LTS: Bài viết sau đây đăng trên trang VnExpress, nói về sự bất an của những hộ dân ở Sài Gòn, khi nhà cửa của họ ngày càng sụt lún và có thể sập bất cứ lúc nào.
Được biết, hiện tượng trên xảy ra là do người dân khai thác nước ngầm quá mức, cũng như không có đánh giá tác động môi trường đối với các công trình đô thị, thiếu sự tính toán hạ tầng cơ sở của các công trình, đường giao thông…
Nếu không có kế hoạch di dời người dân tới những nơi ổn định, họ sẽ phải trả những cái giá đắc, trong đó có mạng sống của dân.
_________
Hà An
2-12-2019
TP HCMNgôi nhà cấp bốn của bà Bình ở phường An Lạc, quận Bình Tân, sắp “chìm” đến mái vì sụt lún, trong khi hàng trăm nhà dân khác phải nâng nền lên gần 2 mét.
“Giờ, căn nhà này chỉ là nơi chứa nước, sâu gần 2 mét. Bèo và rác nhiều, thành nơi trú ngụ của muỗi nên tôi phải tháo ngói đi”, bà Trương Thị Bình, 42 tuổi, ngụ trên đường Lâm Hoành, nói. Ngôi nhà cũ của bà nằm trơ khung, vách tường nứt toác, phần mái chỉ cao hơn mặt đường vài gang tay. Ở xóm bà, mọi người bảo nhau rằng, người khu khác nếu nhìn thấy hình ảnh này chắc không tin là ở Sài Gòn.
Phường An Lạc có diện tích 4,59 km2 nằm ở cửa ngõ phía Tây TP HCM, là địa phương bị sụt lún 81,4 cm trong 10 năm – nghiêm trọng nhất khu vực phía Nam, theo kết quả quan trắc vừa được Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – Môi trường) công bố hôm 22/11.
Hơn chục năm trước gia đình bà Bình phải chuyển qua nhà mới vì căn đang ở cứ sụt dần. Nhiều hộ dân xung quanh gặp cảnh tương tự cũng kéo nhau nâng nền. Hiện, căn nhà gia đình bà đang ở mới sửa 2 năm trước cũng có dấu hiệu bị nghiêng. Cửa nhà xệ rất khó để khép, tường có những vết nứt chạy dài, mở rộng dần hơn một cm khi kéo dài đến phần mái. Mùa mưa, nước theo đó mà tràn xuống.
“Sống mà nơm nớp lo sợ. Khu này hồi xưa là đất ruộng, khi xây nhà chúng tôi bỏ ra rất nhiều tiền để làm phần móng nhưng không ăn thua”, bà Bình cho biết.
Ở gần đó, song gia đình em trai của bà phải chuyển sang quận 7 vì căn nhà mới xây 4 năm đã bị nghiêng, tường nứt một vết lớn chạy từ mái xuống cửa chính. Phần bậc thềm phía trước nhô lên một góc cao khoảng 50 cm lộ rõ phần gạch xây, góc bên kia sụt xuống, bể nhiều mảng tam cấp. Căn nhà hiện bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Tình trạng sụt lún nghiêm trọng cũng xảy ra tại khu dân cư Nam Hùng Vương, đường số 2A, cách đó khoảng 2 km. Ông Nguyễn Văn Long, 67 tuổi, giậm chân xuống nền ở mái hiên nhà, phát ra âm thanh “bùng, bùng”. Ông giở những viên gạch lát nền ở một góc nhỏ, lộ ra hố sâu khoảng 40 cm. “Dưới lớp nền bị rỗng do sụt lún nhiều năm qua. Lún nhanh quá làm phần mái hiên nhà gần như bị rỗng, có thể sập xuống bất cứ lúc nào”, ông nói, vẻ lo âu.
Hai năm trước, nền phòng khách nhà ông bị vỡ gạch lát, lún xuống. Ông phải đan lưới sắt, đổ bêtông dày hơn 10 cm “lót” nền nhà. Nhưng cứ mỗi năm, ông đều cảm nhận được nhà lún xuống rất rõ. Hiện, trước cổng nhà ông phần móng tiếp giáp với vỉa hè lộ ra một vết nứt toác.
Ở khu dân cư này nhà nào cũng nâng nền vài lần, hiện cao hơn mặt đường từ 50 cm đến hơn một mét. Vì vậy mà phần vỉa hè có độ nghiêng khá lớn, khiến việc đi lại khó khăn. Nhiều gia đình ở mặt tiền đường cảm nhận rất rõ nền đất rung lên mỗi khi có ôtô tải chạy qua.
Không chỉ nhà dân, trụ sở UBND phường An Lạc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ba năm trước bậc thang đi lên tầng trệt tòa nhà bị sụp, lộ ra nhiều mảng vữa, những khối bêtông bong tróc khỏi nền. Cột, tường nhà chi chít những vết nứt.
Ông Đinh Hoàng Giang, chủ tịch phường, cho biết tình trạng sụt lún diễn ra trên địa bàn từ hàng chục năm nay, nghiêm trọng nhất là khu vực đường Hồ Ngọc Lãm, khu dân cư Nam Hùng Vương, đường Võ Văn Kiệt, đường Lâm Hoành… Cơ quan chức năng chưa có một nghiên cứu khoa học nào về hiện tượng này nên phường cũng không biết nguyên nhân chính xác là gì. Tuy nhiên, theo ông Giang, có thể do cao độ của phường thấp hơn các phường khác và người dân đã khai thác nước ngầm quá mức.
Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, nhiều năm qua người dân địa phương đã được cung cấp nước thủy cục nhưng nhiều hộ vẫn sử dụng nước ngầm. Phòng Tài nguyên Môi trường đang khảo sát, lên danh sách các hộ dân khoan giếng sử dụng nước ngầm trái phép, xử lý mạnh tay để chấm dứt, giảm thiểu tối đa tình trạng sụt lún.
Cục Quản lý tài nguyên nước công bố 339 điểm lún, chủ yếu ở khu vực có đường giao thông và đô thị (TP HCM có 24 điểm) được quan trắc trong 10 năm. Kết quả, 306 điểm lún 0,1 – 81,4 cm; tốc độ trung bình 0,01 – 0 6,8 cm mỗi năm. 33 điểm còn lại không lún (TP HCM có 5 điểm). Kết quả quan trắc cũng chỉ rõ, TP HCM có hơn 1.900 giếng khoan nước ngầm, với lưu lượng khai thác 520.000 m3 mỗi ngày. Ngoài ra, còn trên một triệu giếng quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác hàng ngày khoảng 840.000 m3.
Nguyên nhân của sụt lún được cho là hệ quả tổng hợp của các nguyên nhân tự nhiên và hoạt động của con người như: khai thác nước ngầm quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của các hoạt động giao thông…