Hôm nay là tôi, mai là bạn, xin hãy cầu nguyện cho tôi

Nguyễn Huy Khâm

2-12-2019

Ảnh: FB tác giả

Con người ta không thể biết được mình sẽ bị gọi ra khỏi đời này khi nào và vì thế phải luôn cố gắng chuẩn bị tâm hồn. Nhưng không phải mọi sự ra đi đều giống nhau và sự ra đi của 39 người Việt Nam tại Anh Quốc đã ám ảnh tôi suốt hơn một tháng qua.

Sự việc xảy ra hôm 23/10. Khi đó tôi đang đi vắng xa. Xem bản tin thì nhắc đến người Tàu. Nó giống như trường hợp năm 2010 có gần 60 người Tàu cũng chết trong thùng hàng ở Anh. Ngày 24 thì tôi trở về sau chuyến đi nghỉ.

Tối 25/10, khi đang ngồi chơi với vợ ở bên ngoài nhà thờ Thái Hà thì nhận được tin từ Toà Giám Mục Xã Đoài cho biết là vụ 39 người ở Anh vừa phát hiện đã chết, có người Việt Nam. Các đấng trong Vinh đã được nghe nói và mọi người đang xác nhận thông tin. Nhưng thông tin về tên, tuổi, địa chỉ của cô Phạm Thị Trà My thì được nguồn tin xác nhận rất sớm từ ngày 25.10. Cùng với thông tin về Trà My là thông tin về anh Joseph ở xứ Tràng Định, giáo phận Hà Tĩnh. Trong ngày hôm đó, cơ quan tôi đã xuất bản một bản tin nói rằng, có nghi vấn người Việt Nam trong đó.

Sáng 26 tháng 10, chúng tôi đã có mặt ở Nghệ An. Mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn với sự khẳng định từ những nguồn tin khả tín thì tất cả đều là người Việt Nam và nguồn tin đã có thể cho xem danh sách tương đối chi tiết được ghi trên vỏ một chiếc bì thư.

Ngày 28 tháng 10 thì tôi nhận được sự khẳng định là có thêm người ở Hải Dương và Hải Phòng với địa chỉ gia đình chính xác. Và tôi đã đến gia đình họ và họ từ chối xác nhận. Duy chỉ có trường hợp ở Huế là tôi biết sau cùng.

Còn shock hơn thì nguồn tin cho biết từ sớm 26 tháng 10 là không chỉ có 39 người trong đợt di chuyển này mà con số là 110 người với 2 đợt thành công.

Có một vài điều nhận thấy sau hơn một tháng ăn dầm ở dề tại xứ Nghệ. Đó là trong số 110 người thì đa số là giáo dân nhưng trong chuyến cuối cùng 39 người thì chỉ có 8 người giáo dân, còn lại là lương dân.

Nhưng lên tiếng nhiều nhất vẫn là cộng đồng Công Giáo. Từ Đức Thánh Cha, Đức Cha Chính Alfonso và nhiều cha xứ đã có nhiều lời kêu gọi cầu nguyện và trợ giúp.

Có một sự thật là phản ứng chính thức của chính quyền là quá chậm về các thông tin chính thức và phản ứng lại với những thông tin không chuẩn xác. Chẳng hạn như thông tin về việc chi trả chi phí đưa thi hài về nước. Nếu không có sự trợ giúp và can thiệp của cả hai chính phủ Anh – Việt thì chi phí chắc chắn rất cao. Số tiền lên đến cỡ 30.000 euro. Và thời gian phải mất vài tháng. Đáng tiếc cho cá nhân là chúng tôi không thể tiếp cận được với các gia đình lương dân.

Có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn như trường hợp hai vợ chồng cùng bị mất là anh Trần Hải Lộc và vợ Nguyễn Thị Vân ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Tôi đã liên hệ với ông Thành, bố của Lộc nhưng bị từ chối. Tôi cố thuyết phục rằng, câu chuyện đau thương của nhà ông, nếu được nhắc đến sẽ gây xúc động với nhiều người và có thể nhiều nhà hảo tâm sẽ biết đến và họ có thể trợ giúp. Rất tiếc là ông nói, ông không được phép cho tôi đến.

Trường hợp của nhà anh cựu quân nhân Nguyễn Đình Tứ cũng vậy. Hai con nhỏ mồ côi cha. Tôi có ghé qua và trợ giúp chút xíu nhưng về phần tác nghiệp cũng bị từ chối. Tương tự cũng là trường hợp nhà anh Bùi Phan Thắng ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.

Chúng tôi cũng không nhận được sự hợp tác từ ông Thìn, bố cô Trà My ở thị trấn Nghèn.
Tuy nhiên, với các gia đình Công Giáo, tôi nhận được sự sẻ chia rất rõ ràng của thân nhân người quá cố. Chúng tôi nhận được sự trợ giúp rất tích cực từ Nhà Thờ và các giáo dân. Họ sẵn sàng nói hết mọi sự kể cả đó được coi là sự nhạy cảm.

Với tôi, câu chuyện đau buồn này đã kết thúc hôm qua sau khi thánh lễ an táng em Anna Theresa Bùi Thị Nhung thuộc giáo xứ Phú Tăng kết thúc, cũng là lúc tôi không phải làm nữa.

Sáng sớm hôm nay, với sự chủ tế của Đức Cha già Paul Mary, thánh lễ an táng em Tuyên sẽ diễn ra và em là người được an táng cuối cùng. Khi tôi đứng trên tháp nhà thờ Phú Tăng, nhìn dòng người chuyển linh cữu em Anna Nhung đi quanh làng tới Nhà Thờ làm lễ, tôi nhìn thấy những ngôi biệt thự phía sau.

Bao nước mắt đã chảy xuống tiếc thương cho những người trẻ tuổi. Và cũng mong họ sớm được hưởng an bình đời đời trên Thiên Quốc. Tôi vẫn cố gắng chấp nhận rằng, những người công chính đã sớm được Chúa nhấc ra khỏi đời này để gìn giữ họ khỏi đời sống hiện tại với nhiều vẩn đục.

Một lần nữa, xin cảm ơn rất nhiều, rất nhiều những người bạn ở giáo phận Vinh, giáo phận Hà Tĩnh đã giúp đỡ tích cực để tôi hoàn thành công việc đưa tin về câu chuyện này.

Xin cảm ơn hai Cha Anthony, Cha JB, Cha Paul của xứ Phú Tăng, cô Anna thuộc xứ Tràng Định, Hoàng Báu và anh em Trung Song, và rất nhiều cha xứ ở những nơi có giáo dân và cả những cha xứ quan tâm câu chuyện. Đặc biệt phải cảm ơn thày Anthony Chủng Sinh năm cuối ở Chủng Viện Xã Đoài đã loan báo tin cho tôi đầu tiên và rất sớm. Cô Anna giúp từ những ngày đầu cho đến ngày cuối. Hình ảnh ấn tượng của tôi là cô đã làm con số 39 bằng nến cả buổi chiều để có một thánh lễ cầu nguyện sốt sắng cho 39 người trong đó có người anh con o con cậu với cô là anh Joseph, một chàng trai ngoan hiền và đạo đức.

Xin hay cầu nguyện cho tất cả họ và xin Chúa trả công bội hậu cho mọi người.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Rất tiếc là ông nói, ông không được phép cho tôi đến.”(Trích NHK )
    Vì sao tác giả bỏ ngỏ chi tiết này, mà không làm rỏ xem : Ai không cho phép ?

  2. Ý bài của facebooker nguyen.h.kham là khi sống chúng ta không tự do và khi chết cũng không có gì thay đổi. Bao trùm lên cuộc sống chết là sự can thiệp của chính quyền bóng tối.
    Công an và quân đội chết, người nhà chỉ được đứng nhìn, không được biết gì huống chi dư luận. Trong cái chết của 39 người, truyền thông nói ít và làm cũng không nhiều, mắng nhiếc nhiều hơn suy gẫm về cái kết quả tất yếu về một quốc gia lụn bại tinh thần lẫn hình hài.
    Người dân thì luôn sợ bóng đêm, tên cán bộ hiếp dâm trẻ ấu và những thủ phạm bán đi tất cả mọi thứ bị gai mồng tơi đâm tóe máu đầu.

Comments are closed.