Trân Văn
20-11-2019
Tháng trước, khi thảo luận về Dự luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong tư thế một đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, khuyên các đồng viện: “Đừng sợ dân giàu!”. Cứ như lời ông Phúc thì đã đến lúc phải mở rộng và gia tăng bảo hộ các dự án đầu tư tư nhân (1).
Liệu thay đổi thể chế chỉ theo hướng: Vừa nhường, vừa tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào một số lĩnh vực trước nay nhà nước vẫn độc quyền – mà ông Phúc và các đồng chí của ông gọi là “xã hội hóa” – có thể làm “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”?..
***
Báo giới Việt Nam vừa phát giác, bà Đỗ Thị Kim Liên đã thôi làm Tổng Giảm đốc (CEO) của Công ty Nước sông Đuống và chỉ nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của công ty này. Ngoài ra đã có ba người Thái Lan tham gia HĐQT, một người Thái Lan khác tham gia Ban Kiểm soát của Công ty Nước sông Đuống (2).
Công ty Nước sông Đuống là chủ đầu tư Nhà máy Nước sông Đuống – một trong những nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội. Công trình xây dựng Nhà máy Nước sông Đuống được khởi công vào năm 2016, công suất khoảng 300.000 khối nước/ngày, trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng.
Công chúng bắt đầu để ý đến Công ty Nước sông Đuống sau khi có tin, chính quyền thành phố Hà Nội mua nước sạch của Nhà mày Nước sông Đuống với giá cao gấp đôi so với giá mua nước sạch từ các nguồn cung cấp nước sạch khác. Do giá bán lẻ nước sạch thấp hơn nhiều so với giá mà chính quyền thành phố Hà Nội đã thỏa thuận với Công ty Nước sông Đuống, người ta ước đoán, mỗi ngày, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải bỏ ra ba… tỉ đồng để… bù đắp chênh lệch giữa giá mua và giá bán (3).
Chỉ có một cách để giảm khoản tiền phải bù lỗ là nâng giá bán lẻ nước sạch song kiểu nào (nâng hay không nâng giá bán lẻ nước sạch) thì dân chúng Hà Nội cũng lãnh đủ.
Khi mua nước sạch của Nhà mày Nước sông Đuống với giá cao nhưng không nâng giá bán lẻ nước sạch, chắc chắn chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu lẽ ra phải dành cho việc nâng cao phúc lợi công cộng trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế, giao thông, an sinh xã hội,…) để có tiền bù lỗ.
Còn nâng giá bán lẻ nước sạch để giảm khoản phải bù lỗ mỗi ngày, dân chúng thành phố Hà Nội sẽ vừa phải trả tiền nước với giá cao mà vẫn mất cơ hội thụ hưởng nhiều hơn các phúc lợi công cộng vì nâng kiểu nào thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng vẫn phải bù lỗ, vừa do giá đã thỏa thuận với Công ty Nước sông Đuống quá cao, vừa do cam kết với công ty này hết sức… lạ thường (80% vốn đầu tư vào Nhà máy nước sông Đuống là tiền vay ngân hàng và chính quyền cam kết trả toàn bộ tiền lãi từ lúc dự án… khởi công).
Gần đây, sau những chỉ trích kịch liệt từ phía công chúng, Bộ Tài chính đã yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội phải xem lại chi phí phát sinh từ số lãi phải trả cho những khoản Công ty Nước sông Đuống đã vay để “loại trừ các khoản vốn hóa giá trị tài sản, tránh tính trạng trùng chi phí” (4).
Tuy nhiên ngay cả như thế cũng không ổn và đã có khá nhiều ý kiến phân tích tại sao. Chẳng hạn trên báo điện tử Người Đô Thị, Quỳnh Anh đã tóm tắt về đặc điểm của lĩnh vực sản xuất – phân phối nước sạch: Vốn lớn và phải mất một thời gian dài mới có thể thu hồi đủ vốn. Tuy nhiên trong sản xuất – phân phối nước sạch, tăng sản lượng sẽ giúp giảm giá thành nên đi trước sẽ có lợi thế và tạo ra độc quyền một cách tự nhiên. Đó cũng là lý do chính quyền phải tham gia điều tiết.
Ở Hà Nội, sản xuất nước sạch dành cho tư nhân (Công ty nước Sông Đà, Công ty Nước sông Đuống,…) còn phân phối nước sạch do nhà nước kiểm soát. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất nước sạch là phía độc quyền bán, còn những doanh nghiệp nhà nước đảm nhận vai trò phân phối nước là phía độc quyền mua. Lẽ ra nên để hai phía đàm phán với nhau để vừa bảo đảm được chất lượng nước, vừa bảo đảm được giá bán lẻ hợp lý thì chính quyền thành phố Hà Nội lại giành quyền lựa chọn Công ty Nước sông Đuống, giành luôn cả việc thương lượng để mua nước sạch của công ty này với giá cao hơn các nguồn khác.
Tại sao không công khai, mời gọi các nhà đầu tư cùng trình dự án đầu tư nhằm chọn nhà đầu tư có phương án tối ưu và bao tiêu sản phẩm với mức giá vừa bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư, vừa bảo đảm giá bán lẻ nước sạch hợp lý, có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn sự phát triển chung của thành phố Hà Nội?
Theo Quỳnh Anh, vì thiếu công đoạn này nên Công ty Nước sông Đuống gộp cả lãi vay vào suất đầu tư, khiến chi phí tăng lên, lợi nhuận giảm xuống và dựa vào đó để đòi chính quyền thành phố Hà Nội phải mua nước sạch với giá cao hơn, nhằm giúp Công ty Nước sông Đuống có mức “lợi nhuận hợp lý”.
Quỳnh Anh nhấn mạnh, nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia chào mức “lợi nhuận kỳ vọng”, chắc chắn chính quyền thành phố Hà Nội sẽ tìm ra – chọn được nhà đầu tư có tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính thấp hơn và quan trọng hơn là sẽ chọn được nhà đầu tư có công nghệ hợp lý, đặt nhà máy nước ở vị trí tối ưu.
Vì không có giai đoạn này nên mới có chuyện chủ đầu tư Nhà máy Nước sông Đuống đưa lãi vào suất đầu tư, đẩy chi phí lên, kéo lợi nhuận xuống và đòi giá bán cao hơn để đạt “lợi nhuận hợp lý”. Nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, thi nhau chào mức “lợi nhuận kỳ vọng”, chắc chắn sẽ chọn được nhà đầu tư có tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính thấp hơn và quan trọng hơn là sẽ chọn được nhà đầu tư có công nghệ hợp lý, chọn vị trí đặt nhà máy nước tối ưu, chứ không đặt nhà máy nước ở hạ nguồn bất kể thượng nguồn có nhiều khu công nghiệp! Công ty Nước sông Đuống không quan tâm đến sự bất lợi khi đặt nhà máy nước ở hạ nguồn vì bất kể thế nào, lợi nhuận cũng vẫn như… kỳ vọng!
Quỳnh Anh xem việc chính quyền thành phố Hà Nội lấy công quỹ bù lỗ cho Công ty Nước sông Đuống là một thứ… ngoại lệ không theo bất kỳ nguyên lý kinh tế nào (5). Còn ông Nguyễn Xuân Thành, một chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Fulbright thì gọi đó là sự chuyển hướng độc quyền từ nhà nước sang tư nhân!
Bất kể thế nào, bất lợi ra sao thì chuyện cũng đã rồi. Ít nhất, Công ty Nước sông Đuống đã chuyển nhượng 34% cổ phần cho một tập đoàn của Thái Lan. Thay đổi nội dung mà chính quyền thành phố Hà Nội đã cam kết với Công ty Nước sông Đuống cách nay vài năm có thể dẫn đến những vụ kiện quốc tế, thiệt hại cho công khố càng thêm khó lường!
***
Thêm một dịp nữa để người Việt phải cảnh giác với “xã hội hóa”, với nỗ lực giúp… “dân giàu” theo quan niệm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Công ty Nước sông Đuống là ví dụ mới nhất, không phải ví dụ duy nhất và cuối cùng. Cách nay vài tháng, cũng với lý do hỗ trợ… “dân giàu”, các viên chức hữu trách ở Quảng Ngãi đã rút 70 tỉ (tương đương ba triệu Mỹ kim) để làm đường vào Khu nghỉ dưỡng Nghĩa Thuận của Công ty Hà – Mỹ Á (6).
Trước nữa, cũng với quan niệm tương tự, cũng nhân danh “xã hội hóa”, nhiều ngàn héc ta đã được giao cho chủ đầu tư các “khu du lịch tâm linh” (7), nhiều ngàn tỉ đã được rút từ công khố để rót vào các công trình hạ tầng, mở đường vào những khu “du lịch tâm linh”, chẳng hạn Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao do Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường làm chủ đầu tư (8). Hỗ trợ làm giàu theo kiểu như thế chắc chắn chỉ tạo ra một nhóm nhỏ cực kỳ giàu có và theo sau là nhiều triệu dân tiến thẳng từ nghèo đến mạt.
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/thu-tuong-dung-so-dan-giau-cac-dong-chi-a-587068.html
(3) http://vneconomy.vn/mua-nuoc-nha-may-song-duong-gap-doi-song-da-ai-chiu-thiet-20191102135623306.htm
(5) https://nguoidothi.net.vn/co-loi-ich-nhom-trong-san-xuat-va-phan-phoi-nuoc-sach-21513.html
(7) https://plo.vn/thoi-su/ba-tinh-phai-bao-cao-vu-cap-dat-xay-chua-khung-853828.html
Đất nước khốn nạn, dân không uống thì khát, móc túi trước trả 5 đồng tiền nước cũng đồng nghĩa với móc túi sau 5 đồng tiền tương lai để trả.
Hãy hỏi ông Vương đình Huệ, GĐ tài chính của đảng chó rằng tiền lãi vay đưa vào giá thành có khác chi đưa cả VAT vào chi phí luôn thể.