Anh Vũ
3-12-2019
Tiếp theo kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89”; Kỳ 2: Chứng cứ ngụy tạo, hung khí đi mua
Bản án phúc thẩm cũng thừa nhận những sai sót, vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án, nhưng vì căn cứ vào hơn 20 lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải nên tuyên y án tử hình! Điều là lạ, Hải nhận luôn cả những tình tiết nhân thân không có thực, gây bất lợi cho mình như: “Ăn chơi, ham mê cờ bạc, thiếu giáo dục”… Nhưng mỗi lần được gặp luật sư, gia đình và 2 lần trước phiên tòa sơ, phúc thẩm, Hải đều kêu oan.
Liệu Hải có bị bức cung trong điều kiện bị giam giữ, cách ly hoàn toàn với gia đình, xã hội?
1. Triệu tập, lấy lời khai nhiều người nhưng chỉ có hồ sơ của Hải
Luật sư Nguyễn Văn Đạt, người bào chữa kêu oan cho Hải đã nhấn mạnh: “Ngay sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã triệu tập lấy lời khai của nhiều người tình nghi. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, lời khai của những người này đều không còn trong hồ sơ vụ án. Vậy những tài liệu, bút lục này hiện đang ở đâu? Cơ quan điều tra có lấy dấu vân tay của những người được triệu tập này để đối chiếu với dấu vân tay thu được tại hiện trường hay không (vì dấu vân tay kết luận không phải của Hải)? Có người nào “trùng” hay không?
Và theo tổng hợp lời khai tại cơ quan điều tra, 1 tờ báo có nêu: “Lúc 20h10 ngày 13/1, N. (một người được cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai) thấy 1 người nam dáng cao trắng trẻo, mái tóc trước quăn, đang ở bưu điện, biết là tình địch của mình nên bỏ đi ra. 1 nhân chứng đến mua thẻ cào điện thoại tại bưu điện này vào khoảng 18h20, cũng nói có thấy người trong Bưu điện Cầu Voi giống như người mà N. mô tả”. “Vậy cơ quan điều tra đã làm rõ nhân vật này hay chưa, có liên quan gì đến vụ án hay không? “Tình địch” của N. thì N. biết rõ, vậy là ai? Tại sao trong toàn bộ hồ sơ vụ án chúng tôi không tìm thấy tài liệu nào liên quan đến những thông tin này?”, luật sư Đạt thắc mắc.
Rõ ràng, cơ quan điều tra đã không truy tìm hung thủ giết 2 nữ nhân viên bưu điện từ các chứng cứ khách quan, mà chăm bẵm “thủ phạm” Hải, nên chỉ tập trung tài liệu chứng cứ cho mục tiêu này. Có nghĩa là kết quả xác định hung thủ đã có trước khi có kết luận điều tra, công việc còn lại chỉ là… chứng minh tội phạm của hung thủ. Ngay với nhân chứng Vũ Đình Thường, người đến Bưu Cục gọi điện thoại cũng được cơ quan điều tra triệu tập và tạm giữ 1 tuần lễ để ghi lời khai, nhưng chỉ giữ lại bản lời khai có nhìn thấy 1 thanh niên ngồi trong bưu cục! Và cáo trạng đã suy diễn sai lời khai này, là: “thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu cục!”.
2. Soạn kịch bản trước, tìm diễn viên phù hợp
Theo Báo Pháp Luật Việt Nam và một số tờ báo dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra thì ngay từ đầu, cơ quan điều tra xác định thời gian 2 nạn nhân tử vong vào khoảng 20h – 21h ngày 13/1 (mặc dù không có 1 căn cứ khoa học hoặc bằng chứng thực tế nào, do không khám nghiệm thời gian chết của tử thi). Cũng theo bài báo này, ngay lúc đó, cơ quan điều tra đã có suy đoán diễn tiến của vụ án xảy ra tương tự như… lời khai nhận tội của Hải sau này: “Kết quả khám nghiệm tử thi không phát hiện có sự xâm hại tình dục nào trước khi các nạn nhân bị sát hại. Theo lời khai của một số đồng nghiệp làm chung với 2 thiếu nữ xấu số, 2 cô gái này thường ngày có đeo nhiều trang sức như nhẫn vàng, bông tai, dây chuyền, vòng xi-men. Tuy nhiên khi xác 2 nạn nhân được phát hiện thì số nữ trang trên đã biến mất.
Trong bản tổng hợp báo cáo nhanh gửi ban giám đốc, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh xác định đây là 1 vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Hiện trường vụ án không có sự giằng co, xáo trộn, cách thức sát hại 2 nạn nhân giống nhau nên có thể kẻ thủ ác chỉ có 1 người, và đối tượng này nhất định phải có quen biết với các nạn nhân nên mới có cơ hội ra tay bất ngờ khiến họ không kịp có bất kỳ phản ứng nào dù là giãy giụa. Cảnh sát đánh giá hung thủ đã chuẫn bị sẵn kế hoạch gây án và thực hiện kế hoạch này một cách hoàn hảo. Sau khi hoàn thành tội ác, hung thủ đã xóa sạch tất cả các dấu vết để lại tại hiện trường, rút lui “êm ru” cùng số tài sản cướp được”.
Bài báo còn nhấn mạnh và đề cao việc điều tra theo hướng suy đoán chủ quan của điều tra viên “…Các điều tra viên buộc phải “giải mã” vụ án từ phương pháp suy luận logic, căn cứ trên những dấu vết ít ỏi khác tại hiện trường. Cơ quan điều tra mạnh dạn đặt giả thiết hung thủ và 2 nạn nhân có quen biết từ trước, ngay khi đến chơi đã tìm cách điều thiếu nữ Vân đi ra ngoài, có thể là đi mua trái cây để có thời gian ra tay sát hại Hồng. Sau khi “làm thịt” người thứ nhất, hung thủ nhanh tay dọn dẹp hiện trường, kéo xác giấu ở chân cầu thang rồi ẩn mình vào một nơi kín đáo đợi Vân về. Khi cô gái mang bịch trái cây về để trên bàn, kẻ ác bất ngờ lao ra tiếp tục sát hại.
Một điểm đáng lưu ý nữa là hiện trường gây án là nơi có nhiều người thường lui tới nhưng hung thủ đã chọn thời điểm bưu điện sắp đóng cửa, khó có người còn tìm đến. Như vậy đối tượng nhất định phải nắm được quy luật hoạt động của bưu điện, thậm chí cả quy luật của những người thường đến bưu điện giao dịch, như vậy hung thủ đã đến nơi này rất nhiều lần. Trước thực tế án mạng thảm khốc gây hoang mang dư luận, ban giám đốc công an tỉnh chỉ đạo ban chuyên án phải khẩn trương phá cho bằng được vụ án trong thời gian sớm nhất”.
Dễ nhận thấy rằng: chỉ cần điền tên nhân vật vào dự đoán này là giống y như những lời khai nhận của Hải sau này và đưa ra tòa xét xử. Công an đoán như thần?
3. Cướp của sao không lấy tiền vàng?
Theo kết luận điều tra và cáo trạng, bị cáo Hồ Duy Hải đã dùng vũ lực giết chết nạn nhân Hồng, vì động cơ tức giận do không đạt được ý định quan hệ sinh lý với nạn nhân. Chi tiết này được Hải “miêu tả” rất cụ thể, tỉ mỉ như một cuốn phim sex trong bản lời khai tại cơ quan điều tra. Còn động cơ giết Vân là vì sợ Vân phát hiện. Như vậy, trong vụ án này Hải hoàn toàn không nhằm mục đích cướp tài sản. Thế nhưng, có lẽ tình huống này không phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi, nên cơ quan điều tra bỏ qua hướng điều tra này và chuyển sang 1 hướng mới. Theo đó, động cơ phạm tội của Hải lúc này được xác định là giết người, cướp tài sản!
Rất tiếc là những suy đoán này dựa trên nền thông tin không chính xác của việc điều tra quá sơ sài nên để xảy ra những mâu thuẫn, mà từ kết luận điều tra, cáo trạng đến 2 bản án không giải thích được là về động cơ, hành vi gây án. Về hình ảnh hiện trường cho thấy, Hồng bị cuộn áo lên khỏi ngực, khám nghiệm âm đạo có dịch nhưng nhầy, không lấy mẫu dịch xét nghiệm lại kết luận không có dấu hiệu hiếp dâm là điều hết sức mâu thuẫn! Xác định động cơ Hải giết người, cướp của hết sức lơ mơ!
Luật sư Đạt đã phân tích mâu thuẫn này như sau: các cơ quan chức năng cũng như truyền thông chưa đề cập và làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của hung thủ trong vụ án này. Trong khi, theo quy định tại Điều 63 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, đây là 1 trong những “vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự”.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, có 1 két sắt điện tử hiệu Hòa Phát được đặt ngay tại nơi 2 nạn nhân bị giết. Qua kiểm tra, két sắt còn nguyên chùm chìa khóa đang ghim trên ổ khóa. Đặc biệt, theo cáo trạng, khi kiểm tra trong két sắt điện tử có 1 nhẫn kim loại màu vàng cẩn 5 hột đá trắng; 1 nhẫn màu vàng cẩn 2 hột đá trắng. Như vậy, nếu với động cơ giết người, cướp tài sản thì tại sao Hải không lấy đi những tài sản có giá trị này trong khi két sắt có sẵn chìa khóa, mà lại lấy những chiếc sim điện thoại rẻ tiền?
Không chỉ vậy, điều khiến người ta khó hiểu nhất là tại kết luận điều tra ghi rõ số tiền 893.000đ được thu giữ tại hiện trường, nhưng cáo trạng lại nêu số tiền 893.000đ được thu giữ tại… nhà Hải! Và như đã nói, sau đó bản án sơ thẩm lại quyết định trả những tài sản này cho bà Loan (mẹ Hải), vì… thu giữ của bà. Những mâu thuẫn không thể chấp nhận được.
4. Thu giữ vật chứng để minh họa: thấy con gấu bông là phạm tội!
Có lẽ xuất phát từ “kịch bản” vụ án do cán bộ điều tra suy diễn nên những vật chứng của vụ án được cơ quan điều tra đưa ra đều là những vật ảo mang tính minh họa. Trong bản án sơ – phúc thẩm, tòa đã công nhận những hung khí gây án như: con dao, cái thớt là không xác thực, không thu giữ được, nhưng lại dẫn ra một số vật chứng khác tưởng như có liên quan trực tiếp đến hành vi giết người nhưng thật sự những vật này hoàn toàn vô nghĩa không có liên quan gì đến vụ án.
Bản án phúc thẩm có đoạn: “Xét mặc dù qua điều tra không thu được thớt tròn là hung khí đánh vào đầu nạn nhân Ánh Hồng, dao Thái Lan là hung khí cắt cổ nạn nhân, song những cung khai của bị cáo đều phù hợp với hình ảnh hiện trường có con gấu nhồi bông, bịch trái cây, tấm nệm, có thớt tròn bằng gỗ, có ghế inox, có việc bị cáo cho anh Võ Minh Đương sim card của bị cáo, có việc bị cáo đốt quần áo và dây thắt lưng ở sau nhà bà Len…”
Phân tích sâu mối quan hệ nhân quả giữa các vật chứng được tòa phúc thẩm nêu ra, người ta không khỏi giật mình. Con gấu nhồi bông thì có liên quan gì tới việc giết người mà được đưa vào bản án? Luật sư Đạt cho biết khi thẩm vấn trước tòa phúc thẩm Hải đã kêu oan, chủ tọa phiên tòa chất vấn: “Bị cáo có nhìn thấy con gấu bông không?”. Hải trả lời có thấy, ông chủ tọa đã “bắt” ngay: “Bị cáo đã thấy con gấu bông tức là đã vô tới đó, bị cáo gây án chứ còn ai nữa!”.
Với lập luận tại hiện trường vụ án có con gấu bông, người nào nhìn thấy gấu bông này là phạm tội giết người thì có biết bao nhiêu người có khả năng phạm tội?
Tương tự, cái sim card mà Hải đã cho Đương có liên hệ gì với hành vi giết người? Tất cả hồ sơ vụ án đều chỉ nêu việc Hải có cho Đương cái sim card mà không nói gì về mối quan hệ này. Trong khi thực tế Hải đã khai và gia đình xác nhận đây là cái sim của dì Hải là bà Len, cho Hải và Hải cho lại Đương. Không nằm trong số sim của Bưu điện Cầu Voi bị mất. Vì sao với 1 phiên tòa phúc thẩm, với 1 bản án tuyên tử hình 1 người, người ta lại phải vơ vét những vật chứng vô can đến như vậy?
Việc bị cáo đốt quần áo và dây thắt lưng ở sau nhà bà Len được tòa sơ thẩm nêu vật chứng là một đoạn dây thắt lưng, khuy quần, và tro… bản án phúc thẩm cũng nhắc lại chuyện này nhưng đây cũng là tình tiết lắp ghép hết sức tréo ngoe. Theo lời khai của Hải, 1 tuần sau khi xảy ra án mạng, Hải đã đốt quần áo ở sau nhà của mình. Đến 3 tháng sau, cơ quan điều tra mới đi lấy mẫu nhưng lại lấy mẫu ở đống tro sau nhà bà Len. Trong khi đó, như đã nói ở bài trước, vùng này không có dịch vụ thu rác nên người dân địa phương thường xuyên gom đốt rác hàng ngày, hàng tuần. Giữa mẫu rác thu giữ của cơ quan điều tra và vật Hải đốt (nếu có như lời khai) cách nhau 3 tháng về thời gian tức là tối thiểu là cách nhau 12 lần (nếu là đốt mỗi tuần); 90 lần (nếu là đốt mỗi ngày) mà lại ở 2 đống rác của 2 nhà khác nhau! Thế mà lại được đưa vào bản án tử hình bị cáo thì thật quá khiên cưỡng!
5. Cả 2 phiên tòa đều không có nhân chứng!
Luật sư Đạt từng nhiều lần đặt câu hỏi cơ quan điều tra có giám định dấu vân tay thu được tại hiện trường với dấu vân tay của các cá nhân có liên quan tới vụ án: những người từng là bạn trai thân thiết của nạn nhân Hồng như Misol, Nghị, kỹ sư Trung, những người thợ bạc hay không? Vì sao không đưa các hồ sơ này vào hồ sơ vụ án? Chính thiếu sót này làm cho dư luận người dân địa phương băn khoăn là Hải đã thế mạng cho ai đó là hung thủ thật sự của vụ án này.
Đặc biệt, trong văn bản của 2 bản án và trong tài liệu hồ sơ vụ án có rất nhiều nhân chứng: nào là anh Vũ Đình Thường, người mà theo cáo trạng đã nhìn thấy Hải ngồi trong bưu điện; rồi Võ Văn Đang, Võ Minh Đương, những người từng đánh bạc và nhận sim điện thoại, tiền của Hải… Hay ông Thu, cô Hiếu và những người dân phòng đã phát hiện và đi mua hung khí… Nhưng tất cả những nhân chứng này đều không có mặt cả 2 phiên tòa sơ – phúc thẩm! Trong vụ án mà vật chứng mong manh, chỉ dựa vào lời khai nhưng phiên tòa lại thiếu nhân chứng nên chứng cứ buộc tội lại càng mờ nhạt.