Người bạn độc giả trẻ của cha tôi viếng tang lễ của ông

Dương Tự Lập

2-1-2020

Dương Quân, ký họa của Văn Cao

Ngày cha tôi mất, nhiều cơ quan báo chí Trung ương như Nhân Dân, Văn Nghệ, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, Hà Nội Mới, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Đài Phát Thanh Hà Nội, (trừ tờ Lao Động là cơ quan bản báo thì không nói) … cũng như bạn bè văn nghệ sĩ, đồng nghiệp, người thân, độc giả đến phúng viếng chia buồn dự tang lễ ông khá đông đủ, ấm cúng, tình người.

Có được sự đông đảo như vậy là vì báo chí trong Nam ngoài Bắc đều đăng tin buồn và ngày giờ cử hành lễ truy điệu tại nhà riêng. Người thì đem theo thẻ hương, bó hoa đến đặt trên bàn thờ thắp khấn ông. Người tới thắp hương rồi đặt phong bì lên ban. Người lại ghi sổ tang. Người đọc mấy lời cảm tưởng hoặc đọc thơ trước linh cữu ông… mỗi người bày tỏ cảm xúc, chia sẻ tình thương, xót xa ly biệt một vẻ khác nhau.

Có một người trai trẻ trên ba mươi, trạc tuổi anh trai tôi, tự xưng là một độc giả mến mộ thơ trào phúng của ông, cầm tờ giấy cuộn tròn trong tay, cúi đầu rẽ đám đông lặng lẽ đi thẳng đến bàn thờ cha tôi rút ba nén nhang thắp cho ông, xong rồi anh lùi lại mấy bước đứng sau quan tài trước di ảnh ông, giở tờ giấy ra đọc bài thơ anh viết. Chắc chắn anh là người miền Trung, giọng nói rõ ràng, trầm ấm, có lúc đanh thép. Cả không khí đám tang bỗng im phăng phắc.

Mẹ tôi chắp hai tay đứng run rẩy khóc chồng nhưng miệng cứ lẩm bẩm: Lạy giời lạy phật phù hộ cho chú ấy được bình yên. Trăm lạy, vạn lạy giời phật phù hộ cho chú ấy… Ý mẹ tôi cầu xin là khi ra khỏi nơi đây, trên đường trở về thì anh độc giả không quen biết đó đừng có bị sự cố gì, tai nạn bất trắc gì xảy ra.

Rất có thể lắm chứ, một tình huống xấu, tử nạn bất ngờ không biết chừng? Xe ô tô tông vào, giả côn đồ giở trò gây sự đánh vỡ đầu… Bởi vì thời điểm ấy, năm 1985 mà viết bài thơ như vậy, lại đọc to giữa thanh thiên bạch nhật cho đông đảo mọi người nghe thì vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Mọi con mắt đổ dồn về anh với sự kính phục lòng can đảm. Cha nằm đó hẳn người cũng mát dạ bởi có một độc giả như vậy.

Sau khi anh ấy đọc xong rồi đặt bài thơ trên nắp quan tài cha, mẹ tôi hai tay chắp trước ngực bước ra lạy tạ đáp lễ, trên mặt bà không giấu hết vẻ hoảng hồn. Bà rơm rớm ngước nhìn xung quanh xem có con mắt diều hâu cú vọ nào đó đang trà trộn rình rập anh chăng? Bởi bà hiểu rõ hơn ai hết, trong đám tang của chồng mình thế nào cũng có loại người xấu đứng xen lẫn theo dõi.

Chú Hoàng Nhật Tân, con trai cựu Ủy viên Bộ chính trị Hoàng Văn Hoan, nhà sử học đồng thời là một dịch giả nổi tiếng, là bạn để chỏm lại học cùng với cha tôi tự thuở chăn trâu đứng ra tổ chức tang lễ. Thay mặt mẹ tôi và gia đình, chú cúi đầu cảm tạ rồi đi đến đưa cánh tay lên vai anh vỗ vỗ vẻ thân mật như người nhà nói lái câu nói của Voltaire: “Những con người dũng cảm chết vẫn gặp nhau”.

Trong cảnh tang gia bối rối nên anh chị em tôi mắc khiếm khuyết không kịp hỏi địa chỉ gia đình anh. Sau này cứ lấy làm ân hận mãi.

Ngày đó, thế mà đã ba mươi nhăm năm rồi. Vật đổi sao dời, dòng đời ly loạn. Sau ngày cha mất một thời gian, tôi cũng như nhiều người của cái thời buổi điêu linh ấy bị cuốn theo đi trong cảnh trầm luân dâu bể của đất nước, với bao biến động đau thương kéo dài sang thế kỷ 21 này, mà cái kết cục không có hậu của nó vẫn chưa dừng lại và chưa biết tới bao giờ mới dừng lại, chừng nào còn chế độ độc tài cộng sản trị vì quê hương?

Ngót ba mươi năm lăn lộn ở đất Âu châu, xứ sở lạ lẫm quê người, cuối cùng rồi tôi cũng phải dừng chân tỵ nạn tại Munich – Cộng hòa Liên bang Đức. Anh trai tôi đã theo gót cha mẹ lánh cõi trần ai. Còn anh, người độc giả không quen biết đã đến chia buồn cùng với gia đình ngày cha tôi mất hồi ấy, bây giờ ra sao? Ở đâu? Phương trời nào? Sau khi từ đám tang cha tôi trở về anh có được vẹn toàn không?

Tôi thầm mong anh vẫn còn đâu đó trên cõi đời trần tục. Vẫn được bình an và có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Khi viết những dòng ân nghĩa này vào tiết trời giá lạnh đi về cuối năm của châu Âu, với lòng mong mỏi, hy vọng dù là mong manh, người ta vẫn sống bằng hy vọng đó thôi, chẳng may biết đâu đấy, nơi nào đấy, trên trái đất này, anh đọc được mấy lời trần tình trên đây thì đó chính là sự tri ân của những đứa con dòng họ Dương gởi lòng mình cảm tạ gửi đến anh. Mong lắm.

Thay mặt cha mẹ muôn quý ngàn yêu và người anh trai tài hoa đoản mệnh. Thay mặt các chị gái tôi, những người sinh ra không được may mắn lành lặn như bao người phụ nữ khác. Thay mặt em trai, đứa em út bất hạnh không có nhiều năm tháng được sống bên bố mẹ tôi chỉ vì cả một thời tuổi trẻ tha phương cầu thực đi kiếm bát cơm manh áo cứu đói cho gia đình. Tôi xin mạn phép được đưa lên đây bài thơ anh, bài thơ làm mát dạ vong hồn cha tôi theo tâm linh, bài thơ làm mẹ tôi hoảng hồn lo sợ cho anh không được bảo trọng, bài thơ gây chú ý cho mọi người có mặt trong tang lễ, với sự kính phục, lòng can đảm của anh, một độc giả chỉ quen biết cha tôi năm xưa qua những vần thơ với bao trân quý.

Kính Viếng Hương Hồn Chú Nhà Thơ Trào Phúng Dương Quân

Chốn trần tục sống không lụy tục
Vĩnh biệt rồi! Ấm ức còn chăng
Chú ơi! Về chốn vĩnh hằng
Có còn không nỗi bất bằng trần ai?
Cười chi trong giấc ngủ dài
Hay còn khắc khoải nỗi đời chua cay?
Vội vàng chi ruổi xe mây
Thế gian còn lắm trò hay chú tề:
“Lợn lên sân khấu làm hề
Phượng hoàng xếp cánh lui về thảo trang
Nơi đâu hạc nội mây ngàn
Mà đây xú uế ngập tràn thâm cung!”

Xa xôi cách nẻo khơi chừng
Chú đi, để những bâng khuâng cho đời
Một bầu tâm sự đầy vơi
Nước non, non nước bao lời tri âm!

Cháu: Hoàng Nguyên Ninh – khóc chú
Hà Nội, ngày 3/7/1985

Munich – Germany

2/1/2020

Bình Luận từ Facebook