5-11-2019
Nhận định của thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu về vụ 39 người Việt chết ngạt tại Anh “không phải là buôn người, mà là tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài“, cho thấy ông tướng này rất thiếu hiểu biết về pháp luật phòng chống buôn người.
Vụ này có những dấu hiệu pháp lý rất rõ ràng về tội buôn người như:
– Hình thức buôn người thứ nhất: Nạn nhân phải trả một số tiền lớn để làm hộ chiếu Trung Quốc giả đi sang Anh Quốc. Trong hành trình vượt biên, họ bị lạm dụng và bị tước đoạt nhiều quyền con người. Đây là tội phạm buôn người dưới hình thức “buôn lậu người di cư”.
– Hình thức buôn người thứ hai: Khi đưa nạn nhân đến được Anh Quốc, nạn nhân phải lao động trong điều kiện bị giam cầm hoặc bị ép buộc lao động. Đây là tội phạm buôn người dưới hình thức “buôn bán người lao động cưỡng bức”.
– Hình thức buôn người thứ ba: Sang Anh Quốc, nạn nhân có thể sẽ thực hiện một số các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như trồng cần sa. Đây là tội phạm buôn người dưới hình thức “buôn bán người cho hoạt động tội phạm cưỡng bức”.
Chỉ cần vụ việc mang dấu hiệu của một trong ba hình thức nêu trên là cơ quan chức năng cần phải khởi tố và điều tra tội buôn người. (Bên cạnh đó còn có hình thức buôn người để khai thác tình dục và buôn người để lấy nội tạng). Vụ này, các cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố về tội “tổ chức đưa người khác ra nước ngoài trái phép” là xác định sai bản chất vụ việc.
Lưu ý rằng, tội buôn người sẽ không phụ thuộc vào sự đồng ý của nạn nhân. Cơ sở pháp lý là Điều 3 của Nghị định thư về ngăn chặn, phòng chống và trừng phạt tội buôn người (được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2000) nêu rõ: “Sự đồng ý của nạn nhân buôn người là không được công nhận”.
Điều này có nghĩa rằng, ngay cả khi 39 nạn nhân đồng ý trả tiền để đến Anh Quốc, đồng ý lao động trong điều kiện bị giam cầm hoặc đồng ý lao động trong các hoạt động phạm pháp, thì những kẻ tổ chức, môi giới, hay vận chuyển họ trong trường hợp này cũng đều phạm vào tội buôn người.
Vì vậy, nhận định “không ai bỏ ra 1 tỉ đồng để cho người khác buôn mình” của tướng Cầu là một phát ngôn rất thiếu hiểu biết về pháp luật phòng chống buôn người.
Qua vụ này cho thấy, các cơ quan tố tụng Việt Nam đã không làm tròn chức năng của mình khi không khởi tố về tội buôn người, dù cơ sở pháp lý của Việt Nam về vấn đề này cũng khá đầy đủ. Cụ thể, tại Điều 150 Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về tội “mua bán người lao động cưỡng bức”, và Luật phòng chống mua bán người (có hiệu lực thi hành vào năm 2012) cũng có quy định về hành vi “mua bán người lao động cưỡng bức”, nhưng trong suốt bảy năm qua, không có bất kỳ một kẻ buôn người nào bị truy tố theo các quy định về mua bán người lao động cưỡng bức.
Có vẻ, chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật phòng chống buôn người của giới chức đã làm suy giảm nỗ lực phòng chống buôn người tại Việt Nam.
_____
Xem thêm các hình thức buôn người theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL): https://www.interpol.int/Crimes/Human-trafficking/Types-of-human-trafficking
Ước gì tiengdan có những comment như của bác Trần H. Cách chứ không như của các vị Ruồi Muỗi
Cần có một Định Nghĩa chuẩn, dễ hiểu, chính xác và thuyết phục về khái niệm Buôn Người.
Người dân bình thường hiểu rằng “buôn” là mua hàng (ở nơi giá rẻ) để bán kiếm lãi (lời) ở nơi giá cao. Rất dễ hiểu khi nói buôn vải, buôn muối, buôn ô tô, vũ khí…
Ví dụ về buôn người. Dụ dỗ phụ nữ và trẻ em (bằng một số chi phí thấp) rồi cung cấp (bán có lãi) cho các ổ mại dâm hoặc làm nô lệ… Đó là buôn người. Ở đây, người (phụ nữ, trẻ em) trở thành hàng hóa để mua và để bán.
Bác PL Vương Các nên đưa ra những lý lẽ thuyết phục hơn nữa, khi khẳng định rằng 39 đồng bào chết ngạt là hàng hóa mà bọn buôn người (bỏ tiền ra mua rẻ) để đem đến nơi nào có thể bán giá cao, có lãi.
Chả lẽ tôi dám thay bác làm chuyện này? Không dám đâu.
Có hai thuật ngữ cần phải để ý và so sánh liên quan đến sự việc này. Đó là “people smuggling”, tức đưa lậu người, và “human trafficking”, tức buôn người. Cả hai hành động đều phi pháp theo luật của nhiều quốc gia đang phải đối phó với nạn người nhập cư không chính thức.
Đưa lậu người có đặc điểm là có sự chấp thuận của người đi, và người đi không bị trục lợi hay cầm giữ như nô lệ sau khi chuyến đi hoàn tất.
Buôn người có đặc điểm là người đi bị nhóm tổ chức khai thác, trục lợi hay cầm giữ như nô lệ hiện đại sau khi đã đến nơi. Người đi có thể bị lừa và tưởng nhóm tổ chức của họ chỉ đưa lậu người chứ không buôn người.
Ở Anh, nhà chức trách từ nhiều năm nay đã ghi nhận hiện tượng nô lệ hiện đại, trong đó có những thiếu niên Việt Nam được đưa sang Anh để làm lao nô trong những trại cần sa bí mật hoặc nô lệ tình dục. Nhiều người trưởng thành cũng bị buộc phải làm việc trong ngành săn sóc móng và bị ăn chặn tiền lương.
Người bị buôn có thể biết mình sẽ bị buôn, nhưng thường họ bị lừa và sang đến nơi mới biết. Nhóm buôn người có thể cũng chính là nhóm khai thác nô lệ hiện đại ở nơi đến, còn không thì chắc chắn hai bên phải có liên hệ thì mới có một bên “giao” và bên kia “nhận” người.
Khi quan chức Việt Nam gạt bỏ bản chất của sự việc như là hành vi “buôn người” mà khẳng định đó chỉ là “đưa người đi nước ngoài bất hợp pháp”, họ có thể làm vậy vì muốn chạy tội cho những tổ chức mà ngay các chính quyền địa phương có thể cũng dự phần. Các đường dây đưa người lậu sang Tây Âu qua ngả Nga đã hiện hữu từ nhiều năm qua, lẽ nào các quan địa phương lại không biết? Thiếu điều các quan còn tin rằng các đường dây này đang bán chính thức tiếp tay cho “quốc sách” xuất khẩu lao động của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trích: “Vì vậy, nhận định “không ai bỏ ra 1 tỉ đồng để cho người khác buôn mình” của tướng Cầu là một phát ngôn rất thiếu hiểu biết về pháp luật phòng chống buôn người.”
Tôi cho rằng tướng Cầu hiểu hiện tượng di dân lậu hiện nay dưới nhãn quan của thời 1980, khi người Việt Nam vẫn thường phải trả tiền để tham gia những chuyến đi vượt biên. Theo cách hiểu ấy, người muốn sang Anh phải trả tiền cho những nhóm tổ chức và môi giới, có vẻ giống như người miền Nam bỏ chạy chủ nghĩa cộng sản hồi đó đã phải trả nhiều cây vàng mỗi người cho chuyến vượt biên. (Nhưng có điều khác quan trọng là người vượt biên không bị “buôn”, vì khi thoát khỏi nước, họ trở thành người tự do chứ không thành một dạng nô lệ nào đó.)
Cách hiểu của tướng Cầu dẫn đến hậu quả là chính quyền Việt Nam sẽ trừng trị người trả tiền, tức là nạn nhân, thay vì những nhóm tổ chức và môi giới!
Não trạng này cũng giống như việc kết tội “phản quốc” đối với người vượt biên thời xưa. Nó duy trì lòng thù ghét người Việt ở nước ngoài, mà điển hình rõ ràng nhất mới đây của thái độ này là một lãnh đạo chóp bu của chế độ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn gọi chung chung người Việt hải ngoại là “bọn phản động lưu vong”!
Mọi quan điểm của quan chức cao cấp đều phải được xét nét, vì chúng thường dẫn đến những chính sách sai lạc, có khi vô nhân và vô phương cứu chữa nếu xét theo hướng hòa giải dân tộc. Theo tôi, các trường hợp Nguyễn Xuân Phúc và Trần Đại Quang, hai trong “tứ trụ”, là vô phương cứu chữa đối với người Việt hải ngoại, vì một ông phát biểu đầy hằn học như trên, còn ông kia ký lệnh tước quốc tịch và trục xuất một giáo sư toán Việt kiều nổi tiếng.