Mai Vũ Phạm
7-1-2020
Rạng sáng ngày 3/1/2020, thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh của lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, đã bị thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở gần sân bay quốc tế Baghdad, tại nước láng giềng Iraq. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó chính thức thừa nhận đã thực hiện cuộc không kích nhằm loại bỏ tướng Soleimani theo lệnh của Tổng thống Donald J. Trump.
Thiếu tướng Qassem Soleimani là ai?
Tướng Qassem Soleimani, 62 tuổi, được xem là người có quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau Lãnh tụ Tối cao (Supreme Leader). Có thể so sánh chức vụ Thiếu tướng của ông Soleimani như chức Phó Tổng thống Mỹ.
Lực lượng tinh nhuệ Quds, dưới quyền lãnh đạo của tướng Soleimani, đóng vai trò then chốt tại Iraq sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị Mỹ và đồng minh lật đổ vào năm 2003. Tướng Soleimani, được mệnh danh là “tư lệnh bóng tối”, là kiến trúc sư chính của chiến lược thâu tóm và tăng cường tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.
Tướng Soleimani đã trở thành biểu tượng quân sự hàng đầu trong thế giới Hồi giáo bằng các chiến lược đối đầu với lợi ích của Mỹ và Israel ở Trung Đông. Ông cũng nổi tiếng đối với người Hồi giáo Shia vì đã giúp đánh bại lực lượng khủng bố ISIS ở Iraq và Syria.
Đối với phần lớn người dân Iran, tướng Soleimani, được kính trọng như một đại anh hùng vì các thành tích chiến đấu vang dội cũng như sự khiêm tốn của ông trước công chúng khi tự nhận mình là “người lính nhỏ bé nhất”. Một cựu quan chức Iraq nói về tướng Soleimani: “Ông Soleimani thấp bé, nhưng sự hiện diện của ông ấy luôn được mọi người chú ý. Khi có mười người trong một căn phòng, ông ấy bước vào nhưng sẽ không đến ngồi với bạn, mà chọn một góc nào đó trong căn phòng, ngồi lặng lẽ một mình. Ông ấy không phát biểu hay bình luận gì, mà chỉ ngồi đó và lắng nghe.”
Chính vì tầm ảnh hưởng quan trọng của tướng Soleimani với Iran, nên cái chết bất ngờ của ông đã khiến toàn bộ Iran, khu vực Trung Đông, và cả thế giới bàng hoàng. Hàng chục ngàn người Iran đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc không kích “tàn độc” của Mỹ nhằm sát hại tướng Soleimani. Lãnh tụ Tối cao Iran, Ayatollah Khamenei, đã tuyên bố những kẻ đứng sau kế hoạch ám sát tướng Soleimani sẽ bị trả thù một cách tàn khốc.
Cuộc không kích giết chết tướng Soleimani của Mỹ có phải là hành vi ám sát?
Ám sát trong thời bình được định nghĩa là dùng vũ lực để giết hại một cá nhân có tầm ảnh hưởng vì mục đích chính trị.
Theo Mary Ellen O’Connell, giáo sư luật quốc tế tại Khoa Luật – Đại học Notre Dame (Mỹ) cho biết, mặc dù Mỹ và Iran từ lâu đã tranh chấp với nhau, nhưng Mỹ chưa bao giờ chính thức tuyên chiến với Iran. Bởi thế, việc Mỹ giết chết một quan chức quân đội cấp cao của Iran, bằng một cuộc tấn công bất ngờ “rõ ràng là một hành vi ám sát.”
Gary Soils, giáo sư chuyên về luật chiến tranh tại Học viện Quân sự West Point cho biết: “Tôi nghĩ định nghĩa tốt nhất của việc giết hại Soleimani chỉ có thể là ám sát hoặc giết người. Những gì đã xảy ra có thể so sánh với việc Iran giết chết một quan chức quân sự cấp cao của Hoa Kỳ bằng một quả bom trên đất Mỹ.”
Tuy vậy, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với quan điểm trên.
Ashley Deeks, giáo sư chuyên về luật chiến tranh (Đại học Virginia) cho rằng vụ giết tướng này khó mà thỏa mãn điều kiện để được coi là một vụ ám sát. “Một vụ giết người hợp pháp trong một cuộc xung đột vũ trang không cấu thành hành vi ám sát”, bà nói. “Về khía cạnh pháp lý, nếu ông ta dính líu sâu đến việc lên kế hoạch và ra lệnh tấn công, thì vụ việc có vẻ không phải là một vụ ám sát”.
Hành vi ám sát tướng Soleimani của Mỹ có hợp pháp?
Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng cuộc không kích giết chết tướng Soleimani chỉ là hành động tự vệ (self-defense) hợp pháp, nhằm chống lại âm mưu tấn công của Iran.
Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc chỉ cho phép các quốc gia thực hiện hành động tự vệ nếu bị một quốc gia khác tiến hành tấn công vũ trang. Lập trường “tự vệ” của Mỹ không thuyết phục được những chuyên gia như giáo sư luật Mary Ellen O’Connell, người lập luận rằng Iran chưa bao giờ tiến hành một cuộc tấn công trực diện vào lãnh thổ Mỹ, cũng như lý do pháp lý của Mỹ trong việc duy trì lực lượng tại Iraq là để ngăn chặn lực lượng khủng bố ISIS, không phải để chiến đấu với Iran.
Theo Nguyên tắc Caronline (Caroline Test) được xác định tại Tòa án Quốc tế Nuremberg (Nuremberg Tribunal), để cho cuộc không kích thủ tiêu tướng Soleimani thỏa mãn điều kiện “tự vệ”, Mỹ phải chứng minh được rằng Iran đang chuẩn bị một âm mưu rất “gần kề” (“imminent”) tấn công Mỹ. Nói cách khác, Mỹ phải dẫn chứng được các mối đe dọa của Iran đang sắp xảy ra và Mỹ không thể làm gì khác hơn, ngoài việc ám sát tướng Soleimani để ngăn chặn cuộc tấn công chống lại Mỹ. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào về việc Iran sắp tiến hành một cuộc tấn công rất “gần kề” nhằm chống lại nước này.
Cuộc không kích của Mỹ nhắm vào tướng Soleimani có thể chính đáng nếu Mỹ chứng minh được tư lệnh này đang chuẩn bị bật đèn xanh một cuộc tấn công quân sự nhắm vào lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq, Adel Abdul-Mahdi, đã cho biết ông có cuộc hẹn gặp tướng Soleimani vào buổi sáng ngày ông bị sát hại, để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Iraq và khu vực.
Bà Agnes Callamard, Giám đốc Trung tâm Tự do Ngôn luận Toàn cầu của Đại học Columbia, kiêm Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền nêu rõ: “Các cuộc không kích nhằm vào tướng Soleimani và Abu Mahdi gần như là bất hợp pháp và vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Theo luật nhân quyền quốc tế, vũ lực cố ý gây chết người hoặc có khả năng gây chết người, chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp hết sức cần thiết để đối phó với các mối đe dọa gần kề tới sự sống.”
Nói cách khác, quan điểm của bà là việc ám sát lãnh đạo cao cấp của một quốc gia trong thời bình khi mà quốc gia này không có hành động đe dọa “gần kề” cơ bản là hành vi giết người, vi phạm luật quốc tế và luật hình sự của quốc gia đó.
Giả sử, nếu Mỹ và Iran chính thức tuyên chiến, thì hai bên có được tự do ám sát lãnh đạo của nhau hay không?
Để trả lời câu hỏi này ta cần đến Luật về Xung đột Vũ trang (Law of Armed Conflict – LOAC), hay còn gọi là Luật Nhân đạo Quốc tế (International humanitarian law – IHL), bao gồm các quy tắc bảo vệ thường dân và các phương thức được phép sử dụng trong chiến tranh.
Phần lớn các quy tắc của LOAC được trích dẫn từ bốn Công ước Geneva năm 1949 và hai Nghị định bổ sung năm 1977. Mục đích chính của LOAC là giảm thiểu thiệt hại, tránh những sát thương không cần thiết, và bảo vệ nhân quyền trong một cuộc chiến tranh.
Nhìn chung, giết người có chủ đích (targeted killing) trong chiến tranh có thể hợp pháp hoặc bất hợp pháp tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Bộ luật chiến tranh “chỉ cho phép tấn công các mục tiêu quân sự, chẳng hạn những người lính chiến đấu, vũ khí, hoặc đạn dược.” Theo chuyên gia luật quốc tế Mary Ellen O’Connell, âm mưu giết một vị tướng bởi vì những gì họ đã làm trên chiến trường hoặc họ sẽ thực hiện “đã luôn bị cấm bởi bộ luật LOAC”, cụ thể Điều 65, “cấm hành động giết người, làm bị thương, hoặc bắt giữ kẻ thù bằng các hành động gian trá.”
Thêm nữa, Thủ tướng Iraq Abdul Mahdi cũng cho biết kế hoạch ám sát lãnh đạo Iraq hoặc lãnh đạo của một nước láng giềng ngay tại lãnh thổ Iraq là “vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và xúc phạm danh dự của đất nước Iraq.” Ông cũng cảnh báo hành vi ám sát có thể “châm ngòi một cuộc chiến tàn khốc tại Iraq, khu vực, và thế giới”.
Thay lời kết
Tính hợp pháp của hành động không kích giết chết tướng Soleimani phụ thuộc rất nhiều vào thông tin (facts) và bằng chứng mà chính quyền Mỹ cần đưa ra để chứng minh tướng Soleimani đã và đang lên kế hoạch cụ thể và “gần kề” nhắm vào lực lượng Mỹ, để hợp pháp hóa việc sát hại ông tướng này, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Chủ tâm lên kế hoạch giết chết một vị tư lệnh quân đội tối cao của một quốc gia có chủ quyền có thể được nhiều người ủng hộ, nhưng đây có thể sẽ trở thành một tiền lệ nguy hiểm. Các nhà nước độc tài có thể dựa vào đó để quy cho đối lập là “kẻ thù” hoặc “khủng bố” và ám sát họ, mà không cần phải đưa ra bằng chứng biện hộ cho hành động sai trái đó. Một thế giới như thế sẽ nguy hiểm và bất an hơn bao giờ hết. Bởi thế, Liên Hợp quốc đã thông qua các công ước và nghị định nhằm hướng dẫn các quốc gia cách ứng xử trong thời bình lẫn thời chiến, để giảm thiệt hại, bảo vệ nhân quyền, và duy trì hòa bình thế giới.
Ủa ? Bác T H Cách biết MVP là cựu sĩ quan Quân lực Hoa Kỳ à ?
Sao bà ta lúc nào cũng anti-American vậy ? Chắc gốc Tàu rồi ! Haha!
Nữ cựu sĩ quan Quân lực Hoa Kỳ Mai Vũ Phạm suy nghĩ y như một người Mỹ. Nhưng người Mỹ bây giờ đang học người Tàu câu “Binh bất yếm trá”, và cuốn Binh pháp Tôn Tử ngày càng bán chạy trên Amazon.
Cả làng báo chí Đức, một dân tộc cũng trọng luật tắc không kém Mỹ, mấy hôm nay chia rẽ giữa bênh với chống vụ sát tướng. Kỳ lạ là đa số báo Đức đăng xã luận chính thức của ban biên tập tỏ ý ủng hộ. Người Đức có lẽ biết rõ Soleimani hơn người Mỹ chăng?
Bắc Hàn, quốc gia theo lẽ thường phải sợ một hành động tương tự của Mỹ nhất, cũng không có quan điểm chính thức. Báo đài Bình Nhưỡng chỉ nói rằng Nga và Trung Quốc phản đối Mỹ, và đặc biệt Bình Nhưỡng còn không nêu tên viên tướng Iran bị sát hại.
Nga, quốc gia to tiếng nhất phản đối, lại không thật sự ủng hộ hòa bình Trung Đông. Thậm chí có chuyên gia kinh tế Nga đã nhanh nhảu đưa ra phân tích rằng nước này sắp hưởng lợi lớn do giá dầu tăng.
Trung Quốc, nước thật sự mong muốn tình hình ổn định để tiếp tục mua dầu của Iran, thì la lối nhưng không có hành động gì. Không lẽ Trung Quốc đưa tàu Liêu Ninh đến vịnh Ba Tư?
Trong ngày đưa tang vị anh hùng Qassem Soleimani tại chính quê hương của ….người, đã có gần 40 mươi anh chị em hy sinh do dẫm đạp lên nhau để đi lên thiên đàng theo người anh hùng vĩ đại.(có rất nhiều người bị thương đang được cấp cứu)
Cũng trong ngày này, phía Iran đã quay mũi….súng về phía Ít sờ Ra en và thề trả thù cho cái chết của tướng Soleimani, chứ không phải chỉ riêng bọn khủng bố……Mỹ.
Không biết Iran sẽ….kiện Mỹ ra tòa hay sẽ trả thù theo kiểu “răng đền răng, mắt đền mắt” như hô hào?
Hãy chờ xem.