Hồ sơ tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 5: Chỉ cần lời nhận tội, không cần nhân chứng

Báo Sạch

Hùng Hoàng

4-12-2019

Tiếp theo kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89” — Kỳ 2: Chứng cứ ngụy tạo, hung khí đi mua — Kỳ 3: Lúc nhận tội, lúc kêu oan (!?) — Kỳ 4: Muôn cách bôi bẩn nhân thân

Luật sư Nguyễn Văn Đạt. Ảnh: internet

Luật sư Nguyễn Văn Đạt, luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải xuyên suốt từ sơ thẩm đến phúc thẩm và cả giai đoạn khiếu nại kêu oan sau phúc thẩm đã trao đổi thẳng thắn với báo chí trên tinh thần cải cách tư pháp, góp phần tác động tinh thần dân chủ, công bằng và tranh biện trong hoạt động tố tụng.

Ông cho rằng: các thẩm phán chỉ căn cứ theo lời khai nhận tội của Hải để kết luận, không cần nhân chứng để xem xét các nghi vấn, mâu thuẫn…

PV: Thưa luật sư, trong vụ án này nói chung và trong phiên phúc thẩm nói riêng ông có gặp thuận lợi và khó khăn gì trong hoạt động nghề nghiệp, bào chữa cho Hồ Duy Hải?

– Luật sư Nguyễn Văn Đạt: Thứ nhất là việc luật sư được tiếp xúc với bị can trong giai đoạn điều tra, dù đã luật đã quy định, thế nhưng vì nhiều lý do nên vẫn rất khó khăn. Mặc dù được gia đình Hồ Duy Hải mời bào chữa từ giai đoạn điều tra, tôi và gia đình Hải đã nhiều lần đăng ký với các cơ quan tố tụng nhưng mãi đến trước khi có cáo trạng, tôi mới được gặp Hải lần đầu và được nghe Hải kêu oan.

Thứ hai, ngay trong phiên tòa sơ thẩm tôi không được tiếp xúc với Hải! Mặc dù đây là quyền của bị cáo và luật sư và tôi đã xin phép hội đồng xét xử. Thứ ba là tòa sơ thẩm đã không chuyển cho tôi bản án theo đúng luật, làm hạn chế việc hỗ trợ pháp lý cho Hải trong việc kháng cáo.

Trong phiên tòa, những nội dung bào chữa của luật sư đã không được được viện kiểm sát và hội đồng xét xử xem xét, tranh luận và ghi nhận đầy đủ. Đây không phải là khó khăn riêng cho luật sư mà còn là thiệt thòi cho bị cáo. Ngay trong phiên tòa phúc thẩm, tôi cũng không được tiếp xúc với Hải trong lúc giải lao.

PV: Được biết, mỗi luật sư có 1 chiến lược, chiến thuật bào chữa khác nhau. Luật sư có thể cho biết ông có “chiêu bài” gì khi bào chữa cho Hồ Duy Hải?

– Mỗi người có một quan niệm, phương pháp khác nhau, riêng tôi, tôi chọn phương pháp công khai, chủ động cho cả 2 bên. Trước phiên xử tôi đã gởi bài bào chữa nêu đầy đủ quan điểm của mình đến từng thành viên hội đồng xét xử hy vọng là các thành viên này có thời gian xem xét nghiên cứu. Bản bào chữa này nêu 43 điểm còn mâu thuẫn, vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố xét xử trước đó.

Nhưng tình cờ mấy ngày trước phiên xử, tôi được nghe 1 thẩm phán – thành viên hội đồng xét xử, nói rằng: “Vụ đó rõ rồi, bị cáo đã nhận tội rồi!”. E ngại vụ án sẽ bị xét xử theo thiên kiến chủ quan là bị cáo đã nhận tội tức là đã phạm tội, tôi đã soạn thêm 1 văn bản tóm tắt nhấn mạnh 9 điểm mâu thuẫn chủ yếu quan trọng trong hồ sơ vụ án như: Không có chứng cứ xác định giờ chết của các nạn nhân thì không đủ căn cứ quy kết về thời gian gây án mà bị cáo Hải sử dụng.

Dấu vân tay thu tại hiện trường (cửa kính, vòi nước, tường…) không trùng với “dấu” vân tay của bị cáo Hải. Tang vật quan trọng của vụ án là con dao và cái thớt gỗ thì không thu giữ được. Các dấu vết trên thi thể không phù hợp với hung khí gây án: thớt đập vào mặt bầm tím mắt, rách da, dập môi, sưng cằm… nhưng mũi (phần nhô cao nhất của mặt) lại không bị thương tích.

Kết luận giám định khẳng định: trong thành phần tàn tro thu giữ “không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card”, nhưng cáo trạng lại cho là phù hợp. Các biên bản nhận dạng không người chứng kiến. Sửa chữa nghiêm trọng lời khai nhân chứng Hiếu cho phù hợp chiều dài con dao (BL197).

Theo tôi, chỉ cần làm rõ 1 trong những yếu tố đó, đủ để tuyên Hải không phạm tội! Trước ngày xét xử, tôi đã gởi bản tóm tắt này cho chủ tọa phiên tòa và kêu gọi lương tâm của ông xem xét vụ án khách quan. Nhưng tiếc rằng…

PV: Thưa luật sư, trong bản bào chữa 43 điểm của ông, cũng như trong bản tóm tắt 9 điểm của ông đã nêu cho thấy có nhiều điểm cần có mặt của nhân chứng để xác minh, đối chất. Nhưng vì sao trong phiên tòa này không có mặt 1 nhân chứng có liên quan nào? Liệu việc thiếu những người này có ảnh hưởng đến vụ án?

– Luật quy định phiên tòa phải có mặt nhân chứng! Nhưng quyền triệu tập nhân chứng là thuộc về hội đồng xét xử, và xét thấy nếu sự vắng mặt của nhân chứng không ảnh hưởng đến việc xét xử thì vẫn có thể tiến hành. Vấn đề ở đây tùy thuộc vào quan điểm đánh giá chứng cứ, đánh giá về hồ sơ vụ án của thẩm phán.

Việc xét xử phúc thẩm Hải không có nhân chứng hay những người liên quan khác cho thấy có thể quan điểm các thẩm phán chỉ căn cứ theo lời khai nhận tội của Hải để kết luận, không cần nhân chứng để xem xét các nghi vấn, mâu thuẫn trong vụ án mà luật sư đã đưa ra.

Theo tôi thì phiên phúc thẩm này cần nhiều nhân chứng, nhất là công an viên tên Hải, người kể cho Hồ Duy Hải nghe về sự kiện án mạng. Trong hồ sơ không ghi nhận gì về người này, nhưng trong phiên sơ thẩm, khi Hồ Duy Hải khai thì viện kiểm sát bỗng dưng đã có ngay bản cam kết của công an Hải: không kể chuyện gì với Hồ Duy Hải!

Rất tiếc đến nay anh này đã đột tử.

PV: Về cách hỏi, câu hỏi của tòa trong phần xét hỏi có người cho rằng mang tính úp chụp bị cáo? Tòa không hỏi làm rõ về các nghi vấn hay làm rõ về yêu cầu kêu oan mà chỉ ép bị cáo vào những lời khai nhận tội trước đây. Cách hỏi này liệu có bất lợi cho bị cáo hay không?

– Thói quen, nếu không nói là quan niệm của khá đông các cơ quan tố tụng hiện nay là căn cứ vào lời khai nhận tội để buộc tội. Những vụ án được xác định oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… tất cả bị cáo đều khai nhận tội.

Trong phiên tòa phúc thẩm này, tòa cũng xét hỏi như để xác nhận lại, cũng cố thêm những lời khai nhận tội của Hải trước cơ quan điều tra. Hải gần như bị thất thần, có những câu hỏi Hải không trả lời được, nên tòa phải vặn đi vặn lại nhiều lần. Tâm lý không ổn định ấy cũng bất lợi cho bị cáo.

PV: Phiên tòa diễn ra công khai, bị cáo có luật sư bào chữa, hỗ trợ pháp lý, vậy thì đâu có gì Hồ Duy Hải phải mất bình tĩnh?

– Ngay trong thiết kế không gian của các phòng xử án của tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã thể hiện sự uy nghiêm và chênh lệch về tư thế của các thành phần tham gia tố tụng. Hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát ngồi trên bục cao gần 1 mét, dùng micro, có loa vang lớn. Bị cáo đứng trước vành móng ngựa, phía dưới bục. Luật sư ngồi sau lưng bị cáo, thậm chí còn không thấy mặt bị cáo. Luật sư và bị cáo chỉ nói miệng không có micro. Khi xét hỏi, tiếng của tòa vang vang, tiếng bị cáo rất nhỏ.

Thú thực, khi tòa liên tục chất vấn Hải: “Ai xúi bị cáo chối tội”, chính tôi cũng đâm lo, không biết Hải có hoảng quá mà khai đổ… cho tôi không, dù tôi không hề làm điều này!

PV: Luật cho phép bị cáo được thay đổi yêu cầu kháng cáo trước và ngay trong phiên tòa phúc thẩm, nên việc Hải kêu oan ngay tại phiên tòa phúc thẩm phải được xem là việc thay đổi nội dung kháng cáo là quyền của bị cáo mà tòa phải xem xét. Thế nhưng qua câu hỏi của tòa, yêu cầu kháng cáo của Hải lại bị xem là “chối tội”. Ngay trong giai đoạn xét xử, tòa đã bảo bị cáo chối tội thì liệu có việc xét xử khách quan?

Theo biên bản, có đến 2 lần tòa truy vấn Hải là ai xúi Hải chối tội. “Tại sao ở cấp tòa sơ thẩm bị cáo khai nhận sự việc giống như những tình tiết mà cơ quan điều tra đã thu thập được nhưng hôm nay bị cáo lại chối? Ai chỉ bị cáo chối tội?” Xin luật sư cho ý kiến về trường hợp này?

– Như tôi đã nói, cách xét hỏi của tòa phúc thẩm xuất phát từ quan niệm bị cáo đã khai nhận tội thì đã có tội! Người ta không cần xem xét đến việc vì sao bị cáo phải nhận tội. Tôi thường nói với đồng nghiệp một ví dụ, có 1 học sinh bị cáo buộc là ăn cắp và đã nhận là mình ăn cắp. Bà mẹ bào chữa rằng con tôi trước nay không ăn cắp, thì người ta không tin vì cho rằng đứa bé không ăn cắp tại sao lại nhận? Trong khi thực tế có thể vì nhiều lý do đứa trẻ không làm, nhưng vẫn nhận đã làm 1 hành vi xấu. Muốn kết luận khách quan chính xác phải tìm hiểu nguyên nhân. Đó là 1 đứa trẻ trong môi trường tự do đã vậy, huống chi bị cáo đang trong tình trạng bị giam giữ, thì càng có rất nhiều lý do để thừa nhận những điều mình không làm.

Nếu xét hỏi một cách khách quan thì không thể xem việc kêu oan là chối tội.

PV: Ông có thể cho ví dụ trong vụ án này, có những tình tiết nào cần xét hỏi làm rõ để bảo đảm tính khách quan, xác thực của vụ án?

– Hầu hết những điều tôi nêu trong bài bào chữa và bản tóm tắt, đều cần được xét hỏi, thậm chí phải điều tra lại để làm rõ. Như đơn giản là chi tiết số tiền Hải khai là đưa cho Vân đi mua trái cây, trong hồ sơ còn rất mâu thuẫn. Kết luận điều tra khẳng định Hải đưa tiền polyme 50.000 hoặc 100.000đ cho Vân mua trái cây (BL 386). Trong khi nhân chứng bán trái cây khẳng định “Cô gái trả cho tôi tiền gồm tờ giấy polyme mệnh giá 20.000đ, 10.000đ, cùng 1 tờ giấy bạc mệnh giá 10.000đ”. Sau đó, nhân chứng xác định thi thể Vân không còn tiền. Như vậy số tiền Hải đưa Vân đã đi đâu? Nếu không làm rõ điều này thì liệu lời khai của Hải có đúng không? Liệu Hải có thật sự đưa tiền cho Vân không?…

Có rất nhiều lời khai không trùng khớp như vậy chưa được làm rõ.

PV: Trong phần xét hỏi, khi Hải trả lời không có kêu Vân đi mua trái cây. Tòa đã lập luận cho rằng “Tại các bản cung và bảng tường trình, bị cáo khai là có. Biên bản khám nghiệm hiện trường có bịch trái cây và bịch trái cây có trong bản ảnh hiện trường, con gấu bông xám cũng có. Những chi tiết này ai đặt ra khi mà nó trùng hợp với Biên bản hỏi cung bị can và Bản tự khai? Bị cáo có cần xem lại bản ảnh không?”. Hoặc ở đoạn “Bị cáo khai dùng thớt đập vào đầu chị Hồng thì tại bản ảnh cũng có cái thớt. Dùng ghế inox đánh vào đầu chị Vân thì cũng có ghế. Những chi tiết này thì cũng không ai có thể đặt ra cho bị cáo khai được…” Ông có nhận xét gì về sự phù hợp mà tòa đã nêu?

– Lập luận thường thấy của tòa và viện kiểm sát là muốn chứng minh lời tự khai của bị cáo là phù hợp với thực tế, là có thật, không do ai cưỡng ép. Hải đã khai thật về chuyện mua trái cây thì những lời khai gây án cũng có thật.

Thế nhưng luật quy định lời khai phải phù hợp với chứng cứ hoặc những lời khai khác. Vật chứng phải là vật có thật. Ở đây, lời khai của Hải về bịch trái cây cũng không phù hợp với lời khai người bán về chủng loại số trái cây, về số tiền mua trái cây nên không thể xem là phù hợp. Về hành vi phạm tội, cái thớt, con dao đều không có thật thì không thể xem là chứng cứ buộc tội! Mà theo nguyên tắc suy đoán vô tội hiện nay thì không đủ chứng cứ buộc tội thì phải tuyên vô tội.

Thực tế cho thấy những lời khai trùng khớp về hình thức như vậy dễ do bị người khác tác động. Tôi xin kể 1 vụ án từng nổi tiếng ở TP.HCM, cũng kéo dài trên 7 năm. Bị cáo là 1 người Thái Lan, khai đã đâm nạn nhân 138 vết dao, cơ quan điều tra khám nghiệm nạn nhân có đúng 138 vết dao và thu giữ 1 cái ba lô, bên trong có máu của nạn nhân. Nhưng chiếc ba lô này không được niêm phong.

Tôi là người bào chữa cho bị cáo đã lập luận rằng không ai trong lúc giận dữ đến mức giết người lại có thể bình tĩnh đếm đúng 138 vết dao đâm. Cái ba lô không được niêm phong là sai quy định tố tụng, có thể có kẻ nào khác đã bỏ máu vào. Chính từ điểm mấu chốt đó và có sự tham gia đấu tranh của Tổng Lãnh sự Thái Lan, bị cáo từ án tử hình đã được tuyên vô tội.

Pháp luật nước ta từng có những phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp như vậy.

PV: Chúng tôi đọc nhiều lần bản án phúc thẩm Hồ Duy Hải, không thấy ghi nội dung kháng cáo, xin luật sư cho biết, quy định pháp luật về việc này như thế nào và có thể lý giải vì sao án phúc thẩm không ghi nội dung kháng cáo?

– Theo Điều 247 Bộ Luật Tố tụng hình sự, về thủ tục phiên toà phúc thẩm trước khi xét hỏi, 1 thành viên của hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị. Theo Điều 248 của bộ luật này, về bản án phúc thẩm và thẩm quyền của toà án cấp phúc thẩm thì trong bản án phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình giải quyết vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị…

Đúng là trong bản án phúc thẩm Hải chỉ ghi chung chung là bị cái kháng cáo mà không ghi nội dung kháng cáo điều gì. Phần kết luận cũng chỉ nêu là bác kháng cáo mà không nói kháng cáo điều gì. Đây là việc của tòa nên tôi không thể giải thích được.

Nhưng điều này cũng phù hợp với suy luận là có thể do quan niệm tin vào lời khai nhận tội của bị cáo nên không muốn ghi nhận yêu cầu kêu oan của bị cáo hay chăng? Dù sao thì việc không ghi nội dung kháng cáo cũng không phù hợp với quy định pháp luật.

PV: Trong phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát cho rằng: “Về dấu vân tay: Chúng tôi không chỉ dùng dấu vân tay là cơ sở duy nhất để buộc tội bị cáo mà căn cứ vào nhiều chứng cứ khác nữa”. Luật sư có ý kiến gì về quan điểm này?

– Dấu vân tay là bằng chứng quan trọng trong các vụ án hình sự! Với kết luận của cơ quan giám định, dấu vân tay thu giữ được tại hiện trường không phải là của Hải, lẽ ra các cơ quan tố tụng phải ghi nhận, xem xét yếu tố vô tội của Hải. Hơn thế nữa, lẽ ra phải xem xét vết vân tay ấy là của ai mà cơ quan điều tra đã bỏ lọt.

1 dấu vết quan trọng khác là biên bản khám nghiệm hiện trường về tử thi của 2 nạn nhân, đã xác định là 2 nạn nhân bị cắt cổ theo 2 hướng khác nhau. Theo thói quen, mỗi người chỉ thuận 1 tay: hoặc tay phải, hoặc tay trái, và từ đó chỉ có thể cắt thuận theo 1 hướng.

Vì vậy, với dấu vân tay không phải của Hải và 2 vết cắt ngược chiều nhau cho thấy hung thủ trong vụ án này có thể là 2 người.

PV: Đại diện Viện Kiểm sát đã cho rằng: “Các cơ quan tiến hành tố tụng không truy tố bị cáo Hải tội Hiếp dâm là có sai sót. Chỉ vì muốn giao cấu với bị hại Hồng và khi không giao cấu được với chị Hồng thì bị cáo đã giết cả chị Hồng lẫn chị Vân. Khi khám nghiệm hiện trường cho thấy, bị hại Hồng bị giết ở tư thế áo ngực bị kéo lên phía trên. Việc không truy tố bị cáo tội Hiếp dâm là có lợi cho bị cáo”. Xin luật sư có ý kiến về quan điểm này?

– Theo quy định tố tụng, phiên tòa phúc thẩm chỉ xem xét những nội dung kháng cáo của bị cáo, kháng nghị của viện kiểm sát. Phiên tòa này, viện kiểm sát không có kháng nghị, nên việc đại diện viện kiểm sát đưa ra tình tiết tội danh hiếp dâm với Hải là không có giá trị cáo buộc. Hơn nữa, trong hồ sơ điều tra, Hải có nhiều lời khai về hành vi hiếp dâm nhưng những lời khai này không trùng khớp nên cả kết luận điều tra và cáo trạng đều đã loại bỏ tội danh hiếp dâm với Hải.

Tuy nhiên, ý kiến nói trên đã nhắc đến 1 tình tiết đáng chú ý của hiện trường vụ án là hình ảnh thi thể của nạn nhân Hồng bị cuốn áo lên khỏi ngực. 1 biểu hiện của hành vi hiếp dâm. Cáo trạng và kết luận điều tra không hề ghi nhận hành vi của Hải có chạm đến áo của cô Hồng. Hành vi cuộn áo của Hồng là có thật, dấu hiệu hành vi hiếp dâm là có thật, nhưng hành vi ấy là của ai?

Việc các cơ quan tố tụng không truy tố hành vi hiếp dâm không thể xem là việc làm có lợi cho Hải mà đã bộc lộ thêm yếu tố lọt người, lọt tội nghiêm trọng trong vụ án này.

PV: Với những điều đã nêu, mong muốn của luật sư đối với vụ án này là gì?

– Với tư cách là luật sư bào chữa, kêu oan, tôi nhận thấy Hải đã bị cáo buộc bởi bản án mà hồ sơ có quá nhiều mâu thuẫn, vi phạm tố tụng nghiêm trọng! Hải bị buộc tội chỉ qua lời khai nhận tội mà không có bằng chứng nào. Tôi cũng như những luật sư đồng nghiệp khác như luật sư Trần Văn Tạo, luật sư Trịnh Minh Tân đều có chung mong muốn là Hải được xem xét giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp.

Việc xét xử phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội, không đủ chứng cứ buộc tội phải tuyên vô tội. Việc đánh giá chứng cứ phải theo nguyên tắc đánh giá sự thật khách quan của vụ án chứ không thể xét xử theo định kiến khai nhận là có tội.

Tôi cũng hy vọng rằng qua vụ án này và qua thực hiện nghị quyết của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về rà soát các án oan sai, tinh thần trên sẽ lan tỏa, chuyển động trong khắp các cơ quan tố tụng.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ở các nước pháp quyền thì khi 1 người bị bắt đã có quyền có ngay luật sư (ngay khi đang tạm giữ ở đồn cảnh sát) và thực tế cũng như vậy cũng không phải „luật nói 1 đằng, cơ quan tố tụng làm 1 nẻo“ và điều quan trọng khi lấy lời khai đầu tiên nhân viên điều tra còn phải hướng dẫn cho nghi phạm – vì không hướng dẫn đúng luật thì mọi điều cung khai sẽ không còn giá trị! Còn bào chữa ở các nước đó (pháp quyền) luôn được bố trí ngồi sát thân chủ (trừ trường hợp rất đặc biệt ở 1 số phiên Tòa đại hình phải ngồi trong buồng kín có kính chống đạn vì sợ bị ám sát tại Tòa) và được Tòa tạo mọi điều kiện cho phép trao đổi, ra hiệu ngắn (luật sư phải tư vấn những điểm cơ bản trước phiên tòa) và tòa án coi trọng mọi lời khai của luật sư như của viện công tố (VN là viện kiểm sát). Còn câu „người đó đã nhận tội“ nên phải bị xử án như vậy thì đó là 1 sai lầm cơ bản trong tố tụng, vì thực tế không hiếm người nhận tội thay cho người khác – và ở Việt Nam là đã được mớm cung, học thuộc lòng thông qua điều tra viên (lừng danh vụ Nguyen Thanh Chấn) và chủ yếu do tra tấn, bức cung họ và như thế với các nước pháp quyền là VI PHẠM PHÁP LUẬT CỰC KỲ NGHIÊM TRỌNG. Còn Tòa án ở họ là cán cân công lý nên không bao giờ có câu hỏi: „Ai xúi anh chối tội“ bao giờ. Tóm lại chỉ đọc ý kiến luật sư tới đây đã có thể hiểu các cơ quan tố tụng đã cùng nhau tìm cách đổ tội cho 1 người – và có lẽ đọc thêm những lời „tâm sự của thẩm phán bị khởi tố trong vụ Nguyễn Thanh Chấn“ sẽ thấy được phần nào những bê bối đó xảy ra do đâu: „… Thực tế lúc bây giờ anh ạ, với một hồ sơ như thế, tôi phải căn cứ, tuân theo hồ sơ và kết quả điều tra của người ta…“ https://vnexpress.net/phap-luat/tham-phan-xu-oan-ong-chan-toi-khong-an-han-3088193.html

  2. Trong 100 cái lưu manh của Việt cộng sản, đứng đầu TOP lưu manh là “quên” ra luật biểu tình. Trong 100 thằng khốn nạn thất đức nhất là thằng tòa án, nhỏ ác nhỏ lớn ác lớn.

Leave a Reply to hoàng tự minh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây