Mượn hoa cúng Phật!

Dương Tiêu

14-11-2019

Giống như mọi cổ tích, câu chuyện hôm nay tôi kể cũng bắt đầu bằng cụm từ: Ngày xửa ngày xưa.

Ngày xửa ngày xưa, tức là cách nay đúng 10 năm thiếu độ chục ngày, có một gia đình đại gia nọ. Họ là những người hay lam hay làm và nhân vật nữ chính sau nhiều sóng to gió nhớn đã từ cá tra hóa ra cá mập và làm chủ cả Công ty bảo hiểm có tên AAA. Hôm đó, một ngày chớm đông gia đình nữ đại gia này thực hiện một chuyến bay của một hãng bay (xin không nêu tên).

Dù đi theo đoàn gia đình 4 người nhưng bà Tổng giám đốc tên Liên và chồng chỉ mua 3 vé hạng C, một vé hạng phổ thông. Báo chí dẫn lời bà Liên kể, đến phần phục vụ bữa ăn, tiếp viên đột nhiên yêu cầu một người phải về ghế hạng phổ thông để tiện phục vụ. “Chúng tôi không đồng ý với lý do con nhỏ không thể tách rời khỏi cha mẹ…”, bà Liên nhấn.

Rồi bất bình trước cách cư xử kỳ cục của hãng bay, cụ thể là không cho gia đình bà sum họp trên khoang hạng C, bà Liên dọa kiện hãng bay. Sự việc sau đó thế nào báo không nói tiếp hoặc có kể mà tôi không có diễm phúc đọc được. Chỉ biết rằng nữ đại gia này giờ đã nổi danh bốn bể với biệt danh Shark tank (Đọc là Xác tan).

Vâng, đó chính là Xác Liên, người vừa mới ra tay phổ độ chúng sinh Hà Nội tỉnh bằng cách xây một nhà máy nước mà Xác coi là sứ mệnh hướng tới cộng đồng của mình.

Theo một thỏa thuận dịch vụ cấp nước ký giữa Sở Xây dựng và Công ty CP nước mặt sông Đuống (ngày 28/11/2017) thì nguồn tài chính cho dự án cấp nước này vào khoảng hơn 4.998 tỷ trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 999 tỷ còn vốn vay là 3.998 tỷ vay thương mại từ ngân hàng IndoVina và các ngân hàng khác.

Như vậy là trong dự án nước sông Đuống gần 5.000 tỷ thì Xác Liên và đồng sự chỉ có nhõn gần 1.000 tỷ, còn gần 4.000 tỷ thì đi vay thương mại. Dân vay FE Credit 4 triệu đã lo vãi đái vì chậm trả thì bị khủng bố, bị bêu tên lên mạng xã hội. Nhưng Xác Liên chả lo. Phi vụ này thắng 101%. Vay ngân hàng thì đã có người mua nước sạch trả lãi.

Cứ nhìn cuộc họp báo gần đây, ông Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã đứng dậy nói thay cho doanh nghiệp về việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống thì thấy 10.246 đồng/m3, cái giá mà ông Giám đốc cho rằng được thai nghén trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”. (Ở phía kia, Xác Liên nhận định, “thực sự với giá nước này doanh nghiệp còn đang rất trăn trở, phải gồng mình”). Tính đúng tính đủ ở đây bao gồm: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…

Như thế, theo người giữ túi tiền của TP Hà Nội thì khi nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%.

Với giá “tạm tính” cho một khối nước sạch thì trong hơn 10k giá nước đó, chúng mình phải trả hộ Xác Liên hơn 2k lãi ngân hàng. Sản lượng tiêu thụ nước sông Đuống dự kiến năm 2021 là 165.000m3/ngày đêm đến năm 2025 là 270.000m3/ngày đêm. Ai giỏi toán tính hộ số tiền lãi vay mà Xác Liên nhón từ túi khách hàng với?

Những điều tôi vừa nêu như giá nước sông Đuống hơn 10k/m3 đã được lãnh đạo TP Hà Nội “chấp thuận về nguyên tắc”. Như vậy việc tính lãi vay ngân hàng vào giá nước đã được chính quyền Thủ đô bật đèn xanh. Giờ chỉ còn việc triển khai.

Nhưng bình luận về phi vụ này, một luật sư băn khoăn: Tiền lãi này doanh nghiệp phải chịu, tại sao lại tính vào giá thành hàng hóa để người dân phải trả? Rồi ông này tự trả lời: “Đầu tư dự án như Shark Liên thì nói thật đến anh xe ôm cũng làm được, chứ không cần phải là tập đoàn lớn!”.

Còn nhớ vài năm trước, một ông lớn độc quyền trong ngành điện đã cộng cả chi phí xây bể bơi, sân tennis… vào giá điện. Sau đó, những chi phí này bị Bộ Công Thương “huýt còi” loại ra vì sức ép dư luận quá lớn.

Tất nhiên, Xác Liên không phải anh xe ôm và cũng không có tiếng còi nào nổi lên nên mức giá nghễu nghện 10k kia vẫn đang nằm trong văn bản của các cơ quan liên quan tại Hà Nội. Và người dân Thủ đô (cụ thể là dân 168 phường xã thuộc 8 quận huyện vinh dự được ăn uống rửa ráy tắm táp bằng nước sông Đuống) sẽ phải nhớ đến việc trả lãi vay cho Xác Liên mỗi khi giật bồn cầu sau khi đi… (đoạn này kiểm duyệt) mà cấm được kêu câu nào.

Đằng nào chúng mình chả là con tin. Ra đường là con tin cho các hung thần xa lộ, sử dụng dịch vụ công ích thì làm con tin cho các Xác.

Khi mà các dịch vụ thiết yếu còn trong tay các Xác tan thì người dân xác cmn định là tan xác. Chứ còn sao nữa đây.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “chi phí thất thoát 18%” – Cái này mới thật sự bỉ ổi!

  2. Cũng toàn là con cháu các cụ nhà đảng cả. Phải để chúng kiếm ăn thì các cháu mới cúng dường các cụ chứ. Chứ đâu như cái bọn trí thức lỏi, chúng bòn rút các cụ xong rồi, chúng phủi đít quay về làm người ” tử tế”.
    Xác tan từ từ hay tan xác hết là phụ thuộc vào các đệ tử.

Comments are closed.