện, thiếu vắng những ứng xử đàng hoàng từ từng cá nhân con người, thiếu vắng sự minh bạch của luật pháp, từ trưởng thôn chế giễu anh thợ mỏ lắm điều và sự công nhiên bạo lực của tay quan chức bất nhân, đến hệ thống pháp luật chẳng màng hiện hữu, buộc con người uốn mình nhũn nhặn cong theo điều chỉnh đó. Cho đến khi bạo lực trở thành giải pháp cuối cùng. Và đó là giải pháp thật đau lòng.

Nhưng câu chuyện mà đạo diễn Jia Zhangke kể không phải là dự cảm về tương lai trong một xã hội tưởng tượng nào đó, mà là tường trình về hiện thực đầy vết thương đã xảy ra với những nhóm người dễ bị bắt nạt và “uốn mình” nhất ở Trung Quốc: nông dân mất đất, công nhân vật lộn sinh tồn trong nhà xưởng, người nông thôn nghèo không có ai bảo vệ họ khỏi bọn cướp đường xa lộ.

Bốn nhân vật mà Jia Zhangke xây dựng rất có tính “hoạt họa” và giải trí, nó khiến người xem bất ngờ như coi bộ phim hành động Mỹ – với bốn siêu anh hùng tay súng tay dao. Nhưng đó là những bi kịch anh hùng – chả ai trong số họ định trở thành anh hùng, và chẳng ai trong số đó có mưu cầu khuấy vỡ cuộc sống chính họ. Họ có một việc làm và hài lòng sống với việc làm đó. Hành động bạo lực cuối cùng chẳng thể lý giải bằng gì. Chính người thực hiện cuộc thủ tiêu đó rồi đều lặng lẽ lang thang lạc hướng trên đường. Gọi họ là ác cũng đúng, là thiện cũng chẳng sai.

Toàn bộ trật tự của xã hội, toàn bộ những thiết chế ràng buộc hành động và niềm tin của họ đã sụp đổ trong tâm thức – và biến họ thành tế bào của bạo lực.

Có những anh chị viết rằng Đồng Tâm là “phép thử” cho nhà cầm quyền. Sau khi xem bộ phim trên đây (mang rất nhiều màu sắc và không khí ở nhiều nơi Việt Nam đang trải qua), và nhìn những gì mà thân phận người dân Thủ Thiêm trải qua sau nhiều năm cơ cực giành giật lại chính mái nhà mình, tôi có câu trả lời cho bản thân: chẳng có sự việc nào là “phép thử” cả. Người dân không phải chuột thí nghiệm để thử hết lần này đến lần khác hay giày vò như cái nùi giẻ chùi chân vô nhân phẩm.

Một số người Thủ Thiêm hồi ấy từng tự thiêu trong mái nhà mình để “quyết tử” bảo vệ ngôi nhà. Họ đã chọn một điều bất cứ ai nghe cũng phải rùng mình – bởi họ đã mất tất cả.

Con người, sau tận cùng mọi chọn lựa và gãy đổ, đi đến cái kết của bạo lực, là những số phận đã bị thiết chế xã hội đẩy ra ngoài lề coi là kẻ thù.

Kẻ thù trên chính quê hương và mái nhà của mình.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.