Ấn Độ: Biểu tình lớn và thời khắc đen tối cho dân chủ

Mai V. Phạm

21-12-2019

Không khoan dung là biểu hiện của tình trạng bạo lực và cản trở phát triển tinh thần dân chủ thực sự” – Mahatma Gandhi

Trong tuần vừa qua, tại Ấn Độ đã diễn ra các cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối Luật Quốc tịch cải cách (Citizenship Amendment Act) đầy tranh cãi. Đạo luật Quốc tịch năm 1955 không đề cập đến tôn giáo như một quy định bắt buộc để nhập tịch. Tuy nhiên, đạo luật cải cách cho phép hầu hết thành phần tị nạn và di dân đang đối mặt với bách hại ở Pakistan, Afghanistan, hoặc Bangladesh đến Ấn Độ trước năm 2015, được nhập tịch, ngoại trừ thành phần theo đạo Hồi. Nghĩa là, ai cũng có thể trở thành công dân Ấn, ngoại trừ người theo đạo Hồi.

Biểu tình phản đối đạo luật cải cách

Các cuộc biểu tình phản đối luật sửa đổi lan rộng nhất kể từ khi thủ tướng Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata Party (BJP) lên cầm quyền vào năm 2014. Đảng BJP có thâm niên bênh vực đạo Hindus – tôn giáo chính của Ấn Độ, trong khi có các bình luận bạo lực chống lại đạo Hồi.

Trong các cuộc biểu tình khoảng 10 ngày qua, đã có ít nhất 8 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, và hàng ngàn người bị bắt giữ. Nhiều sinh viên đại học đã bị cảnh sát đánh đập và bắt giữ tại New Delhi. Anh Abdulla, một sinh viên tại đại học Jamia Millia Islamia đã bị cảnh sát Ấn đánh đập rất tàn nhẫn trong một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, mặc dù anh không tham gia biểu tình, mà chỉ bảo vệ bạn trước sự hung hăng của cảnh sát. Một sinh viên cho tạp chí TIME biết, anh đang học bài trong thư viện thì cảnh sát ập đến đánh anh đến bất tỉnh. Còn anh Mohammad Minhajuddin cho biết, đang học bài trong thư viện thì bị cảnh sát ập đến đánh đập đến nỗi một bên mắt mất thị lực.

Trong số những người bị bắt giữ là các trí thức, tiêu biểu như nhà bình luận chính trị nổi tiếng Yogendra Yadav, nhà hoạt động xã hội và chính trị gia đối lập Umar Khalid, và sử gia nổi tiếng Ramachandra Guha, là người viết tiểu sử cho nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng Mohandas K. Gandhi. Một đoạn video quay lại cảnh ông Guha đang nói chuyện với một phóng viên trong cuộc biểu tình tại Bangalore, thì 3 cảnh sát cầm gậy tiến đến và kéo ông ta đi.

Để đối phó với các cuộc biểu tình ôn hòa, chính phủ Ấn Độ đã cấm các cuộc tụ họp ở một số khu vực công cộng, đóng đường, khóa Internet, và bắt giữ những người tham gia biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên, theo Reuters, hàng chục ngàn người Ấn vẫn tiếp tục xuống đường ở Uttar Pradesh, Bangalore, Hyderabad, Patna, Chandigarh, Delhi, và tại các thành phố khác. Các tổ chức xã hội dân sự, các đảng đối lập, sinh viên, nhà hoạt động, và thường dân đã kêu gọi nhiều người tham gia ôn hòa thông qua Instagram và Twitter.

Báo Washington Post gọi đạo luật cải cách này là “bước ngoặt có thể đưa tới chủ nghĩa chuyên chế” và ban biên tập New York Times gọi luật này là “phân biệt đối xử và đe dọa đối với nền dân chủ Ấn Độ”.

Luật sửa đổi đi ngược lại các giá trị dân chủ và vi phạm Công ước quốc tế

Phân biệt đối xử với nhóm thiểu số vì họ khác chủng tộc, tôn giáo, hay sắc tộc, là một bước lùi đối với văn minh và đạo đức. Lịch sử thế giới đã có những ví dụ đau thương, đẫm máu về các trường hợp đối xử tàn ác với các nhóm thiểu số dựa trên chủng tộc và tôn giáo. Chẳng hạn như sự căm ghét có phần sợ hãi của lãnh đạo độc tài Hitler với người Do Thái đã dẫn đến hàng triệu cái chết kinh hoàng.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đe dọa cấm vận Ấn Độ bởi luật sửa đổi này “đặt ra một tiêu chí pháp lý cho quyền công dân dựa trên tôn giáo. Luật sửa đổi là một ngã rẽ nguy hiểm sai lệch; đi ngược lại với lịch sử phong phú của Ấn Độ về đa nguyên và Hiến pháp, vốn bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật bất kể niềm tin tôn giáo nào”.

Một số bênh vực chính phủ Ấn Độ cho rằng, đạo luật sửa đổi này chỉ áp dụng với di dân trái phép, không phải công dân Ấn Độ. Tuy nhiên, như giáo sư Niraja Gopal Jayal tại Trung tâm Nghiên cứu Luật nêu rõ: “Những người lập luận như thế sẽ phải thừa nhận rằng không phải tất cả những người di cư trái phép đều được đối xử bình đẳng. Chỉ có nhóm di cư Hồi giáo là những người sẽ bị loại khỏi luật sửa đổi này. Còn những người khác lại được trao quyền công dân nhanh chóng”. Phải chăng, trong ánh mắt chính phủ Ấn Độ, những di dân đạo Hồi không phải là con người, nên không xứng đáng được hưởng quyền bình đẳng. Điều này là một vi phạm đạo đức bởi di dân, bất chấp tình trạng pháp lý, đều có nhân quyền được Liên Hiệp quốc công nhận như công dân của các quốc gia.

Ông Jeremy Laurence, đại diện phụ trách về nhân quyền của Liên Hiệp quốc, kêu gọi Ấn Độ hủy bỏ luật sửa đổi và nêu rõ: “Luật sửa đổi dường như làm suy yếu cam kết bình đẳng trước pháp luật được quy định trong hiến pháp Ấn Độ và nghĩa vụ ràng buộc của Ấn Độ theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và Công ước xóa bỏ phân biệt chủng tộc, mà Ấn Độ là quốc gia thành viên”.

Tương tự, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Nam Á, Meenakshi Ganguly, cho biết: “Chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng luật quốc tịch nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo nghe rất giả dối khi loại trừ người Hồi giáo… Đạo luật sử dụng ngôn ngữ của tị nạn và trú ẩn, nhưng lại phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Cụ thể, Điều 2, Công ước Quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức không khoan dung và phân biệt đối xử về tôn giáo năm 1981, quy định: “Không một ai sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử bởi bất kỳ nhà nước, cơ quan, các tổ chức, hoặc cá nhân nào, dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng”. Công ước nêu rõ “không một ai”, chứ không phải “không một công dân nào”.

Tương tự, Điều 2, Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị, quy định: “Mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác”. Nghĩa là, với tư cách là thành viên của Công ước này, Ấn Độ không nên có các điều luật bất công, nhằm chống lại duy nhất một nhóm thiểu số dựa trên tôn giáo.

Hơn nữa, theo luật sửa đổi, một đứa trẻ được sinh ra bởi người nhập cư trái phép theo đạo Hindu, đến ở Ấn Độ sau năm 2003 sẽ đủ điều kiện nhập quốc tịch. Tuy nhiên, đặc quyền tương tự này sẽ không dành cho đứa trẻ có cha mẹ là người nhập cư theo đạo Hồi. Sự đối xử khác biệt này rất nhẫn tâm bởi trẻ em khi được sinh ra không có quyền lựa chọn tôn giáo cho mình. Đặc biệt ở các nước châu Á, trẻ em càng không có tự do để từ bỏ tôn giáo mà cha mẹ mình đã truyền. Chỉ vì sinh ra trong một gia đình đạo Hồi mà bị tước đoạt hết nhân quyền thì thật đáng thương.

Luật này cũng làm suy yếu tinh đa nguyên của Ấn Độ. Tinh thần đa nguyên – một trong những trụ cột nền tảng của dân chủ – đối xử công bằng với mọi tổ chức và các nhóm thiểu số. Một xã hội không thể được gọi là dân chủ, nếu nó cho phép phần lớn dân số đàn áp và khinh miệt thiểu số. Một đất nước dân chủ thực sự sẽ có pháp luật để bảo vệ quyền của nhóm thiểu số. Bởi thế, đông đảo người Ấn không theo đạo Hồi cho rằng, luật sửa đổi vi phạm cam kết lâu dài của Ấn Độ về bình đẳng tôn giáo.

Luật sửa đổi này chắc chắn thỏa lòng những ai theo chủ nghĩa dân tộc và căm ghét di dân. Cũng nên biết, các lãnh đạo độc tài chuyên chế thường núp dưới danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc để gây chia rẽ và tạo ra sự thù ghét, nhằm duy trì quyền lực. Tuy nhiên, phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo đi ngược lại với các giá trị nền tảng của dân chủ: bao dung (tolerance), bình đẳng (equality), và hòa giải (reconcilation). Biểu tượng đấu tranh bất bạo động nổi tiếng của Ấn Độ, Mahatma Gandhi, nhấn mạnh: “Không khoan dung là biểu hiện của tình trạng bạo lực và cản trở phát triển tinh thần dân chủ thực sự”.

Các cuộc biểu tình rầm rộ trong tuần qua tại nhiều thành phố lớn ở Ấn Độ, với sự tham gia của đông đảo sinh viên và trí thức theo đạo Hindu, cho thế giới thấy tinh thần bao dung và đa nguyên của họ. Ngược lại, đóng đường, áp dụng giờ giới nghiêm, đóng Internet, đánh đập người biểu tình, và bắt bớ giới trí thức phản đối ôn hòa, phần nào cho thế giới thấy, chính phủ Ấn Độ không chấp nhận bất đồng chính kiến. Đóng cửa Internet để dập tắt làn sóng phản đối đã được Ấn Độ – một quốc gia dân chủ – sử dụng nhiều hơn bất kỳ quốc gia độc tài nào khác trên thế giới.

Sử gia Ramachandra Guha, người viết tiểu sử cho nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng Mohandas Gandhi, đã viết: “Do không có bất kỳ đối lập đáng tin cậy nào đối với đảng BJP, bầu không khí sợ hãi trong các nhóm tôn giáo thiểu số và các cuộc tấn công vào tự do báo chí, nên chúng tôi hiện chỉ ở mức dân chủ 40-60”. Các phản ứng đậm chất độc tài của chính phủ trước các cuộc biểu tình ôn hòa đang khiến nhiều người dân Ấn lo sợ cho nền dân chủ của họ, trong đó tồn tại mối lo ngại rằng “nền dân chủ lớn nhất thế giới đang hướng về chủ nghĩa phát xít thời hiện đại”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Trump’ way” đã lan truyền qua Anh quốc giờ qua Ấn Độ….chủ nghĩa toàn cầu trong tương lai có thể phá sản…

  2. biểu tình là tốt cho Dân Chủ chứ sao gọi là đen tối ???
    Im lặng như VN mới gọi là đen tối cho Dân Chủ. Chẳng ai dám biểu tình
    Không nên lạm dụng từ ngữ.

Comments are closed.