5-1-2020
I. CHÚNG TA ĐANG CHẾT DẦN MÒN TRONG Ô NHIỄM
1. Ô nhiễm không khí không biết phân biệt giai cấp, không biết ngoại trừ theo bậc lương.
2. Những biệt thự rộng với vườn cây um tùm tuy có lợi thế nhất định, nhưng không thể xây bức tường lên tận trời cao để ngăn cách với không khí toàn thành phố. Cũng không ai có thể trốn mãi trong nhà mà không đi ra ngoài.
3. Ô nhiễm không khí trong những ngày gần đây tại Hà Nội đã vượt qua nhiều lần mức cho phép – ở mức xấu đến rất xấu cho sức khỏe toàn dân thủ đô. Thí dụ, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong tuần cuối tháng 11 năm 2019 thì có 6/7 ngày ở mức xấu và rất xấu. Cụ thể vào ngày 30/11/2019 chỉ số AQI đo được tại đường Phạm Văn Đồng là 172, (mức xấu), Đại Sứ Quán Pháp là 173, Đại sứ quấn Mỹ là 182, Sài Đồng là 196, và Hồ Tây là 216 (mức rất xấu).
4. Thế mà không thấy sự lo lắng của các vị lãnh đạo cao nhất thể hiện trước công chúng?
Vì hoặc là không nhìn thấy mối nguy hiểm của ô nhiễm môi trường, hoặc là vì bận việc khác mà không chú tâm đúng mức đến tính mệnh muôn dân. Cả 2 phía, nguyên do đến từ phía nào cũng đều là nỗi buồn chua chát.
5. Chúng ta đang chết vì ô nhiễm trước khi chết vì đói rét và bệnh tật.
II. DỪNG NHIỆT ĐIỆN THAN LÀ ĐIỀU BẮT BUỘC
1. Hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn mỗi năm, thải ra trên ba triệu tấn xỉ than hàng năm, với một lượng tro bay lớn gấp vài ba lần.
Trong quá trình đốt cháy than để sản xuất điện, khoảng 20% chất vô cơ không cháy và cả lượng than chưa cháy hết rơi xuống đáy lò gọi là xỉ than, khoảng 80% chất vô cơ không cháy còn lại sẽ bay theo khói lò thoát ra ngoài thành tro bay với khối lượng hàng triệu tấn mỗi năm. Đây là nhân tố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng vô cùng tai hại đến sức khỏe con người.
Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia, Việt Nam sẽ phát triển các nhà máy nhiệt điện than đến năm 2020 đạt tổng công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than. Đến năm 2025, tổng công suất khoảng 45.800 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, dự báo chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than. Sẽ xây dựng một số nhà máy nhiệt điện ở Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An… sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy lên đến 14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, và gần 35 triệu tấn tro đáy hàng năm vào năm 2030, cùng hàng chục triệu tấn tro bay.
Từ đó để thấy, trong sự ô nhiễm môi trường tệ hại như hôm nay, các nhà máy nhiệt điện than giữ một vai trò quyết định. Vì sự ô nhiễm nguy hiểm mà ở các nước phát triển đã dừng xây dựng nhiệt điện than từ lâu. Ngay cả Trung Quốc cũng đã dừng nhiệt điện than. Quy hoạch phát triển điện Việt Nam lấy nhiệt điện than làm trung tâm là quy hoạch đi ngược tiến bộ nhân loại.
2. Chính việc dừng nhiệt điện than ở Trung Quốc đã là nguồn cơn của sự gia tăng nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam. Nghĩa là, các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam hiện nay đang được nhập từ nguồn thải ra của Trung Quốc.
3. Các khoản tiền hoa hồng trao tay cực lớn của các nhà cung cấp Trung Quốc là phép màu chuyển nhiệt điện than từ Trung Quốc sang Việt Nam.
4. Không thể nhân nhượng thêm được nữa, Bộ Công Thương phải chấm dứt việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than.
5. Các Địa phương phải kiên quyết gạt bỏ các nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn của mình, bất chấp các quyết định của Bộ Công Thương.
III. SAO LẠI ĐỂ ĐIỆN MẶT TRỜI VÀ ĐIỆN GIÓ LÃNG PHÍ?
1. Phát triển nguồn năng lượng sạch – điện mặt trời, điện gió để thay thế cho nhiệt điện than, thủy điện là xu thế thời đại, vì sự sống còn của loài người.
2. Việt Nam là vùng lãnh thổ có ưu thế thuận lợi cho sự phát triển điện mặt trời và điện gió. Đó là nguồn năng lượng không bao giờ cạn cho Việt Nam.
3. Nếu có một kế hoạch phát triển đúng, thì trong vòng 2 thập niên nữa, điện mặt trời, điện gió sẽ ngự trị ở Việt Nam. Nguồn năng lượng sạch sẽ thay thế hoàn toàn cho nhiệt điện than, giúp không chỉ chấm dứt xây thêm các nhà máy thủy điện mà còn tạo điều kiện từng bước loại bỏ các đập tủy điện đang làm đảo lộn môi sinh tự nhiên.
4. Thế nhưng, thật trớ trêu, thay vì ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời thì ở Việt Nam đang xuất hiện các rào cản. Điện gió và điện mặt trời vừa mới manh nha phát triển đã bị các thế lực nhập nhiệt điện than từ nguồn sa thải của Trung Quốc tìm cách hạn chế.
Cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ép các nhà máy điện gió ở Bình Thuận cắt giảm công suất với lý do đường dây vận chuyển quá tải – buộc Hiệp hội Điện gió Bình Thuận phải làm đơn “kêu cứu” (https://dantri.com.vn/…/nhieu-du-an-bi-ep-cat-giam-cong-sua…).
5. Ở đây hiện ra 2 lỗi do con người của Bộ Công Thương.
Một là, trong trường hợp thực sự quá tải thì tập trung cắt giảm công suất từ các nhà máy nhiệt điện than, thủy điện rồi cuối cùng mới đến nguồn năng lượng sạch.
Hai là, Bộ Công Thương phải có kế hoạch phát tiển hệ thống truyền tải điện phù hợp với nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng cao, không để cho EVN độc quyền dẫn đến tình trạng lúc thừa lúc thiếu điện, và tùy tiện nâng giá thành điện lên cao.
Các lỗi ở trên là lỗi do con người. Các lỗi này hoàn toàn có thể xóa bỏ. Cuối cùng thì các lỗi trên chính là lỗi của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
1. Bộ Công Thương là cột sống của nền kinh tế Việt Nam. Đứng đầu Bộ Công Thương phải là một Bộ trưởng rất giỏi – không chỉ sáng láng về trí tuệ mà rất mạnh mẽ quyết đoán về tính cách. Người đứng đầu Bộ Công Thương phải là một Tướng chiến trường – có khả năng chỉ huy tại một mặt trận, nhưng cũng đồng thời thừa khả năng tổng chỉ huy ở tất cả các mặt trận.
2. Về tài năng, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể đủ để đảm đương cả vai trò của Thủ tướng Chính phủ khi cần thiết. Phải được như vậy thì Bộ Công Thương và cả nền kinh tế mới rơi đúng vào quỹ đạo.
3. Chừng nào Bộ Công Thương chưa có một bộ trưởng thực giỏi, thì chừng đó nền kinh tế Việt Nam sẽ còn èo oặt, lạc hậu – mãi là một nền kinh tế gia công manh múm. Trong nhiều hậu quả để lại, là môi trường Việt Nam còn mãi ô nhiễm.