Tận cùng của sự khốn nạn

Đỗ Duy Ngọc

9-12-2019

Nhiều khi đọc tin trên báo, nghe tin trên đài nhà nước mà không tin được. Sao con người Việt thời nay có thể táng tận lương tâm, tàn nhẫn và khốn nạn đến thế? Người đi xét nghiệm là người đi tìm bệnh để chữa, là người có bệnh xem bệnh mình tiến triển hay đã bớt được phần nào. Người thầy thuốc căn cứ vào đấy để đưa ra phác đồ điều trị.

Ở đây lại là hàng ngàn que thử bệnh HIV và Viêm gan siêu vi B, hai căn bệnh giết người không khác gì bệnh Ung thư, nếu sai lệch thì hậu quả khủng khiếp thế nào?

Tất cả đều gắn với sinh mệnh của một con người, hàng trăm, hàng ngàn con người, thế mà người ta cũng tìm cách để kiếm ăn trên nỗi sống chết, bệnh tật của đồng bào mình. Khi nhà sản xuất làm ra que thử, họ đã tính đúng, tính đủ liều lượng cần thiết để đưa đến kết quả chính xác nhất. Thế mà nỡ lòng nào, vì đồng tiền, những người được khoác cho cái tên mỹ miều “Thiên thần áo trắng” “Từ mẫu” lại biến thành ác quỷ, chẻ đôi que thử để có thể thu lợi nhuận gấp đôi? Và thế thì kết quả ấy làm sao mà chính xác. Người bệnh tiền mất, tật mang.

Họ không xứng đáng để làm người bình thường nữa chứ đừng nói đến người khoác áo blouse trắng. Vì đâu nên nỗi, vì sao mà con người thời đại này bất chấp cả lương tri và đạo đức? Vì nghèo ư? Xã hội Việt Nam đã trải qua bao nhiêu giai đoạn đói nghèo, thiếu thốn hơn bây giờ nhiều lần, mà có bao giờ khốn nạn đến thế này đâu? Thế giới cũng có biết bao nhiêu nước nghèo, nghèo và thiếu còn hơn ta nhiều lần nhưng có sản sinh ra giống người như thế này đâu?

Thế thì đừng đổ tội cho nghèo đói. Khi con người không chừa một thủ đoạn nào, kể cả cách khốn nạn nhất để thu lợi cho mình, khi đó không còn nhân tính và họ còn tệ hơn thú vật. Con thú còn biết thương xót đồng loại, nên khi họ đánh mất lương tâm, họ không được quyền đứng ngang hàng với con vật. Chẻ đôi que thử, trộn máu bốn người vào chung một ống nghiệm để ăn chênh lệch, sao họ có thể nghĩ ra điều ấy nhỉ? Chỉ cần nghĩ đến đó đã thấy rùng mình cho sự nhẫn tâm của con người. Xét nghiệm cũng với giá không rẻ, lợi nhuận thu được từ việc làm dã man ấy cũng không hề nhỏ. Những đồng tiền họ chia nhau ấy khi họ cầm trong tay họ có vui, có mừng, có hạnh phúc không? Chắc họ chẳng áy náy gì, vì đối với họ, họ chỉ biết có đồng tiền.

Cơ quan nào, tổ chức nào cũng Đảng uỷ, có chi bộ, có Đoàn Thanh niên, có Công đoàn, có Hội Phụ nữ… tất tần tật đoàn thể, nhưng tất cả toa rập nhau để làm điều mờ ám, để chia chác. Người ta bảo: “Một người càng xem trọng tiền bạc thì càng dễ đánh mất đi nội tâm của mình”. Ở đây chúng chẳng cần nội tâm, chả cần đạo đức, ném lương tâm cho chó ăn, bán lương tri cho quỷ dữ, tất cả chỉ cần có tiền.

Chính xã hội, nền giáo dục đã dạy họ chỉ biết vật chất và lợi nhuận mà đánh mất lương tri. Thấy người ta giàu, mình cũng phải tìm mọi cách để làm giàu. Và họ sẵn sàng làm tất cả, xã hội đầy dẫy ác quỷ đội lốt. Từ xưa, trong truyền thống đạo lý của người Việt, cái đức là quan trọng. Làm gì thì làm phải giữ lấy cái đức, để Đức lưu quang, sáng mãi. Bởi giàu mà thiếu đức thì chẳng bền, gia đình thiếu đức thì lụn bại, dòng họ mà không có đức thì tuyệt tự, tan rã.

Thế nhưng, thời đại đã khác xưa, đồng tiền ngự trị tất cả, từ giáo dục cho đến văn hoá, chỉ đề cao đồng tiền. Trong cuộc sống, kẻ có tiền sẽ được kính nể, trọng vọng dù đồng tiền đó dơ bẩn và vô nhân như thế nào. Người có trí tuệ, có tâm hồn, có nhân tính lạc lõng và bị khinh miệt vì không hợp thời, vì nghèo, không biết tận dụng thời cơ, họ trở thành thiểu số, ngơ ngác trước vòng quay của kim tiền.

Và thế là mạnh ai nấy ăn, cấp cao ăn lớn, cấp nhỏ ăn nhỏ, ngành nghề nào cũng kiếm cách để kiếm chác và cuối cùng, nạn nhân là đám dân nghèo, bị bóc lột đến tận xương tuỷ và bị lừa dối đến đồng bạc cuối cùng. Đất nước nát tan không ngóc đầu lên nổi. Giữ rừng ăn rừng, giữ đất bán đất, giữ biển bán biển, xây cất, cấp dự án, ký quyết định đều được lại quả, mua quan, bán tước, đến hài cốt liệt sĩ cũng ăn, xây cầu tiêu cho học sinh cũng đớp… hết nói nổi rồi! Ở đất nước này còn bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu phòng xét nghiệm áp dụng kiểu này, chắc chắn không phải chỉ có riêng ở bệnh viện Saint Paul? Thế thì chết rồi!

Có muốn kêu gào cũng chẳng biết kêu ai vì luật pháp cũng đang bị đồng tiền sai khiến, kêu đến thần linh, Chúa, Phật thì những đấng thiêng liêng ấy đã chán nản mà bỏ chùa, bỏ nhà thờ mà đi mất rồi. Xã hội chỉ còn lũ lọc lừa thì còn biết bám vào đâu để tin?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Sợ rằng có thể tôi sai nhưng xin được nói lên suy nghĩ của mình : ngay ngành giáo dục từ buổi đầu đã sai khi đẻ ra việc đào tạo người thầy bằng phong trào 7+1;7+2;7+3 mà 7 là trình độ học bổ túc đến ngang lớp 7,còn + 1;+2;+3 là 1 tháng;2 tháng ,3 tháng .Về sau thì +1;+2;+3 là 1 năm,2 năm ,3 năm. Những năm gần đây đã chấms dứt 7+ ( phải tốt nghiệp phổ thông rồi học đại học mới ra làm giáo viên).
    => giáo dục quan trọng -mà người thầy người ta conf “sáng tạo”như thế thì có gì mà người ta không dám làm?

  2. Nếu không có ai bị cách chức trong vụ này thì nền y tế Việt Nam coi như hết cứu.

    Về tính bần tiện của người Việt, nhiều người đã và sẽ còn nói tới. Ở đây tôi muốn chỉ ra khía cạnh tiêu tốn nguồn lực xã hội của cái tiểu xảo tưởng là tiết kiệm này. Theo một bài mới đây, bệnh viện sẽ yêu cầu cả bốn bệnh nhân có bốn nửa que thử trộn chung(!) xét nghiệm dương tính, đi thử lại để tìm ra người nào trong số họ mắc bệnh. Việc này dẫn đến: 1) lo lắng cho cả bốn, 2) mất thì giờ cho cả bốn.

    Hiện chưa có thống kê nào cho biết bao nhiêu phần trăm số người đi thử nghiệm mắc bệnh, nhưng ta có thể chắc chắn tỉ lệ đó cao hơn hẳn tỉ lệ mắc bệnh trên dân số nói chung — vì người mạnh khỏe không ai tự dưng đi làm thử nghiệm. Những thiệt hại về thì giờ, công việc bị xáo trộn, tâm lý hoang mang tuy khó đo đếm nhưng sẽ không hề nhỏ. Đây là thiệt hại cho toàn xã hội, và những kẻ thi hành thứ tiểu xảo này nên bị truy tố hình sự.

  3. Đúng thế, vì đây là một thời đại LÚ rực rỡ và cũng là khốn nạn kinh hoàng nhất lịch sử bốn ngàn năm Đại Việt do một bầy đàn rừng rú tạo dựng bởi chiếm đoạt. Cũng chính là kết quả thứ tà giáo mác lê mao hồ hủy diệt.

  4. Qua những bài phân tích về kinh tế của TS Phạm Chí Dũng trước đây thì tình hình ngân sách nhà nước sắp cạn kiệt ( vì vậy mà định thu thuế cả những người bán trà đá, chạy xe ôm, những người mua gánh, bán mẹt ) . “Tối kiến” của bọn bác sĩ, y tá , điều dưỡng nghĩ ra cái trò chẻ đôi que thử, hòa chung máu bốn bệnh nhân để cho ra một kết quả để ăn chênh lệch ấy thật siêu . Đề nghị cho chúng nó về làm chuyên viên cao cấp của
    TT CP thì chắc sẽ đem lại không biết bao nhiều là tiền cho ngân sách quốc gia .

Comments are closed.