Trung Nguyễn
9-12-2019
Lại một ngày Nhân quyền Phổ quát 10/12 nữa tới, đánh dấu thêm một năm nữa trôi qua, người dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng các quyền đương nhiên của con người mà cộng đồng quốc tế đã công nhận.
Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát này đã được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1948, nghĩa là đã 71 năm trôi qua. Tuy vậy, các nhà vận động và bảo vệ cho sự tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn bị đàn áp, bị lăng nhục thậm tệ bởi nhà cầm quyền cộng sản.
Cách dịch đã thể hiện sự mị dân
Ngay cách dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt của nhà cầm quyền trên báo chí trong nước đã cho thấy sự mị dân. Nguyên nghĩa tiếng Anh là “Universal Declaration of Human Rights”. Chữ “universal” ở đây nghĩa là “phổ quát”, áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, chính kiến,…
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhà cầm quyền đã cố tình bóp méo thành “universal” thành “quốc tế” (international), với hàm ý sâu xa là các quyền đó chỉ dành cho những người dân “quốc tế” nào đó chứ không phải ở ngay Việt Nam. Và từ đó các ngụy biện của nhà cầm quyền cứ tiếp nối nhau, cho rằng ở Việt Nam có những “đặc thù” riêng, không thể có quyền con người như ở các nước khác.
Do đó, tôi đề nghị bản thân người dân Việt Nam khi viết bài hay phát biểu về Tuyên ngôn này của Liên Hiệp Quốc, cần dịch chính xác ngữ nghĩa tên của bản Tuyên ngôn là “Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền”, không sử dụng cách dịch không chính xác “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” nữa. Đó cũng là để nhà cầm quyền thấy rõ họ không thể lừa mị người dân mãi được về vấn đề nhân quyền.
Một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam là Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường đã dịch đúng tên của bản Tuyên ngôn và đã làm sách pdf song ngữ Anh – Việt có minh họa rất sinh động. Đó là nỗ lực rất đáng ghi nhận của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam trong việc phổ biến cho người dân Việt Nam biết các quyền con người của mình.
Rất nhiều quyền con người chưa có ở Việt Nam
Đã có rất nhiều bài viết chỉ ra sự ngụy biện của nhà cầm quyền khi tuyên bố bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam. Ở đây tôi chỉ ra một vài quyền con người rất quan trọng mà bản thân đảng viên đảng cộng sản cầm quyền còn chưa có. Như thế để biết rằng, quyền con người cho những công-dân-không-cộng-sản ở Việt Nam còn bị đàn áp đến thế nào.
Thứ nhất, người dân Việt Nam chưa có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Đây là quyền vô cùng quan trọng vì bản thân Hồ Chí Minh đã nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Việc nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cấm báo chí tư nhân, bắt các tờ báo đang hiện hữu phải có “cơ quan chủ quản” là chuyện vi phạm nhân quyền rất rõ ràng.
Đáng nói hơn là chính ông Lê Doãn Hợp, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, mới đây đã viết trên Vietnamnet động viên cán bộ cộng sản “dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói”. Tức là bản thân đảng viên cộng sản cũng không dám nói thật những gì họ nghĩ. Đảng cầm quyền đã trở thành độc tài, hủ bại đến mức bản thân đảng viên của đảng còn không dám nói thật, thế thì còn mong gì người dân Việt Nam có thể mở miệng ra nói thật mà không sợ hãi?
Thứ hai, việc bảo đảm nhân quyền cho người dân chỉ có thể làm được trong thể chế dân chủ, nghĩa là người lãnh đạo quốc gia phải do dân bầu ra. Tuy nhiên, cũng chính trong bài viết của ông Lê Doãn Hợp, ông đã đề nghị: “Cần sớm có cơ chế thực hiện tranh cử trong Đảng, người tài mới dễ xuất hiện và có đủ thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lựa chọn để bầu”.
Như thế bản thân ông Lê Doãn Hợp cũng cho thấy những quyền bầu cử, bỏ phiếu trong đảng cộng sản là giả dối. Tất nhiên là những cuộc bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội của người dân càng giả dối hơn. Một chính quyền không do dân bầu ra là một chính quyền độc tài. Đó là chuyện rất rõ ràng và logic. Không bao giờ một chính quyền độc tài lại đi tôn trọng quyền con người, quyền của người dân, vì như vậy giới cai trị sẽ mất hết đặc quyền, đặc lợi.
Thế lực thù địch là ai?
Trong bài phát biểu mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Quân chính Toàn quân, khi nhắc đến biển Đông, ông Phúc cũng hoàn toàn không có một lời động đến kẻ thù đang xâm lược đất nước Việt Nam là đảng Cộng sản Trung Quốc, mặc dù Cộng sản Trung Quốc đang chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong khi đó, ông Phúc lại khen ngợi quân đội: “Trước những thời điểm phức tạp, nhạy cảm về an ninh nội địa, quân đội đã phối hợp chặt chẽ với công an và các lực lượng khác, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu kích động, gây rối, biểu tình, bạo loạn của các thế lực thù địch”.
Bản thân ông Phúc hoàn toàn không hiểu về Hiến pháp và luật pháp mới có thể cho rằng, “biểu tình” là “âm mưu” của các “thế lực thù địch”. Trong khi biểu tình là quyền của công dân đã được chính đảng cộng sản quy định trong Hiến pháp 2013.
Đọc diễn văn của ông Phúc hay của bất kỳ một nhà cai trị cộng sản nào khác, họ luôn nhắc nhở nhau phải cảnh giác về “thế lực thù địch”. Có thể nói họ nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch”. Thực ra, khi lựa chọn chế độ độc tài bóp nghẹt quyền con người của người dân, họ đã chọn con đường trở thành “thế lực thù địch” của nhân dân. Và từ đó, họ nhìn ngược lại dân là “thế lực thù địch” của họ.
Nếu chế độ cộng sản chuyên chính thực sự bảo đảm các quyền của dân thì người dân đã bảo vệ chế độ chứ họ không việc gì phải luôn lo lắng mà “quán triệt” công an, quân đội rằng “không được để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống” vì sợ dân bất ngờ biểu tình lật đổ chế độ.
Ngay ngày 13/10/2019 vừa qua, chính Tổng bí thư đảng Cộng sản – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Trung ương 11 của đảng cộng sản đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Tức là giới lãnh đạo cộng sản thừa biết họ đã đánh mất sự tin tưởng, thương yêu và quý trọng của nhân dân từ lâu. Và bây giờ họ đang cố sức để người dân tin họ lần nữa, sau bao nhiêu lần người dân bị lừa từ năm 1945 tới giờ.
Sự giả dối, gian trá của đảng cộng sản nổi tiếng trên toàn thế giới đến nỗi một quan chức cộng sản về hưu là ông Đặng Hùng Võ đã viết bài nhận định công khai về Luật nhà ở và Luật đất đai như sau:
“Tôi tin rằng việc tiếp cận nhà ở và đất ở của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn chưa đạt được điều mà Nhà nước ta mong muốn đã được thể hiện tại Luật Nhà ở 2014. Việc cần làm là sửa đổi gấp Luật Đất đai 2013 sao cho đồng bộ về chính sách này, để người nước ngoài thấy ta [tức đảng cộng sản Việt Nam] đổi mới là thực lòng, không phải ta đang giăng bẫy“.
Giải pháp dân chủ hóa
Từ đó để thấy rằng giới cai trị cộng sản thừa biết họ đã lừa dối dân quá nhiều, đã tước đoạt quyền con người của dân quá lâu, đã hoàn toàn mất lòng dân. Ngay cả người nước ngoài còn không coi luật pháp cộng sản là thứ gì đáng tin cậy.
Ông Nguyễn Xuân Phúc gần đây liên tục nhắc tới “cải cách thể chế”. Còn ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa 11, cựu phó ban Tuyên giáo Trung ương, thì phát biểu thẳng thắn trên “đài địch” RFI rằng: “… phải tiếp tục dân chủ hóa. Và chỉ có dân chủ mới tập hợp được cả dân tộc này để bảo vệ Tổ quốc và phát triển quốc gia. Dân chủ quan trọng như vậy đó, vừa là bản chất của một chế độ tốt đẹp, vừa là sức mạnh của dân tộc để giữ nước được trường tồn, vừa để phát triển tiến lên”.
Cả ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vũ Ngọc Hoàng đều không dám đào sâu nội hàm của “cải cách thể chế” và “dân chủ hóa” là gì. Tuy nhiên, chỉ cần hiểu theo đúng nghĩa đen là phải cải cách chế độ chính trị độc đảng toàn trị thành một chế độ dân chủ, nghĩa là dân phải được bầu ra lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do, công bằng, nhiều đảng tham dự. Đó cũng là quyền con người theo điều 21 của Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Nếu không làm được như vậy thì trước sau gì người dân cũng sẽ phải lật đổ ách cai trị của đảng cộng sản để thiết lập nên một chế độ dân chủ, thực sự tôn trọng quyền con người của dân. Chính phủ dân chủ mới có thể đoàn kết dân tộc, bảo vệ quyền con người và bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Đúng là nhìn thấu tim đen, xuyên suốt miệng lưỡi các lãnh đạo chóp bu của đảng (ta).
Trong miệng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tuyên bố “quân đội đã phối hợp chặt chẽ với công an” còn một khúc xương to tổ chảng. Đó là nguyên tắc quân đội chỉ dùng để đối phó với đe dọa chủ quyền quốc gia, không dùng để đối đầu với người dân. Một lãnh đạo dân sự lên lớp quân đội đã là trật chìa, lại còn nói bậy — chắc do ẩn dụ “đầu tàu cả nước” không áp dụng trong trường hợp quân đội, cho nên thủ tướng quơ đại quân đội thành một nắm với công an, chứ trên thực tế chưa chắc có anh quân đội nào chịu “phối hợp chặt chẽ” với công an.